Những năm tháng ở Phú Xuân cùng Quang Trung

Đấy chính là tuyên ngôn về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, để tự lực tự cường mà đàng hoàng đối phó với các ý đồ xấu của ngoại bang. Trong công cuộc kiến quốc quy mô, đồng thời khẩn trương này, trí tuệ thông sáng, kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm dồi dào, đặc biệt là ngòi bút hùng văn của Ngô Thì Nhậm, là điều mà Quang Trung hoàng đế cần đến hơn ai hết, và hơn bao giờ hết.

Hồi tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), lúc ban bố các chiến lệnh trên đèo Tam Điệp, vua Quang Trung đã từng nói với Ngô Thì Nhậm và tả hữu:

Cứ để cho ta mươi năm nữa, nước ta giàu, dân ta mạnh, thì ta có còn sợ gì chúng?

Đấy chính là tuyên ngôn về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, để tự lực tự cường mà đàng hoàng đối phó với các ý đồ xấu của ngoại bang. Trong công cuộc kiến quốc quy mô, đồng thời khẩn trương này, trí tuệ thông sáng, kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm dồi dào, đặc biệt là ngòi bút hùng văn của Ngô Thì Nhậm, là điều mà Quang Trung hoàng đế cần đến hơn ai hết, và hơn bao giờ hết.

Vì thế, cuối năm Canh Tuất (1790) đầu năm Tân Hợi (1791), ngay sau lúc hoàn thành sự nghiệp đứng đầu công cuộc bang giao với nhà Thanh thời hậu chiến, với mái tóc đã sớm bạc tuy mới ở giữa độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” (tuổi bốn mươi không còn điều gì phải nghi ngờ nữa), Ngô Thì Nhậm đã được vua Quang Trung cho vời vào triều đình Phú Xuân, để kề cận cùng hoàng đế Tây Sơn, lo liệu việc kiến quốc.

Từ chỗ là Thị lan Bộ Lại, đứng hàng thứ hai trong bộ máy tổ chức chính quyền Bắc Hà của nhà Tây Sơn- chức vụ được nhận ở Thăng Long- từ giữa năm Mậu Thân (1788), Ngô Thì Nhậm ngay khi rời nhiệm sở ở đất Bắc vào làm quan trong triều đình Phú Xuân, đã được vua Quang Trung vinh thăng cho làm Thượng thư Bộ Binh, đứng đầu bộ máy quân sự- quốc phòng cực kì quan trọng của nhà nước Tây Sơn. Cảm khái về sự trọng dụng này, trong văn bản tạ ơn gởi lên hoàng đế Quang Trung Phụng thăng Binh bộ Thượng thư tạ khải, tân Thượng thư Bộ Binh Ngô Thì Nhậm đã có những lời đầy tự hào:

“Đời thịnh trị, văn chương chuyên uỷ một nhà, thần được sung vào toà Thượng khanh, trông coi việc Bắc/Cuộc bang giao sáng suốt trong nhờ chín bệ, thần được sung vào hàng Học sĩ, đúc chuốt lời văn”.

Không chỉ “đúc chuốt lời văn” nhưng thật may cho đương thời và hậu thế, là trong khi cùng Hoàng đế Quang Trung bàn bạc, quyết định và tiến hành các công việc trọng đại của quốc gia, Ngô Thì Nhậm cũng thường có thơ văn để lại.

Tiếp dòng hùng văn chính luận, ngay ở buổi đầu của thời chiến chuyển sang thời bình, Tờ chiếu về việc ban ơn, chính là việc “dùng văn chương làm quốc sự” tiêu biểu của Ngô Thì Nhậm, khi thay lời QuangTrung mà:

Chiếu cho quan viên và trăm họ trong nước biết!

Dựng nước mở cõi, hoàng thiên mở rộng dư đồ

Làm phúc ban ơn, vương giả thi hành nhân chính.

Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, vâng chịu mệnh lớn. Nay đã giảng hoà nước lớn, đại lễ đã thành. Bắc Nam thông ngọc lụa đến chầu, thần dân mừng áo xiêm ngày thịnh hội. Từ nay, thu quân hoà chúng đều được an ninh. Nghĩ giải quyết việc đã qua, tính toán việc sẽ tới, là nghĩa thánh nhân tuỳ thời. Cho nên đấng quân nhân chịu mệnh trời để được hưởng nước, tất phải vâng ý trời để chỉnh đốn công việc, cứu tai ương, xét hoạn nạn, bỏ ngục tụng, hoãn hình phạt, là việc thiết yếu nên làm.

Văn ban, võ quan triều cũ, do vì trước đây không chịu bái yết, mang án tại đào, đã từng được tha tội. Duy điền sản tịch thu sung công, chưa được trả lại, nên kì này xét ai thực đã đến chầu, có quan Giám tri kê khai tên họ, thì cho nhận lĩnh điền sản cũ về làm kế sinh nhai để khỏi đói rét.

Còn những tội phạm phải tù đồ, trừ ngụy án ra, xét tội trạng nào thuộc về án nặng, hãy tạm giam để chờ tra xét. Ngoài ra, thảy đều tha hết, để giải cứu cho những kẻ bị oan ma lâu chưa được xét.

Hỡi thần dân các ngươi! Hãy nên tuân phụng đắc ý, chọn đặt chỗ ở, dẹp lòng phản trắc, để càng hưởng phúc hoà ninh. Phải kính tuân đó!”.

Những lời lẻ và tư tưởng an dân dõng dạc như thế khiến xã hội được ổn định, để trên nền tảng đó, ban bố hàng loạt chính sách xây dựng cuộc sống mới, với việc trước hết là huy động và trọng dụng dân tài, như Ngô Thì Nhậm đã giúp Quang Trung viết trong Chiếu cầu hiền:

Nay ban chiếu xuống quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép dâng thư tỏ bày công việc.

Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát.

Những người có tài nghệ gì hữu dụng cho đời, các quan văn võ đều được tiến cử. Hoặc lại cho dẫn đến yết kiến, tuỳ tài bổ dụng. Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng cho phép được dân thư tự tiến cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao”!

Ôi! Trời đất bế tắt thì hiền tài ẩn náu. Xưa thì đúng vậy, còn nay trời đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức, nên đều gắng lên, để được rỡ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính để được hưởng phúc tôn vinh!”.

Một chính sách thiết thực và cần thiết đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, là khuyến khích giáo dục. Sự “tâm đầu ý hợp” giữa Quang Trung và Ngô Thì Nhậm ở phương diện sáng tạo cơ bản và quan trọng này, đã khiến ra đời Tờ chiếu về việc lập nhà học, với những nguyên lý thích đáng và đích đáng cho mọi thời và mọi nơi, được nêu ngay ở lời mở đầu:

Dựng nước lấy dạy học làm đầu, cầu trị lấy nhân tài làm gấp. Trước đây, bốn phương nhiều chuyện phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng thiếu thốn.

Ôi! Hết loạn đến trị là lẽ tuần hoàn. Tiếp sau hỗn loạn, lại càng cần phát triển sửa sang. Lập giáo hoá, đặt khoa cử, là quy mô lớn để chuyển loạn thành trị vậy”.

Liền ngay sau việc nêu nguyên lý quan trọng là hàng loạt chủ trương giáo dục cụ thể, cặn kẻ và chu đáo đến cho từng cấp địa phương, từng hạng nhân sự, không quên nói đến cả việc bắt những kẻ “sinh đồ ba quan” - bỏ tiền mua học vị và bằng cấp – phải “hoàn dân thụ dịch” (trở về làm dân, chịu dao dịch). Để cuối cùng là lời kết luận xác đáng, đầy tính phổ quát về vị trí của nền giáo dục và thái độ của mọi người đối với việc giáo dục là:

Việc này, quan hệ đến đại điển buổi ban đầu. Phải nên mài giũa hùng khởi chí khí, giữ lòng trong sạch nhớ ơn, cùng lên con đường rộng rãi, cùng giúp chính trị sáng trong!”.

Trong công cuộc “kinh bang tế thế”, làm kinh tế nông nghiệp trong hoàn cảnh sau chiến tranh, cần ổn định xã hội và sản xuất, đặc biệt là giải quyết vấn đề ruộng đất, Ngô Thì Nhậm đã thác lời Quang Trung viết ra tờ Chiếu khuyến nông nổi tiếng:

Chính trị của bậc vương giả là: “vun gốc đè ngọn”, chú trọng vào việc nông tang, nhờ đó trong nước không có kẻ chơi không, ngoài đồng không có đất bỏ hoang…

Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn, bốn bề yên tĩnh. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất, làm cho dân giàu, phải được tiến hành lần lượt…

Cái đạo che chở dân, chẳng gì bằng bắt dân lưu tán trở về, khai khẩn ruộng hoang, khiến kẻ du thủ du thực (phải) chuyển về làm ruộng. Còn những ai kiều ngụ nơi khác, trốn tránh sưu dịch (thì) trừ ra những người đã nhập tịch được từ ba đời trở lên, còn lại nhất thiết bắt về bản quán.

Những ruộng công tư, trót đã bỏ hoang, phải trở về nhận lấy để cày cấy, không được để hoang, khiến cho những người thực cày cấy ruộng khác phải chịu thuế khống!.

Các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng, phải xét sổ đinh hiện có bao nhiêu suất, số điền hiện có bao nhiêu mẫu, hạn trong tuần tháng Chín, phải làm sổ xếp loại, đem nộp các quan Phân suất, Phân tri hiện của mình, các viên này sẽ chuyển đệ lên, đợi quan Khâm sai xét thực, sẽ châm chước đánh thuế cho công bằng.

Xã nào dung túng cho khách hộ trú ngụ mà không đuổi về bản quán, và những người trốn tránh lần lữa không về, nếu có người biết, tố giác, điều tra ra sự thật, thì sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng xã ấy, cùng người trốn tránh, đều bị xử tội.

Xã nào có ruộng bỏ hoang đã lâu mà không ai nhận, nếu là ruộng công thì trách cứ vào các viên chức sắc, các chủ hộ xã ấy, phải chiếu nguyên ngạch thuế ruộng mà nộp gấp đôi; nếu là ruộng tư thì sung công, ngạch thuế cũng như ruộng công.

Đây là chính sách buổi đầu, hướng dân chăm nghề gốc.

Hỡi các thần dân! Các ngươi đều phải trông lên, thể theo đức ý của trẫm: về nơi quê quán, chăm sóc ruộng vườn! Đừng lười biếng làm hại sinh kế, đừng trốn tránh giấu giếm để mắc tội lỗi! Cái vui giàu thịnh, trẫm sẽ cùng trăm họ chung vui!”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, khi bắt đầu vào làm quan ở triều đình Phú Xuân, bàn định, soạn thảo và đôn đốc, theo dõi việc thực thi ngần ấy văn bản quan trọng. Ngô Thì Nhậm còn có chức nghiệp chính yếu là triều cận sát liền bên vua Quang Trung, sớm tối và trong mọi công việc.

Ở thi tập Thu cận dương ngôn, gồm 72 thi phẩm được Ngô Thì Nhậm sáng tác trong thời gian vào làm quan tại triều đình Phú Xuân, có một bài thơ ký sự, vừa thú vị tình ý, vừa quý giá thông tin, với nhan đề khá dài vì cặn kẽ, là: Tảo triều Trung Hòa điện, tứ nhập nội thị độc chiến thủ tấu nghị, cung ký (Buổi chầu sớm mai ở điện Trung Hòa, cho vào hầu trong nội điện, đọc những tấu nghị về chính sách đánh – giữ, kính ghi). Bằng thi phẩm này, Ngô Thì Nhậm đã tường thuật tỉ mỉ:

Tảng sáng, chưa tan sương canh Năm

Tiếng gà eo óc, thấu cung Thượng Dương

Nơi vua ngồi, thị vệ gươm vàng đã sắp đặt

Chỗ đình thần, các quan áo gấm vừa tề chỉnh

Truyền đạt kời vua, mưu mô chiến lược

Tuyên đọc chế cáo, quốc kế biên phòng”.

Rồi phát biểu ý tưởng trung trinh phò vua giúp nước của mình, bằng câu hỏi: “Ai là Bùi Tấn Quốc (tức: Bùi Độ, người thời Đường, có công dẹp giặc Hoài Thái) để chăm lo mưu lược giúp vua đây?”. Nhà dịch thuật Ngô Linh Ngọc đã chuyển ngữ bài thơ chữ Hán thành thơ quốc âm:

Canh năm, chưa vén hẳn màn sương

Eo óc gà vang cung Thượng Dương

Văn võ vừa yên hàng áo gấm

Ngai rồng đã sẵn đội gươm vàng

Phép hay giữ nước: truyền quân mệnh

Kế lớn ngoài biên: đọc cáo chương

Tấn Quốc bình Hoài, ai đó tá

Mưu cao vì chúa, những lo lường?”…

Ở một bút ký bằng thơ nữa, nhan đề Khâm ban nhật thị Thanh Di điện, cung ký (Được vua ban hằng ngày chầu ở điện Thanh Di, kính ghi), Ngô Thì Nhậm cũng bộc lộ niềm cảm khái của mình khi được vinh dự hằng ngày triều cận vua, kèm với hai câu chú thích về quan cảnh điện Thanh Di trong hoàng cung Phú Xuân: “Trước điện Thanh Di có dựng một lầu năm nóc” và về đức tính chuyên cần của vua Quang Trung: “Mỗi ngày, sáng sớm, vua từ Đại Nội, đi ra điện Trung Hòa để nghe chính sự”. Nội dung thông tin từ bài thơ như sau:

“Điện chầu vua có năm nóc, cao ngất bên sườn núi,

Áng mây lành ôm ấp bức bình phong.

Mở cửa cung, phượng liệng múa cánh,

Quanh thềm điện, rồng nhả hạt châu

Thánh chúa tới hiên, vừa mặt trời mọc

 Lão thần đợi giờ, giữa lúc sao thưa

 Khó đem sương tàn báo đáp ơn trời

 Xin kính dâng lời chúc vạn thọ Nam Sơn”.

Ngoài việc thân tín làm việc cùng vua Quang Trung ở trong nội điện, Ngô Thì Nhậm còn được nhà vua tin cậy cho thác tùng hộ giá rất nhiều lần đi công cán dã ngoại. Khi thì đúng chức năng Thượng thư Bộ Binh, mà “Tòng giá Vọng Trận cung, xuân nhật, xuất binh, phụng ký” (Theo lệnh vua, ghi lại cuộc theo vua đến cung Vọng Trận, ngày xuân, ra quân):

Cờ Thúy Hoa tới xem mở cuộc tập trận mùa xuân

Mưa tạnh, mây quang, âm u quét sạch

Muôn đội tinh kì, đón mặt trời buổi sáng

Đầy trời chiêng trống, vang vọng tới rừng sâu

Sạch bụi đường vua đi, rủi rong ngựa tứ

Sấm vang quân vua tiếng, săn bắt chim muông…

Khi thì lại trong vai từ thần “Tòng giá hạnh Noãn Môn quan hải, cung ký” ( Theo vua ra cửa Thuận An ngắm biển, kính ghi) cảnh tượng :

Nguồn xa một nhánh Kim Long rót

Đổ xuống Thái Dương, nước chuyển làn

Cò đậu bãi tròn, thành chữ “Phẩm”

Hoa lay song nhỏ rợn màu xuân…”.

Ở tất cả những chuyến đi cùng Quang Trung như thế, Ngô Thì Nhậm đều vừa khiêm tốn, vừa tự hào nói về vai trò của mình:

Bề tôi văn từ giắt bút theo xa giá

Nguyện hát khúc “Lục nguyệt” khải hoàn ca”.

Hoặc 

Hầu giá văn thần đem bút mực

            Ghé xem nét ngự chuốt lời văn”.

Tứ thơ và lời thơ cứ thế mà càng dạt dào, lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung đem theo, hết đi thị sát phá Hà Trung, lại đi tìm đất đóng đồn ở cửa Tư Dung (cửa Tư Hiền).

Đi đến phá Hà Trung, được cấp riêng con thuyền Kim Long chèo hộ giá, khởi hành từ nữa đêm (“giờ Tý”), sáng rõ (“đầu khắc Ba, giờ Thìn”) thì tới nơi, sau khi qua hòn đảo ở địa danh gọi theo tên nàng công chúa Huyền Trân đời Trần, ngắm cảnh tượng hùng tráng của đoàn quân Vũ Lâm chèo thuyền “đi như bay”, Ngô Thì Nhậm bừng bừng hứng khởi, tự nhận mình là “tướng tiên phong”, qua “lời dẫn” viết nguyên văn là:

“Đầu giờ Tý, thuyền vua xuất phát, sai từ thần (là tôi ) cưỡi thuyền Kim Long đi hộ tống. Bơi qua phá Hà Trung, sóng cuồn cuộn, quân Vũ Lâm bủa chèo, thuyền đi như bay, đầu khắc Ba, giờ Thìn, tới nơi”.

Để dẫn vào thơ:

Rồng vương cá nhảy, sóng mênh mong

Tây bắc, nguồn gom, nước vạn trùng

Vầng nhật ẩn hồng, nhô đáy vực

Đảo Huyền khoe biết, nỗi ngang dòng.

Gió chườm khoang sách, hơi xuân ấm

Lạnh thấu chòm Ngưu, khí biển xông

Buồn gấm thả dong chiều gió thuận

Thuyền thơ rạch sóng vút tiên phong!”.

Về chuyến đi cửa Tư Dung, trong “lời dẫn” vào bài thơ Phụng ứng chế Tư Dung hải môn tức cảnh (Tức cảnh làm bài thơ cửa biển Tư Dung theo lệnh vua), Ngô Thì Nhậm đã nói rõ lý do khiến Quang Trung luôn đưa mình đi theo, chính là để… làm thơ – và là thơ Nôm cho vua xem:

Thuyền ngự đến cửa biển Tư Dung dừng lại, (vua) sai quan lên các núi ở cửa biển, thị sát trận địa để đặt đồn quân. Từ thần (là tôi) theo hầu thuyền ngự, vua sai làm thơ tức cảnh, một bài Đường luật, một bài quốc âm, dâng vua”.

Với con mắt của nhà chiến lược, Ngô Thì Nhậm đã viết về vị thế của cửa biển Tư Dung:

Cửa biển này có núi Lọng, núi Ngựa, nhô ra ngoài biển. Dòng nước khuất khúc hình chữ ất (chữ Z)  đổ vào biển. Bờ sông có núi Rùa, núi Voi nối với của biển. Mà núi Ải Vân là hiểm yếu nhất. Ngay trong cửa biển, sông ở hai bên lác đác có bãi ghềnh nổi lên, đến tháng Ba nông cạn, ở giữa hầu như chỉ đi lọt chiếc thuyền. Đặt nơi bờ biển phòng thủ rất mạnh”.

Tiếp đó là bài thơ (dịch) như sau:

Lâu thuyền chèo rộn, cưỡi hoàng long

Văn võ đeo gươm, phụng tháp tòng

“Rùa” hé vân mai, mừng thánh thụy

“Ngựa” vòng chữ “ất”, tỏ quân phong

Núi sông bọc kín vùng thiên hiểm

Bến bãi phòng sâu biển yếu xung

Lướt sóng phải đâu đánh trận bút

Chước thần khơi nẻo, sau quân thông”!

Mối thân tình giữa vua – tôi như thế, gần như bạn bè. Quang Trung qua ngòi bút của Ngô Thì Nhậm thường luôn là người thích thưởng thức, thậm chí sáng tác thi ca. Và người thường luôn được nhà vua “đặt hàng” làm thơ và cả sửa thơ cho vua, chính là Ngô Thì Nhậm. Không chỉ ở cửa Tư Dung “sai làm thơ tức cảnh”, mà cả khi ở trong cung cấm “Khâm ban ngự tiền trân thiện” (Được vua cho ăn yến trước ngai vàng), vừa lúc “Nội trù” (đầu bếp của vua) quạt than một đỉnh nhỏ, nấu thức ăn dâng lên, thì Quang Trung vẫn hỏi: “Khanh có thể ngoáy bút làm thơ chăng?”, Ngô Thì Nhậm thưa rằng: “Thần già rồi, không làm nổi!”. Viện cớ tuổi tác (dù chưa đến vậy) để nhún nhường mà đùa khéo một chút trước vị chúa tể thiên hạ thế thôi, chứ thật ra Ngô Thì Nhậm vẫn có ngay một bài Cung ký (Kính cẩn ghi chép) dâng vua vào lúc ấy:

“Sơn hào hải vị từ Thượng phương đưa ra

                    Trong lồng bàn gấm, thơm phức hương trời

                   Kẻ ăn dưng, không công trạng, thẹn được ơn dầy

            Xấu hổ mà ngoáy bút, làm thơ hầu chúa!”.

Không chỉ mời ăn, mà còn đãi uống. Bài thơ Khâm thị ngự tiền phụng tứ trà,  cung ký (Vào chầu ở ngự tiền, được cho uống trà, kính ghi) của Ngô Thì Nhậm, viết năm Tân Hợi (1791), mở đầu bằng “lời dẫn”:

Năm Tân Hợi, sau tiết Tiểu hàn hai ngày, trời lạnh buốt, mưa như trút. Ở hàng bên tả, quan nội các là tôi và Trực Lượng hầu; hàng bên hữu, quan nội bộ là Hiến Thành hầu và Kính Thận hầu, bốn viên vào chầu. Vua ôm lò ngự hương, mặt rồng vui vẻ, cho các bề tôi ngồi, mời uống trà, thung dung hỏi việc nước”.

Để tiếp ngay đó là bài thơ (dịch xuôi):

Thấp thoáng mây lành quán quanh rường điện

Lò ngự ngát bay khói hương tử đàn

Ấm áp tiếng cửu trùng, tuyên gọi quan thường thị

Thơm ngát trà nhất phẩm, ra từ kho Thượng phương

Chén ngân hạnh, ngào ngạt hương “kê thiệt”

Nước ngọc lan, đậm đà vị “long tu”

Thung dung tiếng vua hỏi han việc nước

Hổ thẹn tài mọn, chẳng mấy dâng được lời bàn”.

Đỉnh cao của sự thân thiết giữa vua – tôi, sau đấy là cái cảnh rất ấn tượng: Quang Trung và Ngô Thì Nhậm cùng đeo chung một cái kính, để đọc thơ! Và Ngô Thì Nhậm đã xúc động kính cẩn ghi lại cảnh này trong bài thơ Phụng thi ngự doanh khâm ngoạn nhãn kính cung kính, cung ký (Vào chầu ở ngự doanh, được vua xem kính đeo mắt) với lời dẫn thơ, nguyên văn (dịch) là:

“Xa giá về cung hành tại. Tôi ngồi chờ ở (cơ quan giữ ấn tín của vua là) Phù Bảo viện. Ngài triệu vào trong trướng ngự, sai đọc thơ ứng chế. Tay vua nhấc lấy chiếc kính tôi đang đeo ở mắt để ngài đeo, rồi đọc đi đọc lại bài thơ, ngảnh lại hỏi tôi hồi lâu. Sau đó, tôi xin lui”.

Lời dẫn thơ này, dắt đến bài thơ ký sự rất hay (dịch xuôi):

“Kính mắt (của mình) lại được quân vương dùng xem

          Ý thánh thượng là ân cần thương kẻ lão thần

          Thật vui vẻ khi được “mắt hai tròng” lấy để nhìn rõ     

          Càng vinh dự khi được “mắt bốn cõi” dùng để đọc văn

          Lúc tay nâng “tờ châu ngọc” trong ngự doanh

          Thì mắt thấy “lọng mây che” trên ngai rồng

          Khâm phục văn vua, càng thêm hâm mộ

  Nỗi buồn đất khách giảm bớt vài phần”.

Ở câu cuối của bài thơ về chiếc kính được vua tôi thân mật mà sử dụng chung này, Ngô Thì Nhậm đã có lời tâm sự rằng, trong thời gian vào Phú Xuân làm quan, tuy đắc ý nhưng cũng vẫn không khỏi đôi lúc mang nỗi buồn tha hương. Và chính sự thân thiết của Quang Trung đã khiến người xa quê vơi được phần nào nỗi nhớ nhà. Đó là điều tâm sự rất thực.

Trong tập thơ Cúc hoa thi trận gồm 50 bài họa thơ Phan Huy Ích – dường như thời gian này, cũng được triệu vào Phú Xuân làm quan đồng triều cùng người anh rể và bạn đồng khoa Ngô Thì Nhậm, với chức Thị Ngự sử – thấy có bài Cảm hứng, kèm lời ghi chú Họa thơ ông Thị Ngự. Ở bài họa thơ toàn dùng vần “ương” cùng với những ý tứ mấy lần đã nói ở mấy bài thơ khác, về tuổi già, tóc bạc, thân gầy, Ngô Thì Nhậm lần đầu tiên có nói thêm đến chuyện bệnh tật, nhưng nói một cách khôi hài rằng: lúc bệnh đến thì lại đi… cố làm thơ!

Lại nói nữa: Có lúc cũng đã muốn vào thiền viện tu Thiền! Nhưng… không ổn! – Vì sao vậy? Vì một hình tượng thơ rất hay, mà Ngô Thì Nhậm gọi là “tiêm thủ” – bàn tay búp măng! Cái bàn tay thon nhỏ đó, cứ đến gõ cửa hoài! Chính đấy là tiếng gõ của công việc, là sự thôi thúc của sự nghiệp phò giúp Quang Trung! Nó, cùng với chính Quang Trung, đã xua đi những vấn vương trong tâm hồn và thể xác của quan Thượng thư Bộ Binh triều Tây Sơn Ngô Thì Nhậm:

Phượng tiên nở ngát Phụng Nghi đường

Trăng đẫm thềm hòa, tuyết ngập đường

Khen bác, hứng về, luôn có rượu!

Cười tôi, bệnh đến, gắng thành chương!

Thiền viện, muốn thiền, thiền chẳng được

Tay xinh gõ cửa, rộn muôn phương!”.

Vậy là lại đắm đuôi vào công việc, miệt mài cùng Quang Trung lo toan những quốc gia đại sự. Và lo toan có kết quả. Cuối thời gian khoảng hai năm (1791 – 1792) từ Bắc Hà vào làm quan ở triều đình Phú Xuân của Ngô Thì Nhậm, thế nước – như mong muốn của Quang Trung khi ở Tam Điệp – đã mạnh lên nhiều. Cho nên, đã có thể tính tiếp đến chuyện đối phó với triều Thanh. Và trước hết, là hai thử thách: đòi lại đất sáu bảy châu miền biên thùy phí bắc bị nhà Thanh lấn chiếm và… cầu hôn công chúa nhà Thanh!

Ngô Thì Nhậm một lần nữa theo ý vua Quang Trung, lại “dùng lời lẽ khéo léo” mềm dẻo, cung kính (như tự xưng mình là “tiểu phiên”, gọi vua Thanh là “Đại hoàng đế”…) nhưng cương quyết, đấu tranh để thực hiện ý chí của người đại diện cho quyền lợi dân tộc và triều đình nước Việt.

Trong bức thư dài mà về sau được tìm thấy trong bộ sách Bang giao hảo thoại gửi hoàng đế nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm viết rõ ngọn ngành:

Trước đây, trấn mục nước tôi có cho biết: dân sáu châu Trung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Khiêm Châu, bị quân nội địa (Trung Quốc) cho lính đi bắt phải cải trang, đeo bài, đóng thuế… Tiểu phiên tôi xét kỹ căn do thì thấy: năm Càn Long thứ năm (1740), nghịch dân nước tôi là Hoàng Công Chất, bố Hoàng Công Toản, chiếm giữ bảy châu ( ở vùng này) đủ ba mươi năm, nhà Lê nấn ná không chịu xét. Dân bảy châu cho là địa thế xa xôi, nước tôi không thể khống chế được, nên cứ nấn ná phụ thuộc vào nội địa. Quan nội địa cứ đánh thuế…

Nay tiểu phiên tôi có đất, có dân, đều là do Đại hoàng đế ban cho… Từ năm Khang Hy thứ 28 (1689) có tra xét việc ba động là Nguyễn Dương, Hồ Điện và Phố viên. Đến năm Ung Chính thứ sáu (1728) lấy sông Đổ Chú làm giới hạn. Từ Đổ Hà trở về tây, đến nước Xa Lý, tức: bảy châu, thật ở trong địa giới Hưng Hóa (nước tôi), cột đá còn đó, chưa mất. Tiểu phiên tôi nghĩ đến phong cương làm trọng, tình hình ra sao, đều phải thực trình bày tỏ…”.

Và kết luận thì yêu cầu rạch ròi:

Ngửa mong Đại hoàng đế soi xét, xuống chỉ cho hai quan đốc phủ ở hai tỉnh Vân (Nam), Quý (Châu) xét hỏi lại cho đúng địa giới bảy châu, rồi trả về cho nước tôi”!

Tờ “Biểu” cầu hôn công chúa nhà Thanh còn được Ngô Thì Nhậm viết dài hơn nữa, trong đó có đoạn:

“Kính nghĩ: Đại hoàng đế bệ hạ, đức cùng trời đất, đạo hơn Hiền Ngu, an ủi chư hầu, vỗ về người xa, không tự hạn mình vào các việc cũ gần đây. Thần được nhờ thánh đức, coi cũng như con, để cho được theo vào hàng thân vương, tuy phận là quê kệch xa xôi, mà tình như sinh nuôi, chăm só vậy.

Trộm nghĩ: Muôn vật không ẩn tình với trời đất, con cái không giấu tình với cha mẹ. Việc gia đình tâm sự đâu dám không bày tỏ với bậc chí tôn.  Vừa đây, thần bị vận đen, trong nhà thiếu người đơm cúng. Cơ đồ mới gây dựng “thuyền vương” ít người giúp đỡ. Cây ngọc muốn được nương nhờ, khóm dân mong được giữ vững.

Ngước thấy: Thanh triều gây nền từ núi Thăng Bạch, dựng nên nghiệp vua, con cháu ức muôn đời phồn thịnh. Từ trước đến nay, chế độ nhà trời, công chúa gả xuống, tất phải người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bề tôi ở ngoài. Phận đã nghiêm, chia ra trong ngoài như thế, thật khó mà với đến được. Chỉ vì một niềm tôn mến, riêng trông ngóng, trằn trọc không thôi.

Trộm mong: Cành ngọc nhà trời rộng lan đến cả kẻ ngoại phiên ở dưới, khiến thần được ngửa đội ơn lành, gần gụi gót lân…

Chỉ vì quá phận cầu ân, việc không phải là thường cách, mưu với mọi người chấp sự, không ai dám đề đạt lên cho. Muôn dặm cửa vua, ngày ngày trông ngóng.

Nay dám không tự lượng, mạo muội giãi bày lòng thành. Kính cẩn sai kẻ bồi thần sang chầu hầu. Sau khi tâu bày rồi, sẽ vì thần giãi bày lòng thực”.

Quanh co dài dòng việc cầu hôn là như thế, nhưng thực chất của ý chí, gói lại ở chỗ câu cuối của biểu văn: cử kẻ bồi thần đi sứ “giải bày lòng thực”, là muốn đòi cả đất đai hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây!

Ngày Rằm tháng Tư, niên hiệu Quang Trung năm thứ tư (1792), đích thân Hoàng đế Quang Trung đã hạ sắc chỉ cho “kẻ bồi thần”, nói trong tờ “Biểu” là Vũ Quốc công Văn Dũng – đanh thép và gọn gàng giao một loạt “nhiệm vụ kép”: vừa trực tiếp đòi đất Quảng Đông và Quảng Tây, vừa thăm dò tình hính nhà Thanh, chuẩn bị cả đến việc rồi sẽ làm Tiên phong đi đánh nước Thanh sau này!

Sắc chỉ viết nguyên văn:

“Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu Viễn đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ Quốc công được gia phong chức chánh sứ, đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp, tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý (vùa Càn Long) và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức!

Phải thận trọng đấy! Hình thế trong việc dụng binh đều ở trong chuyến đi này. Ngày khác làm Tiên phong (đi đánh nước Thanh) chính là khanh đấy!

Kính thay sắc này.

Ngày 15 tháng Tư năm Quang Trung thứ tư (1792)”.

Những việc cực kỳ đại sự của triều đình Phú Xuân như thế, đang được tiến hành triển khai, Ngô Thì Nhậm một lần nữa, đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho sứ bộ Vũ Văn Dũng – như ngày nào đã chuẩn bị cho sứ đoàn “Giả vương” – lên đường, thì tin dữ như sét đánh ập đến: Vào giờ Tý, ngày 24 tháng Bảy nhuận, năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung băng hà!

Thế là sứ bộ Vũ Văn Dũng phải bãi. Thay vào đó là sứ bộ đi báo tang sang nhà Thanh, đồng thời, xin phong vương cho vua mới kế vị. Sứ bộ này do chính Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm cầm đầu.

[Nguồn: Huyện Thanh Trì-Tp Hà Nội, Truyện Danh nhân Ngô Thì Nhậm, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2013, tr.209-229]

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia