Chiếu lên ngôi

Nước Việt ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nước đến nay bậc thánh minh dấy lên chẳng phải một họ. Nhưng phế, hưng, dài, ngắn, vận mệnh trời cho, chẳng phải sức người làm được.

Trước đây, nhà Lê mất quyền, nhà Trịnh và nhà Nguyễn cũ chia tay nhau cương vực. Hơn hai trăm năm kỷ cương rối loạn, ngôi vua chỉ là hư vị, mỗi họ tự ý gây dựng cơ đồ riêng, giềng mối của trời đất một phen đổ nát không sao dựng lên được, chưa có thời nào hư hỏng quá như thời này. Vả lại, mấy năm gần đây, Nam Bắc đánh nhau, dân sa vào chốn lầm than.

Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong vị minh chúa để cứu đời yên dân. Vì vậy, trẫm tập hợp nghĩa binh mặc áo tơi đi xe cỏ, mở mang núi rừng, giúp đỡ Hoàng Đại huynh [1] rong ruổi việc nhung mã, gây dựng nước ở cõi tây, dẹp yên Xiêm La, Cao Miên ở phía nam, rồi hạ thành Phú Xuân, lấy thành Thăng Long. Ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong vòng nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Đại huynh, ung dung áo thêu hài đỏ, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi mà thôi. Nhưng việc đời dời đổi, trẫm không được như chí xưa đã định. Trẫm dựng lại họ Lê, nhưng Lê tự quân [2] không giữ được xã tắc, bỏ nước bôn vong. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê, lại dựa vào trẫm. Đại huynh thì mệt mỏi chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, nhún mình xưng làm Tây Vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi Nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp người xưa, mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc thống nhiếp, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa!

Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm sớm định vị hiệu, để thắt chặt lòng người, đã dâng biểu khuyên mời đến hai ba lần. Các biểu vàng suy tôn, không bàn tính với nhau, mà cùng một lời. Nghiệp đế rất trọng ngôi trời khó khăn, trẫm thật lòng lo không kham nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu.

Hỡi muôn dân trăm họ, lời nói của ngôi hoàng cực là giáo huấn phải thi hành. Nhân, nghĩa, trung, chính là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay trẫm cùng dân đổi mới, theo mưu sáng của vua thang đời trước để trị và dạy thiên hạ!

(Do Ngô Thì Nhậm soạn, nguyên văn chữ Hán

trong Hàn các anh hoa)

  

[Nguồn Lịch sử Quân sự, Kỷ năm 200 năm Đại thắng Thăng Long Xuân Kỷ Dậu (1789 - 1989), số 1 (37) 1989, tr.77]


[1] Hoàng Đại huynh: chỉ Nguyễn Nhạc.

[2] Tự quân: vua nối ngôi, chỉ Lê Chiêu Thống.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia