Trước đây, Văn Nhạc chiếm cứ Quảng Nam, sai người xin hàng và xin trấn thủ đất ấy. Trịnh Sâm thấy chỗ ấy vừa hiểm trở, vừa xa xăm, vả lại cũng ngại về việc dụng binh, nhân đấy mới giao cho Văn Nhạc trấn giữ. Sau đó, Văn nhạc xưng là Thiên vương đặt ngụy hiệu là Thái Chb.XLVI,16 Đức triều đình nghe biết việc này cũng bỏ qua không hỏi đến. Trấn thủ Phạm Ngô Cầu là người tham lam nhút nhát, tham tụng Hồ Sĩ Đống từ Thuận Hóa về kinh, đã nhiều lần xin bổ viên tướng khác thay cho Ngô Cầu, nhưng việc này sau cũng im đi.
Ngô Cầu chuyên làm việc buôn bán, không sắm sửa khí giới phòng bị lương thực, quân và dân đều chán nản khinh thường. Nhân đấy, Văn Nhạc phong cho em là Văn Huệ làm Long nhương tướng quân, chỉ huy các quân thủy, quân bộ, Vũ Văn Nhậm(1) đem tả quân, Nguyễn Hữu Chỉnh đem hữu quân, chia đường cùng tiến, qua đèo Hải Vân. Tướng giữ đồn là Hoàng Nghĩa Hồ ra đánh, bị chết. Nhân thế thắng, quân của Nguyễn Huệ xông thẳng đến Thuận Hóa. Lúc ấy, Ngô Cầu đương đặt đàn chay lớn, chợt nghe tin giặc kéo đến, lúng túng, không biết thi thố cách nào. Trước đây, vì bức thư ly gián của Hữu Chỉnh, nên Ngô Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể vẫn nhị tâm với nhau, sĩ tốt sinh ra nghi ngờ lười biếng, không ai có lòng chiến đấu. Gặp lúc ấy nước thủy triều lên mạnh, giặc bèn cho châu sư(2) ồ ạt tiến đến dưới thành. Hoàng Đình Thể, một mình đem quân bản bộ đón đánh, thuốc súng và đạn đều hết. Ngô Cầu đóng cửa thành không cứu viện. Đình Thể cùng hai người con (một người là Đình Vị, còn một không rõ tên) và tì tướng là Vũ Tá Kiên dựa vào thành lũy để bày trận, đem hết sức lực chiến đấu hăng hái; hai người con phóng ngựa ra trận giết giặc, ngựa bị què
_____________
- Nguyên văn chép “Sĩ” và chua rằng: “Vì tránh tên húy nên đổi di. Ở đây chúng tôi phiên âm rõ là “Nhậm”. Dưới đây cũng đều phiên âm như thế.
- Tên một binh chủng, sử dụng bằng thuyền.
bèn đánh lối bộ chiến, bị trọng thương, chết tại mặt trận. Đình Thể cùng Tá Kiên đều chết. Văn Huệ lùa quân ồ ạt tiến lên. Ngô Cầu mở cửa thành xe quan tài(1) ra hàng, đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết ở trong đám loạn quan. Giặc tung quân vào thành, chém giết thả cửa, hơn vài vạn tướng sĩ đóng ở đồn, chỉ còn được vài trăm người qua sông trở về Bắc Hà mà thôi. Do đấy tướng đóng ở các đồn Cát Doanh và Động Hải nghe được phong thanh đều chạy trốn.
Lời chua – Hoàng Nghĩa Hồ : Người thôn Hoàng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên(2), tỉnh Nghệ An, đỗ tạo sĩ.
Vũ Tá Kiên : Người xã Hoàng Hà(3), huyện Thạch Hà, đỗ tạo sĩ.
Nguyễn Trọng Đang : Người xã Trung Cần(4), huyện Thanh Chương, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) năm Cảnh Hưng.
Cát Doanh : Ở địa phận xã Ái Tử(5), huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.
Động Hải : Xem năm Cảnh Hưng thứ 39 (Chb.XLV,10).
( Trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, tr. 779-781, Nxb Giáo dục, 1999)
_____________
- Có ý xin ra để chịu chết.
- Nay là huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
- Nay là thôn Hạ Hoàng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Nay là thôn Trung Cần, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.