Từ hơn 20 năm nay từ già đến trẻ các ngươi đã hưởng những ân huệ từ anh em nhà Tây Sơn. Với lòng tận tụy, trung thành, các ngươi đã chiến thắng từ Bắc chí Nam. Anh em của Trẫm ghi công trạng các ngươi. Chính ở vùng đất này mà anh em Trẫm đã tìm được những con người can đảm và những quan lại có năng lực để lập nên triều đại (Tây Sơn). Bất cứ nơi đâu có quân ta đến thì nơi đó quân thù phải tan tác trốn chạy. Nơi đâu quân ta chinh phạt thì nơi đó giặc Xiêm-la và giặc Tàu phải một phen khiếp vía, hồn kinh... Còn cái triều đình cũ kỹ, uế tạp kia, hơn 30 năm qua Trẫm chưa từng thấy chúng làm được điều gì tốt. Giao tranh 100 trận, tướng tá chúng đều bị giết, quân lính thì tan tác chạy dài, xương cốt chúng rải đầy khắp đất Gia Định. Các ngươi đã từng chúng kiến hoặc giả như chưa tận mắt thấy thì cũng đã từng tai nghe những điều anh em Trẫm đã làm. Còn tên Chúa tội nghiệp kia làm gì ? (b), (vị vua trị vì đã chạy trốn bên trời Tây) (1). Còn dân Gia Định xưa nay vốn rụt rè, sợ hãi mà nay chúng dám đứng lên chống lại ta, thì có gì các ngươi phải khiếp sợ?
Sở dĩ quân thủy, bộ của chúng đã chiếm đóng và có mặt tại tất cả các hải cảng của các ngươi thì qua các tấu trình, Đức Thái hoàng đế (c) đã biết rõ lý do: không phải do tài năng của chúng mà chính vì các quan lại, tướng sĩ và tất cả các ngươi không có lòng can đảm để chiến đấu dẫn đến việc ngày nay các ngươi đã để lọt đất đai vào trong tay địch.
Nay, Đức Hoàng Đế, bào huynh của Trẫm, ra lệnh chuẩn bị một đạo quân thủy bộ uy dũng, để đi đánh tan chúng một cách dễ dàng như bẻ gãy một khúc củi mục. Phần các ngươi, đừng sợ bất cứ điều gì, hãy lắng tai, mở mắt để tận tai nghe, mắt thấy những điều anh em Trẫm sắp làm, các ngươi sẽ thấy từ Bing Cang (?) đến tận Nha Trang sẽ thành bình địa, Phú Yên là bãi chiến trường và cuối cùng từ Bình Thuận đến tận Cam-bốt chỉ trong một trận đánh, đất đai đó sẽ vào lại tay Trẫm để cho các ngươi thấy rằng nhà Tây Sơn chúng ta là huynh đệ và huynh đệ của Trẫm không bao giờ quên cùng chung một giòng máu.
Trong lúc chờ đợi quân ta tấn công phủ Gia Định để lập lại uy quyền, Trẫm khuyên nhủ các ngươi, từ trẻ đến già phải tận lực trung thành với Hoàng gia, tên tuổi hai phủ của các ngươi sẽ được lưu truyền mãi mãi trong sử sách. Các ngươi đừng vội tin vào những điều người ta nói về người Tây phương rằng chúng là giống người rất thần kỳ mà hãy xem chúng như những xác chết trôi lềnh bềnh trên biển Bắc (?), cái giống người mắt xanh như đồ rắn lục! Chẳng ghê gớm gì khi chúng nó nói về tàu đồng, trái phá đại bác. (d)
Làng xóm của hai phủ, chỗ nào nằm trên đường trẩy quân thì các ngươi phải nhanh chóng bắc cầu, xây cổng để quân Trẫm tiến qua. Ngay khi các ngươi nhận được hịch này, các ngươi phải làm y như điều ta dạy.
Hãy kính cẩn nhận Hịch này!
Ngày 10 tháng 7 năm Quang Trung thứ 5 (27-8-1792).
Chú thích trong nguyên bản tiếng Pháp.
(a) Tôi ( M.de LA BISSACHÈRE) dùng chỉ dụ này để tìm hiểu lối hành văn của người Bắc kỳ, Quang Trung thăng hà từ 10 năm trước khi hoàng đế hiện nay (Gia Long) lên ngôi. Ghi chép này là do La Bissachere hơn là của Sainte - Croix, nên để ý rằng Thừa sai này xem mình là tác giả bài dịch (qua tiếng Pháp) này - người em thứ 3 nhà Tây Sơn ở đây có tên là Quang Trung mất vào ngày 13 tháng 11 năm 1892 và triều đại Gia Long bắt dầu vào ngày 1 tháng 6 năm 1802.
1. Tờ Hịch này theo chúng tôi nghĩ xuất hiện đầu tiên trong LES NOUVELLES des MISSIONS ORIENTALES nhận tại Londres do các bề trên Des Missions Étrangères vào năm 1793, 1794, 1795, 1796, trang.142, không có tên người dịch. MN, lấy lại bản dịch, II, trang 306, nhưng trong bản dịch của LG các tên về địa danh viết không đúng thì ở đây viết đúng với các dấu phụ trong các từ: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Gia Định, Bình Khang, Nha Trang và Bình Thuận.
(b) Ta thấy tác giả chỉ dám dùng chức vị này (R), đây là một sai lầm, xem phần trên, trang 126.- M.N, thay vì Chua phải viết là Chủng, là tên riêng của hoàng tử.
1. Đây cũng sai, do sự lẫn lộn giữa Gia Long và người con - (Hoàng tử Cảnh) Renouard sai mà cả La Bissachère cũng sai.
(c) Chỉ người anh trưởng của 3 anh em Tây Sơn, Nguyễn Văn Nhạc.
(d) M.Boisserand đã ném trái bóng làm cho dân xứ Nam kỳ kinh ngạc.
Huỳnh Đức dịch.
Nguyễn Đắc Xuân hiệu đính
Tư liệu về vua Quang Trung rất hiếm, mà phần lớn viết bằng chữ Nôm, chữ Hán và quốc ngữ. Bất ngờ trong cuốn Mối Quan Hệ giữa Bắc Kỳ và Nam Kỳ của Thừa sai Bissachère (ra đời năm 1807) được Tiến sĩ Charles B Maybon xuất bản năm 1920 tại Pháp có một tờ Hịch của vua Quang Trung gởi cho quan lại, tướng sĩ và thần dân hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn hết sức quý. Không rõ bản gốc chữ Nôm như thế nào mà bản dịch ra Pháp văn của Bissachère rất quyết liệt. Tờ Hịch cho biết quân của Gia Định đã tấn công Qui Nhơn-Quảng Ngãi, quân tướng của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) bỏ chạy, dân chúng hai phủ Quảng Ngãi Qui Nhơn rất sợ hãi. Vua Quang Trung đã viết tờ Hịch nầy để dựng lại tinh thần cho họ. Để cho dân tin vua Quang Trung cho biết ông đang chuẩn bị một đội quân hùng mạnh để tiêu diệt quân Gia Định. Nhưng rất tiếc tờ Hịch gởi đi chưa được bao lâu thì vua Quang Trung qua đời. Có lẽ đây là văn bản cuối cùng mà vua Quang Trung đã gởi cho thần dân. Vì ý nghĩa lịch sử to lớn như thế nên chúng tôi xin chuyển qua Việt ngữ để phục vụ các nhà Tây Sơn học trẻ. Bản văn cổ, người dịch mới nên không tránh được những câu chữ chưa được chuẩn xác. Kính mong các bậc cao minh thông thạo Pháp ngữ cổ chỉ giáo cho những chỗ bất cập. Bản văn gốc xin xem dưới đây.