Bước đầu, Viện Khảo cổ học đã tìm thấy những tín hiệu, dấu tích, tư liệu của các triều đại khác nhau như tiền đồng, đồ sắt, gốm, sành sứ, gạch ngói có liên quan đến các dấu tích kiến trúc.
Theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm, việc có thành quách, cung điện hay mộ táng thì phải còn chờ vì hiện tại chỉ mới thăm dò ở lớp đất mặt.
Tại hố thăm dò nhà ông Trọng phát lộ lớp đất mặt, chưa có dấu tích cụ thể nên chưa thể kết luận có liên quan đến thành, tường hay phủ Dương Xuân – cung điện Đan Dương như trong công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra.
Khu vực gò Dương Xuân, nơi tọa lạc của rất nhiều chùa, nhà dân nên có rất nhiều dấu tích như đá táng, bệ đá, bậc lên xuống, văn bia, giếng cổ…
Những tư liệu được tìm thấy cần kết nối lại, đoạn nào của triều đại nào. Cuộc thăm dò khảo cổ của Viện Khảo cổ học nhằm tiến hành thu thập hiện vật, thông tin của các tầng văn hóa cho đến sinh thổ (tầng đất chưa có sự tác động của con người).
“Trong khảo cổ học, ngoài những hiện vật tìm thấy tại hiện trường, chúng tôi còn phải chỉnh lý khoa học tại bảo tàng. Từ đó, sẽ có báo cáo sơ bộ gửi các cấp thẩm quyền rồi mới có báo cáo chính thức gử Bộ VHTTDL, Cục Di sản, Viện Khảo cổ học…”, ông Liêm nói.
“…Những tư liệu vật thực dưới lòng đất kết hợp với tư liệu sử sách thành văn và các phương pháp hỗ trợ khác như phân tích mẫu, phân tích C14, cacbon… để xác định niên đại tuyệt đối chứ không thể kết luận ngay được”, ông Liêm cho hay.
Theo TS Bùi Văn Liêm, nếu phát hiện dấu tích kiến trúc của phủ Dương Xuân – cung điện Đan Dương hay các tầng văn hóa khác, sẽ báo cáo đề xuất với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để có hướng xử lý tiếp theo.
Nhà báo Đăng Khoa
Nguồn laodong.com.vn (12.10.16)