Tài dùng người của Quang Trung

Sự phát triển và mở rộng của phong trào Tây Sơn cũng đồng thời là quá trình xây dựng chính quyền, củng cố đất nước, đi từ địa phương đến phần lớn lãnh thổ. Trước yêu cầu bức thiết này, Nguyễn Huệ phải tìm cách đào tạo nhiều quan chức cho chính quvền mình và đồng thời phải sử dụng những sĩ phu của chính quyền cũ.

Phan Đại Doãn

Cố gắng của quân đội chính quyền Lê - Trịnh dưới sự chỉ huy của tướng già Hoàng Ngũ Phúc là đã vượt quá sông Gianh, đánh chiếm Phú Xuân rồi qua đèo Hải Vân đóng giữ vùng Thăng Điện (Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay). Một số tướng Trịnh đề nghị tiếp tục tiến quân, nhưng Hoàng Ngũ Phúc dừng lại, bởi lẽ sức lực của quân Trịnh không vươn lên được nữa.

Mùa hè năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân, ra Thăng Long, nhưng sau đó lại rút về Nghệ An. Quá trình tiến tới xóa bỏ ranh giới Đàng Trong - Đàng Ngoài là đi từng bước, Trịnh cũng đi, Tây Sơn cũng đi. Và năm 1787, phong trào Tây Sơn thành lập chính quyền trên toàn bộ Bắc Hà, cuộc phân chia bị xóa bỏ thực sự.

Sự phát triển và mở rộng của phong trào Tây Sơn cũng đồng thời là quá trình xây dựng chính quyền, củng cố đất nước, đi từ địa phương đến phần lớn lãnh thổ. Trước yêu cầu bức thiết này, Nguyễn Huệ phải tìm cách đào tạo nhiều quan chức cho chính quvền mình và đồng thời phải sử dụng những sĩ phu của chính quyền cũ.

Xóa bỏ chế độ cũ (tổ chức chính quyền các cấp của các tập đoàn Nguyễn và Lê - Trịnh cùng các thể chế và chính sách quân sự chính trị kinh tế của chúng) không có nghĩa là coi toàn bộ những con người của chính quyền cũ là thù địch, là phải loại trừ. Nguyễn Huệ - Quang Trung không làm như vậy, “không phủ định sạch trơn”. Ngay từ đầu, ông đã thiết tha mời các sĩ phu và quan lại cũ ra hợp tác cùng xây đựng đất nước [1].

Nguvễn Huệ đánh giá rất cao tầng lớp sĩ phu (trí thức thời bấy giờ). Trong Chiếu cầu hiền của Quang Trung có đoạn viết “Đương khi trời còn thảo muội, là lúc quân tử thi thố kinh luân, nay buổi đầu đại định mọi việc còn đương mới mẻ. Mối giềng triều đình còn đương thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan. Dân khổ chưa hồi sức, đức hóa chưa thấm nhuần, trẫm chăm chắm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan. Nghĩ rằng sức một cây gỗ không chống nổi tòa nhà to, mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình. Hỏi rằng trong một nước, một ấp mươi nhà hẳn còn có người trung tín, huống chi trong cõi đất rộng lớn đến thế này, há lại không có người kiệt xuất hơn đời để giúp rập chính sự buổi đầu cho trẫm ư”.

Vậy ban chiếu xuống, quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đặt cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho các quan văn võ đều được tiến cử; lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng. Hoặc có người từ trước tới nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng cho phép dược dâng thư tự cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao” [2].

Nhà nho có lý tưởng nhập thế, hoạt động thực tiễn, giúp vua an dân. Họ giữ đức “trung” đôi khi đến ngu trung, nhưng tính thực tiễn của họ lại tạo ra chữ “thời”. Phần lớn cách ứng xử của nhà Nho đâu chỉ khăng khăng giữ đức trung mù quáng, mà nhiều người còn ứng xử theo thời, chữ “trung” có nghĩa đạo đức, tình cảm; chữ “thời” có ý nghĩa thực tiễn duy lý, tìm cách thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh xã hội. Đó chính là cơ sở tư tưởng hướng dẫn không ít sĩ phu đi theo Tây Sơn.

Nguyễn Huệ, trong những năm đầu đánh chiếm Gia Định đã tìm cách lôi kéo, thu dụng Nguyễn Đăng Trường - một sĩ phu nổi tiếng ở Đàng Trong – “đối đãi như bậc khách và thầy” Truờng không chịu, Nguyễn Huệ cũng thả cho đi. Lần thứ hai, Trường bị bắt, Nguyễn Huệ vẫn tôn trọng hỏi ý. Trường một mực nói “Nay chi cớ một chết mà thôi”.

Nguyễn Huệ tôn trọng tầng lớp sĩ phu và kiên trì lôi kéo họ tham gia chính quyền, thể hiện rõ rệt trong thái độ đối xử với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thiếp là thầy giáo nổi tiếng ở xứ Nghệ, bậc danh sĩ được cả nước biết tiếng. Nét riêng về Nguyễn Thiếp là từ chối công danh lui về ở ẩn nhưng lại có lòng thương dân (vào năm 1780, ông có ngỏ lời với hiệp trấn Nghệ An là Bùi Huy Bích xin sớm nghĩ cách cứu dân Nghệ khỏi cảnh đói kém). Mới đầu, Nguyễn Thiếp theo Tây Sơn còn dùng dằng. Đến cuối tháng 1 năm 1787, Nguyễn Huệ phái hai viên quan mang thư và lễ vật đến tận trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn mời ông hợp tác. Thư của Nguyễn Huệ có đoạn viết: “Đã lâu nay nghe tiếng phu tử đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới gặp mặt để thỏa lòng tiên kiết khó nhọc ... (Mong phu tử) nghĩ tới lòng tôi, chân thành bỏ cày, quăng câu cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương” [3].

Lời thư trọng vọng, nhún nhường. Tuy nhiên Nguyễn Thiếp vẫn còn ngần ngại. Nguyễn Huệ lại cho mời lần thứ hai rồi lần thứ ba. Trong lần thứ ba, Nguyễn Huệ viết: “Mười lăm năm đến bây giờ, chưa hề một phút nào quên tìm người tài giỏi. Không ngờ nay trông lên thành Lục Niên (trên núi Thiện Nhẫn) có người tài đang ở đó. Ấy là trời để giành phu tử cho quả đức vậy” [4].

Nguyễn Huệ kiên nhẫn mời mọc và rất trọng hậu Nguyễn Thiếp. Cuối cùng Thiếp xuống núi. Trong các công cuộc đánh Thanh, xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô và lập Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp có đóng góp quan trọng.

Cần nói thêm, các sĩ phu khoa bảng, các quan chức lớn của triều Lê Trịnh như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Nễ, Đặng Tiến Đông v.v… được Nguyễn Huệ thu dùng đều có anh em chú bác chống lại Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm có chú là Ngô Tưởng Đạo và em là Ngô Thì Chí đã quyết liệt chống Nguyễn Huệ. Ngô Tưởng Đạo chết trong công việc “phục quốc”. Phan Huy Ích có em là Phan Hữu Chấn nổi lên chống Quang Trung mà bị giết chết. Mặc dầu vậy, Nguyễn Huệ ngay từ đầu rất tin tưởng vào Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và giao cho họ nhiều trọng trách.

Hoàng Lê nhất thống chí có ghi sự kiện Nguyễn Huệ gặp các quan chức của mình ở Bắc Hà trước khi rút về Phú Xuân như sau: “Lúc sắp lên đường, Huệ mở tiệc họp đông đủ mọi người, rồi nói:

- Sở và Lân là nanh vuốt của ta; Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta; Tuyết là cháu ta; còn Nhậm vừa là bầy tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta giao cho các người cả người một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước đều cho tùy tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau  họp bàn ổn thỏa, chớ vì kẻ cũ người mới mà xa cách nhau” [5]. Như vậy, dưới con mắt của Nguyễn Huệ, vị tiến sĩ quan đại thần nhà Lê. Ngô Thì Nhậm được đối xử là bầy tôi, là khách, thuộc dòng văn học thông thạo việc đời, hơn nữa lại cho tùy tiện làm việc. Cách dùng người như vậy trong lịch sử không nhiều lắm.

Một dẫn chứng khác là ghi chép trong “Thư gửi lên quan Tư Hội Sứ” (Đầu Tư Hội Sứ [6] thư) của tiến sĩ triều Lê là Ngô Trọng Khuê (bạn với Ngô Thì Nhậm) - có viết: “Ngửa thấy ngày nay, Bắc Nam một nhà, bậc có tài năng đều ra giúp việc, những vị danh thần hưởng ứng chính nghĩa, những kẻ sĩ phu bỏ tối theo sáng... Nhận thấy thánh triều (chỉ triều Quang Trung) từ buổi khai sáng tới nay những người gọi là di thần của cựu triều chạy trốn có đến vài mươi người. Hiện đã nhờ được ơn đức của bề trên bao hàm dung nạp, không nỡ quở trách chém giết. Cái việc năm trước (tôi) bị bao vây giam giữ, cũng là đe dọa qua loa tạm thời, liền xuống chỉ dụ khoan hồng ngay. Đó không phải là dùng uy hiếp mà bắt người ta đến, chính là mời tới đó để bảo rõ sự cầu hiền của Thánh triều là rộng rãi, chính là khoan hồng đó, để được trọn vẹn cái tiết thảo của bề tôi “xuất” hay “xử”. Sự công bằng rộng lớn xưa nay ít thấy” [7].

Mấy dẫn chứng trên chứng tỏ Quang Trung dùng người rất rộng rãi, không câu nệ bởi thành phần xuất thân là quan lại cũ của triều Lê – Trịnh, cũng không kể họ là địa phương Đàng Ngoài hay Đàng Trong. Quang Trung thành thật thu dùng họ đã chuyển biến được họ từ đối lập thành người cộng sự tích cực và sự thật họ có đóng góp nhiều cho triều đại này.

Sĩ phu nổi tiếng đi với Nguyễn Huệ - Quang Trung đầu tiên có lẽ là Trần Văn Kỷ. “Trần Văn Kỷ, có tên là Trần Chánh Kỷ đã đậu khoa thi hương ở Phú Xuân năm 1777. Ông có ra Thăng Long dự kỳ thi hội, nhưng hỏng. Ở Thăng Long, Trần Văn Kỷ có dịp tiếp súc với nhân sĩ Bắc Hà. Mùa hè năm 1786, khi ra Phú Xuân, Nguyễn Huệ sai người tìm Kỷ hỏi công việc Nam Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho vào ở chỗ “màn trướng”, việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời” [8]. Vào các năm 1786 và 1787, Bắc Hà là đất lạ đối với Nguvễn Huệ, nhiều sĩ phu còn hoài vọng nhà Lê, có kẻ theo Chiêu Thống chống lại Tây Sơn, Trần Văn Kỷ có vai trò quan trọng trong công việc tổ chức bộ máy cai trị ở đây. Ông đã giới thiệu cho Nguyễn Huệ nhiều nhân sĩ tài năng tham gia vào bộ máy Nhà nước.

Nhân vật tiêu biểu cho đóng góp của sĩ phu Bắc Hà vào triều Quang Trung là Ngô Thì Nhậm. Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ giới thiệu, Nguyễn Huệ liền phong ông là Tinh phái hầu Tả thị lang bộ lại và nói rõ: “Đây là người do ta gây dựng lại” [9]. Chẳng quản người “mới” và người “cũ”, Ngô Thì Nhậm thành thật cộng tác với tướng Ngô Văn Sở theo yêu cầu của Quang Trung. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, Ngô Thì Nhậm là người đề xuất và tổ chức thực hiện cuộc rút lui chiến lược, lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Đồng thời chính ông, ngay trong giờ phút khẩn trương và nghiêm trọng này đã soạn thảo tờ “chiếu lên ngôi” gửi vào Phú Xuân cho Nguyễn Huệ [10]. Việc soạn thảo sẵn tờ “Chiếu lên ngôi” từ Bắc Hà gửi vào có nghĩa là Ngô Thì Nhậm đã dự tính đến việc này, như đã cùng với Nguyễn Huệ bố trí trước công việc [11].

Việc đề xuất tư tưởng rút quân về Tam Điệp và soạn thảo trước “Chiếu lên ngôi” nói lên tài năng của Ngô Thì Nhậm, cũng thể hiện con mắt sáng suốt, cách dùng người chính xác và cởi mở của Nguyễn Huệ.

Những sĩ phu Bắc Hà cộng tác với Tây Sơn còn có nhiều nhân vật nổi tiếng ngoài Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, còn có Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn v.v… Một số đảm nhận công việc cai trị ở các địa phương, một số được đưa về Phú Xuân, tham gia xây dựng chính quyền trung ương. Họ đều là những người có đóng góp quan trọng cho đất nước dưới triều Tây Sơn trong các lĩnh vực nội trị, ngoại giao, cũng là gương mặt tiêu biểu cho vương triều này trong lịch sử dân tộc.

Trên đây là mấy nét về cách dùng người, chủ yếu là sĩ phu Bắc Hà, của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Thiên tài của Nguyễn Huệ không phải chỉ ở quân sự, chính trị, ý chí của Nguyễn Huệ không phải chỉ ở những công cuộc cải cách mà tài năng đó, ý chí đó còn thể hiện trong cách dùng người của ông.

 

[Nguồn Lịch sử Quân sự, Kỷ năm 200 năm Đại thắng Thăng Long Xuân Kỷ Dậu (1789 - 1989), số 1 (37) 1989, tr.59-61, tr.80]

 


[1] Xem Tờ chiếu hiểu dụ các quan văn vũ triều cũ trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 1978, Q. II, tr.112.

[2] Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1978, Q.II, tr.124.

[3] Theo Hoàng Xuân Hãn, La sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris 1952, tr.98.

[4] Theo La Sơn phu tử, Sđd, tr.107.

[5] Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch của Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.337-338.

[6] Tư hội sứ có lẽ là Trần Văn Kỷ.

[7] Ngô Trọng Khuê, Thiêm Đô công di tập (chữ Hán) chép tay. Tài liệu trong gia phả họ Ngô ở La Khê, thị xã Hà Đông, theo bản dịch của Trần Lê Văn, Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội – 1984, tr.88.

[8] Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr.293.

[9] Như [8].

[10] Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập II, sách đã dẫn, tr.107.

[11] Xem thêm bài Nước cờ Tam Điệp và tác giả của nó của Lê Văn Lan trong Tam Điệp, di tích và danh thắng, 1986, tr.142. 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia