ĐẠI-VIỆT ANH-DŨNG VÀ ĐAU-KHỔ VỀ NỬA SAU THẾ-KỶ XVIII

Xin giới thiệu GS Dương Kỵ là một người hoàng tộc Nguyễn viết về Phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ - Quang Trung với tinh thần khoa học rất chính xác.

 

ĐẠI-VIỆT ANH-DŨNG VÀ ĐAU-KHỔ

VỀ NỬA SAU THẾ-KỶ XVIII

(Đoạn thứ nhất)

TÂY-SƠN CHIẾM ĐÀNG-TRONG,

CHIẾM ĐÀNG-NGOÀI, ĐUỔI NGOẠI-XÂM

Ta đã thấy các đám loạn làm lung lay chính quyền của Chúa Trịnh ở Đàng-ngoài về nửa sau thế kỷ XVIII. Tình hình của Đàng-trong lúc bấy giờ cũng giống tình hình ở Đàng-ngoài: một đám loạn lớn (Tây-sơn) cháy lên rồi tràn ra Đàng-ngoài đã suy nhược, lôi kéo toàn bộ Đại-Việt vào những cuộc binh đao khốc liệt liên tiếp gần nửa thế kỷ.

Những đảo lộn, đánh nhau như thế, xét cho kỹ, là những vươn mình của dân Đại-Việt để đi đến chỗ thống-nhất.

Một điều đáng chú ý nữa là lúc bấy giờ Đại-Việt, một tay gắng gỏi, cho kỳ thành công, đâu các khúc của thân thể đã tan rã quá lâu rồi, một tay tuốt gươm anh dũng đuổi các đạo quân xâm lăng của Xiêm và nhất là của Tàu. Những công việc đối nội đối ngoại ấy đã đem lại kết quả tốt: đã gầy dựng, đến đầu thế kỷ XIX, một nước Việt-Nam thống-nhất và hùng cường trên miền Đông-Á này.

A – Tây-sơn dấy nghiệp

1) Nguyên nhân.- Nguyên nhân chính gây ra cuộc loạn Tây-sơn ở Đàng-trong cũng là nguyên nhân gây ra các đám loạn ở Đàng-ngoài, và các đám loạn khác dưới mấy triều đại vua ở Việt-Nam khi những triều đại này đã xế bóng. Lớp quan liêu địa chủ lần lần lấn được quyền Chúa, bóc lột dân chúng vô sản. Chúa Võ Vương lại dâm dục, hà hiếp dân sự. Trong đám quan liêu lúc bấy giờ, có thế lực nhất là dòng Trương-phúc, đã theo chúa Nguyễn Hoàng vào trong này, tích lũy thế lực lâu đời. Từ Trương-phúc Phấn, viên tướng cố trì ở lũy Trường-dục năm 1648, đến con Phấn là Trương-phúc Phan, chức thấu Nội-hữu Chưởng-cơ đã thu phục đảo Côn-lôn trong tay người Anh năm 1702, rồi đến đời con của Phan là Trương-phúc Loan làm quan đầu triều “Quốc-phó chưởng Hộ-bộ sự, quản Tượng-cơ” thì thế lực của nhà Trương-phúc đã vững chắc lắm rồi. Loan cầm đầu phe quan-liêu mạnh nhất trong triều Võ Vương. Đến khi Võ Vương mất, Thế tử Hiệu cũng đã chết sớm, đáng lẽ con thứ hai của Chúa là Chương-Võ lên kế vị. Nhưng đời nào Trương-phúc Loan lại chịu lập một ông Chúa đã trưởng thành, có thể hại đến uy-quyền của mình. Thế là bè đảng Trương-phúc cầm tù Chương-Võ, tôn lên ngôi con thứ 16 của Chúa, mới có 12 tuổi, ấy là chúa Duệ-tông. Quyền hành từ đấy vào tay Trương-phúc Loan. Loan tìm cách gây thêm thế-lực cho mình, bố trí vây cánh trong triều; hai con của Loan Trương-phúc Thừa, Trương-phúc Nhạc đều là rể chúa, làm “Chưởng-dinh”, giữ binh quyền, thủ túc của Loan là Thái-Sinh làm bộ Hộ, giữ tài-chánh.

Trong đám quan liêu quí tộc ai có thể là kình-địch của Loan, thì dù là trong dòng họ nhà Chúa Loan cũng tìm cách bỏ tù (Nguyễn-phú Dục), hoặc giết chết (Nguyễn-phúc Văn).

Chính quyền đã chắc chắn trong tay, Loan tha hồ vơ vét thuế của Chính-phủ, Loan tự ý thu làm của tư một phần lớn (mỗi năm Loan bỏ vào kho mình từ 4 đến 5 vạn quan thuế các vùng Sái nguyên, Thu-bồn, Trà-sơn, Trà-vân, Đồng-hương, đấy là chưa kể hằng năm Loan lấy tiền của bộ Hộ từ 3 đến 4 vạn quan). Loan lại ăn hối lộ trong việc xử kiện bổ quan. Nhà rất giàu, gặp lụt ướt rương hòm, đem ra phơi, vàng sáng lóe đầy sân. Như thế thì bảo các tay quan liêu khác không ức làm sao được? Họ gọi Loan là Trương Tần-Cối[1]. Thế là không những lớp nông dân vô sản bất bình, mà lớp nho-sĩ quan liêu, nanh vút của triều Chúa, cũng bất bình nốt.

Vả chăng, tình thế Đàng-trong, lúc bấy giờ, cũng giống như tình thế Đại-Việt sau khi vua Lê Thánh-Tông đã nới rộng bờ cõi thấu Thạch-bi sơn. Vì tiến về Nam qua mau chóng, cho nên Đàng-trong thành dài mà thủ đô vẫn đóng ở Thuận-hóa không phải trung tâm điểm nữa; lại thêm đường giao thông chưa thuận tiện cho nên phải đứt rã, loạn lạc phải sinh ra.

 2) Nguồn gốc nhà Tây-sơn – Tây-sơn chiếm vùng giữa Đàng-trong. – Người đã lợi dụng được tình trạng ấy là ba anh em họ Nguyễn: văn Nhạc, văn Lữ và văn Huệ. Tổ tiên của ba tay chọc trời khuấy nước ấy vốn họ Hồ, người huyện Hưng-nguyên, trấn Nghệ-an.

Ông tổ bốn đời của Nhạc, Lữ, Huệ vào khoảng niên-hiệu Thịnh-nguyên đời Lê (1653-1657), sau một cuộc Trịnh Nguyễn giao phong, bị Chúa Nguyễn bắt đưa vào Nam, nhập vào đoàn di dân khai khẩn đất hoang ở Đàng-trong, lập nhà ở ấp Tây-sơn, trên cao-nguyên An-khê. Vì ở trong lãnh vực phạm vi của  Nguyễn Chúa nên ba anh em cũng cải thành họ Nguyễn để dễ đánh lộn sòng mà hoạt động. Nhạc nguyên là lái buôn mọi, về sau được làm biện-lại ở Vân-đồn. Vì tiêu mất tiền công, Nhạc trốn vào núi cú họp những tên vong mạng những kẻ bất mãn rồi, chẳng bao lâu, nghiễm-nhiên là một tướng lục lâm.

Kể ra thì Nhạc khôn khéo lắm; đối với quần chúng nghèo khổ, Nhạc lấy của nhà giàu để giúp đỡ cho. Đối với lớp nho-sĩ quan-liêu địa-chủ thì Nhạc hô hào trừ nịnh-thần Trương-phúc Loan, lập Hoàng-tôn Nguyễn-phúc Dương là dòng chính thống[2]. Vì thế mà có những người giàu, thổ hào giúp sức: Huyền-Khuê, Nguyễn Thung. Nữ chúa Chiêm Thành cũng giúp anh em Tây-sơn một tay.

Thế lực của anh em Tây-sơn mỗi ngày mỗi mạnh, chẳng bao lâu Nguyễn-văn Nhạc dùng mưu chiếm thành Qui-nhơn (1773). Thanh danh quân ó lừng lẫy, nhất là sau khi dùng hai người Tàu Tập Đình và Lý Tài: Hai tướng đánh giặc thuê này mộ những người to lớn, giả làm người Tàu, khi giáp trận ai nấy đều uống rượu say, cỡi trần, cổ mang vàng bạc, để tỏ ý nhất định liều chết.

Được tin thất thủ Qui-nhơn Chúa Nguyễn sai Nguyễn-phúc Hương kéo binh vào, nhưng Hương bị đạo quân cảm tử của Lý Tài đại phá và tử trận ở núi Bích-kê (Bình-định). Thế là quân Tây-sơn chiếm Quảng-ngãi, rồi sẵn đà thắng lợi lấy luôn Diên-khánh (Khánh-hòa) và Bình-khương (Bình-thuận).

Thế là quân Tây-sơn vững vàng ngự trị ở vùng giữa Đàng-trong.

B.- Nguyễn bị Trịnh rồi Tây-sơn đại phá.

1) Trịnh đánh Nguyễn. – Được tin Đàng-trong rối loạn, Trịnh nhớ đến mối thù xưa chưa trả. Trịnh Sâm liền sai Hoàng-ngũ Phúc, Bùi-thế Đạt đem trọng binh vào vượt sông Gianh chiếm phá lũy Thầy, nơi đã ghi bao nhiêu cuộc thất bại đau đớn của quân Trịnh.

Tuy thế, Trịnh vẫn lót miệng bằng khẩu hiệu hành quân để trừ dùm Trương-Phúc Loan cho Nguyễn. Nhiều tướng của Nguyễn khờ khạo bắt Trương-phúc Loan nạp cho Trịnh để mong quân Trịnh đừng vào giúp một cách nguy-hiểm như thế nữa. Lẽ tất nhiên là quân Trịnh cứ tiến, đánh tan đạo quân yếu ớt của các tướng Nguyễn được lệnh kéo ra cự địch là Tống-hữu Trường, Nguyễn-phúc Tiệp, rồi chiếm Thuận-hóa (1774).

Chúa Duệ-Tông chạy vào Quảng Nam. Để lột mặt nạ của Tây-sơn, Chúa cho Hoàng-tôn Dương làm thế tử gọi là Đông-cung, cho đóng quân ở Cu-đê.

Nhưng chiến thuật chính-trị ấy có làm gì nổi Tây-sơn bấy giờ thế lực đã vững chắc. Thừa cơ Trịnh làm khổ Nguyễn, Tây-sơn lại tấn công kịch-liệt. Bị hai địch thủ đánh hai đầu, Nguyễn thua tan-tành, Duệ-tông chạy vào Gia-định. Hoàng-tôn Dương bị bắt, sau này được Nguyễn-văn Nhạc gả con gái là Thọ-Hương cho và tôn lên ngôi để đối lập với Chúa Duệ-Tông.

2) Tây-sơn hòa với Trịnh. – Nguyễn chạy, Tây-sơn chạm trán quân Trịnh. Mãnh tướng của Tây-sơn là Tập-Đình bị các tướng tiên phong của Trịnh là Hoàng đình Thể, Hoàng phùng Cơ đánh bại, rồi đại binh của Trịnh lại tiến lên, quân Tây-sơn thua. Trịnh chiếm thành Quảng-nam (1775). Nhưng chẳng bao lâu quân Trịnh không phục thủy thổ bị dịch chết rất nhiều phải rút về Thuận-hóa.

Nguyễn-văn Nhạc liền chiếm Quảng-nam rồi sai em là Nguyễn-văn Lữ rược theo Chúa Nguyễn, chiếm thành Gia-định tức là Sài-gòn (1776).

Chúa phải chạy về Cần-thơ nương náu với Mạc Thiên-Tứ.

Nhưng ở đất Gia-định còn nhiều người trung với Chúa Nguyễn. Đỗ-thanh Nhân mộ những tay anh hùng lập thành một đạo quân lấy tên là quân Đông-sơn để phản đối lại quân Tây-sơn rồi đánh lấy lại thành Gia-định. Nguyễn-văn Lữ vơ vét thóc gạo chạy về Qui-nhơn. Vả lại, một tướng của Nguyễn là Tống Phúc Hợp cũng đã lấy lại được vùng Diên-khánh, Bình-khương và uy hiếp Phú-yên. Thấy Nguyễn lại quật cường như thế; Nguyễn-văn Nhạc lo âu, liền xin hàng với Trịnh. Đánh Tây-sơn ngay thì cũng không phải một việc dễ dàng gì nên Trịnh dùng địch giết địch, bèn phong cho Nguyễn-văn Nhạc làm “Trấn thủ Quảng-nam, Tuyên úy đại sứ, Cung Quận công”. Khỏi phòng mặt Bắc, Tây-sơn dồn toàn lực vào Gia-định, nơi mà Chúa Nguyễn lần lần gây lại thế lực nhất là sau khi Hoàng-tôn Dương, rứt bỏ sợi tơ hồng Tây-sơn đã choàng vào cổ, chạy trốn vào được, giúp chúa Nguyễn, Chúa nhường ngôi cho Hoàng-tôn Dương, gọi là Tân-chính Vương, còn mình thì giữ chức, Thái-thượng Vương.

3) Tây-sơn đại phá Nguyễn, chiếm Gia-định. – Bấy giờ sự tình dồn dập tới tấp. Nguyễn-văn Huệ và Nguyễn-văn Lữ hùng hổ vào hạ thành Gia-định, giết tướng Nguyễn, Nguyễn-đăng Trường, một tướng Nguyễn nữa tên là Điển-Nghệ tự tử (tháng ba Đinh-dậu, 1777). Quân Nguyễn đại bại, chạy tứ tung, Nguyễn-văn Huệ đuổi thấu Ba-việt đánh tan đạo quân của Tống-phúc Hòa. Hòa tự tử sau khi than rằng: “Chúa lo thì phải chết, nghĩa không nên trốn tránh như ai”.

Nhưng Chúa Duệ-Tông lúc bấy giờ không phải chỉ “lo” mà thôi. Chạy thâu Long-Xuyên thì chúa bị Nguyễn-văn Huệ bắt được. Hoàng-tôn Dương và Nguyễn-phúc Đông (con Chương-Võ) cũng đều sa lưới; tất cả đều bị giết. Dân Gia-định đã ghi tấn thảm kịch ấy vào câu ca dao này:

Ngồi buồn nhớ Chúa ta xưa,

Long-xuyên hận cũ bao giờ cho nguôi”.

Tưởng thế là quét sạch dòng dõi chúa Nguyễn, Huệ Lữ giao Tổng đốc Chu ở lại cai trị miền Gia-định rồi về Quy-nhơn.

Lấy được tất cả đất đai từ đèo Hải-vân đến Hà-tiên, Nguyễn-văn Nhạc đắc ý, tự xưng Hoàng-Đế, đặt niên hiệu là Thái-Đức.

1) Nguyễn Ánh. – Nhưng trong vụ chém giết rùng rợn ở Long-xuyên, đã có một người dòng dõi thân thích của Chúa Nguyễn thoát được, người ấy là Nguyễn-phúc Ánh hoặc Nguyễn Ánh có tên nữa là Chủng. Nguyễn Ánh lọt được khỏi vòng cương tỏa, nay đây mai đó, để sau này, nhờ lúc lòng người chán nhà Tây-sơn, trùng hưng được cơ nghiệp họ Nguyễn. Nguyễn Ánh con Chương-Võ sinh ngày 8-2-1762, nghĩa là khi bị lôi cuốn theo sự thất bại của Chúa Nguyễn vào Quảng-nam Gia-định là lúc ông còn nhỏ lắm. Khi Huệ Lữ đánh phá Gia-định, ông mới 15 tuổi thế mà sử chép ông đã biết bảo-hộ chúa Duệ-Tông lánh nạn qua Long-xuyên. Sau khi chúa bị hại, ông lang thang bì-bõm ở vùng Cà-mâu, suýt chết ở Sông Ông-Đốc rồi trốn ra đảo Thổ-châu (Poulo-panjang), cách bờ 200 cây số.

2) Nguyễn Ánh hai lần lấy lại thành Gia-định. Nghe tin Huệ Lữ đã về Quy-nhơn, Nguyễn Ánh rời đảo Thổ-châu, tìm Đổ-thanh Nhơn. Trước khi ấy, Đổ-thanh Nhơn dã củ hộp thêm binh lính lấy ở Bình-thuận, triệu tập các tướng Nguyễn cũ như Tống-phúc Khuông, Tống-phúc Lương, Nguyễn-văn Hoàng, Lê-văn Duân v…v…

Nhờ quân tướng ấy, Nguyễn Ánh thắng được Tây-sơn ở Long-hồ, rồi chiếm lại thành Gia-định (11-1777). Qua năm sau, các tướng tôn Nguyễn Ánh làm Đại Nguyên-súy quyền coi việc nước, rồi thăng lên Vương dùng ấn khắc chữ: “Đại-Việt quốc, Nguyễn-Chúa vĩnh trấn chi bửu”, Nguyễn Ánh định kế lâu dài, tổ chức lại đất Gia-định, chia thành 3 dinh: Trấn-biên (Biên-hòa), Phiên-trấn (Gia-định, Định-tường) và Long-hồ (Vĩnh-long, An-giang), đóng thuyền, dựng lũy và đặt đồn điền.

Lê-văn Duân lấy lại được Bình-thuận, Đỗ-thanh Nhân và Hồ-văn Lân đánh Chân-lạp lập một ông vua mới là Nặc-Ấn, Hồ-văn Lân ở lại bảo hộ nước ấy.

Đỗ-thanh Nhân, tướng đạo quân Đông-sơn công trạng nhiều nhất, được làm “Phụ-chính thượng tướng công”. Nhưng ân huệ ấy không được bao lâu. Đến tháng tư âm-lịch năm 1781, Đỗ-thanh Nhân vị Nguyễn Ánh xử tử. Quân Đông-sơn bất bình làm phản. Được tin ấy, Tây-sơn mừng rỡ.

Đến năm sau, 1782, Nguyễn-văn Nhạc sai Nguyễn-văn Huệ vào đánh thành Gia-định. Hai bên kịch chiến, Nguyễn-văn Huệ thắng. Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú-quốc. Nhưng bầy tôi của Nguyễn Ánh không chịu thua, nhóm họp nhau lại, rồi dưới sự chỉ huy của Chu-văn Tiếp, Nguyễn-phúc Mân lấy lại được thành Gia-định, rước Nguyễn Ánh về.

Nguyễn Ánh không tin rằng có thể giữ lâu được, cho người sang Xiêm giao hiếu để kết làm thanh viện. Thì quả thế, chúa tôi nhà Nguyễn ngồi chưa ấm chiếu, Nguyễn-văn Huệ và Nguyễn-văn Lữ đã kéo đại đội vào (1783).

Quân Nguyễn đại bại. Từ đấy bước bôn ba của Nguyễn Ánh lại càng gian nan hơn nữa. Hôm nay Cổ-long, hôm mai Cổ-cốt, chạy sang Phú-quốc, tạt về Thổ-châu, ông luôn luôn bị Tây-sơn lùng bắt, thoát được là nhờ may mắn phi thường.

D. – Ngoại-quốc can thiệp vào nội tình Đàng-trong

Ta còn nhớ người Tây-phương, tuy thèm Đại-Việt, nhưng đã thất bại: thất bại về quân sự, thương-mãi, truyền-giáo. Đến bây giờ nội tình nước ta rối răm, lẽ tất nhiên là họ mưu đồ can thiệp vào. Nhưng họ ở xa, chưa ra tay kịp, thì nước Xiêm ở gần đã làm trước.

1) Người Xiêm. – Bị thua to, Chu-văn Tiếp chạy sang Xiêm cầu cứu, Vua Xiêm thuận, sai Thát-Xĩ-Đa đem thủy quân sang Hà-tiên rước Nguyễn Ánh, tiếp đãi rất hậu, rồi sai tướng Chiêu-Tăng và Chiêu-Sương đem 20.000 quân và 300 chiến thuyền qua giúp (1784).

Có quân Xiêm trợ lực, Nguyễn Ánh lấy lại được Kiến-giang, Ba-thắc, Trà-ôn, Mân-thiết, Sa-đéc. Được tin cao cấp, Nguyễn-văn Huệ hỏa tốc kéo quân vào, mai phục tại sông Sầm-giang và Xuy-miệt (vùng Mỹ-tho). Quân Xiêm cư tiến tràn tới, bị phục quân Đại-Việt đánh tan tành, chỉ còn độ 2000 người trốn về nước. Nguyễn Ánh cũng chạy sang Xiêm.

2) Người Tây-phương, Người Pháp. Ông Bá-Đa-Lộc. – Người Anh, người Hòa-lan đều xin giúp Nguyễn Ánh; Nguyễn Ánh không thuận. Người Bồ-đào-nha (sử cũ chép là Bút-tu-kê) cũng sai sứ là An-Tôn-Lợi đem vải, súng, đến cho Nguyễn Ánh bảo rằng đã tập trung 56 chiến thuyền ở Cô-á (Goa), sẵn sàng tiếp viện Nguyễn Ánh. Ông này cũng từ khước nốt.

Sở dĩ các nước trên thất bại như thế là vì họ đã bị người Pháp phỏng tay trên rồi. Trong lúc bôn ba, Nguyễn Ánh đã gặp một cố-đạo Pháp, ông Bá-Đa-Lộc (Pigneau de Béhaine, Evêque d’A-dran).

Ông này sinh năm 1741 ở Origny en thiérarche (Aisne), đến năm 1771 được làm Giáo-khu Giám-mục Đàng-trong (Vicaire Apostolique de la Cochinchine). Ông giao thiệp thân với Nguyễn Ánh bàn với ông này nên xin Pháp đình viện trợ. Nguyễn Ánh thua liểng xiểng nên cũng thuận. Đến cuối năm 1784, Bá-Đa-Lộc mang Nguyễn-phúc Cảnh tức là con trưởng Nguyễn Ánh, thường gọi là Hoàng-tử Cảnh, cùng quốc thư xuống tàu sang Pondichéry (2-1785) rồi sang Pháp (2-1787).

Bá-Đa-Lộc vận động ở Versailles, trình bày sự dễ-dàng công việc viện-trợ Nguyễn Ánh, những cái lợi mà người Pháp sẽ thu được v.v.

Pháp Vương, Louis XVI, tin lời, ngày 28-11-1787 cho ký tờ hiệp-ước tương trợ Versailles hứa giúp Nguyễn Ánh, nhưng lại giao cho Toàn-quyền Pháp ở Pondichéry, bá tước de Conway, thi hành. Bấy giờ người Pháp bộn bề công việc ở Pondichéry nên de Conway không chịu thi hành hiệp-ước ấy, viết thư về Pháp nói rõ lý do. Pháp đình đang bận rộn vì phong trào cách-mệnh đã nhen lên, nên cũng làm ngơ. Sau này ông Alexi Faure viết sách về Bá-Đa-Lộc có tiếc rẻ rằng: “Ví bằng lúc bấy giờ Chính-phủ Pháp bằng lòng giúp-đỡ cho Bá-Đa-Lộc, thì có lẽ ông đã lập lên cho nước Pháp cuộc đô-hộ ở Việt-Nam ngay từ cuối thế kỷ XVIII, sau này đỡ khỏi dùng chiến tranh mới xong công việc”.

Đ. – Tây-sơn chiếm Đàng-ngoài rồi rút lui.

1) Tình thế hèn yếu của Đàng-ngoài. – Tính thế ở Đàng-ngoài bấy giờ cũng nguy ngập lắm rồi.

Tại phủ-liêu, đang lúc Trịnh Sâm ngây ngất trong tay một tuyệt thế giai nhân là Đặng-thị Huệ (tục gọi Bà Chè) thì các tay quan liêu bấy giờ nhật tích nguyệt lũy, thế lực đã mạnh, chia thành bè đảng tranh quyền nhau. Kẻ thì phò Trịnh Khải con trưởng của Chúa Trịnh Sâm, kẻ thì phò Trịnh Cán con còn nhỏ tuổi của Chúa này và của Đặng-thị Huệ. Kết quả của cuộc tương tranh ấy là thắng lợi về phe Trịnh Cán vì ở trong thì có mẹ là Đặng-thị Huệ thỏ thẻ bên gối Chúa, ở ngoài có Hoàng-đình Bảo tục gọi là Quận Huy là ông quan quyền thế mạnh nhất lúc bấy giờ. Trịnh Khải bị bỏ ngục.

Cho nên đến khi Trịnh Sâm chết, Trịnh Cán được bồng lên ngôi. Nhưng Trịnh Cán còn nhỏ tuổi, đau yếu, chính-quyền vào tay Quận Huy và Bà Chè. Chàng với nàng này ngoài việc chuyên quyền lại hình như quá thân mật với nhau nên thời bấy giờ có câu hát:

Ba quân có mắt như mờ,

Để cho Huy-Quận vào rờ Chính-Cung”.

Ba quân ấy là quan Tam-phủ hoặc ưu-binh, gồm những người quán ở Thanh Nghệ làm nanh vuốt cho Chúa, nên được ưu đãi.

Được ưu đãi, chúng thường làm loạn, sử gọi là Kiêu-binh.

Kể ra Kiêu-binh nảy mầm đã từ lâu: năm 1674 chúng phá nhà định giết Tham-tụng Nguyễn quốc Trinh, phá nhà Phạm-công Trứ; năm 1741 chúng phá nhà định giết Nguyễn-quý Cảnh. Đến bấy giờ việc Quận Huy Bà Chè chuyên quyền là cơ hội, lý lẽ cho chúng lại làm loạn. Dưới sự điều khiển của một biện lại tên là Nguyễn Bằng chúng vây phủ chúa giết Quận Huy, bỏ Trịnh Cán và Bà Chè, vào ngục rước Trịnh Khải phò lên làm Chúa. Trịnh Khải thưởng công cho chúng, chúng lại càng đắc thế làm loạn, phá nhà định giết Quốc-sư Nguyễn Khản (hoặc Nguyễn Ly) đập chết Tạo-sĩ Chiêm Vũ, định giết cậu của Chúa là Dương Khuông, bà thái-phi mẹ của Chúa lậy chúng, chúng mới tha. Nguyễn Khản chạy lên Sơn-tây gọi binh các Trấn về định rước Trịnh Khải đi để trừ Kiêu-binh. Mưu ấy bại lộ, Kiêu-binh chia nhau canh gác các nơi, Chúa không đi được.

Nhưng sự hiềm khích đã được nhen lên quân lính người Thanh Nghệ đóng đồn các nơi phải trốn về Kinh. Chúng lại họp thành từng toán vào nhà quê cướp bóc, làm tăng phần cơ cực ở thôn ổ.

Nguyên từ năm 1786, giá gạo tăng lên vùn vụt: dân quê chết như rạ. Trịnh Khải ra lệnh ai quyên tiền gạo thì được ban thưởng, mà chẳng ai hưởng ứng. Chúa phải đem sắc ép cho nhà giàu để lấy tiền phát chẩn.

Dân đã đói thì rất dễ sinh loạn: Thiêm-Liêm tung hoành ở Quảng-yên, Sử-Thục vẫy vùng ở Kinh-bắc, Cai Già gào thét ở Thái-nguyên v.v… Vả chăng, Đàng-ngoài bị chận ngang sông Gianh, con đường Nam-tiến tổ truyền bị tắt nghẽn. Dân chúng Đàng-ngoài càng ngày càng đông lại càng đói, càng loạn, nên càng tha thiết ước mong nên thống-nhất của nước nhà để mưu sinh dễ dàng hơn. Vì thế mà họ mới ủng hộ việc chinh phục của Tây-sơn để sau này thấy Tây-sơn bất lực nên rời bỏ.

Đấy là tình hình ở Đàng-ngoài. Bây giờ ta hãy nhìn đến tình hình Thuận-hóa.

Dư ba các cuộc lộn xộn của Đàng-ngoài cũng vỗ thấu biên cương đối lũy với Tây-sơn là Thuận-hóa.

Trấn thủ Thuận-hóa là Phạm-ngô Cầu (Quận Tạo) nhu nhược, vô tài, tham lam. Phó-đốc-thị Nguyễn-lĩnh Tân ngấm ngầm phản đối, viết thư về Đông-kinh xin đổi Quận Tạo; Chúa Trịnh không nghe, triệu Nguyễn-lĩnh Tân về. Phó tướng Hoàng-đình Thể nguyên là bộ thuộc của Quận Huy. Từ khi Quận Huy bị giết, Trịnh Khải lên ngôi, thì Quận Tạo nghi ngờ Hoàng-đình Thể, nhất là sau khi được tin một tướng tài đồng môn với Hoàng-đình Thể là Nguyễn-hữu Chỉnh đã bỏ vào Nam theo Tây-sơn.

2) Tây-sơn chiếm Thuận-hóa. – Tình hình suy nhược của Đàng-ngoài, Nguyễn-hữu Chỉnh đã mách cho Nguyễn-văn Nhạc rõ. Nguyễn-văn Nhạc không bỏ qua cơ hội tốt ấy, sai rể là Vũ-văn Nhậm cùng Nguyễn-hữu Chỉnh quản đốc lục quân, Nguyễn-văn Lữ quản đốc thủy quân, Nguyễn-văn Huệ làm Tiết-chế, rầm rộ ra lấy Thuận-hóa.

Tháng 7 năm 1786, thành Thuận-hóa (Phú-xuân) bị tấn công mãnh-liệt cả mặt thủy lẫn mặt bộ. Thành Phú-xuân gần sông, từ mặt nước đến chân thành cao hơn 20 trượng. Quân thủy của Tây-sơn từ dưới bắn lên không tin vào thành được. Hoàng-đình Thể lại hăng hái cự chiến, bắn đắm được một chiếc thuyền, các thuyền khác đều giàn vây chung quanh thành chỏ súng bắn lên, yểm trợ cho lục quân đánh các cửa.

Hoàng-đình Thể và hai con cùng tì tướng Vũ-tá Kiên (Hầu Kiên-Kim) vẫn cố chết liều đánh, đến nỗi hết thuốc đạn, phải sai người vào xin Quận Tạo tiếp tế cho. Nhưng Quận Tạo đóng cửa thành không chịu tiếp tế. Số là trước lúc đó Nguyễn-văn Huệ đã thi hành phép phản gián nhen lại ngọn lửa nghi ngờ trong lòng Quận Tạo. Nguyễn-hữu Chỉnh đã được lệnh viết bức thư này cho Hoàng-đình Thể nhưng sai người giả đưa lầm cho Quận Tạo: “Tôi với ông cũng là môn hạ Quận Huy, hễ đến hôm quân tôi lại, tức khắc ra hàng, thì hai chúng ta đều được hưởng phú quý”.

Thế là Hoàng-đình Thể đại bại, tự cắt cổ mà chết; hai con cùng Vũ-tá Kiên đều tử trận, Quận Tạo ra hàng cũng bị chém.

Quân Tây-sơn vào thành Phú-xuân giết 20.000 người rồi tiến thẳng ra lấy đồn Động-hải (Quảng-bình).

3) Tây-sơn lấy Đông-kinh. – Sau cuộc thắng lợi rực rỡ này, theo lệnh của anh thì đáng lẽ Nguyễn-văn Huệ phải dừng gót viễn chinh, nhưng men chiến thắng đã làm ngây ngất ông tướng đại tài ấy rồi.

Lại thêm Nguyễn-hữu Chỉnh xui sử:

- “Ông phụng mệnh ra đánh một trận mà bình được Thuận-hóa, uy kinh cả chốn Bắc-hà. Phép hành binh, một là thời, hai là thế, ba là cơ; có ba điều ấy đi đâu đánh cũng được. Bây giờ Thăng-long, tướng thì lười quân thì kiêu, ta nhân thể ra lấy, không nên bỏ mất cơ hội nầy”.

Nguyễn-văn Huệ ngần ngại:

- Chốn Bắc-hà là đất lớn, lắm nhân tài, không nên coi làm thường.

Nguyễn-hữu Chỉnh đáp:

- Nhân-tài Bắc-hà chỉ có một tôi thôi, tôi đã đi, tức là nước không có ai. Phàm sự thành tại quả quyết, bại tại do dự, xin ông quyết đi!

Nguyễn-văn Huệ hiểm hóc, cợt nhã:

- Chẳng ngờ người khác, hay là ngờ ông chăng?

Nguyễn-hữu Chỉnh biết mình nói hớ, bị Nguyễn-văn Huệ đi guốc vào bụng, liền bào chửa:

-Tôi tự biết tài hèn, nói như thế có ý tỏ ra rằng đất Bắc-hà không có ai nhân tài đó thôi.

Nguyễn-văn Huệ ngọt lời nói khéo để yên lòng Nguyễn-hữu Chỉnh rồi băn khoăn sợ người Đàng-ngoài còn trung thành với nhà vua Lê. Hữu Chỉnh lại hiến kế giả phù Lê diệt Trịnh. Nguyễn-văn Huệ mười phần xiêu cả mười nhưng còn lo phạm tội trái lệnh anh, kiểu chiếu.

Nguyễn-hữu Chỉnh lại nói:

- Kiểu chiếu tôi nhỏ mà giúp nước là công to và làm tướng ở ngoài nên cứ tự tiện mà làm.

Thế là Nguyễn-hữu Chỉnh đi tiên phong “cõng rắn cắn gà nhà” lấy Thanh, Nghệ, tiến ra chiếm Vị-hoàng đốt lửa làm hiệu.

Nguyễn-văn Huệ kéo đại-đội theo sau cùng hội quân ở đấy rồi tiến lên Đông-kinh. Bình thế Tây-sơn vô cùng mãnh liệt, đánh tan các tướng Trịnh: Đinh-tích Nhưỡng, Bùi-thế Dận, Trịnh-tự Quyền; Trịnh Khải tom góp lực-lượng cuối cùng giao cho lão-tướng Hoàng-phùng Cơ (Quận Thạc) giàn lục-quân ở hồ Vạn-Xuân (huyện Thanh-trì), thủy quân đóng thấu bến Thúy-ái. Còn Chúa thì tự ra đốc chiến bố trận trước lầu Ngũ-long.

Nhưng không làm sao ngăn nổi quân Tây-sơn. Quân Trịnh vỡ tan tành ở bến Thủy-ái, kiện tướng Ngô-cảnh Hoàng tử trận; Hoàng-phùng Cơ cũng thua to, sáu người con tử trận. Cuối cùng, Trịnh Khải cũng thua nốt, Nguyễn-văn Huệ vào Đông-kinh ngày 21-7-1786. Trịnh Khải chạy lên huyện Yên-lãng bị dân bắt, mổ bụng tự tử.

Vua Lê Hiển-Tông (1740-1786) đã già, bèn phong cho Nguyễn-văn Huệ làm Nguyên-soái Uy Quốc-công và gả công chúa Ngọc-Hân cho.

4) Anh em Tây-sơn chia nhau Đàng-trong rồi đánh nhau. – Nhưng ở Quy-nhơn vua Thái-Đức sốt ruột, thấy em trái tướng lệnh của mình mà oai danh lại lừng lẫy. Vua liền lật đật ra Đàng-ngoài đem ông em nguy-hiểm về, giao trả Bắc-Việt lại cho vua Lê và bỏ rơi anh chàng gian-giảo Nguyễn-hữu Chỉnh. Nhưng Nguyễn-hữu Chỉnh chạy theo, vua Thái-Đức lấy Nghệ-an tháp nhập vào Đàng-trong rồi cho Nguyễn-hữu Chỉnh ở lại giữ.

Thấy anh em mình mỗi ngày mỗi xích mích, vua Thái-Đức liền chia đất cho các em. Vua giữ từ Quảng-nam đến Bình-định đóng đô ở Quy-nhơn tự xưng là Trung-ương Hoàng-đế, cho Nguyễn-văn Lữ làm Đông-định Vương ở đất Gia-định, Nguyễn-văn Huệ làm Bắc-bình Vương từ Thuận-hóa đến Nghệ-an (1787).

Lo trước như thế mà cũng không xong. Giành Quảng-nam với anh, Bắc-bình Vương kéo quân vào vây vua Thái-Đức ở thành Quy-nhơn. Vua nầy thua liểng xiểng, khóc lóc thảm thiết, Bắc-bình Vương mới giải vây.

6) Nguyễn-hữu Chỉnh chuyên quyền ở Đàng-ngoài. – Thừa cơ anh em Tây-sơn đánh nhau, Nguyễn-hữu Chỉnh làm ăn một chắc, gây thế lực riêng cho mình ở Nghệ-an. Kể ra thì Nguyễn-hữu Chỉnh cũng là một tay chọc trời khuấy nước không kém gì anh em Tây-sơn. Là một tên tướng Trịnh đào ngũ, Nguyễn-hữu Chỉnh đã lợi dụng thanh-thế Tây-sơn diệt được Trịnh, để mà lên kế vị Trịnh, rồi lợi dụng danh nghĩa phù Lê đánh lại Tây-sơn, gầm thét ở Đàng-ngoài trong một thời.

Khi quân Tây-sơn rút đi rồi, vua Lê vô quyền đã quen nên dòng dõi chúa Trịnh lại xuất đầu lộ diện. Nhưng lần này Trịnh chia làm hai cách: Trịnh Bồng, Trịnh Lệ đánh vùi nhau ở Kinh-đô, Bồng thắng. Đảng của Bồng lại ép vua phong Bồng làm Chúa như cũ, tức là Án-Đô Vương. Rồi cũng như cũ, Trịnh lại hiếp chế Lê, Lê lại ganh ghét Trịnh.

Nguyễn-hữu Chỉnh đã lợi dụng được sự hiềm khích này. Bấy lâu Nguyễn-hữu Chỉnh lo chiêu mộ binh, mã, lập dinh Trung-hùng quân, lại ngụy xưng được vua Lê phong cho làm Trấn-thủ Nghệ-an, Bằng-lĩnh Hầu. Bấy giờ vua Lê bị hiếp đáp quá, cũng kêu cứu với Nguyễn-hữu Chỉnh. Đắc thế, Nguyễn-hữu Chỉnh cùng con là Nguyễn-hữu Du và các tướng Hoàng-viết Tuyến, Nguyễn-như Thái, Lê Duật, Nguyễn-cảnh Thước rầm-rộ tiến ra Bắc, đại phá các tướng Trịnh: Mãn-Trung, Phan-huy Ích, ở Quỳnh-lưu. Trịnh Bồng sai Dương-trọng Tể vào dẹp. Tể sợ quá bỏ chạy ra Kinh-bắc. Trước nhuệ khí của địch, Trịnh Bồng đốt phủ Chúa chạy trốn.

Thế là xong đời các Chúa Trịnh. Chỉnh ngan-nhiên vào Đông-kinh được vua Lê phong cho làm Đại-Tư-Đồ Bằng-trung Công. Nguyễn-hữu Chỉnh tóm được chính-quyền, làm nhiều điều xằng bậy, nhân dân ta oán, vua Lê lo sợ.

E. – Bắc-Bình Vương lấy lại Đàng-ngoài, đại phá quân Thanh.

1) Bắc-Bình Vương lấy lại Đàng-ngoài. – Bắc-Bình Vương sau khi giảng hòa với anh, muốn gây thế lực cho mình, và nhân cơ hội ngoài Bắc lục đục, liền sai Võ-văn Nhậm làm Tiết-chế, Ngô-văn Sở và Phan-văn Lân làm Tham-tán quân vụ kéo binh ra đánh Chỉnh. Các tướng Tây-sơn và các tướng Chỉnh đều gấp rút tranh nhau chiếm đèo Ba-dội, biết rằng ai chiếm trước được dãy núi ấy thì phần thắng ắt về mình. Nhưng các tướng của Chỉnh (Nguyễn-như Thái, Lê Duật, Ninh Tốn) đem quân tới chưa kịp, Võ-văn Nhậm đã vượt đèo Ba-dội: quân Chỉnh đại bại; Lê Duật, Nguyễn-như Thái kế tiếp nhau tử trận. Được tin ấy, Nguyễn-hữu Chỉnh sai con, Nguyễn-hữu Du làm tiên phong, thân dẫn quân đón đánh Võ-văn Nhậm. Nhưng Du thua to ở sông Thanh-quyết (huyện Gia-viễn) và ở Châu-cầu. Chỉnh phải rước vua rời Đông-kinh chạy sang Yên-thế. Chỉnh gom góp tàn quân đóng ở núi Tam-từng, nhưng bị tướng Tây-sơn là Nguyễn-văn Hòa đánh úp, Nguyễn-hữu Du tử trận, Nguyễn-hữu Chỉnh bị bắt đưa về Đông-kinh xử tử.

Võ-văn Nhậm giết Hữu Chỉnh xong cho đi tìm vua Lê Chiêu-Thống không được, bèn tôn Sùng-Nhượng Công, Lê-duy Cẩn lên làm Giám quốc để thu phục lòng người. Nhưng các quan không ai theo. Võ-văn Nhậm lại cậy tài cậy công, sinh hiềm khích với Ngô-văn Sở, Phan-văn Lân. Ta còn nhớ Võ-văn Nhậm là rể của vua Thái-Đức. Từ khi đánh lại anh, Bắc-Bình Vương vẫn có ý nghi Văn Nhậm về phe với anh, lại ghét Văn Nhậm có tài, nên mật bảo Văn Sở để ý dò xét. Đến bây giờ Văn Sở gởi mật thư vào Phú-xuân báo cáo Võ-văn Nhậm có ý mưu phản.

Thế là Bắc-Bình Vương đem kỵ binh ngày đêm gấp rút ra Bắc, giết Võ-văn Nhậm cho Ngô-văn Sở lên thay, đòi cựu-thần nhà Lê ra yết kiến đặt quan lục bộ và quan trấn-thủ, nhưng vẫn dùng Lê-duy Cẩn làm Giám-quốc. Các quan nhà Lê có người ở lại nhận chức (như Ngô-thời Nhậm), có người trốn đi, có người tự tử.

Bắc-Bình Vương chỉnh đốn mọi việc ở Bắc-hà xong rồi, vì có ý gờm vua Thái-Đức ở Nam, nên lại về, để Văn-Sở ở lại giữ đất Bắc.

Vua Lê-Chiêu Thống sau khi thua trận lẩn lút nay đây mai đó lo việc trung-hưng.

2) Bắc-Bình Vương lên ngôi Hoàng-Đế, niên hiệu Quang-Trung (1788-1792). – Như trên kia ta đã thấy, Nguyễn-văn Huệ là người tài giỏi nhất trong thời bấy giờ, đánh đâu hơn đó. Sự-nghiệp của nhà Tây-sơn một phần lớn là công lao của ngài. Đến năm 1788, người Tàu (nhà Thanh) mượn tiếng sang cứu viện vua Lê, chiếm Đông-Kinh, mưu việc thôn tính Đại-Việt. Để tăng uy lực cho mình, ngõ hầu dễ dẹp giặc, ngài sai đấp đàn ở núi Bân-sơn lên ngôi Hoàng-Đế niên hiệu là Quang-Trung, rồi kéo quân ra Bắc.

3) Quân Thanh chiếm Bắc-hà. – Nguyên khi thất thủ Đông-kinh, vua Chiêu-Thống và bà Hoàng-Thái-Hậu, mỗi người tránh một nơi. Bà Hoàng-Thái-Hậu cùng bầy tôi tòng vong lần mò sang Tàu xin cứu viện. Vua nhà Thanh thừa cơ hội ấy sai 20 vạn binh sang chiếm nước ta. Đại binh ấy chia thành 3 đạo:

Một đại do Tôn-sĩ Nghị, Tổng-đốc Lưỡng Quảng, và Đề-đốc Hứa-thế Thanh chỉ huy, sang Lạng-sơn men theo lưu-vực sông Thương kéo xuống;

Một đạo của Đề-Tổng Vân-nam Quý-châu men theo lưu vực sông Hồng-hà, từ Tuyên-quang tràn vào (lúc bấy giờ địa-bàn Tuyên-quang gồm cả Hà-giang, Lào-kay, Yên-bái).

Một đạo của Điển-châu tri phủ, Sầm-nghi Đống từ Cao-bằng đổ xuống.

Tất cả 3 đạo quân ấy đều dưới quyền gươm ấn của Tôn-sĩ Nghị.

Tướng Tây-sơn là bọn Ngô-văn Sở được tin quân Tàu sang, sợ thế yếu đánh không nổi, bèn rút binh về giữ đèo Ba-dội (lục quân) và cửa biển Biện-sơn (thủy quân), rồi cho người về Phú-xuân cao cấp.

Vua Lê Chiêu-Thống lên Kinh-bắc đón quân Tàu rồi đều về Đông-kinh. Người Tàu phong cho vua Lê làm An-Nam Quốc-Vương, nhưng thực-quyền đều trong tay Tôn-sĩ Nghị. Viên tướng Tàu này, vì thắng rất dễ dàng, càng ngày càng kiêu ngạo, cho quân lính phá-phách giết gióc lương dân. Lại thêm vua Lê trả thù báo oán chém giết tàn nhẫn. Lòng người oán giận.

4) Việt Thanh đại chiến (1789). – Ngô-văn Sở sai Nguyễn-văn Tuyết (cháu vua Quang-Trung) phi ngựa trạm đưa tin vào Phú-xuân (24 tháng 11 năm Mậu-thân 1788). Vua Quang-Trung nói: “Vẻ chi anh em sợ hoảng lắm mấy? Đàn Ngô-cẩu kia chỉ đem thân đến mua lấy cái chết đó thôi”. Rồi sau khi lên Ngôi, vua huy động thủy lục ra Bắc.

a) GIONG CỜ RA BẮC. – Ngày 29, quân đến Nghệ-an, vua sai Hô-hổ Hầu (nhất thuyết: Hám-hổ Hầu) tuyển thêm lính ở Nghệ, cứ 3 suất đinh lấy một người, rồi làm lễ điểm duyệt binh lính, tổng cọng được 100.000 người, 200 voi (nhất thuyết: tuyển thêm được 80.000 lính ở Thanh Nghệ, duyệt binh ở Thọ-hạc Thanh-hóa). Vua lại bàn mưu với một ẩn-sĩ ở đất Nghệ là Nguyễn Thiếp (Lục-niên phu tử), rồi dùng lời lẽ chính đáng phủ dụ quân sĩ. Sau khi ôn lại lịch sử kháng chiến của nước nhà từ xưa, vua kết luận: “Các anh em, có trí thức, phải cùng ta đồng lòng gắng sức để thành việc lớn, chứ đừng giở thói phản trắc nhị tâm đó. Hễ việc lộ thì ta quyết giết chết. Bấy giờ đừng trách ta không bảo trước”. Đâu đấy xong xuôi, vua khua quân đi thật nhanh đến ngày 20 tháng chạp thấu núi Ba-dội, hội tất cả quân lính lại cho ăn tết trước. Vua bảo cùng quân lính: “Hôm nay ta ăn tiệc, rồi đến ngày mồng bảy ta lại vào Thăng-long ăn nốt cái tết này. Các người nhớ đấy xem ta nói có đúng không”. Rồi vua lại gắn-bó ba quân bằng khẩu hiệu đanh thép nầy nữa: “Một là ăn đặng tết, hai là đánh chết. Các tướng sĩ thật hết lòng cùng ta”.

b) KẾ HOẠCH PHÁ GIẶC. Kiêu địch. – Đề trưởng kiêu-chí của Tôn-sĩ Nghị làm cho y khinh địch, vua sai Trần-danh Bình cầm đầu tám sứ-thần đến xin hòa. Tôn-sĩ Nghị xé thư, giết Trần-danh Bình, giam các sứ thần khác lại.

Nội-ứng. – Vua nhờ Nguyễn Thiếp mang một bức thư ra Thăng-long (Đông-kinh) khuyên Đề-lĩnh họ Đinh làm nội ứng. Đinh bằng lòng.

Trận-đồ. – Tiên phong: Đại-tư-mã Văn-sở và Nội-hầu Văn-Lâm cai quản tiền quân. Đốc chiến: Hô-hổ Hầu chỉ huy hậu quân.

Đại-Đô-đốc Lộc, Đô-đốc Tuyết cầm đầu tả quân kiêm coi quân thủy: Tuyết ở lại Hải-dương ứng tiếp mặt Đông, Lộc đi gấp đường ra Lạng-sơn, Phượng-nhỡn, Yên-thế (Bắc-Giang) chận đường về của quân Thanh.

Đại-Đô-đốc Bảo, Đô-đốc Long (nhất thuyết: Đô-đốc Mưu) chỉ-huy Hữu-quân: Long xuyên qua Chương-đức (Hà-đông) đến làng Nhân-mục để đánh đồn quân Điền-châu đóng ở làng Khương Thượng do Sầm nghi-Đống chỉ huy (Đống-đa). Bảo làm tiếp ứng đem quân có voi từ huyện Sơn-lãng đổ (Ứng-hòa) ra làng Đại-áng (Hà-đông).

Vua Quang-Trung chỉ huy trung quân, tiết chế mọi đạo.

c) Giao chiến. – Tôn-sĩ Nghị cũng có phòng bị: sai Hứa-thế Thanh đem quân đi chia đóng thêm ở Hà-hồi (tục gọi là lành Vôi) Ngọc-hồi[3], Hoàng-phùng Nghĩa, cựu tướng nhà Lê, giữ Sơn-nam.

Nhanh như chớp, ngày 30 Tết quân Tây-sơn đã qua sông Gián-thủy (Ninh-bình) quân của Nghĩa tan vỡ, toàn quân xích-hậu (do thám) của Tàu bị bắt. Quân Tàu ở các đồn Hà-hồi, Ngọc-hồi không hay biết gì hết.

Hạ đồn Hà-hồi. – Ngày mồng 3 Tết, vua vây đồn Hà-hồi, quân lính la ó vang trời. Quân Thanh bị đánh thình lình đều hàng.

Hạ đồn Ngọc-hồi. – Sáng mờ mờ ngày mồng 5, vua tiến-binh lên đánh Ngọc-hồi, đi trước sĩ-tốt, mở khăn buộc vào cổ quyết chí liều chết chứ không lui. Vua cho 100 thớt voi đi trước. Quân Tàu nấp sau lũy có cắm chông sắt, bắn đạn ra rào rào rồi lại bỏ thuốc súng vào ông chăm lửa đốt, bắt được chiến thuật dùng hỏa hổ của ta. Nhưng trời đổ gió nồm. Thừa thế, vua sai mang những ván gỗ ghép lại, bỏ rơm, đã sắp đặt trước, đỡ đạn cho quân lính tiến vào.

Quân Thanh tán loạn đạp lên máy ngầm chúng đã phòng bị đặt trước: đạn nổ, chúng chết rất nhiều, tìm đường chạy về Thăng-long thì vừa gặp cánh quân của Đô-đốc Bảo từ làng Đại-áng đổ ra lùa quân Tàu xuống Đầm-mực (làng Quỳnh-lôi) chúng chết thêm kể hàng vạn người. Thừa thắng quân ta đánh vỡ luôn các đồn Văn-điển, Yên-quyết của địch. Các tướng Tàu Hứa-thế Thanh Trương triều Long Thượng duy Thăng tử trận.

Hạ đồn Khương-thương. – Trong lúc vua còn kịch chiến ở đồn Ngọc-hồi, thì Đô-đốc Long đã đem hữu-quân đến đánh đồn Khương-thượng. Đồn này chống cự kịch liệt, nhưng rốt cuộc cũng hãm. Sầm Nghi Đống trốn ra Đống-đa thắt cổ chết. Đô-đốc Long thừa thế kéo đến đánh thành Thăng-long.

Thăng-long đón anh-hùng. – Hôm mồng 4 Tết, Sĩ Nghị mới được tin cáo cấp, sai Thanh hùng Nghiệp đem quân đi cứu viện các nơi nhưng đều bại. Đô-đốc Long đã đánh thành, Đề-lĩnh họ Đinh lại sai người đốt nhà cửa trong thành. Thành vỡ, Đô-đốc Long kéo quân vào.

Thế là ngày mồng 5 Tết, trước kỳ hạn đã hẹn với quân lính hai ngày, vua Quang-Trung vào thành Thăng-long, ngự bào đen cả thuốc súng.

Tôn-sĩ Nghị không kịp đóng yên ngựa vội-vàng cùng tướng sĩ vượt cầu phao trên sông Nhị chạy ra Bắc. Cầu sập. Sử chép người Tàu rơi xuống sông nhiều quá đến nỗi nghẽn dòng nước chảy. Lẽ tất nhiên là vua Lê cũng chạy theo rồi sau chết ở bên Tàu.

Chạy đến vùng Phượng-nhỡn, quân Thanh gặp quân ta; Tôn-sĩ Nghị hoảng sợ chạy dài, quăng bỏ quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Sử lại chép thêm rằng thấy Tôn-sĩ Nghị thua tan tành, người Tàu khiếp đảm: từ Ải Nam-quan về Bắc họ lũ lượt tản cư, trong khoảng vài trăm dặm không có bóng người hơi khói.

d) HOA VIỆT GIAO HẢO. – Cũng như mấy triều trước, vua Quang-Trung tuy đại thắng quân Tàu, nhưng tự lượng sức lực lúc bấy giờ nếu kéo dài chiến tranh chưa biết thắng lợi cuối cùng về bên nào, nên vua sai người viết thư ti từ xin giảng hòa và xin thụ phong. Chẳng dừng được, vua Tàu cũng thuận, lại mời vua Quang-Trung qua chơi. Vua sai người đi thế. Nhà Thanh tiếp đãi rất hậu. Vua lại nuôi cái mộng lấy Lưỡng Quảng, sai người sang Tàu cầu hôn và đòi lại hai tỉnh ấy. Nhưng thình lình vua mất, nên việc ấy phải bỏ dỡ.

[Nguồn: Dương Kỵ, VIỆT SỬ khảo lược, Huế - 1949, tr.183-211]

(Lê Trung Độ nhập bài)


[1] Tần-Cối là một tên gian-nịnh đời Tống.

[2] Vì thế nên thời bấy giờ có câu: “Quân Triều: quân Quốc-phó; Quân ó: quân Hoàng-Tôn” Quân ó là quân Tây-sơn, mỗi lần giao chiến la ó vang trời, Hoàng-Tôn Dương là con của Hoàng-tử Hiêu.

[3] Hà-hồi, Ngọc-hồi đều ở tỉnh Hà-đông bây giờ.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia