Phan Huy Ích là một nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc. Di sản văn học Dụ Am Ngâm Lục của ông còn để lại với 600 bài thơ. Ông lại là một đại thần thân tín của vua Quang Trung và vua Quang Toản, ông đã đến làm việc ở Phú Xuân nhiều lần. Thông tin về Phú Xuân-Quang Trung-Quang Toản trong văn thơ Phan Huy Ích rất quý trong hoàn cảnh sử sách tư liệu về Phú Xuân thời Quang Trung-Quang Toản đã bị nhà Nguyễn “tận pháp” tiêu hủy. Tập thơ Dật Thi Lược Toản ông sáng tác vào cuối đời Quang Trung đến nửa đầu đời Quang Toản (1791-1796).
Nguyên dẫn bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc [trích trong Dật Thi Lược Toản] Phan Huy Ích viết:
“Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía nam sông Hương, nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi tới nhà trọ kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn tược rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú, duy nỗi lòng thương nhớ người nhà vẫn không nguôi” [1]
Chỉ một lời dẫn ngấn đếm được 94 từ mà ta có thể có được những thông tin quý:
- Chùa Thiền Lâm nằm phía nam sông Hương;
- Thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm ở, tất cả các cơ quan làm việc của triều Quang Toản đều phải dọn đến ở chung quanh chùa, biến chùa Thiền Lâm trở thành Cung đình đầu triều Quang Toản;
- Các chùa chung quanh chùa Thiền Lâm bị trưng dụng làm nhà trọ Kinh đô hay là nơi làm việc của các cơ quan của triều Quang Toản;
- Khu vực chung quanh chùa Thiền Lâm “rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái”
- Thái sư Bùi Đắc Tuyên làm việc ban đêm, ban ngày ngủ.
Đặc biệt trong Dật Thi Lược Toản bài thơ không tên sau đây:
Bài thơ 4 dòng bên trái:
Phiên âm
Khí trí đào danh xử bất tài,
Khưu viên ký hoạn hoán nhàn lai.
Tễ nghinh hiểu thự yên hà nhiễu,
Lương nạp thu phong hộ dũ khai.
Một sự dung nô miên thụ ấm,
Đa tình hiệp khách hựu hà bôi (A).
Khu đình xuất nhập tàm vô trạng,
Độc hạ quân tri chỉ dục hồi. (B)
Bỏ khôn, trổn danh, tự coi mình như kẻ bất tài,
Đồi nương nơi làm quan xa như gọi cảnh nhàn đến.
Lầu sớm nắng hoe, mây khói lượn quanh,
Gió thu mát mẻ, cửa ngõ rộng mở.
Rảnh việc, đầy tớ lười ngủ dưới bóng cây,
Đa tình, người khách thân cùng ta nâng chén. (A)
Ra vào nơi cơ mật, thẹn mình không có công trạng,
May nhờ ông biết cho, chỉ rõ rằng ta muốn về. (B) [3]
1.Sau câu thứ 6 và sau câu thứ 8 có hai lời chú, tạm ghi là (A) và (B). Tôi quan tâm đến lời chú (A) màu xanh trong khung đỏ dẫn trên:
時 守 凌 諸 小 監 數 來 陪 飲
Thời thủ lăng chư tiểu giám sổ lai bồi ẩm
Nghĩa: Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu.
Bình luận: Lăng mà bọn tiểu giám giữ phải ở gần chùa Thiền Lâm thì bọn tiểu giám mới thường đên hầu rượu Phan Huy Ích trong nhà trọ gần chùa Thiền Lâm được;
Lăng có Tiểu giám giữ phải là lăng vua, vua ở đây không ai khác là vua Quang Trung;
Như vậy theo Phan Huy Ích lăng mộ vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm bên bờ nam sông Hương.
[1] Thơ văn Phan Huy Ích tập II, Dụ Am Ngâm Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978, tr. 86.
[2] Trích Viện Hán Nôm (Hà Nội), Dụ Am Ngâm Lục, kí hiệu A.603, tr.256 (Nguyễn Tấn Cường – Viện trưởng Viện Hán Nôm cung cấp. Chân thành cám ơn. NĐX)
[3] Bài thơ với lời chú (A) nầy đã đăng trong Thơ văn Phan Huy Ích tập II, Dụ Am Ngâm Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978, tr.122-124, trước đây tôi đã trích dẫn nhiều lần trong sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung.