Mười một năm sau, tức năm 1766, Koffler lại bị tống giam ở Lisbonne (Bồ Đào Nha), ông sử dụng thời gian ở trong tù để ghi lại những hồi ức về khoảng thời gian khá dài đã sống ở Đại Việt. Tác phẩm này được một giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo quốc ngoại là V. Barbier dịch ra tiếng Pháp dưới nhan đề Description historique de la Cochinchine (Miêu tả lịch sử xứ Đàng Trong). Tác phẩm gồm 7 chương, trong đó dành 4 chương đầu viết về lịch sử vương quốc Đàng Trong, đặc biệt những chi tiết thú vị về đời sống thường nhật cũng như những dịp đặc biệt trong phủ Chúa. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên miêu tả một cách sinh động và khá đầy đủ các sinh hoạt cung đình, điều mà chính sử chỉ nói đến qua loa bằng những dòng sử biên niên khô khan và cứng nhắc.
Thời các chúa Nguyễn, nhân vật quan trọng sau chúa là vị thế tử, tức là người con trai sẽ kế nghiệp chúa. Người này thường là con trưởng, nhưng cũng có trường hợp chúa chọn con thứ làm thế tử do người này thông minh, dĩnh ngộ hơn và được chúa sủng ái hơn cả. Thời đó, thường là vị thế tử được giao trấn thủ Quảng Nam, địa phương trọng yếu của xứ Đàng Trong, nơi có Hội An, trung tâm giao dịch ngoại thương lớn của cả nước. Năm 1644, chính thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần, trấn thủ Quảng Nam, đã chỉ huy đoàn thuyền chiến đánh tan đội thuyền Hà Lan, trong một cuộc xung đột bất ngờ xuất phát từ việc một thương gia Hà Lan đánh chết một người Việt làm công trong cửa hàng của ông ta.
Thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, tình hình kinh tế xã hội đã khá ổn định. Nếu năm1698, chủ quyền đất nước chỉ mới đến vùng Gia Định, Đồng Nai thì đến cuối thập niên 1750, ranh giới phía Nam Đàng Trong đã trải dài tới vùng Cà Mau, Rạch Giá ngày nay. Công lao khai phá của Võ vương đối với đất nước không phải là nhỏ. Có một cơ ngơi ổn định, năm 1744 ông xưng vương hiệu và cải cách nhiều mặt trong đời sống công cộng. Trong lúc từ đời Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738), các chúa vẫn giữ tước Công, phong bách thần thì xưng là “Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh đáp phó”; bổ quan lại thì dùng các chữ “thị phó”, “thị hạ” và ký là “Thái phó Quốc công”, dùng ấn “Tổng trấn tướng quân”, thần dân có việc khai trình thì dùng chữ “thân”, chỗ chúa ở gọi là “phủ”, thì đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, phủ đổi thành “điện”, thân đổi thành “tấu”, thay ấn Thái phó Quốc công bằng ấn “Quốc vương”, đổi chính dinh làm đô thành (đến thế kỷ 19, từ Đô thành vẫn còn dùng để chỉ Huế, ví dụ “Tập san Đô thành hiếu cổ” – Bulletin des Amis du Vieux Hue). Chỉ riêng có niên hiệu thì cho đến cuối thế kỷ 18, các chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu của vua Lê trong các văn bản ban hành.
Chính do những biến đổi đó trong sinh hoạt công quyền vào giữa thế kỷ 18 mà giáo sĩ Koffler kiêm y sĩ riêng của chúa Võ vương có dịp ghi nhận nhiều sự kiện thú vị trong phủ chúa, từ việc chúa “vi hành” đến khi chúa nằm xuống. Thời ấy, chúa đã là vua, ai vô cớ nhìn vào mặt chúa sẽ bị khép vào trọng tội. Khi chúa đi ra khỏi điện, mọi người dân không được phép đi ra đường, những ngôi nhà nằm trên đường chúa đi qua phải đóng cửa lại. Trong những dịp này, quân lính cũng rất cực nhọc. Các đội lính hộ vệ phải trang bị giáo dài đi trước mở đường. Nhiều người cầm những chiếc lọng theo sau chúa, che mát chúa trên suốt cuộc hành trình. Cán lọng làm bằng ngà ngà hay gỗ quí, chóp lọng bằng vàng, vải lọng là lụa hay hay vải hoa nổi. Chúa ngồi trên một chiếc ngai có 8 người lực lưỡng khiêng, đi sát cạnh ông để hộ vệ là con của những đại thần bậc nhất trong vương phủ. Vào một dịp nào đó, chúa đi thăm một người bà con lâm bệnh thì từ đo trở đi, nơi ông từng ngồi trong nhà được gia chủ xem là chốn thiêng liêng, không ai dám đến ngồi hay bước qua đó. Nhiều người treo tại chỗ ấy một tấm biển lộng lẫy đề tên chúa và mọi người trong nhà hay khách đến thăm phải tỏ lòng cung kính với tấm biển này.
Khi chúa di chuyển bằng thuyền trên sông, sự chuẩn bị và sắp xếp cũng tỉ mỉ không kém. Thành phần nòng cốt của đội thuyền rồng gồm 10 thuyền lớn, mỗi chiếc có 50 tay chèo và 25 thuyền nhỏ, mỗi chiếc 24 tay chèo. Thuyền rồng của chúa được sơn phết cực kỳ tráng lệ, nhất là ở phần mũi và đuôi thuyền. Ở phần mũi có một chiếc mái được chống đỡ bằng bốn cây cột, bên dưới đặt một khẩu súng thần công bằng đồng. Viên tướng chỉ huy đoàn thuyền đứng trên thuyền của chúa cùng một số lính trẻ. Khi thuyền đến bến đỗ đầu tiên, chúa bước lên bờ sụp lạy ba lạy trước mộ phần các chúa Nguyễn đời trước. Thông thường chúa chỉ xuất hành trên sông mỗi năm một lần, chủ yếu để đích thân thu thuế, có lẽ ông sợ có sự ẩn lậu thuế nếu giao người khác làm thay mình, mặt khác, có sự hiện diện trực tiếp của ông, các địa phương không dám bê trễ trong việc hành thu và giao nộp thuế. Trong dịp này, các bà phi cũng được phép tham gia vào đội thuyền rồng của chúa. Họ ngồi trong những chiếc thuyền nhỏ có 14 tay chèo, cửa sổ trong khoang thuyền được gắn mắt lưới nhỏ để họ có thể nhìn thấy bên ngoài một cách thoải mái, trong khi người bên ngoài nhìn vào trong thuyền không thấy họ.
Tại vương phủ, theo hồi ký của Koffler cùng một số giáo sĩ khác, điều đặc biệt là các chúa Nguyễn sử dụng nhiều người thiểu số ở Tây Nguyên làm thị vệ. Có lẽ nguyên nhân của sự chọn lựa trên là những người này có sức khỏe và trung thành. Người ta dễ dàng nhận ra họ với nước da đen bóng và giọng nói không chuẩn tiếng Việt. Họ chia thành bốn đội, rất được mọi người nể nang, kể cả các vương thân và đại thần trong vương phủ. Việc bảo vệ bên ngoài vương phủ được giao cho 25 đội lính luân phiên nhau canh gác ngày đêm, nếu tính cả thủy binh, tượng binh, kỵ binh… thì quân số Đàng Trong thời bấy giờ vào khoảng 20.000 người.
Xem như thế, có thể thấy là đến nửa đầu thế kỷ 18, sinh hoạt tại vương phủ và đời sống xã hội ở Đàng Trong đã có qui củ, nền nếp. Quan chế vì thế cũng có những cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của một xã hội ngày một phát triển. Quan lại hàng nhất phẩm thường do các vương thân (chú bác hay anh em chúa Nguyễn) nắm giữ. Bốn viên quan lớn nhất gọi là Tứ trụ gồm nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu, hai người được tin dùng hơn cả trong số này được chúa giao điều khiển công việc ở trấn đô thành, nơi chúa ngự. Hai người còn lại đặc trách việc giám sát công việc các trấn khác. Quan văn thời đó đội mũ tiến sĩ trang điểm bằng những hoa văn thiếp vàng, quan vũ thì đội mũ cong, gắn lông ngựa cứng, cũng trang trí bằng những hoa văn cùng các hạt đá quí. Lưng áo và ngực áo các đại thần thêu hình sư tử màu vàng, trái lại lưng và ngực áo của chúa thì thêu hình con rồng đang giang cánh…
Quan lại hàng nhị phẩm phụ trách việc bảo vệ biên cương, hải cảng. Đông hơn cả là hàng tam phẩm gồm thái giám, ngự xạ, ngự y, chiêm tinh gia, quan lại các trấn… Điều đáng lưu ý là vào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, hàng ngũ hoạn quan rất được sủng ái. Ở Đàng Ngoài, viên Tổng Thái giám xếp hàng chánh tam phẩm, ngang với Đô Ngự sử, chỉ đứng sau Thượng thư (tòng nhị phẩm). Hoạn quan ở Đàng Trong cũng được sủng ái như vậy. Phẩm trật đã thế, thực quyền của họ còn quan trọng hơn. Tại vương phủ, có ba thái giám quyền uy cao nhất. Trước hết, viên tổng thái giám giữ quyền quản lý ngân khố, thanh toán các khoản chi của vương phủ, phủ Tôn nhơn (cơ quan phụ trách các vấn đề trong vương tộc), và của các phi tần…Hai thái giám khác phụ trách việc thương mại và chỉ có họ mới được bán cho người nước ngoài những mặt hàng quan trọng như vàng, sắt, ngà voi… Họ dễ gây được sự chú ý bởi giọng nói êm dịu và vẻ mềm mại của dáng đi. Trong sinh hoạt hàng ngày, người ta phân biệt thái giám với các thành phần quan lại khác ở chỗ mũ của họ có gắn một bông hồng vàng, riêng mũ viên tổng thái giám gắn hình một con sư tử vàng. Ngoài ra, họ đeo một sợi dây bằng lụa trắng rộng khoảng ba phân, buông dài từ ngực xuống thắt lưng.
Chúa Võ vương ở ngôi từ năm 1738 đến năm 1765 là năm ông qua đời, còn Koffler đến Đàng Trong khoảng năm 1740 và bị trục xuất năm 1755, như vậy khoảng thời gian ông có mặt ở Đại Việt nằm trọn trong thời kỳ cầm quyền của chúa Võ vương. Điều này cũng có nghĩa là ông chưa từng tận mắt chứng kiến sự qua đời của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, có lẽ do được người đương thời kể lại về chuyện này mà Koffler tỏ ra nắm vững những nghi thức khá đặc biệt tại vương phủ khi một vị chúa qua đời. Thời ấy, khi vị Thế tử đến 20 tuổi, ông được đưa đến ở một dinh thự riêng dành cho mình, bên cạnh có vị thầy học thường được phong chức danh Thái tử Thái sư và một số thuộc hạ gồm: 8 hay10 thị đồng, 4 thái giám, 2 hay 3 đội lính, 2 thư ký, một quan lại am hiểu về luật lệ, nghi lễ của vương quốc cùng nhiều người phục dịch khác, cả nam lẫn nữ. Dinh cơ của Thế tử nằm ngoài vương phủ nên thường có chuyện oái oăm là nhiều vị không có mặt khi chúa Nguyễn qua đời.
Theo tập tục thời bấy giờ, việc chúa lâm trọng bệnh hay qua đời thường được giấu diếm rất kỹ trong mấy ngày đầu. Có vị đang đau nặng cũng cố mặc triều phục để chủ tọa cuộc họp mặt các quan. Còn khi chúa nằm xuống, cho dù vị Thế tử không có mặt tại vương phủ, cũng không ai thông báo cho ông ta biết ngay. Một trong những việc làm tức thời của ông Tổng thái giám là đi đóng hết tất cả cửa ra vào vương phủ, nội bất xuất, ngoại bất nhập trong suốt ba ngày, là khoảng thời gian cần thiết để cho thân nhân khóc thương người đã chết mà người dân thường bên ngoài chưa hề hay biết. Sau ba ngày, viên thái giám mới mở cổng phủ để rước Thế tử vào và hướng dẫn đến cạnh thi thể người cha. Sau đó, người ta mới công bố tin buồn cho thần dân biết và thêu tên người kế vị trên một lá cờ, treo lên kỳ đài ở cổng chính dẫn vào vương phủ. Quan lại các cấp, các cơ đội lính tập trung cả ở vương phủ, quỳ lạy và cất tiếng tung hô tân vương. Ở chi tiết này, Koffler có sự nhầm lẫn khi cho rằng tên của chúa Nguyễn đang tại vị là Duc Thanz Thuong (Đức Thánh Thượng). Thực ra đó không phải là một tên riêng mà chỉ là tiếng xưng hô của thần dân đối với bậc vua chúa.
Sau nghi thức ở vương phủ, vị Thế tử quay về dinh cơ của mình để nhận lời chúc tụng của các thái giám, các nàng hầu và những người phục dịch hàng ngày. Các thầy cúng có nhiệm vụ riêng. Họ chạy ra khúc sông phía trước dinh cơ của Thế tử (lúc đó đã là tân vương) làm phù phép và cho nổ nhiều dây pháo. Họ tin là làm như thế sẽ khiến ma quỷ biến mất, trả sự hiền hòa, an lành lại cho con sông đó (!).
Vào một ngày nhất định sau khi vị chúa mới lên ngôi, các đại thần trong phủ Chúa làm lễ tuyên thệ trung thành với chúa. Koffler tiết lộ là do nội dung lời thề không phù hợp với giáo lý đạo Thiên Chúa (ông không nói rõ điều này) nên trong ngày hành lễ, những quan lại đã theo đạo Thiên Chúa cáo bệnh nằm nhà. Lễ tuyên thệ không chỉ diễn ra trong ngày chúa lên ngôi mà còn được tổ chức hàng năm trong những ngày lễ Tết Nguyên đán.
Cái chết của chúa Nguyễn là một bất hạnh lớn cho các cung phi trong vương phủ. Kể từ đấy, họ phải giam mình giữa chốn khuê phòng và kéo dài cuộc sống của những tiết phụ. Họ phải cắt đi mái tóc dài đã dày công nâng niu, chăm sóc, mặc áo quần bằng vải thường, màu xám tro và đeo ở cổ một xâu chuỗi hạt. Có những đêm họ sống trong nước mắt, khóc cho tuổi thanh xuân đang trôi qua, và có thể cho một bóng hình nào đó mà lòng họ đang ấp ủ. Họ bị một đội lính canh giữ, nhưng không quá chặt chẽ như những ngày chúa còn sống. Mẹ, chị và những người bà con thuộc giới nữ có thể đến thăm họ, một điều rất hiếm xảy ra khi chúa còn sống.
Lê Nguyễn
20.3.2016