Thư của Hoàng Xuân Hãn gửi cho ông Nguyễn Đắc Xuân (Kí giả và Giáo sư ở Huế, Việt Nam)
Thư của học giả Hoàng Xuân Hãn
gửi tác giả Nguyễn Đắc Xuân
Paris, ngày 15-12-1991
Thân gửi Chú Nguyễn Đắc Xuân,
Bà Thu Lê từ lâu đã trao cho tôi bài tường trình của chú về sự khám phá ngôi mộ Quang Trung. Tôi đã đọc rất kỹ càng, tìm lại các địa đồ in rõ hơn để theo dõi các địa điểm chú đã dẫn, và theo quá trình chú đã vượt để đạt đến kết quả. Tôi đã có ý viết thư dài về, tán thành và khen công trình của chú, nhưng vì tuổi già trí lẫn, lại thêm mắt lòa, cho nên thư tôi chưa kịp viết, mà thư chú cũng để lẫn vào một hồ sơ chưa tìm thấy.
Nay có bà Song Xuân sắp về qua Huế, nhắc lại chuyện chú và nhận cầm thư về trao cho chú, cho nên tôi lật đật viết vài dòng về, khẳng định đồng ý với chú và khen chú đã đạt một kết quả lịch sử quý với sự thật và với tình cảm chung đối với Quang Trung. Tôi nói thêm rằng công trình lý luận và thực hành của chú và các bạn đáng làm gương cho các phường khảo cổ ở xứ ta bây giờ.
Trong bài tường trình, lẽ tất nhiên là chú đã thuật lại những giả thiết chú đặt ra, bác giả thiết không cần với thực hiện, để đi đến giả thiết hợp lý hơn, rồi từ đó suy đoán khám nghiệm, rồi đạt được sự thật. Bắt đầu gạt bỏ “mộ Ba Vành”vì ở đó có bia nói đến người khác. Một sự cẩu thả của những người khảo cứu trước là không chịu khó tìm tòi. Hay bia mòn quá? Hay họ không để ý đến bia? Có lẽ vì “ông lớn” Đại có mộ này, mà dân Huế phải kiêng tên bằng cách đọc trại ra “đợi” như nói “đền Lịch Đợi”.
Một sự kiện quan yếu liên hệ đến mộ Quang Trung là chính lời của Phan Huy Ích trong một vài nguyên chú trước, một vài thơ của Ông trong Dụ Am ngâm lục. Nhờ đó nay còn biết tên trỏ lăng Quang Trung, biết lăng này gần nhà trọ của Huy Ích và nhà trọ này cũng ở gần dinh Bùi Đắc Tuyên. Dinh này là chùa Thiền Lâm cũ, theo lời Huy Ích (nguyên chú thơ Xuân để ký sự), sách Đại Nam nhất thống chí (quyển Thừa Thiên) và Đại Nam thực lục (đệ nhất kỷ, quyển 30, trang 45b). Nếu tên Thiền Lâm còn trỏ chùa nào ở phía nam sông Hương, xế tây nam thành Huế (tôi có ghi rằng dinh ấy sau đổi làm chùa Thiên Bản, nhưng nay chưa tìm lại được xuất xứ), thì ta biết chắc liền địa điểm dinh kia. Nếu không biết chùa Thiền Lâm ở đâu, thì ta cũng đoán được rằng ấy không những là một chùa lớn, mà phải có viện thự khang trang lộng lẫy, đáng để vị Thái phó phụ chánh triều Quang Toản chọn làm dinh thự. Không thể trong chốc lát sau khi Quang Trung thình lình mất, mà Bùi Đắc Tuyên có thể xây dựng lên nổi. Đó phải là một cơ sở của chúa Nguyễn cũ. Sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10, trang 22a có chép rằng: “Võ Vương, sau khi đã xưng vương, năm 1754, xây dựng đô và ấp...ở thượng lưu sông Hương (đây chỉ muốn nói: ở trên Kinh đô về phía Tây) lại có Phủ Dương Xuân gồm điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, điêu khắc, hồ vuông, đám hoa cỏ”. Cái tên Dương Xuân hợp với tên xã, chắc khi xưa rất lớn, gồm các làng Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ, Dương Hòa ngày nay. Những chi tiết trên chắc đã lấy từ Phủ biên tạp lục (có nhiều thông tin hơn) mà chẳng phải hư không, Võ Vương xây phủ ở đó. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển Thừa Thiên, có chép tên “gò Dương Xuân” ở tây bắc huyện Hương Thủy “thế bằng rộng, phía nam có đàn Nam Giao, xung quanh có nhiều chùa cũ nổi tiếng… Hồi đầu triều chúa Nguyễn có dựng phủ ở đó. Năm 1700 có trùng tu. Khi dựng phủ, có đào được một cái ấn đồng khắc bốn chữ “TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN”, cho nên phủ này cũng có tên Phủ Ấn”. Theo sách Đại Nam nhất thống chí sọan đời Nguyễn (Tự Đức) thì sau khi binh hoả, nay không biết ở chỗ nào. Thế mà người ngoài như thương khách P.Poivre, xưa được Võ Vương tiếp, còn để lại mấy dòng tả cái cảnh lộng lẫy của Phủ.
Tôi ở Huế, đã có những suy nghĩ trên, nhưng không thể suy biết hơn nữa. Chỉ có người khảo sát thực địa mới có thể tiến một nấc nữa. Trước đó, Cadière đoán chỗ dinh Võ Vương (số 8 trên bản đồ BAVH). Nay có chú đã dựa vào những di tích trang trọng khác thường mà đoán chắc hơn. Rồi chú dùng những tập tục tín ngưỡng xưa, tuy cho là dị đoan, nhưng có tính cách định đoạt trong xã hội xưa, như luật phong thủy, như sự quỷ thần trừng phạt kẻ phỉ báng, để đoán được chỗ huyệt của lăng; rồi thí nghiệm cuối cùng bằng kỹ thuật khai quật. Những di tích như dấu thành mộ lớn, quan trong khác thường, tảng đá lớn có thể là quách quan tài,.v.v…, khiến chú nhận chỗ này là mộ Quang Trung. Tôi rất đồng mọi ý… Sau đây tôi xin khuyên chú mấy điều:
1. Đề nghị với các giới Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai khu “mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào lọai di tích lịch sử mà Nhà nước phải bảo tồn và tu bổ, rồi biến nó ra những điểm du lịch, khiến sẽ đem lợi cho thành phố Huế về chính sách du lịch nhiều, vì Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút.
2.Lúc những di tích ấy đã quốc hữu hoá, thì chú nên khai quật rộng ra, vì tôi chắc chắn còn có những di vật khác chung quanh hay ở sâu, thêm chứng và hấp dẫn. Nên hô hào những nơi như Bình Định, Sài Gòn để họ hỗ trợ vào phí tổn. Chính những kẻ muốn đầu tư vào du lịch ở Huế, họ sẽ có lợi trong việc khảo sát này.
3. Nên tìm lại ba tảng đá xưa là quách của quan tài, xây lại hai khu này, trồng rừng, cây cỏ, đắp đường qua lại dễ dàng, để biến thành những điểm du ngoạn lịch sử cạnh di tích các vua Nguyễn.
Thôi, mấy lời chúc chú sang năm Nhâm Thân mọi sự tốt đẹp may mắn.
HOÀNG XUÂN HÃN
60 Av. Théophile Gautier 75016
Paris, France