Thuận-hóa từ năm Giáp Ngọ (1774) Nguyễn Phúc Thuần [1] không giữ đuợc, trở thành một trọng trấn của triều đình [2]. [Chúa Trịnh] đặt tại đó trấn thủ nha môn [3](3); một viên đại tướng, quận Tạo Phạm Ngô Cầu; một viên phó tướng tức tư mã Thể-trung hầu Hoàng Đình Thể, các viên đốc thị và phó đốc thị là bọn Nguyễn Mậu Dĩnh, Nguyễn Lệnh Tân, Lê Quý Đôn, Trương Đăng Quĩ và Nguyễn Trọng Đăng cùng đóng ở doanh Phú-xuân, hiệp sức lại cùng làm việc trấn phủ. Lính thủ Bắc-hà đóng lại có đến hơn ba vạn người, từ ải Hải-vân trở vào đều đặt đồn đóng giữ, làm sổ dân đinh để lấy thêm lính, khai khẩn ruộng nương để cung cấp lương thực, đổi chác buôn bán để lưu thông tài hóa, khai thác nguồn lợi ở núi và biển, mở khoa cử để kén lấy nhân tài, dùng danh lợi tước vị để thu phục nhân tâm. Mọi sự nghi về việc sắp xếp công cuộc trị nước chăn dân dường như cũng đã chu đáo đầy đủ. Duy có Phạm Ngô Cầu là kẻ già nua, ngang trái, nhút nhát, không trội về món lâm cơ chế biến. Đốc thị Phạm Lệnh Tân vì sợ rằng Thuận-hóa sẽ thất thủ, nên trước đây đã dâng tờ khải xin chém Ngô Cầu, nhưng Tĩnh vương vẫn cứ để Cầu lưu lại ở trấn. Lại nữa, cựu hiệp trấn Lê Quý Đôn khảo được kiểu đất nhà Tây-sơn, đã nói: Nguyễn Văn Nhạc có kiểu đất phát thiên tử, vận phát đến 12 năm, hùng mạnh đến mức không ai chống nổi; quận Tạo trấn tướng Thuận-hóa e không phải là tay địch nổi, vậy xin nên lưu ý đổi người khác vào thay Cầu, làm công việc trấn thủ Thuận-hóa. Nhưng Tĩnh vương cũng không nghe theo. Đến đây quân Tây-sơn kéo đến, quận Tạo làm như không nghe, không biết gì. Quận Tạo không phòng bị, đến nỗi để Thuận-hóa bị vua Tây-sơn kiêm tính. Lời nói của Lệnh Tân và Quý Đôn quả được ứng nghiệm.
Nguyễn Hữu Chỉnh biết trấn tướng quận Tạo Phạm Ngô Cầu là người hèn nhát và đa nghi, thì dụ hàng chưa chắc y đã chịu tin, bèn nói trước với tiết chế Nguyễn Văn Huệ làm kế phản gián. Chỉnh viết thư bọc kín trong sáp, giả vờ gửi cho phó tướng Hoàng Đình Thể, trong nói Thể và Chỉnh đều là môn thuộc [4] của quận Huy Hoàng Tố Lý, nếu Thể biết đem thành Phú-xuân đầu hàng thì có thể vẫn giữ được phú quí, nhưng dặn người đưa thư cố ý đưa lầm vào chỗ Phạm Ngô Cầu. Cầu được bức thư ấy, giữ lấy không tuyên bố, ngấm ngầm có ý đầu hàng [Tây-sơn]. Chỉnh lại sai một tên thám tử giả làm chủ thuyền buôn Trung-quốc từ ngoài biển vào yết kiến quận Tạo nói về chuyện thuật số: nào là phúc lộc hậu vận của quận Tạo rất nhiều không sao nói xiết, duy có điều là gập năm xung tháng hạn, nên đề phòng có sự ốm đau, và mùa thịnh hạ [5] này nên cúng lễ sám hối cầu đảo thì được tốt lành. Quận Tạo tin theo, lập đàn chay linh đình, mời các sư tụng niệm cúng cấp bảy ngày đêm. Binh lính trong trấn phải phục dịch suốt ngày thâu đêm. Trong và ngoài thành đều không phân phối tướng sĩ tuần hành phòng thủ. Bọn Huệ và Chỉnh biết rõ tình hình ấy, vội lùa quân thủy bộ tiến lên. Đến đồn núi Hải-vân, tướng trấn thủ là Quyền-trumg hầu [6] lui giữ đồn An-nông. Thủy binh các đồn cũng đều do đường thủy chạy trốn.
Ngày 18 tháng 5. Hay tin quân Tây-sơn đã vượt qua núi Hải-vân, sớm hôm sẽ đến Phú-xuân, quận Tạo cuống quít sợ hãi, không biết xoay xở ra sao. Bấy giờ lính thủ phải phục dịch vào việc đàn tráng đã mệt, lại được tin “giặc” đã kéo đến thì đều kinh hải hết hồn. Quận Tạo sai người truy bắt kẻ hôm nọ đến nói thuật số thì không biết hắn đã biến đâu mất rồi. Quận Tạo bấy giờ mới biết hắn là thám tử của Tây-sơn, bày mưu quỷ quyệt xui mình sao lãng việc binh để đánh úp mình. Quận Tạo bèn cùng Hoàng Đình Thể họp bàn mưu chước phòng thủ và chống cự “địch”.
Ngày 24 tháng 5, quân thủy, quân bộ Tây-sơn từ núi Hải-vân tiến lấy đồn An-nông. Tướng trấn thủ là Quyền-trung hầu cố sức chiến đấu, thuốc đạn hết sạch, Quyền tự vẫn chết ở trên mình voi.
Ngày hôm ấy, “bọn” Huệ và Chỉnh thừa thắng, ruổi quân thẳng đến Phú-xuân. Bấy giờ đại tướng là quận Tạo và phó tướng là Thể-trung hầu [7] ngờ vực lẫn nhau. quân lính [của quận Tạo] thì kiêu rông biếng nhác, không có tinh thần chiến đấu, quận Tạo lại không thể gò bó vào kỷ luật. Việc phòng thủ lại rất sơ hở. Quân thủy Tây-sơn tiến bức đến bến sông trước thành Phú-xuân (phía trước thành Phú-xuân kề ngay bên bờ sông, từ mặt sông ngước trông lên trên thành, cao độ hơn hai trượng) nổ súng loạn xạ, nhưng đạn không tới thành. Quận Tạo ra lệnh cho các tướng sĩ trong thành đóng cửa, cố thủ. Các tướng hiện ở ngoài thành đem hết quân ra cự chiến. Bộ binh Tây-sơn đều xuống thuyền. Quan quân [bên Trịnh] bắn theo thuyền “giặc” xuýt đắm. Gặp lúc bấy giờ trời đã về chiều, nước hồ dâng lên dữ dội, nước sông tràn quanh chân thành. Quân thủy Tây-sơn bắn thẳng vào thành, lại tung quân bộ ra bao vây cửa thành. Quận Tạo bấy giờ mới tỉnh ngộ ra rằng mình đã sa vào mưu kế quỷ quyệt, trong lòng tối tăm mù quáng, tự đem các quân ra giữ đồn bảo trong thành. Còn Thể-trung hầu cùng thuộc tướng là Kiên-kim hầu [8] đều đem quân bản bộ ra ngoài thành nghênh chiến, bày trận ở cầu Lạc-nô. Thể có hai người con [9] cùng theo Thể ra trận. Giao chiến vừa được hơn một trống canh thì tên đạn đều hết cả. Thể sai người vào trong thành xin thêm quân và đòi quận Tạo cấp phát cho thuốc đạn. Quận Tạo ở trên chòi cổng cự tuyệt lại, nói rằng: “Cơ nào đội ấy, ngoài chế lộc khẩu phần từng người ra đều đã có tiền thuốc đạn, bây giờ lại còn đòi ai bao cả cho?” Thể cả giận, bảo các tướng rằng: “Tên Cầu làm phản rồi! Để ta phá cổng xông vào, trước hãy chém đầu thằng giặc già ấy, rồi sau sẽ lại ra đánh”. Thể ngảnh lại bảo hai con: “Các con hãy ra trước để chống cự, lát nữa cha sẽ ra”. Thể ngoặc đầu voi quay lại toan xông vào thành. Khi voi lui lại thì mặt trận rung động. Quân Tây-sơn [thừa dịp] sấn vào. Hai con của Thể quất ngựa xông lên phía trước, phất cờ thúc quân đối địch. Quân Tây-sơn trùng trùng điệp điệp kéo thêm đến chém vào chân ngựa của hai con Thể. Ngựạ liền gục xuống. Hai con của Thể bỏ ngựa đánh bộ đều bị trọng thương, nhưng vẫn say sưa chiến đấu giết được đến vài mươi quân Tây-sơn. Vết thương nặng, sức lực kiệt, gọi cha đến cứu. Nhưng bấy giờ hai con Thể đã theo nhát gươm của địch, bị chết tại trận rồi. Kiên-kim cũng chiến đấu mà chết ở vòng trận (có thuyết nói Kiên-kim hầu tự đâm cổ chết ở dưới hào bên thành). Thể thu tướng sĩ lại, định bày trận khác, nhưng trông lên thành thì thấy bốn mặt đã kéo cờ trắng rồi! Người quản tượng [của Thể] xuống khỏi voi chạy trốn. Quân Tây-sơn thúc voi, xông vào bắn, Thể lùa voi xuống lòng sông, tự vẫn ở trên bành voi.
Cầu mở cửa thành, xe theo quan tài ra nghênh hàng. Huệ và Chỉnh tung quân đi chém giết. Đốc thị Lạp-phong hầu Nguyễn Trọng Đăng bị giết ở trong vòng loạn quân. Các lính thủ chạy đi các xóm làng đề xin trú ngụ đều bị thổ dân giết sạch (có chỗ chép: các tướng sĩ đóng ở Thuận-hóa bị thua, chết trong trận này và bị thổ dân
giết hại tất cả đến vài vạn người, chỉ còn vài trăm người là qua được sông Gianh trở về Bắc-hà thôi).
Ngày hôm sau, “bọn” Huệ, Nhậm và Chỉnh chia quân tiến lấy đồn Đông-hải, tướng trấn thủ là Vị-thái hầu [10] cùng với đốc đồng Ninh Tốn đều chạy trốn.
“Lịch Triều Tạp Kỷ là một bộ dã sử chép sự việc cuối đời Lê, chép lẫn cả việc vua Lê chúa Trịnh (ở Bắc) và chúa Nguyễn trong Nam, có nhiều sự việc không thấy chép trong các sách gọi là chính sử. Như Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Cương Mục”. (Trần Văn Giáp, kho sách Hán Nôm, tr.133) |
(Nguồn Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ tập II, số xuất bản 18-KHXH-75, 1975, tr.299-304)
[1] Tên chúa Duệ-tông nhà Nguyễn.
[2] Triều đình Bắc-hà.
[3] Cơ quan quân sự, hành chính, tài chính và giáo dục của họ Trịnh đặt ở Thuận-hóa sau khi đã lấy được Nam-hà. Theo danh nghĩa đã nêu thì nha môn này có nhiệm vụ làm việc trấn giữ và vỗ về.
[4] Thuộc hạ ở một cửa quyền quý.
[5] Lúc mùa hè đang thịnh, vào khoảng tháng năm âm lịch.
[6] Tên là Hoàng Nghĩa Quyền (theo Lịch triều tạp kỷ). Cương mục, Chính biên, XLVI 15-b-16-a, chép là Hoàng Nghĩa Hồ và chưa là người thôn Hoàng-nghĩa, huyện Hưng-nguyên thuộc Nghệ an, đỗ Tạo sĩ.
[7] Tên là Hoàng Đình Thể.
[8] Tên là Vũ Tá Kiên, người Hà-hoàng, huyện Thạch-hà, đỗ Tạo sĩ.
[9] Một con tên là Đình Vị; còn một con nữa không rõ tên (theo Cương mục, Chính biên, XLVI, 15-b).
[10] Vị-thái hầu, chưa rõ họ tên.