Lịch sử cho biết vua Quang Trung băng hà vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792) tại Phú Xuân (Huế). Từ đó Phong trào Tây Sơn suy thoái và bị đối phương là Nguyễn Vương tiêu diệt vào mùa hè năm 1801. Sau khi lấy lại được Phú Xuân, Nguyễn Vương (tức vua Gia Long sau nầy) đã “tận pháp trừng trị” giết hết họ hàng nhà Nguyễn Tây Sơn, phá hủy lăng mộ vua Quang Trung “bổ săng, phơi thây, bêu đầu (Quang Trung) ở chợ” (Đại Nam thực lục chính biên, tập 2. tr.451) và sau đó đem sọ dừa người anh hùng áo vải nầy giam vào ngục thất. Sau đó tất cả những gì có liên quan đến Phong trào Tây Sơn (kể cả nơi tọa lạc của lăng mộ vua Quang Trung) đều bị xoá sạch, thay đổi địa danh, cấm mọi người nhắc nhở. Vì thế mà gần hai thế kỷ qua, không ai biết đích xác địa điểm toạ lạc của lăng mộ vua Quang Trung ở nơi đâu. Là một người nghiên cứu Huế, tôi đã phấn đấu trong hàng chục năm để định vị cho được cái địa điểm quan trọng nầy.
Công trình nghiên cứu của tôi đã được học giả Hoàng Xuân Hãn đánh giá cao và đã được Viện Sử học Việt Nam cho ấn hành vào năm 1992. Theo kết quả nghiên cứu, lăng mộ vua Quang Trung đặt ngay trong điện Đan Dương (Phủ Dương Xuân cũ), bên cạnh có chùa Thiền Lâm. Sau khi lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá, chùa Thiền Lâm cũng bị triệt hạ. Về sau chùa Thiền Lâm được tôn tạo và tồn tại cho đến ngày nay.
Trong suốt những năm nghiên cứu, tôi có lời cầu nguyện hương hồn của Hoàng đế Quang Trung phù hộ cho tôi tìm ra dấu tích lăng mộ của ông, sau khi công việc nghiên cứu có kết quả tôi sẽ phụng thờ ông suốt đời. Vì, cho đến lúc đó (những năm tám mươi), một vị Hoàng đế anh hùng như Quang Trung mà hậu duệ không còn ai nên không có người kỵ giỗ hương khói.
Sau khi công trình nghiên cứu Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung được đánh giá cao và xuất bản, tôi thực hiện lời cầu nguyện với người khuất mặt bằng cách trích một phần tiền bán sách chuyển cho chùa Thiền Lâm để tổ chức bữa kỵ đầu tiên vào ngày vua Quang Trung băng hà (29-7 năm Nhâm Tý). Thầy Chơn Trí - trụ trì chùa Thiền Lâm, đề nghị tôi mời một số bạn bè đúng vào chiều ngày 29-7 Nhâm Thân lên chùa Thiền Lâm ăn giỗ vua Quang Trung. Thực hiện lời yêu cầu của nhà chùa, tôi mời một số nhà nghiên cứu và một số quan chức hay quan tâm đến lịch sử. Đây là một chuyện mới xảy ra lần đầu và đây cũng là một cơ hội để tỏ lòng tưởng nhớ vị anh hùng vĩ đại, nên những ai nhận được lời mời đều hứa sẽ đi.
Đúng vào chiều 29-7, gia đình tôi lên chùa Thiền Lâm hơi sớm một chút để chuẩn bị đón khách. Thấy chúng tôi, thầy Chơn Trí mừng rỡ:
- May quá, mai chừ chờ anh nên chưa làm lễ được!
Tôi tưởng việc cúng bái đã xong, tôi lên chỉ để đón bạn bè ăn kỵ thôi. Nghe chưa làm lễ được tôi hơi ngạc nhiên:
- Thưa thầy, mọi việc tôi đã nhờ nhà chùa giúp cho, thầy đợi tôi làm gì!
Thầy Chơn Trí giải thích:
- Mô được! Gần hai trăm năm mới có một ngày húy nhật nầy, nhà chùa chỉ giúp phần lễ thôi, chứ phải có con cháu đội sớ điệp chớ!
Tôi lại ngạc nhiên hơn:
- Vua Quang Trung làm gì còn con cháu mà ...!
Thầy Chơn Trí bất ngờ bảo như ra lệnh cho tôi:
- Vua Quang Trung không còn con cháu, nhưng anh là người họ Nguyễn, đã khổ công hàng chục năm đi tìm lăng mộ của ông, ngày nay lại còn lo việc kỵ giỗ nữa, hơn ai hết anh phải vào đội sớ cầu siêu cho ông.
Quá bất ngờ, tôi không thể nói gì thêm bèn cởi bỏ giày đi theo thầy Chơn Trí vào chánh điện chùa Thiền Lâm. Các thầy và các điệu đã mặc y vàng đứng hai bên bàn thờ Phật. Thầy Chơn Trí bảo tôi vào lạy ba lạy. Tôi ngoan ngoãn làm theo và có cảm giác như đang bắt đầu một vai diễn mà tôi chưa được đọc kịch bản trước. Mọi động tác của tôi đều làm theo sự nhắc nhở của các thầy. Lạy xong các thầy bảo tôi quỳ xuống và đặt lên đầu tôi một cái khay trên đó có để cái sớ “Bạch Phật”. Lễ cầu siêu bắt đầu. Tôi tưởng đâu vài ba phút, không ngờ lễ cứ kéo dài dài, có lúc mỏi quá tôi muốn quỵ xuống. Lễ cầu siêu xong, các thầy đem tờ sớ Bạch Phật đốt. Như thế tôi nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ làm hậu duệ Hoàng đế Quang Trung và vận người đứng lên. Không ngờ sau lễ cầu siêu còn có lễ cúng linh - lễ chính của buổi giỗ nầy. Tôi lại phải tiếp tục quỳ và đội một tờ Điệp. Không thể từ chối và cũng không thể nhờ ai thay thế, cho nên tôi nghĩ “biết đâu mình là hậu duệ thật của Hoàng đế Quang Trung cũng nên” tôi vui vẽ quỳ và đội tờ Điệp. Lúc nầy các khách mời ăn giỗ cũng được mời vào đứng chắp tay hai bên bàn thờ. Tất cả mọi người đều tỏ ra nghiêm cẩn với ý nghĩ hương hồn Hoàng đế Quang Trung đang ngự về. Trước sự nghiêm cẩn ấy, tôi đã phải hết sức cố gắng đóng nốt vai trò của mình để xứng đáng là “hậu duệ của Hoàng đế Quang Trung”. Thầy chủ sám đọc tờ Điệp nhắc đến tiểu sử trích yếu của vua Quang Trung. Lời đọc trang trọng, sâu lắng làm cho tôi xúc động thật sự. Nhờ thế mà tôi đã vượt được sự mệt mỏi quỳ cho đến lúc hồi kinh.
Lễ xong, cỗ chay được dọn xuống nhà trai. Ngôi nhà nầy xây bằng gạch vồ tận dụng của chùa Thiền Lâm cũ bị chôn vùi xuống đất mấy trăm năm trước. Ngôi nhà vừa xây dựng xong, được “khai trương” bằng chính bữa giỗ nầy. Khách hôm ấy có ông bà Hồ Anh Dũng - chuyên viên kiến trúc cổ của UNESCO, ông Thái Công Nguyên - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, một số anh em bạn tôi làm Báo Lao động, các nhà nghiên cứu sử học... Trong bữa giỗ, nghe chúng tôi sẽ tổ chức kỵ hàng năm cho Hoàng đế Quang Trung, các khách mời hết sức tán thành và họ đã đóng góp cho chùa Thiền Lâm được gần một triệu đồng. Ăn giỗ xong, một người đã phát biểu: - Đồ chay của chùa Thiền Lâm nấu rất ngon. Nhưng hôm nay vui nhất là chúng tôi đã gặp được “hậu duệ” của Hoàng đế Quang Trung. Như thế ai dám bảo vua Quang Trung là tuyệt tự! Tôi chỉ được làm “hậu duệ” của Hoàng đế Quang Trung có hơn ba mươi phút. Nhưng dù chỉ có hơn ba mươi phút thôi, niềm vinh dự đó luôn trú ngụ trong tôi suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời mình.
Huế Mùa Thu, 1998.
Chú thích
[1]. Đã đăng Báo Lao động, Xuân 1998, tr.62 và Qua Pháp tìm Huế xưa, Nxb Thuận Hoá, 2000.
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, từ tr.231 đến tr.234)