Ở thời vua Cảnh Thịnh

Chuyến đi Hoàng hoa năm Quỷ Sửu (1793), trong hành trang của Chánh sứ Ngô Thì Nhậm còn có một tờ Thư của thị thần vua Quang Trung biện bạch về việc cầu hồn, soạn sẵn cho sứ bộ Vũ Văn Dũng từ năm Nhâm Tý (1792).

Đã chính là người viết Biểu cầu hôn nhân danh Quang Trung, lại còn tự mình viết thư “biện bạch” nữa, dụng ý kép của Ngô Thì Nhậm là vừa muốn giới thiệu mình, lại vừa để qua đó ngợi ca bậc chân chúa và ân chúa của mình:

“Vốn là một thư sinh, được thờ Quốc vương, tôi lại được yêu mến. Về sự tu dưỡng nhân thân, và điều chủ chốt trong việc làm quan nhận chức, thực đều nhờ Quốc vương dạy bảo, tôi may mắn được thành tựu…

  Quốc vương là người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp, vẫn không quên bàn bạc đạo lý. Trong nghị luận thường ngày, Người diễn đạt được một cách minh bạch những cái mà sách vở đời trước chưa phát triển. Tôi thực nhờ được gần gũi, bơi lội trong kiến thức của Quốc vương mà lĩnh hội được”.

Quang Trung Nguyễn Huệ vừa là đôi cánh nâng bay niềm tự hảo, vừa là anh linh đưa dẫn chuyến đi sứ thành công của Ngô Thì Nhậm, trở về cùng lời đầy tự hào nhắn nhủ với mọi người: “Hạnh tai sinh Nam bang” (Hạnh phúc xiết bao khi được sinh ra ở nước Nam).

Vì thế, từ tháng Chín năm Quý Sửu (1793), Ngô Thì Nhậm khi về đến Phú Xuân là về với những hồi ức, những nỗi niềm cùng Quang Trung. Trong bài thơ Hoài cựu (Nhớ lại chuyện xưa) được chép lẫn vào chỗ sưu tập các sáng tác của người con trưởng Ngô Thì Điển, đời sau đã dễ dàng và thật xúc động nhận ra tấm lòng sùng mộ cùng ngọn bút tài tình của Ngô Thì Nhậm, khi vẽ lại những hình ảnh chói ngời và sự nghiệp lẫy lừng của Quang Trung (dịch):

Trăm vạn quân hùng, khi xuống núi

Càn khôn chuyển biến, chớp mắt thôi

Ông vua “phá ruộng” oai vừa dấy

Quân vương “cây đổ” mất mật ngay

Chớ bảo mạnh tợn dễ chiếm nước

Biết đau gian trá khó giữ lâu

Thịnh suy rốt cuộc do người cả

Than tiếc lệ rơi lẫn máu tràn”.

Khó có tể tìm được ở đâu những ý từ và lời lẽ hay hơn về người anh hùng Tây Sơn của dân tộc! Vì chỉ có ở Ngô Thì Nhậm thôi, những tình cảm nồng nàn sâu đậm đối với Quang Trung Nguyễn Huệ!

Cũng khi đang còn trên đường đi sứ, Ngô Thì Nhậm đã nhiều lần nói đến Khu lăng mộ màu đỏ – Đan Lăng – của Hoàng đế Quang Trung ở Phú Xuân với nỗi phấp phỏng nhớ mong, được viết ra thành lời “ghi chú” của bài thơ Cảm hoài:

Cung điện Đan Dương (Mặt trời đỏ) là Sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta. Quan san cách trở, lâu ngày không được trông coi. Xa vời viên lăng, không ngăn được tấm lòng: một ngày bằng ba thu!”.

Đó là “lời dẫn” của câu kết thơ, cuối thi phẩm Cảm hoài:

Đan Dương cung điện nhật tam thu”!

 (Trông về cung điện Đan Dương (tức Đan Lăng) một ngày coi bằng ba thu).

Khi về đến Phú Xuân, việc đầu tiên của Ngô Thì Nhậm là vào các ngày đầu và giữa tháng, dự lễ “Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu” (Ngày rằm và mồng một, tấu nhạc ở miếu Thái Tổ), để “kính ghi” được bài thơ này (dịch) là:

“Từ thuở Kiều Sơn bặt bát âm

            Đài sen nến ngự, tuyết hoa trầm

            Chín công, bảy đức, lưu Thiều khúc

            Trăm tướng, nghìn khanh, đợi gián lâm

            Ngước mắt: Đan Lăng, mây tía phủ

            Ngẩng đầu: Thanh Miếu, bến Ngân gần

            Gặp kỳ sóc vọng, nghe trình nhạc

            Đêm đêm ruột quặn, lệ ướt đầm!”.

Đến năm Đinh Tỵ (1797, trong một lần theo xe vua trẻ kế vị là Cảnh Thịnh “Tòng giá bái tảo Đan Lăng” (Theo vua đi lễ mộ Quang Trung ở Đan Lăng), Ngô Thì Nhậm còn “cung ký” (cung kính ghi lại) được một thi phẩm đau đáu nỗi niềm cùng Quang Trung nữa (dịch):

“Năm năm, nghiệp lớn chốc hoàn thành

            Bậc thành minh đà rụng tướng tinh

            Dưới giúp đời sau, truyền chính trị

            Trên so trời thẳm, dậy uy thanh

            Nhân cao, nghĩa cả: còn Lê miếu

            Lượng rộng, ơn dày: thả Mãn binh

            Ngôi báu dài lâu nhờ đức lớn

            Sơn Lăng bền vững rạng tinh linh”.

Và viết thêm hai “ghi chú” đầy ý nghĩa tâm linh cho thi phẩm này:

Vua nhà Thanh, từ sau trận đại bại ở thành Thăng Long, rất lo Tiên hoàng đế ta đánh sang phương Bắc, bèn sai tòa Khâm thiên giám chiêm nghiệm vị chủ tinh của vua nước Nam. Người chiêm tinh tâu rằng: vị chủ tinh rất sáng, song, không quá 5 năm, chủ tinh ấy sẽ rơi, không còn đáng lo ngại nữa”;

Mùa Xuân năm Đinh Tỵ (1797), tôi bị ốm, nằm mộng, thấy Tiên hoàng đế ngự ra Bắc Thành, tôi hầu thảo chiếu thư. Câu cuối cùng, ngự bút chữa là: “Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị” (Trẫm xuống cõi đời, để lại sự nghiệp chính trị), rồi ngoảnh lại bảo tôi: “Trẫm thêm 7 chữ, Khanh thấy thế nào?”. Tôi khấu đầu khen hay”.

Mê man mộng mị là thế, nhưng ở câu kết bài thơ ca ngợi Quang Trung, Ngô Thì Nhậm vẫn phải theo thói thường lúc bấy giờ, chúc tụng cho ngôi báu của vua Cảnh Thịnh kế vị được “dài lâu nhờ đức lớn”! Bởi vì, quả rất đáng lo ngại, triều đại Cảnh Thịnh – sau  và không thể như 5 năm thịnh trị thời Quang Trung – đang gặp buổi suy vi.

Được truyền ngôi báu lúc chỉ mới lên mười, vua Cảnh Thịnh đã non tếu trị vì trong hai phương tệ nạn: quyền lực dần dà rơi hết vào sự thao túng lộng hành của Thái sư Bùi Đắc Tuyền bên họ mẹ  và chuyện bè đảng tranh chấp giữa các quan tướng Tây Sơn cũ – mới, trong triều, ngoài cõi. Ngay giữa lúc mà từ phương Nam – Gia Định, thế lực của chúa Nguyễn Ánh kình địch, xưa lép vế trước uy lực của Quang Trung bao nhiêu, nay trỗi dậy mạnh mẽ bấy nhiêu, nhân đà trượt dốc của triều đình vua trẻ Cảnh Thịnh.

Ngô Thì Nhậm bị cô lập, bất lực trong hoàn cảnh đó. Bản thân không còn là Binh bộ Thượng thư nữa, mà nhứ ký dưới bài Tựa viết cho tập sách Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích chỉ còn là Thị trung Đại học sĩ thôi. Nhưng, vị “Đại học sĩ” này vẫn một niềm trung trinh với con đường đi theo Tây Sơn của mình. Cũng vẫn cùng Phan Huy Ích, khi thấy người “bạn đồng khoa, đồng liêu và quyến thuộc” tỏ ý chán nản, muốn bỏ triều đình Phú Xuân, trở về quê hương Sài Sơn ( chùa Thầy) sống với “hoa nhan” (mặt hoa: vợ, hoặc chính là sắc vẻ riêng tư nhàn hạ của mình), Ngô Thì Nhậm đã có đến hai bài thơ khuyên: dù tóc đã hoa râm vẫn nên ở lại với “chức vụ” (“trâm hoa”: cài trâm lên trang phục quan chức) của cả hai người (dịch):

Rừng xanh, bào tía náu hoài a?

Tây phía sông này, tạm sống qua

Lòng chúa cầu hiền, bao ái mộ

Bọn mình gặp hội há dời xa?

Văn chương thù phụng quen nền nếp

Sảnh các tin dùng lại thiết tha

Khuyên bạn đồng liêu “hoa điểm tóc”

“Mặt hoa” nào sánh chiếc “trâm hoa”!”.

Còn với chính mình, thì một lần nữa – như trong lần đi sứ phướng Bắc, gặp được cây tùng đứng thẳng, độc lập trong giá rét – Ngô Thì Nhậm vẫn luôn lấy loài cây ngang tàng, vững vàng này làm tấm gương và bạn đồng hành cho cuộc sống, niềm tin và hi vọng của mình, dù có phải làm cây “Cô tùng” (Cây tùng cô đơn) như đã viết trong thi phẩm cùng tên (dịch):

Sừng sững thân đơn trong giá lạnh

Hy hoàng thượng cổ, khách nào đây?

Tóc xoăn, Bụt ốc lỳ ôm núi

Da cóc, tiên già khỏe cưỡi mây

Xuân đến, cùng mai đua bói quả

Thu về, đón quế sát kề vai

Coi khinh sương tuyết, thường tin chắc

Chẳng chịu nghèo so vốn tính trời”!

Và hình ảnh những “ngọn núi cô độc” (Cô sơn), “con thuyền cô đơn” (Cô chu), nhưng vẫn:

Chở đạo, nhẹ thênh, đường vượt sóng

Vững lòng, khỏi đợi nước dâng đà

Và:

Lòng trong, chẳng bỏ nơi trần tục

Đầu thẳng, riêng thờ chốn ngọc cung

 

Cũng luôn hiện diện trong nhiều thi phẩm nữa của Ngô Thì Nhậm, vừa để tự nhủ lòng, vừa muốn khích lệ người khác, đang phải sống trong hoàn cảnh và thời gian triều chính những năm giữa thập kỉ cuối cùng của thế kỷ XVIII ở Phú Xuân, với những oan khiêm, nghiệt ngã do lộng thần Bùi Đắc Tuyên gây ra.

Dường như đó là điều duy nhất mà Ngô Thì Nhậm có thể làm vào thời gian và hoàn cảnh như thế và cũng gây được đôi chút ảnh hưởng. Vào năm Ất Mão (1795), giữa mùa hè đỏ lửa, Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng – nhân vật chính của sứ đoàn do Quang Trung và Ngô Thì Nhậm sắp xếp năm Nhâm Tý (1792) đi sang triều Thanh “cầu hôn công chúa” không thành – nhân gặp được Trần Văn Kỷ, là bạn thân giao thân thiết của Ngô Thì Nhậm, nhưng lúc này cũng đang bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên bắt đi đày, giam lỏng ở Mỹ Xuyên, đã nghe theo mưu kế của viên cựu Trung thư lệnh thân tín của Hoàng đế Quang Trung này, đem quân vay tòa phủ đệ Bùi Thái sư – chiếm dụng ngôi chùa Thiền Lâm ở giữa kinh đô mà thành lập – bắt được kẻ quyền thần, đem dìm nước, chết!

Ngô Thì Nhậm không thể trực tiếp tham gia vào cuộc đảo chính này. Nhưng ở thân phận một “Đại học sĩ cô đơn”, Ngô Thì Nhậm đã có ngay thi phẩm Tái kinh Thiền Lâm tự (Lại qua chùa Thiền Lâm) để bày tỏ thái độ chính trị của mình, đặc biệt là tấm lòng ưu ái của mình đối với ngôi cổ tự của nhân dân trong miền đế kinh của Tây Sơn, qua những câu như:

Tướng phủ phồn hoa cục dĩ di

Thôn cương cổ sái thượng y y”.

Tạm dịch là:

Phồn hoa dinh tướng cuộc tàn rồi

Chúa cũ làng quê cảnh lại tươi”.

Và phê phán:

Hàn tuyền cảnh thế đam quyền lợi

Khổ thụ trào nhân tác phúc uy”.

Tạm dịch là:

Suối lạnh nhường răn phường hám lợi

Cây khô như giễu kẻ khoe oai”.

Với lời “ghi chú” nói về Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa làm dinh phủ, bị trừng phạt đúng với lẻ tự nhiên:

Chùa (Thiền Lâm) ở bên hữu ngạn sông Hương. Triều trước, có người cậu của vua (“quốc cữu”) là Hưng Quốc công chiếm chùa làm tư dinh. Sau, viên quốc cữu bị giết, người làng lại tu sửa làm chùa như trước”.

Và đặc biệt là “lời dẫn” cho hai câu “Kết” của bài thơ:

Vương Đạo, đời Tấn, khi gặp gió Tây (từ miền Vũ Xương) nỗi lên, thì lấy quạt che bụi mà nói: “Làn bụi của Nguyên Qúy (là kẻ lộng quyền trấn giữ miền Vũ Xương khi ấy) làm nhơ bẩn người ta”. Nguyên Qúy là cậu của vua Thành Đế, nhà Tấn”.

Bóng gió dùng điển cố đời Tấn ở phương Bắc, Ngô Thì Nhậm muốn ví mình với Vương Đạo, chê bai kẻ làm “quốc cữu” (cậu vua) Cảnh Thịnh là Bùi Đắc Tuyên, khi nhắc đến người lộng quyền Nguyên Quý, cũng là “quốc cữu” của Thành Đế:

Kinh qua cố để trùng hồi thủ

Vi điếu “tây phong” loại nhất chi”.

Tạm dịch là :

Phủ cũ dạo qua, nhìn trở lại

Rót rượu đổ đất, điếu “gió tây”"

Trong hoàn cảnh bị o ép, cô độc trong việc triều chính những năm cuối thế kỷ XVIII, cách dùng chuyện cũ bên Trung Hoa để nói việc xấu đang diễn ra trước mắt ở thời Bùi Đắc Tuyên còn lộng quyền là điều duy nhất mà Ngô Thì Nhậm có thể làm và làm khá hay, như trong trường hợp viết bài thơ châm biếm Vạn tuế các lão (Quan tể tướng (chỉ biết một việc là hô) “Vạn Tuế ”) với “lời dẫn” vào bài thơ (dịch nguyên văn):

Quan đại thần Tinh Nhiếp, Tể tướng đời Minh Hiến Tông, một hôm nhờ nội giám xin vua cho được vào chầu để tâu công việc. Vua cho gọi vào. Ông ta làm lễ, hô “vạn tuế” rồi lui ra. Những người thân cận vua, cười ồ, gọi ông ta là “Vạn tuế các lão” ! Tôi đọc được sử thời Minh, đến chuyện này, cũng bất giác cười ồ. Song, ngẫm cho kỹ, thì đời sau cười đời nay, cũng như đời nay cười đời xưa vậy”.

Thâm trầm, sâu sắc thế, và đây là lời thơ (dịch):

Chẳng nói, chẳng đừng, Minh Tể tướng

Danh “Ngài vạn tuế” mãi đồn vang!

Rụt rè, bệ ngọc, dòm ngai ngự

Lắp bắp, thềm son, cúc thánh hoàng

Bởi khoái phượng chầu bên bệ Thuấn

Nên kiêng ngựa hý trước cung Đường

Còn hơn giống quái, bao kinh tởm

Ngậm cát phun người, đại bất lương !”.

Vì thế, sau khi trừ khử được Bùi Đắc Tuyên, người ta thấy lúc này, Ngô Thì Nhậm có nhiều phần hả hê, hy vọng. Nhất là khi được chính vua Cảnh Thịnh lại giao cho việc đã quen và đã làm dưới thời vua Quang Trung, là soạn thảo tờ Chiếu cầu lời nói thẳng, thác lời vua Cảnh Thịnh! Ngô Thì Nhậm một lần nữa như bừng bừng sống lại những năm tháng kề cận cùng Quang Trung, tung hoành ngọn bút chính luận của minh:

Chiếu cho thần dân trong ngoài tuân biết :

Trẫm tuổi ít đức mỏng, lịch thiệp chưa mấy. Đấng Tiên Hoàng Đế (Quang Trung) sớm chầu trời, để lại trách nhiệm nặng nề và gian nan cho trẫm.

Khoảng vài ba năm nay, vận nước gặp lúc gian nan, kẻ họ ngoại (Bùi Đắc Tuyên) trộm quyền cương, (khiến) tai biến của trời luôn răn bảo, việc binh lửa không lúc nào ngơi, người hành dịch (thì) có khi bị chìm đắm dưới sóng gió, có khi bị mắc vào mũi tên hòn đạn. Nào là phải vận tải đưa lương, nào là bị tham quan đục khoét. Những sự đau thương của nhân dân, nghe nói rất đáng thương”.

Giúp vua trẻ Cảnh Thịnh và cả triều đình Tây Sơn thời ấy kiểm điểm thành khẩn và đầy đủ tình hình, Ngô Thì Nhậm bắt đầu nói đến trách nhiệm của triều đình, bằng những lời nghiệm suy về một chân lý lịch sử tuyệt đối đúng qua các thời:

Than ôi! Chơi vui là điều nguy hiểm, khoe khoang là cái cơ mất nước!”.

Và bằng những lời tự thú thành khẩn :

Nay quốc gia đất rộng người nhiều, thực là nhờ công ơn Tiên Hoàng đế mở mang lúc trước.

Nhưng đất rộng mà nhiều chỗ hoang phí, dân tuy đông mà lại nhiều nơi ta thán!

Trẫm đây rất là sợ hãi, dường như đứng trên (bờ) vực sâu!

Từ đời xưa, khai sáng cơ đồ đã là khó, mà sự gìn giữ thành công lại càng khó hơn!”.

Lý thuyết đã như thế, mà nỗi lo về tình hình thực tế và cụ thể của đất nước lúc bấy giờ, lại càng bức xúc hơn:

Nay trẫm cùng với tôn thất, người có công lao và các đại thần, cùng đau đáu toan tính sự trị dân, chưa biết thế nào là phải, thì làm sao xứng đáng với trọng trách của tiên đế phó thác cho! Và để trên thì yên ủi thần linh của chín ngôi tôn miếu, dưới thì để bõ sự trông mong của thần dân bốn biển.

Vì rằng lo lắng như thế là ngồi trên đống củi mà chất lửa ở dưới, không dám lúc nào nguôi. Nay, trong thi triều đình, ngoài thì châu quận, xa thì nơi biên ải, nào là kỷ cương chưa thành lập, binh cơ dân chính xem ra nhiều việc thiếu sót thẩm lậu, lấp chỗ này thì hẫng chỗ kia. Nói tóm lại, cái tình tệ trễ biếng là cái lòng tự mãn, tự túc, cái tích tập chìm đắm đã lâu, không sao kể xiết”.

Cuối cùng là cách giải quyết những bức xúc, khó khăn của tình thế trước mắt – “cầu lời nói thẳng”:

Nay phải nghĩ kế bổ cứu tình tệ. Việc đáng trước, việc đang sau, việc gì hoãn, việc gì cấp, trẫm cũng đều muốn cùng các đại thần hỏi han đạo phải. Xưa kia (như lời Chu Mục vương đã nói ở thiên “Lã hình” trong “Kinh Thư”, kể đức của vua Thuấn): “Bậc thánh đế còn hư tâm hỏi đến hạ dân”, huống chi trẫm đây còn ít tuổi, lại chưa có đức tính thông sáng, cung kính, mong rằng thần dân trong nước khuyên bảo cho trẫm được đức hạnh tốt. “Kinh Thư” có nói: “Dân chúng không có vua thì đội ai? Vua không có dân thì cùng ai giữ nước?”. Tất cả mọi người có lương tấm phải hiểu rõ cái nghĩa trên dưới cùng giúp ích!

Nay trẫm ban chiếu thư cho khắp bầy tôi và nhân dân đều đựợc dâng tờ “phong sự” (thư kín). Cứ cho phép nói, không phải giấu giếm gì. Tờ “phong sự” ấy, ở trong thì nộp triều đình, ở ngoài thì nộp tại nơi các quan trấn thủ để chuyển đệ về triều.

Trẫm sẵn lòng nghe lời nói phải, để thi hành chính sự. Mong cho đổi được tệ tục, làm được chính sự hay tốt, giúp đỡ lúc gian nan này!”.

Ngô Thì Nhậm đã trút hết tâm sự và tâm huyết để viết nên tờ Chiếu cầu lời nói thẳng và cũng hiểu rằng, tình thế suy vi đã trầm trọng lắm, khó bề cứu chữa nổi. Vì quyền lực sau khi rời khỏi tay lộng thần Bùi Đắc Tuyên, thì lại rơi vào tay các võ tướng! Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng lúc với việc dìm chết Bùi Đắc Tuyên, cũng nhấn nước giết hại luôn cả danh tướng lão luyện Ngô Văn Sở, vì cho Văn Sở là bè cánh của Đắc Tuyên. Một tướng tài mới nổi là Trần Quang Diệu cũng bị coi như thế. Nhưng Văn Dũng lại không thể diệt được Quang Diệu. Bèn tạm thỏa hiệp, cho Quang Diệu làm Thiếu phó, mình làm Tư đồ, Nguyễn Văn Huấn – người đã cùng Vũ Văn Dũng diệt Bùi Đắc Tuyền -  làm Thiếu bảo, Nguyễn Văn Danh - một tướng khác - làm Tư mã, họp lại thành “Tứ trụ đại thần”!

Nhưng rồi bốn cây cột trụ này lại lục đục trong việc chống đỡ triều đình Phú Xuân, gặp khó khăn trong việc bảo vệ cái nôi Quy Nhơn – đất phát tích và dấy nghiệp của nhà Tây Sơn, nên vừa giết hại lẫn nhau, vừa diệt trừ cả những tướng tài khác, đồng thời, đẩy không ít người của mình phải chạy sang hành chúa Nguyễn Ánh đang càng ngày càng nổi mạnh thế lực lên, đe dọa tận diệt nhà Tây Sơn!

Ngô Thì Nhậm. Trong hoàn cảnh ấy, tuy vẫn được vua Cảnh Thịnh ưu ái, nhưng trở thành một “nhàn quan”, không còn có việc gì để làm. Mỗi kỳ Tết đến xuân về, tuy vẫn “theo chế độ”, được ban thưởng nhiều lịch quý -  như tự ghi lại: “Quang nhất phẩm được ban lịch một trăm bản, lại ban thêm một bản Đại Thanh thời hiến thư”. Nhưng xa quê nhà, sống trong quán trọ (vì không xây được phủ đệ riêng) ở Phú Xuân, Ngô Thì Nhậm đã lộ rõ tinh thần chán nản, buồn bã và cả có phần bất mãn nữa, thành bài thơ Xuân Thuật (Nói chuyện ngày xuân) được dịch giả Ngô Linh Ngọc chuyển ngữ:

Khắp thành mưa bụi, khắp thành Xuân

Quán khách đìu hiu, mây núi gần

Già đến, có tiền, khôn chuộc trẻ

Ngôi cao, nhiều lịch, chẳng lo bần!

Tai đầy tiếng nhạc, thịt chẳng thiết!

Dạ nức mùi hương, xông khỏi cần

Chén ngọc sót mừng năm mới đến

Đường hoa bầu bạn có Chúa Xuân”!

Ở một bài thơ khác, nói chuyện rỗi việc – Nhàn thuật – Ngô Thì Nhậm còn để lộ cả tâm trạng hoang mang, cậy đến cả bói toàn bằng cỏ “Thi” và mong mỏi đến ngày được trở về quê nhà:

Quán trọ, ngày nhàn, song khép chặt

Rũa, gò, tiêu khiển, mấy vần thi!

Tin nhà lành, chỉ chờ thư nhạn

Thân thế lo buồn, hỏi cỏ “Thi”!

Cảnh hoạn lạnh tanh, mình biết lấy

Cửa hầu sâu thẳm, khách vào chi!

Tóc mai đua với hoa mai trắng

Bao giờ Hoa Sơn, dong ngựa về?

Có một lần, Ngô Thì Nhậm ghi rõ là vào ngày mồng Tám tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1797), vị quan nhàn họ Ngô, đúng lệ vào hoàng cung chầu vua Cảnh Thịnh từ sáng sớm. Hôm ấy, trời lại đổ mưa to như trút, bèn khoác chiếc áo tơi làm bằng nón lá (lá buông) đi chầu. Đang lụi hụi đội mưa qua cung Tây Kỳ, bỗng thấy có người đứng đón. Hóa ra là “Hoàng đệ” (em trai vua) Nguyễn Quang Thùy! Vị hoàng tử thứ hai của Hoàng đế Quang Trung này, ở chuyến đi sang triều Thanh của đoàn “Giả vương” năm Canh Tuất (1790), Ngô Thì Nhậm đã sắp xếp cho đi cùng. Vua Càn Long nghe tin có cả hoàng tử nhỏ của An Nam quốc vương cũng theo “Vương phụ” sang chầu, rất phấn khởi, xong xuống chiếu phong cho làm “thế tử” luôn. Lại còn chuyển đến, tặng cho cả một viên ngọc “Như ý” nữa! Nhưng sau, biết đó không phải là “hoàng tử trưởng”, bèn đổi chiếu, phong cho Nguyễn Quang Toản danh vị ấy, nhưng vẫn cho Quang Thùy được nhận ngọc “Như ý” trước…

Bây giờ thì Nguyễn Quang Thùy đã được hoàng huynh Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản phong cho làm Thái Tể Công, cử ra trấn trị cả miền Bắc Hà – vừa đổi tên thành Bắc Thành, nhưng hôm nay lại xuất hiện ở Phú Xuân. Ngô Thì Nhậm phỏng đoán là sắp có việc rối ren gì đó như bao chuyện “thâm cung bí sử” trong triều Tây Sơn vào lúc này, nên dừng bước dưới mưa, cứ mặc nguyên chiếc áo tơi dân dã mà nói chuyện cùng Thái Tể Công Quang Thùy…

Ở bài thơ Vũ y (Áo mưa) làm ngay sau đó, Ngô Thì Nhậm không cho biết đã nói chuyện gì với em trai hoàng đế, nhưng và chỉ nhân đấy mà tự trào về tư thế của mình với giọng văn châm biếm: “Có người không biết, tưởng ông già nhà quê”!

Bài thơ Áo mưa đã tạo ra một hình ảnh khá là biểu tượng cho hoàn cảnh và tâm trạng của quan Thị trung Đại học sĩ Ngô Thì Nhậm ở triều đình Phú Xuân vào năm Đinh Tỵ (1797):

Cày, câu, chẳng phải, thật ngang tàng

Khoác áo tơi lên chốn ngọc đường!

Lông phượng vai mang, nâng chế, cáo

Mai rùa lưng vảy, đội văn chương!

Thôi, dừng, cuốn, mở, là tùy lúc

Dài, ngắn, bớt, thêm, lo phải màng

Đắc ý, lúc trời mưa móc xuống

Ra về, dấu ấn nức mùi hương!”.

Tuy nhiên, cho đến tận mùa hè năm Canh Thân (1800) – đúng một năm trước khi Phú Xuân thất thủ vào tay chúa Nguyễn Ánh, người ta vẫn còn thấy Ngô Thì Nhậm có mặt ở kinh đô triều Tây Sơn. Nhưng có mặt như thế chỉ là để… ngoạn cảnh và làm thơ!

Trong bài Thuyết cho tập Liên hạ thi minh (Thơ làm trong cuộc ước hẹn đi thưởng sen mùa hè), Ngô Thì Nhậm lúc này ở tuổi 54 đã cho biết:

Mùa hè năm Canh Thân (1800), tôi cùng người bạn cùng làng là Chu Hòa Phủ, và em trai là Thành Phủ (Ngô Thì Hương, sau đổi là Ngô Thì Vỵ) đều được lưu lại triều cận ở Xuân Kinh (Kinh đô Phú Xuân). Năm này, các quan đại phu hết phiên (vào) triều (cận), đều đã được sắc chỉ của hoàng đế (Cảnh Thịnh) cho trở về Bắc hết. Những triều sĩ là sĩ phu Đàng Ngoài, chỉ còn ba người cùng làng chúng tôi. Ngoài lúc triều cận, chỉ còn biết lấy văn thơ sách vở làm vui…”.

Giữa một tình thế hoang vu như vậy, Ngô Thì Nhậm cho biết tiếp:

Có một vài kẻ sĩ Đàng Trong đem sách vở đến hỏi han chữ nghĩa, nhân đó mách với tôi rằng: phía tây nam thành này, có một cái đầm, ở địa phận ấp Trúc Lâm, hoa sen nở rộ!

Tôi hớn hở muốn đi ngay. Vì bản ý của tôi vẫn lấy “trúc lâm” để làm mùi vị Thiền của mình. Nay vừa khéo có ấp (Trúc Lâm) này, lại có (cả) đầm sen là thứ hoa của Phật này, nhân đó, hẹn anh em chọn ngày đẹp trời đi chơi thưởng sen.

Nhưng lại gặp công việc của sảnh, các, bề bộn, nên chưa đi được. Thế là xướng họa qua lại, đến hơn một tháng, đã được hơn một trăm bài. Trong đó, lấy việc hái sen làm khởi hứng, rồi bàn đến tinh lý, luận về nghĩa lý, và chỗ sâu kín của Kinh, Truyện, Sử, Tử, cũng tham cứu xen vào, thường đem lối thơ sương, gió, trăng, mây, để răn nhau, lấy lối thơ dụng công vào chân thực, để khuyên nhau. Tôi và anh em là tình đồng chí, đồng bào, làm quan nơi xa xôi ngàn dặm, đồng triều lại đồng hương, “Nghĩa” có gì lớn hơn sự ân cần, “Đạo” có gì lớn hơn sự hòa mục?”.

Và như thế là để dẫn đến lời kết:

Tới ngày hạ chí, tôi hộ giá (vua Cảnh Thịnh) đi đàn Phương Trạch (tế Xã Tắc). Mới tiện đường ghé thăm được (đầm sen ấp Trúc Lâm) và bổ sung thêm cho tập thơ mười cảnh vừa thấy tận mắt. Thế là đủ số hai trăm bài. Tôi bàn với anh em đặt tên cho tập (thơ hai trăm bài) này, là “Liên hạ thi minh”…”.

Tập thơ làm trong cuộc ước hẹn đi thưởng sen mùa hè năm Canh Thân (1800), vừa là thi tập cuối cùng trong kho tàng tác phẩm thơ văn đồ sộ, lại vừa là công trình kết thúc thời gian vào Phú Xuân làm quan ở triều vua Cảnh Thịnh của Ngô Thì Nhậm.

Rừng trúc (trúc lâm) và hoa sen (liên hoa) vừa là những hình ảnh và chủ đề quán xuyến của thi tập này, vừa khiến công trình thi ca ngâm vịnh này nối kết được với một công trình sách vở về triết học (phật học) rất quan trọng, và cũng là tác phẩm thư tịch cuối cùng trong cả cuộc đời suy tư và viết sách của Ngô Thì Nhậm: sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (Điều căn cốt của tôn chỉ Thiền Trúc Lâm)!

[Nguồn: Huyện Thanh Trì-Tp Hà Nội, Truyện Danh nhân Ngô Thì Nhậm, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội - 2013, tr.247-266]

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia