Bản sao sáu bức tranh quý Bình Định An Nam chiến đồ(*)

Mặc dù tư liệu, di tích có liên quan đến Phong trào Tây Sơn đã bị các vua đầu Triều Nguyễn xoá sạch, nhưng trong tâm trí các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước cho đến nay vẫn nghĩ Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung - dù ngắn ngủi- đã có một vị trí hết sức quan trọng về mọi mặt trong lịch sử Việt Nam. Là một người nghiên cứu Huế ý nghĩ đó cũng đã ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi đã theo đuổi công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung trên 20 năm. Tôi đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng so với những gì cần biết về Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung thì những gì tôi đã làm được quá nhỏ. Bởi vậy, tôi đã nuôi một khát vọng sưu tầm hiện vật tư liệu xây dựng một Bảo tàng Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung ở Huế.

Bản sao sáu bức tranh quý Bình Định An Nam chiến đồ(*)

Mặc dù tư liệu, di tích có liên quan đến Phong trào Tây Sơn đã bị các vua đầu Triều Nguyễn xoá sạch, nhưng trong tâm trí các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước cho đến nay vẫn nghĩ Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung - dù ngắn ngủi- đã có một vị trí hết sức quan trọng về mọi mặt trong lịch sử Việt Nam. Là một người nghiên cứu Huế ý nghĩ đó cũng đã ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi đã theo đuổi công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung trên 20 năm. Tôi đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng so với những gì cần biết về Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung thì những gì tôi đã làm được quá nhỏ. Bởi vậy, tôi đã nuôi một khát vọng sưu tầm hiện vật tư liệu xây dựng một Bảo tàng Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung ở Huế.

Hồi tháng 4-2007 vừa qua, nhân qua Boston (Hoa Kỳ) báo cáo một chuyên đề về văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam Việt Nam với TT William Joiner/Đại học Massachusetts, tôi có dịp đến Đại học Harvard trao đổi với bà Hồ Huệ Tâm - Giáo sư Tiến sĩ Sử học, trưởng Khoa sử Việt Nam tại ĐH Harvard - về cuốn sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương và khát vọng của tôi về một Bảo tàng Quang Trung ở Huế. Bà Hồ Huệ Tâm là ái nữ của học giả Hồ Hữu Tường - người rất gần gũi với sinh viên tranh đấu ở đô thị những năm 1964-1966 tại Sài Gòn (cũ). Tôi đã từng nghe học giả họ Hồ nói “ông cùng họ với vua Quang Trung”. Vì thế tôi trình bày chuyện nghiên cứu vua Quang Trung với bà Huệ Tâm vừa là chuyện nghiên cứu khoa học vừa là chuyện có liên quan đến họ hàng của bà. May mắn là ý tưởng của tôi được bà Huệ Tâm rất ủng hộ. Bà khuyến khích tôi nên cố gắng thực hiện và bà sẽ giúp trong khả năng của bà. Trước tiên bà giúp tôi liên lạc với TS George Dutton - chuyên gia hàng đầu về Phong trào Tây Sơn ở Hoa Kỳ, hiện đang dạy ở khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á Đại học California tại Los Angeles (UCLA). George Dutton rất nhiệt tình, ông đã cấp tốc nhờ hãng buôn sách www.Amazon.com tìm mua cuốn The Tây Sơn Uprising - society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam(1) để ông kịp tặng tôi trước khi tôi rời Hoa Kỳ hồi giữa tháng 5-2007 vừa qua. Ông cũng giới thiệu với tôi nhiều tư liệu ông đã sử dụng và một thư mục đồ sộ về Phong trào Tây Sơn. [Trong một dịp khác tôi sẽ trình bày về những tư liệu tôi đã tiếp thu được từ George Dutton].

Sở dĩ tôi chưa đề cập đến những tư liệu về Phong trào Tây Sơn của George Dutton bởi vì chuyện bà Huệ Tâm giúp tôi sắp trình bày sau đây cấp thời hấp dẫn tôi hơn.      

Bà Hồ Huệ Tâm nói về Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh - một Việt kiều Mỹ rất trẻ đang dạy tại khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông, Đại học Harvard. Thạc sĩ Vinh đã tìm thấy sáu bức đồng bản họa Bình Định An Nam chiến đồ tại thư viện sách quý Houghton của Đại học Harvard và đã sao chép đem về tặng cho Việt Nam. Bà Huệ Tâm nhắc tôi “Cái bảo tàng Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung của các anh nên sao một bộ tranh quý đó”.

Cách đây mấy năm nhà sử học Dương Trung Quốc - TTK Hội Sử học Việt Nam, có được một bản sao Bình Định An Nam chiến đồ chụp được từ bên Pháp và đã tổ chức trao tặng cho Bảo tàng Tây Sơn Bình Định, tôi chỉ nghe qua báo chí chứ chưa được xem và cũng không dám ước mong có được một bản sao. Nay nghe bà Huệ Tâm khuyên như thế tôi không bỏ lỡ cơ hội. Tôi khẩn thiết nhờ bà giúp tạo điều kiện để tôi có được một bộ để sau này trưng bày ở Bảo tàng Huế. Thấy tôi quá nhiệt tình với đề tài này nên dù rất bận bà cũng nhận lời giúp tôi. Từ đó, tôi bám theo bà, hết gặp bà ở Đại học Harvard, tôi đến thăm bà ở nhà riêng, gởi e-mail chưa thấy bà trả lời tôi gọi điện thoại nhắc lại. Cuối cùng bà đã nhờ chuyên viên Hán Nôm Nguyễn Nam (đang nghiên cứu Hán Nôm tại Đại học Harvard), bà Chu Tuyết Lan - Giám đốc Thư viện Hán Nôm Việt Nam giúp tôi. Sau qua nhiều giai đoạn sao chụp, chọn lựa tôi đã có được một bản sao bộ tranh Bình Định An Nam chiến đồ. Ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực.

1. Một bộ tranh quý hiếm

Sáu bức tranh Bình Định An Nam chiến đồ là một tư liệu lịch sử hiếm có về quan hệ ngoại giao chưa từng có giữa vua Càn Long (Trung Quốc) và vua Quang Trung (Việt Nam) thời vừa dứt chiến trận năm Kỷ Dậu (1789). Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh căn cứ Quốc triều cung sử tục biên của nhà Thanh cho biết tác giả 6 bức tranh là Dương Đại Chương - một trong các họa sĩ cung đình thời Càn Long. Bình Định An Nam chiến đồ là một trong chín bộ tranh có tên Ngự bút Bình Định An Nam chiến đồ lục vịnh. Tranh được khắc đồng rồi in trên giấy khổ 50 x 88cm, với đường nét rất tinh tế, hình ảnh sinh động mô tả “sức mạnh” của đại quân nhà Thanh ào ạt tiến vào Việt Nam. Tuổi của bộ tranh đã trên hai trăm năm mà còn giữ được hầu như nguyên vẹn. Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh bộ tranh quý này do ông Philip Hofer - một cựu sinh viên của Đại học Harvard tặng cho trường cũ của ông.    

Năm trong sáu bức tranh, tả cảnh chiến trận giữa quân Thanh và quân của Nguyễn Huệ, bức thứ sáu là cảnh vua Càn Long cho đoàn ngoại giao do người cháu của Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu vào ra mắt và được cho ăn yến.

Năm bức tranh tả chiến trận diễn ra lần lượt từ ải Nam Quan đến phía bắc Kinh thành Thăng Long tại các địa điểm lần lượt như sau:

1.Gia Quan Ha Hộ” (theo các nhà nghiên cứu có lẽ là gần ải Nam Quan ở Lạng Sơn),

2. “Tam Dị Trụ Hữu” (có lẽ gần núi Tam Tằng)    

3. Sông “Thọ Xương

4. Sông “Thị Cầu

5. Sông “Phú Lương”.

Và bức thứ 6 mang tựa đề: “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” (Cảnh Nguyễn Quang Hiển vào bệ kiến và được vua Càn Long cho ăn yến) tại Quyển A thắng cảnh sơn trang (một hành cung của Hoàng đế nhà Thanh).

 Phía trên ở giữa mỗi bức tranh có ghi chú và đề vịnh một bài thơ ngự chế của vua Càn Long. Cuối mỗi bài thơ ngự chế có thủ bút “Càn Long Kỷ Dậu trọng thu nguyệt ngự bút”. Ghi chú đó chứng tỏ bộ tranh này được chế tác vào tháng 8 năm Kỷ Dậu (1789), tức là chỉ 8 tháng sau khi chiến sự Việt - Thanh kết thúc với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào tháng Giêng, và ngay sau khi sứ bộ Nguyễn Quang Hiển sang bệ kiến và cầu hòa với vua Càn Long vào tháng 7 cùng năm. Với ghi chú thời gian chế tác bộ tranh gấp như vậy và chế tác ngay sau khi người cháu của Nguyễn Huệ “nhập cận cầu hoà” chứng tỏ bộ tranh này ra đời - như trên đã viết- mang tính thời sự rất cao.

Trong lời tựa cho bộ tranh nói trên, vua Càn Long viết rõ lý do chế tác bộ tranh này là:

“Tuân Tôn Sĩ Nghị An Nam chiến sự lũ tích dĩ trần, nhân mệnh hoạ viện các vi chi đồ, bổ vịnh cận thể nhi tự chi viết:

“An Nam chiến đồ phi như Y Lê, Hồi Bộ, Kim Xuyên, Đài Loan chi thuỷ dĩ chiến nhi chung thành công dã. Phi dĩ chiến thành công tắc khả phất đồ nhi đồ chi giả, thực lục ngã tướng soái chi thần, quân lữ chi sĩ, thiệp viễn mạo hiểm, công kiên phá nhuệ. Cánh hữu bão trung tổn khu giả, bất vi chi đồ dĩ kỷ kỳ tích tắc dư hà nhẫn. Thả Nguyễn Huệ chi hối tội khất hàng, nguyên nhân hữu chinh, tư diệc vị thường, phi thuỷ chung nhất sự hĩ. Phù hữu chinh vô chiến thượng hĩ, chiến nhi hữu thành công thứ chi.

Thành nhi phục biến, hựu chung ư bất chiến nhi thành công, kỳ sự đương giảo ư chiến nhi thành công giả vi thắng yên”.

(Dịch nghĩa: Sau khi hỏi cặn kẻ Tôn Sĩ Nghị về chiến sự nước An Nam, ta sai họa viện vẽ các đồ hình rồi làm thơ để vịnh thêm, viết lời mở đầu như sau:

Chiến cuộc ở An Nam không giống như tại Y Lê, Hồi Bộ, Kim Xuyên, Đài Loan là chiến tranh mà sau thành công. Không phải dùng đến chiến tranh mà vẫn thành công thì đâu cần vẽ lại, còn cho vẽ đồ hình ấy là để ghi công bầy tôi, tướng soái, quân lính đi xa xôi, vào nguy hiểm để tấn công vào nơi kiên cố, xông pha nơi mũi nhọn. Cũng có kẻ vì lòng trung mà thiệt mạng, ta nỡ lòng nào không cho vẽ lại để ghi kỳ tích hay sao? Thế nhưng kẻ gây ra cuộc chinh phạt kia là Nguyễn Huệ đã biết hối tội xin hàng cũng không phải là việc thường, nên cái nguyên uỷ lúc đầu sau cùng cũng đạt được vậy. Phàm phải chinh phạt mà không cần đến chiến trận là hay hơn cả, còn đánh mà thành công mới chỉ là thứ hai”. (Dịch âm và dịch nghĩa của Nguyễn Duy Chính).

Xem trong lịch sử Càn Long làm Hoàng đế Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết ông chỉ bỏ công ngự chế và ngự bút văn thơ cho một số ít võ công hiển hách nhất trong triều đại của ông mà thôi. Vậy mà nay ông phải bỏ công làm gấp bộ tranh này chứng tỏ tầm quan trọng của chiến sự và ngoại giao của triều Thanh đối với Việt Nam lúc ấy như thế nào. Phải chăng chuyện Nguyễn Quang Hiển “nhập điện cầu hoà” là một cơ hội rất tốt để ông vua tự cao tự đại Càn Long nắm lấy để chống chế cho sự thất bại ở phương Nam, vớt vát thể diện nước lớn bằng sự thành công trên phương diện ngoại giao?

Năm ghi chú và thơ ngự chế trên năm bức tranh trận chiến Thanh Việt, vua Càn Long dành để ca ngợi khí thế của quân Tôn Sĩ Nghị, hòng lấp liếm sự thất bại thảm hại của quân Thanh hồi đầu năm Kỷ Dậu (1789) ở Việt Nam. Thất bại của Tôn Sĩ Nghị cũng chính là thất bại của Càn Long. Ca ngợi khí thế của đội quân thất trận để vua Càn Long chạy tội với lịch sử. Đồng thời, với một mục đích khác, vua Càn Long ca ngợi thắng lợi giả trên chiến trường để khoe sự thắng lợi thật trên trường ngoại giao. Bình luận vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh viết: “... Theo như sử sách thì Càn Long chỉ bỏ công ngự chế và ngự bút văn thơ cho một ít các võ công hiển hách nhất trong triều đại của mình, qua đó cho thấy tầm quan trọng của chiến sự ngoại giao của triều Thanh đối với Việt Nam, khi ấy vẫn được gọi là “An Nam”, đã khiến vị hoàng đế này phải tốn ít nhiều bút mực chống chế cho thất bại quân sự bằng cách vớt vát thể diện qua con đường ngoại giao Tây Sơn”.

“Những gì vua Càn Long đề trên 5 bức tranh chiến sự không thực, không che lấp được sự thất bại của 29 vạn quân Thanh hồi đầu năm Kỷ Dậu (1789). Tuy thế, nếu có cơ hội, qua nghiên cứu chữ nghĩa trong 5 bức tranh ấy chúng ta cũng có thể hiểu được ý tứ vuốt ve những quân thần bại trận của Càn Long, biết được quan niệm về chiến tranh bành trướng của nhà Thanh như thế nào, đồng thời biết được tên tuổi các danh tướng, các đơn vị quân Thanh đã tham chiến trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa ở Việt Nam mà trước đây chúng ta chưa có đủ tài liệu hiểu rõ hơn. Vì thời gian không cho phép, trong tham luận này tôi chỉ xin đề cập đến bức tranh thứ sáu.

2. Cháu vua Quang Trung được vua Càn Long ban yến

Từ trước đến nay được biết bức tranh thứ sáu này ở dạng đen trắng. Nhưng không rõ từ nguồn nào một nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã giúp tôi có được bức tranh màu. Với bức tranh màu này đặt ra vấn đề phải chăng bộ tranh 6 tấm Bình Định An Nam Chiến Đồ là tranh màu? Hay bộ tranh đó là tranh đen trắng nhưng được các chuyên gia tin học bây giờ tô màu cho đẹp? Tôi không đủ tư liệu để trả lời câu hỏi đó nên sao lại ở đây để mong các nhà nghiên cứu trả lời hộ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Nghĩa dịch âm và dịch nghĩa ghi chú và thơ ngự chế của vua Càn Long trên bức tranh thứ sáu mang tên: “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ”

Dịch âm:

Lê Duy Kỳ phục quốc hậu, bất năng tự lập, nhất văn Nguyễn Huệ phục lai hựu tức đào bôn nội địa. Thiên yếm kỳ đức, thành phi hư ngữ. Dư duy phụng thiên, hạt cảm vi việt bất trị, phục hưng binh vệ bỉ phục quốc dã.

Tự cứ Phúc Khang An tấu Nguyễn Huệ tái tứ dụ khẩn, hối tội qui thuận, xuất ư chí thành. Dư diệc bất dục vi dĩ thậm, nhân tức doãn kỳ sở thỉnh triệt binh. Nguyễn Huệ tiên khiển kỳ thân điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận thâu khổn, tịnh xưng minh tuế đương thân nghệ khuyết đình chúc li, nhân dĩ khất phong.

Tạc tiếp biểu văn, gia kỳ tình từ chân chí, cấp dục đắc thiên triều phong hiệu vi vinh, toại tức sắc phong vi An Nam quốc vương. Tư Nguyễn Quang Hiển lai chí sơn trang, chính giới Vạn Thọ Tiết, lệnh kỳ nhất thể dữ yến dụng thị ân vinh.

Thùy năng bất chiến khuất nhân binh

Chiến hậu uý uy hoài nãi thành

Lê thị khả liên thụ thiên yếm

Nguyễn gia ưng dữ tích triều trinh

Kim thu dĩ tự thân điệt khiển

Minh tuế hoàn xưng cung kỷ hành

Tự thử thâu thành ngoại bang tiển

Gia tai na nhẫn cận ân vinh

Càn Long Kỷ Dậu Trọng thu ngự bút

Dịch nghĩa: Lê Duy Kỳ lấy lại được nước rồi, không có khả năng tự lập, vừa nghe Nguyễn Huệ quay lại lập tức chạy về nội địa (tức Trung Hoa). Trời ghét đức của y không phải là lời nói ngoa. Ta chỉ biết thờ trời, đâu dám vượt qua những điều mà trời không muốn, để lại một lần nữa hưng binh phục quốc cho y.

Khi Phúc Khang An tâu lên Nguyễn Huệ mấy lần khẩn thiết kêu xin hối tội qui thuận quả có dạ chí thành. Ta cũng không muốn chấp nhất nên mới bằng lòng lời thỉnh cầu triệt binh. Nguyễn Huệ trước hết sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển vào chầu để tỏ tình thực, lại xin sang năm đích thân sang cung khuyết chúc thọ, nhân dịp xin phong vương.

Tiếp được biểu văn càng thấy lời lẽ, mong sớm được phong hiệu của thiên triều cho thêm vinh hiển nên mới sắc phong làm An Nam quốc vương. Nay Nguyễn Quang Hiển đến sơn trang đúng vào kỳ Vạn Thọ Tiết nên cho dự yến chung với mọi người để tỏ ân tình của ta.

Ai không giao chiến mà có thể khuất phục được địch?

Sau cuộc chiến lại làm cho sợ hãi mà thành thực qui phục

Thương thay cho họ Lê đến trời cũng chán ghét

Còn nhà Nguyễn thì nên được hưởng phúc triều đình

Mùa thu năm nay sai cháu ruột đến

Sang năm lại xin được đích thân qua

Thành thực như thế ngoại bang thật hiếm có

Việc như thế không lẽ lại không vinh dự hay sao?

Bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ” với thơ đề vịnh ngự bút của vua Càn Long nói chung và bức tranh thứ sáu nói riêng là một nguồn tư liệu mới có giá trị không nhỏ cho việc nghiên cứu về quan hệ chiến sự và ngoại giao Việt - Thanh thời Quang Trung. Qua lời chú và thơ ngự vịnh của vua Càn Long ghi trên bức tranh này cho ta thấy:

1. Càn Long tỏ thái độ chê trách nặng nề vua quan Lê Chiêu Thống và tỏ ra thành thực đón nhận sự cầu hoà của Nguyễn Huệ. “Thương thay cho họ Lê đến trời cũng chán ghét / Còn nhà Nguyễn thì nên được hưởng phúc triều đình”.

2. Nước Thanh giao cho Nguyễn Quang Hiển nhận sắc ấn của nhà Thanh ban cho nước ta đem về (có các quan nhà Thanh đi theo để làm lễ phong An Nam Quốc Vương cho Nguyễn Huệ). Nước Đại Việt thời Quang Trung với thủ đô là Phú Xuân đã chính thức được nước Thanh công nhận. Vua Quang Trung đã đại thắng trên chiến trường đầu năm Kỷ Dậu (1789), bảy tháng sau lại đạt được một thành tựu về ngoại giao lớn, nâng uy thế của nước Việt ta lên một tầng cao chưa từng có đối với Trung Quốc. (Việc này có lẽ đã làm cho mối bất bình giữa vua Quang Trung và vua Thái Đức ở Qui Nhơn sâu sắc hơn).

3. Xưa nay sử sách của nước ta không ngớt đề cập đến nhân vật Phạm Công Trị - cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu, đóng giả vương Quang Trung cầm đầu sứ đoàn sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long 80 tuổi (1790). Ngày nay, sau khi tiếp cận được kho tư liệu của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đang đặt lại vấn đề: Có chuyện Phạm Công Trị giả vương hay không(1). Qua ghi chú và bài thơ ngự vịnh trên bức tranh thứ sáu này đưa thêm tên một người nữa là Nguyễn Quang Hiển. Vậy Nguyễn Quang Hiển là ai ? Nguyễn Quang Hiển là cháu của vua Quang Trung như thế nào ? Một chi tiết nhỏ mà thật lý thú. Căn cứ nguồn tư liệu Khâm Định An Nam Kỷ Lược, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính cho biết “Ngoài lời khai trong những thư từ qua lại, để cho thêm chính xác, đích thân Phúc Khang An đã hỏi lại Nguyễn Quang Hiển và còn bảo ông này viết xuống cho minh bạch, sau đó kèm vào mặt biểu gởi lên vua Càn Long. Theo lời khai đó, Nguyễn Quang Hiển là con của anh cả Nguyễn Quang Hoa trong bốn anh em trai kế đó là Nguyễn Quang Nhạc rồi Nguyễn Quang Bình (Nguyễn Huệ) và sau cùng là Nguyễn Quang Thái (Nguyễn Lữ)(1). Danh tánh Nguyễn Quang Hiển trong bức tranh thứ sáu đặt ra bao nhiêu điều điều thú vị cần phải tiếp tục nghiên cứu. Nguyễn (Quang) Nhạc không phải là anh cả mà là Nguyễn Quang Hoa kia ? Nguyễn Lữ còn có tên là Thái.

Kết luận.- Đối với các nhà sưu tập tranh cổ của Trung Hoa, bản sao bức tranh “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” chỉ là một tài liệu tham khảo, xem chơi chứ không có giá trị về vật chất được tính bằng các loại tiền tệ như các bức tranh cổ khác. Nhưng đối với lịch sử ngoại giao Việt Nam th́ đây là một biểu tượng vô giá. Với cháu của vua Quang Trung mà được Hoàng đế Trung Hoa ưu ái một cách thành thực đến thế, ta thử tưởng tượng đối với chính vua Quang Trung Hoàng đế nhà Thanh sẽ quý trọng biết đến chừng nào ! Có được thành quả đó mới thấy ngoài tài năng về quân sự vua quan triều Quang Trung đã có một đường lối ngoại giao tuyệt vời chưa từng có trong lịch sử bang giao giữa hai nước Việt Trung. Bức tranh (bản sao) “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” sẽ giữ một vị trí xứng đáng trong nhà trưng bày hiện vật “Phú Xuân thời Nguyễn Huệ Quang Trung” trong tương lai.

Trước khi dứt lời, qua tham luận này tôi xin cám ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh - khoa ngôn ngữ và văn minh Á Đông của Đại học Harvard đã có công sưu tầm được những báu vật này, cám ơn GSTS Hồ Huệ Tâm Tài, GS Nguyễn Nam, bà Chu Tuyết Lan đã tận tình giúp tôi sao chụp được bộ tranh này; cám ơn các nhà sử học Nguyễn Duy Chính, Trần Anh Tuấn đã có những công trình nghiên cứu Nguyễn Huệ Quang Trung từ nguồn tư liệu của Trung Quốc để tôi có đủ tư liệu hiểu được lịch sử và giá trị của bộ tranh này. Cám ơn quý vị tham dự hội thảo đã lắng nghe tham luận này của tôi.

                            Huế, tháng 4 năm 2008

Nguyễn Đắc Xuân


(*) Hội thảo Khoa học Tây Sơn Thuận Hoá và Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung.

(1) George Dutton, The Tây Sơn Uprising - society and Rebellion in Eighteenth - Century Vietnam (Phong trào Tây Sơn - Xã hội và cuộc nổi dậy vào thế kỷ 18 ở Việt Nam), Đại học Hawai’i (Hoa Kỳ), 2004.

(1) Theo Đại Việt Quốc Thư, trong một tờ Dụ vua Càn Long gởi cho vua Quang Trung khi được tin Nguyễn Huệ không dám nhận lãnh những ân điển quá đáng như đai màu kim hoàng, và lễ bảo kiến thỉnh an thì chính vua Càn Long khi phong thế tử cho Nguyễn Quang Thuỳ còn nhắc đến lời tâu của Phúc Khang An là đã dặn Đặng Văn Chân và Phạm Công Trị (hai người được lệnh đưa Nguyễn Quang Thuỳ trở về vì bệnh lên cơn sốt rét) hãy săn sóc cho chu đáo (tr.256). Như vậy thì Phạm Công Trị phải đưa Quang Thuỳ về nước thế thì làm gì còn giữ được vai trò giả vương Quang Trung nữa ?

(1) Nguyễn Duy Chính, Từ Khâm Định An Nam Kỷ Lược nhìn lại sử Việt Nam, Dòng Sử Việt, số 4 (Tháng 7 và 8-2007), tr. 34.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia