Trong khi Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân mê man ngất ngư khúc Ai tư vãn thương khóc người “Mà nay áo vải cờ đào/Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”, thì Ngô Thì Nhậm “lệ lạc hàm ưu dạ dạ tâm” (ruột quặn đêm đêm, lệ ướt đầm) chuẩn bị cho hành trình Hoàng hoa của mình.
Sứ bộ khởi hành từ Thăng Long lên biên giới, ngày 20 tháng Hai, mùa xuân năm Quý Sửu (1793). Ngày 27 tháng ấy, qua cửa ải. Ngày 8 tháng Năm, mùa hè, cùng năm, tới Yên Kinh. Ở kinh đô nhà Thanh 12 ngày, đến ngày 20 tháng 5 thì lên đường trở về nước. Tháng Chín, mùa thu năm Quý Sửu, về đến kinh đô nước nhà - trong lời “Tiểu dẫn” của bộ sách Hoàng hoa đồ phả (diễn nôm là “Sách có kèm bản đồ về cuộc đi sứ (năm Quý Sửu – 1793)”), Ngô Thì Nhậm đã nói về thời gian của lịch trình và từng chặng đường đi sứ của mình rất chi tiết, rành mạch. Và còn có thêm cả những kiểm điểm rất cặn kẽ, cụ thể về không gian của chuyến đi: “Đã đi qua các đất (cũ) của những nước Việt, Sở, Tống, Ngụy, Trịnh, Triệu, Yên. Tính ra đường đi dài đến một vạn, hai nghìn, ba trăm dặm. Khi về, đường còn dài gấp bội, đi cả ngày lẫn đêm không nghỉ, chẳng như cái thung dung đề thơ ở Kim Lăng, Xích Bích của lần đi!”.
Ngô Thì Nhậm còn nói dụng ý và cách thức đi sứ của mình, kết hợp với khảo sát tình hình (như trong sắc chỉ ngày Rằm tháng Tư năm trước – Nhâm Tý (1792) - đích thân vua Quang Trung đã yêu cầu sứ bộ Vũ Văn Dũng phải thức hiện): “Trên đường đi, phàm những chỗ hiểm dị của sông núi, nơi dừng lại, nơi ra đi ở các dịch quán, những di tích của người xưa, những cảnh trước mắt của người nay, nhất nhất đều vẽ lại, rồi đem những thơ văn đã làm, cùng những điều trong bia kệ, trên vách, trên lầu… ghi lại cả vào bản vẽ”.
Vị chánh sứ sáu đó đã viết lời kết phần “Tiểu dẫn” sách Hoàng hoa đồ phả của mình là: “Sau này, có ai được sung vào công việc đi sứ, (hy vọng) có thể lấy sách này, làm chỉ nam cho “Hoa trình” (Đường đi sứ) được chăng?”.
Khiêm tốn là thế, nhưng hiển nhiên đã bộc lộ ở đây, rõ ràng nhân cách một nhà văn hóa lớn, đi đảm trách việc bang giao đại sự – Ngô Thì Nhậm! Nhân cách ấy cùng những giá trị văn hóa của tập Hoàng hoa đồ phả – công trình quan trọng bậc nhất kho tàng thư tịch của Ngô Thì Nhậm – và của cả chuyến đi sứ, sau này đọc kỹ sách, mọi người sẽ khám phá, nhận ra. Còn bây giờ, tuy Ngô Thì Nhậm và Hoàng hoa đồ phả không nói rõ, nhưng những bộ chính sử cả của nước Nam và triều Thanh đều đã cho biết kết quả cụ thể của việc bang giao do nhà ngoại giao Ngô Thì Nhậm thực hiện trong chuyến đi sứ năm Quý Sửu (1793) như sau:
Trước lúc lên đường Hoàng hoa, Ngô Thì Nhậm đã cho gửi “biểu” báo tang Quang Trung sang cho nhà Thanh. Thành ra, từ ngày mồng hai tháng Hai năm Quý Sửu (1793), khi nhận được tin vùa Quang Trung mất, vua Càn Long đã phê ngay vào tờ “biểu” báo tang hai chữ “Đáng tiếc!”. Lại thân làm một bài thơ viếng, sai viên Án sát Quảng Tây là Thành Lâm, đến Nghệ An làm lễ đọc và đốt bài thơ ấy trước lăng mộ (do Ngô Thì Nhậm và các triều thần Tây Sơn làm giả) của “An Nam quốc vương”!
Thành ra, biết tin có sứ bộ nước Nam do Ngô Thì Nhậm làm chánh sứ sang chính thức báo tang Quang Trung, rồi thấy Ngô Thì Nhậm vào triều kiến, thì cả vua Càn Long lẫn các quan nhà Thanh đều hết sức trọng đãi, cho được “dự yến, xem hý kịch, ban thưởng những vật quý báu, mỗi ngày ba lần được ban các thực phẩm, suốt tuần được dự yên tiệc, ca nhạc. Hoàng đế làm thơ, viết văn vào thiếp hoa ban cho” – trong tài liệu Viên Minh viên thị yến kỷ sự (ghi chép về việc thết yến ở vườn Viên Minh) đã ghi rõ như vậy.
Vua Càn Long lại còn giao cho sứ bộ Ngô Thì Nhậm một tấm lụa quý, mỏng và trong suốt – đặc sản của người Mãn, gọi là “đại cát đạt” – cùng ba nghìn lạng bạc, để rồi sẽ về làm chay cho vua Quang Trung.
Và khi được Ngô Thì Nhậm kể cho biết chuyện (tưởng tượng) vua Quang Trung trước khi từ trần còn dặn dò quần thần của mình là phải luôn luôn tôn kính Thiên triều, vua Càn Long đã tỏ ra hả hê, vui vẻ, thân lấy hai chữ “Trung Thuần” đặt tên thụy cho vua Quang Trung.
Còn về việc cầu phong cho Nguyễn Quang Toản làm vua Cảnh Thịnh, kế vị vua cha Quang Trung thì bỏ qua các thủ tục nghiêm cẩn, không đợi phải có “biểu cầu phong” của người con trưởng của cố An Nam quốc vương, vua Càn Long đã đặc cách phong ngay cho Quang Toản làm tân An Nam quốc vương, kế vị Quang Trung, vì… “trước – tức là trong chuyến đi chầu của “giả vương” năm Canh Tuất (1790) - đã có phong cho Quang Toản làm “thế tử” rồi”!
Vậy là hai nhiệm vụ quan trọng chính yếu của chuyến đi sứ năm Quý Sửu (1793) của Ngô Thì Nhậm đã khiến hoàng đế và triều đình nhà Thanh tin tưởng và quý trọng vua Quang Trung, cả sau khi nhà vua đã từ trần và phong vương chính thức cho nhà vua trẻ Cảnh Thịnh kế vị Quan Trung. Ngô Thì Nhậm và sứ bộ của mình đã hoàn thành sự nghiệp một cách vẻ vang.
Nhưng còn vẻ vang và quý giá nữa là những gì mà chánh sứ Ngô Thì Nhậm đã nghĩ, đã làm ở trong và bên lề cuộc hành trình “Hoàng hoa vạn dặm” của mình ở tuổi 47, tất cả đều được ghi vào sách Hoàng hoa đồ phả.
Ở bài thơ dài Đi trong mưa (Vũ hành) giữa tập sách này, Ngô Thì Nhậm đã có những dòng ký sự rất sinh động về một chặng đường đi sứ của mình:
“Năm trăm dặm đường, ngày đêm đi
Người ngựa ruổi rong, ngủ chẳng giám
Quan triều hỏa tốc mang chiếu thư
Tuân chỉ đi nhanh đoàn viễn sứ
Trời mưa lầy lội bánh xe trơn
Mây kéo liên hồi, mưa ngập tuôn
Suối gào nước lũ như tên bắn
Lái giục qua sông tiếng gọi dồn
Vượt khỏi sông sâu lên núi thẳm
Đá như dùi nhọn, trời âm u
Núi hoang vắng vẻ, xóm làng xa
Tiếng người phẳng phất trên mây vẳng
Cầu gỗ xa xa đuộc chập chờn
Lính thú hò nhau đón sứ thần
Mờ mịt trong sương không rõ mặt…”.
Vất vả gian truân là thế, lại còn cộng thêm những ốm đau và bệnh tật. Lời ghi chú của chính Ngô Thì Nhậm cho bài thơ Bệnh thuật (Kể lại chuyến ốm đau) có đoạn viết: “(Tôi) đi đến Lâm Tương thì bị bệnh cảm hàn, kiết lỵ, đi ngày đi đêm vẫn không nghỉ. Viên “trường tống”(quan hộ tống đường dài) là Trương Tăng Dương biết làm thuốc, xem bệnh điều trị cho, và tự mình cũng kiêng khem ăn uống. Tới Quế Lâm thì khỏi”.
Lại trong bài Lực tật thư hoài (Gượng bệnh tả nỗi lòng) cũng có câu sau:
“Gió sương chi ghét ghen nhau
Đông tây nam bắc dãi dầu lòng ta…”.
Tuy nhiên, cái cách để khắc phục những ốm đau tật bệnh như thế chính là tinh thần! Nếu ở “Bệnh thuật” (Thuật lại khi ốm) Ngô Thì Nhậm viết:
“Thân hèn lâu nay dâng cho nước
Rong ruổi ngày đêm há quản phiền…”
Và triết lý: “Trong đau, xưa nay hằng sinh sáng”.
Thì ở Lực tật thư hoài, vị chánh sứ còn có cả một đoạn thơ dài, nói về sức mạnh tinh thần của ý thức về nghĩa vụ và lòng trung cùng mệnh vua, chính đã khiến người đi sứ khỏi được bệnh:
“Trời sinh: vũ trụ là nhà
Mệnh vua: bút thơ, tờ hoa giữ nghề
Non sông khắp chốn hộ trì
Móc mưa nay lại vừa khi thấm nhuần
Lòng trung, bệnh tự khỏi dần
Ngại chi! Cứ thế tinh thần vươn lên…”.
Trong hơn vài vạn dặm đường Hoàng hoa, Ngô Thì Nhậm đã rất có ý thức và cách thức để có thể đến được tất cả những nơi trên đất Trung Hoa mênh mông mà xưa nay và mọi người chỉ mới biết được qua văn chương và sử sách: sông Tiêu Tương, hồ Động Đình, núi Côn Lôn, thành Lệ Giang, ải Vũ Thắng, bến Hoàng Hà, đài Đồng Tước, lầu Hoàng Hạc, mộ Chiêu Quân, đến Nhạc Phi…
Ở tất cả những nơi đi đến, Ngô Thì Nhậm đều để lại những bức tranh mô tả, tuyệt tác bằng nhiều câu thơ đẹp mượt mà, ở thời gian phát triển vược bậc tài năng thi ca của mình, vào lúc này, như:
“Rũ thấp màn the, máy bọc núi
Treo cao cầu bạc, nguyệt đầm canh”
Hoặc:
“Tùng che bóng khách trên cầu gỗ
Mai giắt đầu ai dưới răng đê”
Hoặc:
“Nhà thôn chân núi, tranh chen ngói
Cây trại ven đường, trúc lẫn thông
Suối uốn đầu cầu, hàng liễu khuất
Ráng chiều bóng tháp áng mây lồng”.
Và:
“Thu lạnh, hồ trong, khói tỏa ngời
Tứ thu man mác, tựa lầu chơi
Ngoài vùng không sóng, lô nhô núi
Trước lúc chưa trăng, nhấp nhóa trời”…
Nhưng chủ yếu là để qua những lời tuyệt cú đó, nói lên những suy tư, phẩm bình độc đáo của mình. Tự coi việc đi sứ làm bang giao hệ trọng, là một cuộc “tráng du” – một chuyến ôm mang chí lớn mà đi xa, như đã nói trong thi phẩm Ly giang thu phiếm (Mùa thu thả thuyền trên sông Ly) – khi Đăng Hoàng Hạc lâu (Lên lầu Hoàng Hạc) trên mỏm núi Hoàng Hạc ở Vũ Xương (Vũ Hán), thấy trên cao vách lầu đã ken đầy những đoản thi đề vịnh của đủ mặt thi hào cổ kim khắp thiên hạ, Ngô Thì Nhậm chẳng chút ngại ngần, chọn ngay thể “phú” phóng khoáng mà tung hoành ngọn bút “tráng du” của mình, luận về mối quan hệ giữa cảnh và người:
“Từ khi mông muội mở ra, chừ, núi sông tụ lại thành hình
Đương lúc hỗn độn chưa phân, chừ, cần gì ai điểm ai tô
Phải đâu phong cảnh mộ tiên, chừ, hẳn tiên mộ phong cảnh mà ẩn dật
Bậc siêu phàm lúc ẩn, hiện, chừ, nằm trong hạt thóc vẫn thênh thang
Nương tinh thần ở núi này, chừ, trải muôn đời mà còn mãi”.
Hoặc khi đến chỗ có ngọn núi Tần Thành, thấy hiện ra một vùng cỏ rậm, được người địa phương chỉ vào đấy mà bảo rằng có mộ nàng Minh Phi (là cách mà từ đời Tấn, kiêng tên “Tư Mã Chiêu” của cha Vũ Đế, để gọi Chiêu Quân) ở chỗ ấy:
“Tần Thành lĩnh bạn thảo mông nhung
Kiến chỉ Minh Phi táng lũng trung”.
Tạm dịch là:
“Bên dải Tần thành, cỏ rậm che
Người chỉ tay rằng: mộ Minh Phi”.
Ngô Thì Nhậm đã đem so sánh ngay hai sự việc: Chiêu Quân phải đi cống “rợ Hồ” ở nơi “xuế trướng” – là cách người Hán gọi chiếc lều lợp lông cừu của người Hung Nô và trước đấy nàng phải ở lạnh lẽo trong cấm cung, cho dù nơi ấy có “hương liêm” – là thứ hộp thơm, đựng gương, lược, phấn sáp của cung nữ, để phản biện khác hẳn mọi người: Thà bạc mệnh ở nơi “xuế trướng”, còn hơn là chết già tại chốn “hương liêm”:
“Xuế trướng túng nhiên liên bạc mệnh
Hương liêm hà tự lão thâm cung”!
Tạm dịch là:
“Trướng cừu phận bạc nằm mà ấm
Cung lạnh già toi thú nỗi gì!”.
Những lời lẽ, ý từ lạ và hay như thế của Chánh sứ Ngô Thì Nhậm đã khiến nhà văn hóa lỗi lạc của phương Nam, “tráng du” trên đất Bắc phương, tới đâu cũng được từ sĩ đại phu đến học sinh hâm mộ nồng nhiệt. Ngô Thì Nhậm hết phải “Vũ Xương học thỉnh thi, thư dĩ hứa chi” (Học sinh ở Vũ xương xin thơ, viết bài này để tặng), lại phải “Đề phiếm hứa trường tống, Nhị gia Trương Trung” (Đề quạt tặng quan hộ tống đường dài là cụ Hai Trương Trung)…
Nhưng khi thăm thiền viện Vạn Niên, gặp ba chữ “Yết tâm xứ” để ở đó, Ngô Thì Nhậm đã phóng bút viết luôn cả một tiểu luận Đề Yết tâm xứ, bàn bạc sâu sắc về chữ “Yết” với chữ “Tồn”, trong đó Ngô Thì Nhậm rất có dụng ý nhắc lại lời Phạm Trọng Yêm xưa: “Ở chốn sông hồ thì lo cho vua, ngồi chốn miếu đường thì lo cho dân”. Đến đây, mọi người mới nhận rõ rằng, với sự uyên thâm về cả Nho học lẫn Phật học, Ngô Thì Nhậm đã nhân cuộc “tráng du” này của mình để khiến người nhà Thanh và cả người phương Bắc phải hiểu ra và hiểu được, bản lĩnh của một người phương Nam là mình. Ngô Thì Nhậm viết:
“Cái đức của “Tâm” có lẽ là thịnh lắm. Buông ra thì khắp sáu cõi, thu lại thì náu ở nơi sâu kín. Nhà Nho chúng ta, lấy chữ “Tồn Tâm” làm điều cần kíp nhất, chứ chưa từng biết đến cái gọi là “Yết Tâm”.
“Yết” nghĩa là “Tức” (dừng lại). Tác giả ở chùa này lấy “Yết Tâm” đặt tên cho Thiền viện, thì (như thế) có phải là đã hiểu đạo Phật đó chăng? Tôi e rằng chữ “Yết” chưa bao quát được chữ “Tồn” vậy. (Vì) tâm “Yết” ở chỗ này, mà “Tồn” ở chỗ khác. “Ở chốn sông hồ thì lo cho vua, ở chốn miếu đường thì lo cho dân”. Bình tĩnh mà suy, thì không lúc nào là “Yết” vậy!”.
Với một cái “Tâm”, không “Yết” mà “Tồn” như thế, sẽ dễ dàng để Ngô Thì Nhậm, khi đến núi Ba Lăng tức Thiên Nhạc, ở góc tây nam thành Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, đã tự hào mà bộc lộ tấm lòng “ngọc hồ băng” (như mảnh băng trong hồ ngọc) của mình, giữa cảnh “nhiệt nhãn thị thành” (phồn hoa đô hội) ở nơi này:
“Nhiệt nhãn thị thành liêu khách cửu
Di tình thặng hỉ ngọc hồ băng”.
Tạm dịch là:
“Thành thị từ lâu ghê náo nhiệt
Còn mừng hồ ngọc vẫn lòng băng!”.
Và thẳng thắn ví sánh mình với cây tùng “đặc lập ngang nhiên cốt” (có cốt cách ngang tàng, độc lập) mà “bất phạ hàn uy” (không sợ giá rét đe dọa), khi đi qua ranh giới giữa Vĩnh Châu và Toàn Châu, gặp cả một rừng thông có biển đề “Vạn Tùng giáp đạo” (Đường ven Vạn Tùng):
“Ngất trời đều đặn cây vương thẳng
Rợp đất um tùm nhánh tỏa cong
Tụ báu, gốc sinh chùm hổ phách
Dầm sương, vỏ hóa gốc thần long
Yêu cây cốt cách ngang tàng đứng
Chẳng sợ chi trời rét giá đông!”.
Tâm là thế, chí cũng vậy. Khởi đầu hành trình Hoàng hoa, qua xứ Lạng để lên biên giới, Ngô Thì Nhậm đã viết được một mạch hai bài thơ Lạng Sơn đạo trung (Trên đường Lạng Sơn). Sau khi mô tả rất hay cảnh sắc và địa thế hiểm yếu của nơi địa đầu đất nước, nối thông với miền Kinh Sở (Hồ Nam, Hồ Bắc) và Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) của Trung Hoa, cùng các xứ Cao Bằng, Tuyên Quang của nước nhà:
“Lạng Sơn, Lạng Giang một dải liền
Thông sang Kinh, Quảng tiếp Cao, Tuyên
Dòng khe, ra biển xô nhau đổ
Đường núi, tháng trời vút thẳng lên”.
Ngô Thì Nhậm vô cùng hào hứng, nhận ra hòn “Liễu Thăng thạch” (tảng đá giống hình bại tướng Liễu Thăng nhà Minh) vẫn nằm sóng soài bên đường như vẹn nguyên nhận vết chém chí tử của nghĩa quân Lam Sơn ngày nào và mỉa mai nhìn ngắm ngôi miếu ghi dấu tích viên hung tướng già Mã Viện đời Hán, dường như đang bị những làn khói chỗ cửa ải Hàm Quỷ bủa vây:
“Thần kiếm thượng lưu Minh tướng thạch
Quỷ môn không tỏa Hán từ yên”.
Tạm dịch là:
“Hòn đá tướng Minh, gươm để viết
Ải Quỷ đến Hán, khói vây đen”.
Cảm hứng lịch sử bao giờ cũng là của tâm hồn ái quốc. Và ý thức về lãnh thổ, thường xuyên gắn bó với tinh thần dân tộc. Vì thế, trong suốt cuộc Hoa trình, Ngô Thì Nhậm luôn tìm và nghĩ đến những sự tích cùng dấu tích của lịch sử nước nhà còn tồn lưu ở trên đất Bắc phương. Khi qua tỉnh Hồ Nam, đến miền núi Phân Mao, vùng nước Động Đình, chợt thấy có tòa miếu cổ, gọi bằng cái tên lạ: “miếu Bà Trắc”, vị chánh sứ bỗng giật mình nhớ lại trong những cổ thư đã đọc, có chuyện gần hai nghìn năm trước: ba trăm “cừ súy” – những “già làng” , những người đứng đầu làng – nước Việt, theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đã bị lão hung tướng Mã Viện bắt đày sang đây để “đánh trốc gốc”! Xa đất nước, quê hương, nhưng vẫn ghi nhớ mãi trong lòng về người nữ thủ lĩnh anh hùng, nên đã lập và giữ miếu, thờ “Bà Trưng Trắc” ở chỗ này! Ngô Thì Nhậm bồi hồi xúc động, cầm bút viết ngay câu hào tráng: “Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ” (Trưng Trắc lưỡi gươm khơi mở động) trong bài thơ Phân Mao lĩnh của mình với lời ghi chú về thực trạng cảnh quan: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, cỏ mao rẽ hai ngã nam, bắc, trên đường đi có biển đề: “Phân Mao lĩnh””, đặc biệt là câu giải thích về biên cương hai miền Bắc, Nam xưa chính là ở chỗ này: “Thiên “Vương chế”, sách “Kinh Lễ” chép: “Địa giới Trung Nguyên, phía Nam không quá Hành Sơn”!”. Sau đó mới là câu quan trọng: “Ở phía Nam hồ Động Đình, có đền thờ, gọi là “miếu Bà Trắc”" để nói rõ ý thơ “Khai động phủ” (mở mang hồ Động Đình) liên quan đến bốn chữ “lưỡi gươm Trưng Trắc” trong câu thơ của mình!
Cái ý của thiên “Vương chế” trong sách Kinh Lễ nói rằng: Địa giới trung tâm miền Hoa Hạ, không xuống quá Hành Sơn ở tỉnh Hồ Nam, đặc biệt là câu thơ “Nam quốc sơn hà” được truyền tụng là của danh tướng Lý Thường Kiệt: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Rành rành định phận ở sách trời), càng âm vang mãi trong tinh thần dân tộc và tâm hồn yêu nước của Ngô Thì Nhậm, khi ngồi thuyền chánh sứ, đi trên sông Ninh Minh. Ngòi bút bác học của Ngô Thì Nhậm được dầm ngay vào mực, viết nhanh đoạn ghi chú:
“Xét: châu Ninh Minh, xưa là phủ Tư Minh, đời Thanh mới đổi là Ninh Minh. Có một con sông phát nguyên từ châu An Bắc ở An Quảng (nước ta), chảy ngược qua Lạng Sơn, châu Thoát Lãng và châu Lộc Bình, rồi chảy vào đất Trung Quốc, dòng sông đi vòng vèo… Duy có mạch núi từ Vân Nam, Kiềm Châu (tức: Quý Châu) kéo xuống, đi thẳng đến Lạng Sơn, An Quảng (tức: Quảng Ninh) như hình cánh cung vây quanh, hướng về nước ta. Đó là mạch núi hướng vào trong, mà mạch nước thoát ra ngoài. Cho nên: ta vẫn làm chủ nước ta. Cái lẽ (tự nhiên) ấy, cũng do địa thế (núi sông) là như vậy”.
Suy tư rành rẽ về giang sơn Tổ quốc và vận mệnh quốc gia, Ngô Thì Nhậm để cho những câu thơ của bài Ninh Minh giang ký kiến (Ghi lại những điều trông thấy ở sông Ninh Minh) trào ra ngọn bút (dịch):
“Chẳng đợi Phân Mao nhận Lĩnh Mai
Bắc Nam ranh giới đã an bài.
Chầu Nam: núi hướng Vân , Kiềm ruổi
Ngược Bắc: sông từ Bác, Lãng trôi.
Mạch đất ẩn tàng, do sẵn định
Ý trời sắp đặt, há rằng chơi!
Sách thiêng, định phận đã làu thuộc
Nay đem dư đồ, mở lại coi!”.
Bộ óc có sức nghĩ lớn lao của Ngô Thì Nhậm đã hoạt động như thế suốt dặm dài đường đi sứ Hoàng hoa và đã đến lúc tổng kết trên đường về.
Bấy giờ, trời đã sang thu. Lại được ngồi thuyền trên sông thu. Trời trong xanh, được nước sông phản chiếu, êm ả như tấm lòng người đi sứ có kết quả trở về. Êm ả vì nhớ lại những hình ảnh, cảnh tượng đã qua, như ở thành Vĩnh Phúc[1] trong bài thơ Vũ hành (Đi trong mưa), các quan chức địa phương mở hội đón sứ bộ nước Việt:
“Lầu gác bên sông liền vẩy cá
Thâu đêm nhà khách rực đèn hoa”…
Và Quang Trung – linh hồn của chuyến đi sứ luôn hiện hữu, được kính trọng, là niềm tự hào của chuyến đi sứ báo tang thành công:
“Trong sảnh các quan đầu cúi thấp
Không ai quên nổi Tiên vương ta!”.
Lời thơ lúc mùa xuân Quá quan lưu tặng các ông Phan Ngự sử, Vũ Công bộ, Ngô Hiệp trấn chư công (Qua cửa ải (Nam Quan) lưu tặng Ngự sử Phan (Huy Ích), Công bộ Thị lang Vũ (Huy Tấn), Hiệp trấn Ngô (Văn Sở) đi tiễn):
“Dương Quan ra ải rợp tinh kỳ
Bát Vạn đường mây núi ngẩng kề
Ngũ Lĩnh Trung Nguyên phân định giới
Bốn phương Tiên đế lẫy lừng uy”.
Kèm với lời hứa của Chánh sứ Ngô Thì Nhậm đã được thực hiện:
“Cân bằng đạo chúa không thiên lệch
Trung chính lòng tôi vượt hiểm nguy”.
Và bây giờ thì vị chánh sứ ấy vừa mở cửa thuyền nhìn ngắm núi biếc sông xanh, vừa miên man nghĩ đến những điều so sánh giữa Bắc và Nam, thu hoạch được trong chuyến đi sứ sắp hoàn thành:
“Ta đi vạn dặm đường,
Đã ba mùa tiếp nối
Mắt thấy và tai nghe
Bắc Nam chung lẽ ấy
Nhật nguyệt khắp trên đầu
Núi sông tùy tụ hội…”.
Sự thật đúng là như thế đấy. Nhưng vì sao lại vẫn có những câu, thỉnh thoảng nghe được, rằng: Ở phương Nam, trứng gà có lòng đỏ và lòng trắng ngang nhau; và ở đó, ba phần con trai mới có một phần con gái; thậm chí ngày và đêm, ở Man Di và Hoa Hạ cũng khác nhau?
Có phần kỳ thị quá! Những phản ứng diễn ra ngay trong đầu. Niềm tự hào và tự tôn dân tộc nổi lên thành điều tự ái. Ngô Thì Nhậm nhớ ngay đến vị Đại gia Nho học phương Bắc Chu Hy! Chính thầy Chu đã nhiều lần nói: Phương Nam có nhiều người mở mang trước cả phương Bắc! Lại nói nữa: Không riêng gì Trung Quốc mới là hơn! Ngọn bút sắc sảo của Ngô Thì Nhậm lập tức hạ xuống, vùn vụt nhả chữ:
“Lòng trứng bằng nhau sao?
Đâu ba trai một gái
Di, Hạ khác ngày đêm
- Lời sao nông cạn thế!
Lẽ trời ở lòng người
Sớm muộn tùy phong khí
Ai chẳng trọng quân vương
Ai chẳng yêu cha mẹ
Khác âm mà giống thanh
Phép khuôn chung trí tuệ
Lớn lao thay, thầy Chu
Lời hiền, suy cạn lẽ
Khen vùng đất Tây, Nam
Lắm bậc tài chữ nghĩa
Há chỉ Trung Nguyên nhỉ!”.
Và nhìn xuống dòng sông Ninh Minh đang chảy dưới mạn thuyền, bất giác nảy ra tứ lạ mà thật đắt sự chính xác:
“Chớ bảo không văn minh
Việt Thường có hoàng lão
Thử trông dòng Ninh Minh
Về Đông cuồn cuộn chảy
- Từ Nam sang Bắc đó!”.
Phản bện một hồi, cũng chính là những điều thu hoạch được trong ba mùa đi sứ - từ xuân, qua hạ, đến nay là thu - lòng tràn đầy hào khí, miệng mỉm cười đắc ý, Ngô Thì Nhậm viết nhanh câu kết cho bài thơ dài 20 vần, thể ngũ ngôn cổ phong, lấy tên là Hoản nhĩ ngâm (Khúc ngâm mỉm cười):
“Quy ngô ngữ ngã hữu:
Hạnh tai sinh Nam bang!”.
Tạm dịch là:
“Ta về nói với bạn ta
Xiết bao hạnh phúc được là người Nam!”.
Chú thích:
[1] Tên huyện thuộc phía tây nam Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (BT)