TRIỀU QUANG-TRUNG
Từ Lê Chiêu-Thống[1] lưu-vong[2],
Quang-Trung[3] tuy đã thọ-phong[4] Thanh-đình,
Trời Nam lừng-lẫy uy-danh,
Tự xưng đế-hiệu[5] đóng thành Nghệ-an,
Triều-đường xây-dựng sửa-sang,
Nguy-nga cung-điện Phượng-hoàng trung-đô[6].
Ngọc-Hân[7] ngôi Hậu điểm-tô,
Toản[8], phong thế-tử cơ-đồ truyền-lưu.
Vua anh-dõng, dạ ái-ưu[9],
Canh-tân triều-chánh, cầu mưu hiền-tài,
Danh-nhân dò-hỏi lắng tai,
La-sơn phu-tử[10] thỉnh mời lai kinh.
Khuyên vua mối đạo trị-bình[11],
Thi nhơn-nghĩa, tránh bạo-hành đối dân.
Triều Tây huấn-luyện tinh-thần,
Học-hành cố tránh Hán-văn, ngoại-từ.
Biểu-chương, sắc-chỉ, văn-thư,
Chữ-nôm nghĩa-lý rõ như ban ngày[12].
VUA QUANG TRUNG CHẾT ÔM THEO
CÁI MỘNG ĐÒI LƯỠNG QUẢNG
Hận Thanh[1] năm tháng chẳng phai,
Sổ đinh[2] tu-chỉnh[3], thẻ bài[4] cấp cho,
“Thiên-hạ đại-tín”[5] đề to,
Mộ binh luyện tướng chí lo đánh Tàu.
Dọ tình sai sứ yêu-cầu
Cưới nàng công-chúa Thanh-trào cho vua;
Lại đòi Lưỡng-Quảng[6] đất xưa,
Trả về nước Việt để mua nhơn-tình.
Ngang-nhiên khiêu-khích nhà Thanh,
Lìa trần[7] đại-mộng biến thành khói mây.
Liệt-oanh nối chí triều Tây,
Ai đòi Lưỡng-Quảng về đây cho mình?
Nguyễn Quang-Toản tuổi ấu-sinh,
Hiệu-niên[8] Cảnh-Thịnh triều-đình tấn-tôn[9].
Bé thơ còn thiếu trí khôn,
Mắc tay gian-nịnh kết phồn hại dân.
Hoành-hành đàn-áp triều-thần,
Bào-huynh[10] thái-hậu cầm cân chánh-quyền,
Họ Bùi tên tộc Đắc-Tuyên[11],
Thái-sư[12] nhiễu-hại ngửa-nghiêng Tây-trào.
Bình luận của Nguyễn Đắc Xuân: Sách Cận Đại Việt Sử Diễn Ca này được GS Trương Bửu Lâm giới thiệu rất giá trị. Tuy nhiên, đoạn viết về vua Quang Trung có một số thông tin không chính xác, xin sửa lại như sau:
Ví dụ:
Câu "Tự xưng đế-hiệu đóng thành Nghệ-an" xin sửa lại là "Tự xưng đế-hiệu đóng thành Phú-xuân".
Câu "Nguy-nga cung-điện Phượng-hoàng trung-đô" sự thật là Phượng-hoàng Trung-đô mới khởi công chứ chưa xây dựng xong bất cứ một kiến trúc nào.
[Nguồn: Huỳnh Thiên Kim, Cận Đại Việt-Sử Diễn-Ca, GS Trương Bửu Lâm giới thiệu, Nxb Dân-Sanh Phục-Vụ Xã 1962, tr.4-8]
[1] Quân Tàu bị vua Quang Trung đánh tan vỡ ở Đống-đa, nửa đêm được tin báo, Tôn Sĩ-Nghị hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc.
Vua Chiêu-Thống cũng theo Tôn Sĩ-Nghị sang sông cùng với bà Hoàng Thái-hậu và mấy người cận thần chạy sang Tàu.
Mùa Xuân năm Canh-tuất (1790), vua Chiêu-Thống và các quan tòng-vong sang tới Yên-kinh (Bắc-kinh). Bấy giờ, hoàng-đế nhà Thanh đã phong vương cho Quang-Trung rồi nên vua tôi nhà Lê phải chầu chực lâu ngày, gần như bị bỏ rơi. Sau, hoàng-đế nhà Thanh ban áo mũ quan tam-phẩm cho Lê Chiêu-Thống và cấp cho mỗi người theo vua một thạch gạo và ba lượng bạc.
Năm Quí-sửu (1793), buồn rầu vì hoàng-tử chết, vua Chiêu-Thống đau nặng rồi từ trần.
Năm Nhâm-tuất (1802), nhân khi vua Gia-Long thống nhứt cả Nam-Bắc, và sai sứ ta sang Tàu cầu phong, các cựu thần nhà Lê xin Thanh-Triều đưa hài-cốt Lê Chiêu-Thống, thái-hậu và hoàng-tử về nước.
[2] Lưu vong: mất ngôi hoặc mất nước chạy đi ẩn-náu ở nước ngoài.
[3] Quang-Trung: (1788-1792) tên là Nguyễn-Huệ, em của Nguyễn-Nhạc và Nguyễn-Lữ. Ba anh em khởi binh ở đất Tây-sơn, thuộc huyện An-khê (Bình-định). Sau khi giúp anh là Nguyễn-Nhạc lập nên nghiệp lớn, Nguyễn Huệ được phong làm Bắc-bình-vương, trấn đất Thuận-hóa, lấy Hải-vân làm giới-hạn, và đóng đô ở đất Phú-xuân.
Năm Giáp-thìn (1784), Nguyễn Huệ đem binh vào đánh đất Gia-định được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Xiêm-la, chỉ còn được mấy trăm người lủi-thủi chạy về nước.
Năm Bính-ngọ (1786), Nguyễn Huệ ra Bắc-hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, làm cho chánh-nghĩa được sáng tỏ.
Năm Mậu-thân (1788), được tin quân nhà Thanh kéo sang chiếm Thăng-long, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang-Trung, rồi tự mình đem quân ra đánh một trận, phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ-Nghị phải bỏ cả ấn-tín mà chạy, làm cho vua tôi Trung-quốc khiếp sợ, tướng-sĩ nhà Thanh thất đảm, từ xưa đến nay nước Việt-Nam chưa có võ-công nào oanh-liệt bằng.
[4] Thọ-phong: lãnh tước vương do một hoàng-đế ngoại-quốc phong.
[5] Đế-hiệu: Mặc dầu chịu hoàng-đế nhà Thanh phong vương, Quang-Trung lại tự xưng hoàng-đế nước Nam, nghĩa là ngang hàng với hoàng-đế Tàu. Quang-Trung tổ-chức triều-đình, sửa sang đền-đài cung-điện,lập bà Ngọc-Hân làm Bắc-cung hoàng-hậu, lập con Nguyễn Quang-Toản làm thái-tử, mọi việc đều theo nghi-thức hoàng đế.
[6] Ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ-lân) và núi Quyết (núi Phượng-hoàng), phía trước có sông Cồn-mộc và sông Lam (Nghệ-an) đều là hào và thành thiên-nhiên.
[7] Ngọc-Hân công-chúa: con gái vua Lê Hiển-Tôn.
[8] Toản: Nguyễn Quang-Toản, con trai lớn của Quang-Trung.
[9] Ái-ưu: ái quốc ưu dân, thương nước và lo buồn về nỗi khổ-sở của nhơn-dân.
[10] La-sơn phu-tử: tên là Nguyễn-Tiếp, tự là Khải-Chuyên, hiệu là Nguyệt-Úc, biệt hiệu là Hạnh-Am. Ông làm nhà ở Lục-niên-thành, thuộc huyện La-sơn, tỉnh Hà-tịnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục-niên tiên-sanh hay là La-sơn phu-tử.
[11] Trị-bình: trị quốc bình thiên hạ, trị nước cho thiên-hạ hưởng thái-bình.
[12] Dưới đời Tây-sơn có điều hay là việc cai-trị thường dùng chữ nôm. Vua muốn người Nam phải dùng tiếng Nam để gây thành cái tinh-thần của nước nhà và một nền văn-chương đặc-biệt, không phải mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu.
[1] Hận Thanh: thù oán nhà Thanh.
[2] Đinh: hạng trai tráng, người tới tuổi đóng thuế.
[3] Tu-chỉnh: sửa sang, sắp đặt cho đàng-hoàng.
[4] Thẻ bài: mảnh tre gỗ hay xương có biên chữ, mảnh giấy có đề chữ để làm giấy thuế thân hay thẻ căn cước,
[5] Thiên-hạ đại-tín: gây lòng tin-tưởng lớn-lao trong nhơn-dân.
[6] Lưỡng-Quang: Quảng-đông, Quảng-tây (Kouang-tong, Kouang-si).
[7] Vua Quang-Trung mất năm Nhâm-tí (1792), làm vua được 4 năm, thọ được 40 tuổi, miếu hiệu là Thái-tổ Võ hoàng-đế.
Hoàng đế nhà Thanh sai án-sát Quảng-tây là Thành-Lâm sang viếng tang và phong cho Quang-Toản làm An-Nam quốc-vương.
[8] Niên hiệu: cái hiệu triều-đình đặt cho vua, người ta theo đó mà tính năm, kể từ vua lên ngôi.
[9] Tấn-tôn: hay là đăng-quang thiết lễ đưa vua lên ngôi.
[10] Bào-huynh: anh một bọc sanh ra, anh ruột.
[11] Đắc-Tuyên: Anh ruột của bà Thái-hậu, làm chức Thái-sư dưới triều Cảnh-Thịnh.
[12] Thái-sư: nghĩa đen: thầy vua hay cố vấn. Chức quan trong hàng tam-công.