NĂM 1765 - ẤT DẬU
- Ngày 7-7 (20-V-AD), Võ vương mất. Ngoại tả Đạt quận công Trương Phúc Loan chuyên quyền, gạt bỏ kế tử Nguyễn Phúc Cổn (cha của Gia Long), lập Nguyễn Phúc Thuần là con thứ 16 của Võ vương. Ông này sinh năm Giáp Tuất (1754), con của công nữ Ngọc Cầu, kết quả mối tình loạn luân vủa Võ vương, thể chất bạc nhược, ham thích chơi bời, phó mặc việc nước cho Loan.
NĂM 1771- TÂN MÃO
- Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ chiêu tập nông dân khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (Quy Nhơn), không bao lâu trở thành một phong trào rộng lớn, tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cũ Lê, Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới tạm thời sông Gianh, và Nguyễn Huệ sẽ lập nên triều đại Tây Sơn (1788-1802), đống kinh đô tại Huế.
NĂM 1773- QUÝ TỊ
- Tháng 9, Nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn. Trong vòng mấy tháng tiếp theo, đã làm chủ được suốt từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, dùng cờ đỏ và khẩu hiệu: diệt quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Dương.
NĂM 1774-GIÁP NGỌ
- Trịnh Sâm nhân cơ hội, điều quân đi đánh miền Nam: Viện quân Hoàng Ngũ Phúc, Đoan quận công Bùi Thế Đạt, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm. Trong dịp này, Bùi Thế Đạt đã vẽ tập Giáp Ngọ bình nam đồ dâng chúa Trịnh. Đây cũng là một tư liệu quý về xứ Đàng Trong.
- Do áp lực từ hai phía (quân Trịnh từ Bắc đánh vào, quân Nguyễn từ nam đánh ra), Tây Sơn phải tạm rút khỏi Bình Thuận.
NĂM 1775-ẤT MÙI
- Ngày 27-1 (29-XII-GN), Nguyễn Phúc Thuần vội vã bỏ cung phủ chạy vào nam, không kịp đem theo cả gia quyến.
- Ngày 30-1 (3-I-AM), quân Trịnh vào thành Phú Xuân, niêm phong kho tàng, yết bảng chiêu an…
- Tháng 2, quân Trịnh tiếp tục đánh vào Quảng Nam. Tây Sơn phải rút khỏi Phú Yên, thu hẹp địa bàn kiểm soát. Tây Sơn tạm hòa với Trịnh, nhận phần: Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu Tráng Tiết tướng quân, Huệ làm Tây Sơn hiệu Tiền phong tướng quân.
- Nguyễn Huệ đánh tan quân Cựu Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy, chiếm lại Phú Yên. Quân Trịnh cũng rút khỏi Quảng Nam vì thực lực không đủ để theo đuổi cuộc chiến lâu dài.
NĂM 1776 – BÍNH THÂN
- Lê Quý Đôn vào làm tham hiêp trấn Thuận Hóa. Nhân đó, ông thu thập tư liệu, viết quyển Phủ biên tạp lục, một tư liệu quý cho chúng ta biết xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn.
- Tháng 11, Nguyễn Phúc Dương trốn khỏi Quy Nhơn vào Gia Định. Thuần nhường lại ngôi chúa, Dương xưng Tân Chính vương, tôn Thuần làm Thái Thượng vương. Nhưng từ đó, lực lượng họ Nguyễn chia rẽ, đi nhanh đến thất bại.
NĂM 1777-ĐINH DẬU
- Tháng 4, Tây Sơn tấn công Gia Định, Nguyễn Huệ chỉ huy chung và phụ trách thủy quân.
- Ngày 18-9, Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn bắt giết cùng 18 tướng lĩnh.
- Ngày 19-10 (19-Ĩ-ĐD), Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt giết tại Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh nắm binh quyền. Ông là con của Nguyễn Phúc Cổn (1733-1765), sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762), lúc này mới 17 tuổi, đến năm 1780 thì xưng vương.
- Nguyễn Huệ rút khỏi Gia Định, giao cho tì tướng đóng giữ.
- Tháng 11, các tướng Nguyễn là Đỗ Thanh Nhân, Lê Văn Quân, Tống Phúc Khuông, Dương Công Trững… thu thập tàn quân, chiếm lại Gia Định, rước Nguyễn Phúc Ánh trở về.
NĂM 1778- MẬU TUÂT
- Nguyễn Nhạc xưng đế, niên hiệu Thái Đức, gọi Đỗ Bàn là Hoàng Đế thành, phong Nguyễn Lữ làm tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân.
- Tháng 3, Nguyễn Nhạc phái tướng vào đánh Gia Định, nhưng thất bại, rút về Quy Nhơn. Quân cựu Nguyễn tiến chiếm luôn Bình Thuận.
NĂM 1780-CANH TÍ
- Nguyễn Phúc Ánh xưng vương tại Gia Định (từ đây gọi là Nguyễn vương cho gọn), phong Đỗ Thanh Nhân làm Ngoại hữu phụ chính thượng tướng quân.
NĂM 1781- TÂN SỬU
- Tháng 4, Nguyễn Vương sai người ám sát Đỗ Thanh Nhân, tạo nên sự chia rẽ trong hàng ngũ.
- Tháng 6, quân Nguyễn Vương tấn công ra Bình Khang. Tây Sơn chủ động đánh trước, quân Nguyễn vương thua to, phải rút lui.
NĂM 1782-NHÂM DẦN
- Tháng 4, Nhạc và Huệ cùng đánh vào Gia Định, đốt cháy một tàu Pháp, tên tướng Manuel tử trận. Nguyễn vương lui về Bến Nghé cố thủ. Tây Sơn tiếp tục truy đuổi địch.
- Tháng 6, một phái đoàn quân Nguyễn vương do Nguyễn Hữu Thụy cầm đầu, vượt biên giới sang Xiêm (Thái Lan) cầu viện, bị Chân Lạp tiêu diệt. Nguyễn vương phải chạy ra đảo Phú Quốc ẩn náu.
- Gia Định tạm yên, Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn, giao cho tướng Đỗ Nhàn Trập ở lại đóng giữ.
- Tháng 9, Chu Văn Tiếp và các tướng lại nổi dậy chiếm Gia Định, mời Nguyễn vương trở về, tổ chức phòng thủ, đồng thời phái người sang Xiêm cầu viện.
NĂM 1783-QUÝ MÃO
- Tháng 3, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem thủy quân vào Gia Định, theo cửa Cần Giờ tiến lên, lần lượt tiêu diệt các đồn lũy. Nguyễn Vương phải chạy ra Phú Quốc.
- Ngày 9-8 (12-VII-QM), tướng Tây Sơn Phạm Tiến Thận đánh đảo Điệp Thạch, bắt sống nhiều tướng lĩnh địch. Nguyễn vương thoát được ra đảo Cổ Long (Koh Rong).
- Ngày 18-8, phò mã Tây Sơn Trương Văn Đa vây Cổ Long, nhưng nhờ mưa bão, Nguyễn Vương trốn được qua đảo Cổ Cốt (Koh Kot), cuối cùng phải bỏ Phú Quốc ra đảo Thổ Châu. Sau khi tổ chức bố phòng Gia Định chu đáo, Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.
NĂM 1784-GIÁP THÌN
- Tháng 2, Nguyễn Vương cùng Chu Văn Tiếp sang Xiêm cầu cứu. Vua Xiêm nhận lời, sai hai cháu Chiêu Sương, Chiêu Tăng đem hai vạn thủy quân, 300 chiến thuyền sang giúp.
- Ngày 25-7 (9-VI-GT), quân Xiêm xuất phát từ Vọng Các, đổ bộ Rạch Giá tiến chiếm Cần Thơ. Chúng hung bạo, kiêu căng, khiến Nguyễn vương cũng phải thất vọng, nhờ giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) cầu viện Pháp.
NĂM 1785-ẤT TỊ
- Tháng 1, Nguyễn Huệ đem thủy quân vào nam, đến Mỹ Tho.
- Ngày 18-1 (8-XII-GT), trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đại thắng, quét sạch giặc Xiêm. Nguyễn Vương lại phải sang Xiêm nương náu.
NĂM 1786-BÍNH NGỌ
- Theo kế sách của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Nhạc quyết định tấn công quân Trịnh ở thành Phú Xuân.
- Ngày 25-5 (8-IV-BN), quân Tây Sơn xuất phát từ Quy Nhơn, Nguyễn Huệ chỉ huy, Nguyễn Hữu Chỉnh tham mưu.
- Ngày 15-6 (25-V-BN), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh, hạ thành Phú Xuân. Nhân dân Thuận Hóa hưởng ứng đông đảo. Nguyễn Huệ tiếp tục tiến quân ra Bắc.
- Ngày 21-7 (26-VI-BN), Nguyễn Huệ diệt xong họ Trịnh, kéo vào Thăng Long.
- Ngày 22-7, Nguyễn Huệ bái yết vua Lê Hiển Tông, trả quyền lại cho vua Lê.
- Ngày 1-8, Nguyễn Huệ nhận chức tước Nguyên soài phù chính Dực vũ Uy quốc công.
- Ngày 4-8 (11-VII-BN), Nguyễn Huệ làm lễ cưới công chúa Ngọc Hân.
- Ngày 10-8, vua Hiển Tông mất, Chiêu Thống thay.
- Ngày 8-9 (17-VIII-BN), quân Tây Sơn rút về Nam và Nguyễn Huệ đóng tại thành Phú Xuân.
- Cuối năm, nhân dân Thuận Hóa suy tôn Nguyễn Huệ. Vua Thái Đức hăm dọa trị tội, lại thông dâm với vợ Huệ. Nguyễn Huệ kéo quân vào vây thành Quy Nhơn suốt mấy tháng, vua Thái Đức phải nhượng bộ, dàn hòa.
NĂM 1787-ĐINH MÙI
- Tháng 12, thấy Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ sai tướng Võ Văn Nhậm ra bắt giết.
NĂM 1788-MẬU THÂN
- Tháng 5, nghe Phan Văn Lân báo Nhậm lộng quyền, đàn áp nhân dân, Nguyễn Huệ đem quân đi gấp ra Thăng Long, bắt giết Nhậm, trao quyền cho Ngô Văn Sở rồi lại về Phú Xuân.
- Ngày 10-12 (13-XI-MT), giặc Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, xuất phát tại Quảng Tây, xâm lược Đại Việt, theo sự cầu viện của Lê Chiêu Thống.
- Ngày 17-12, Ngô Văn Sở theo kế của Ngô Thì Nhậm, bỏ Thăng Long rút về đến Tam Điệp, lập phòng tuyến, rồi sai đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân cấp báo.
- Ngày 19-12 (22-XI-MT), được tin báo giặc Thanh chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang, lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Quang Trung.
- Ngày 22-12 (25-XI-MT), vua Quang Trung làm lễ tế trời tại núi Bân (xã An Cựu, huyện Hương Trà), điểm quân rồi kéo ra Bắc.
- Ngày 26-12, đại quân đến Nghệ An, tuyển thêm lính, cho quân sĩ ăn Tết trước.
NĂM 1789-KỈ DẬU
- Ngày 15-1 (20-XII-MT), vua Quang Trung điều quân, hạ lệnh bắc tiến.
- Ngày 28-1 (3-I-KD), quân Tây Sơn hạ đồn Hà Hồi.
- Ngày 29-1, quân Tây Sơn hạ đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng (gò Đống Đa).
- Ngày 30-1 (5-I-KD), tiêu diệt xong 26 vạn quân giặc Thanh và bọn bù nhìn Lê Chiêu Thống, vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long. Sắp xếp mọi việc, ông rút về Phú Xuân, củng cố nội trị.
- Tháng 4, Ngô Thì Nhậm tổ chức một sứ đoàn bang giao với nhà Thanh, gồm Nguyễn Quang Hiển, Vũ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đăng Sở…
- Tháng 8, lễ thụ phong diễn ra ở Thăng Long, một võ tướng được chọn (Nguyễn Quang Thực?) giả vua Quang Trung.
NĂM 1790-CANH TUẤT
- Ngày 14-3 (19-I-CT), sứ đoàn Tây Sơn sang giao hiếu với nhà Thanh, xuất phát tại Thăng Long, mục đích mừng thọ vua Càn Long. Phạm Công Trị (?) đóng giả vua Quang Trung, tháp tùng có Nguyễn Quang Thùy, Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tân, Đoàn Nguyễn Tuấn…
NĂM 1791-TÂN HỢI
- Ngày 5-1 (1-XII-CT), sứ đoàn trở về tới Nam Quan, đạt kết quả tốt. Vua Càn Long sau đó đày bọn tòng vong nhà Lê mỗi người đi một nơi và không nhắc đến sau cuộc nam chinh nữa.
- Ngày 25-5 (23-IV-TH), Nguyễn Phúc Đảm (sau lấy tên Kiểu) sinh tại Tân Lộc, phía hữu thành Gia Định (nay thành phố Hồ Chí Minh), sau lên ngôi tức là vua Minh Mạng.
NĂM 1792-NHÂM TÍ
- Ngày 16-9 (29-VII-NT), vua Quang Trung mất đột ngột, giữa lúc Nguyễn vương chiếm lại và đang củng cố xứ Gia Định. Nguyễn Quang Toản nối ngôi, niên hiệu Cảnh Thịnh, thiếu tài đức, để cho nội bộ lục đục, thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, đưa đến chỗ suy yếu.
- Sau khi được nhà Thanh phong vương, Quang Toản “cho em là Quang Thùy làm Khang công, tiết chế các doanh thủy bộ ở miền Bắc, kiêm tổng lí binh dân thứ vụ, cho Quang Bàn làm Tuyên công lãnh chức đốc trấn Thanh Ba, tổng lí quân dân sự vụ, cho cậu Bùi Đắc Tuyên làm thái sư, đốc thị các cơ vụ trong và ngoài, cho thái úy Phạm Công Hưng cùng nắm việc quân quốc trọng sự, cho Trung thư phụng chính Trần Văn Kỉ làm các việc ở Trung thư cơ mật, văn thư và lịnh thị đều giao trọn cho cả”.
NĂM 1793-QUÝ SỬU
- Nguyễn Vương đánh ra Quy Nhơn, vua Thái Đức cầu cứu. Bùi Đắc Tuyên sai thái úy Phạm Công Hưng, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, đại tư lệ Lê Trung và đại tư mã Ngô Văn Sở, đại thống lãnh Đặng Văn Chân vào giải vây. Nguyễn vương rút lui. Bọn Hưng chiếm đóng thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc uất ức, hộc máu chết, con là Nguyễn Bảo được đặt lên ngôi, gọi là “Tiểu triều”. Hưng bị bệnh, trở về Phú Xuân.
NĂM 1794-GIÁP DẦN
-Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng cùng mật mưu bắt Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ (con Tuyên) và tướng Ngô Văn Sở dìm nước cho chết cả.
- Phạm Công Hưng ốm chết. Nội bộ Tây Sơn bắt đầu lục đục.
NĂM 1798-MẬU NGỌ
-Nguyễn Bảo định hàng Nguyễn vương, bị vua Cảnh Thịnh sai tướng vào bắt dìm nước chết. Lê Trung, Nguyễn Văn Huấn cũng lần lượt bị giết, tướng sĩ nản lòng.
- Lê Chất, tùy tướng của Lê Trung, trốn vào theo Nguyễn vương, được trọng dụng.
NĂM 1799-KỈ MÙI
- Tháng 6, Nguyễn vương chiếm được thành Quy Nhơn, giao cho Võ Tánh đóng giữ.
- Ngày 4-12 (8-Mười Một- KM), Hoàng hậu Ngọc Hân mất.
NĂM 1800-CANH THÂN
- Tháng 2, Trần Quang Diệu vào vây thành Quy Nhơn.
- Nguyễn vương đánh mạnh ra Quảng Ngãi. Thấy tính hình nguy ngập, Quang Toản chạy ra Thăng Long, đổi niên hiệu là Bảo Hưng, khôi phục lực lượng.
NĂM 1801-TÂN DẬU
- Ngày 20-3 (7-II-TD), Đông cung nguyên sói Nguyễn Phúc Cảnh mất vì bệnh đậu tại thành Gia Định; Nguyễn Vương chưa vội chọn người thay.
- Ngày 13-6 (3-V-TD), Nguyễn Vương chiếm lại thành Phú Xuân, tổ chức ngay bộ máy cai trị, cắt ba huyện Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang của phủ Triệu Phong lập dinh Quảng Đức, gọi là dinh trực lệ.
NĂM 1802-NHÂM TUẤT
- Ngày 31-5 (1-V-NT), Nguyễn Vương lập đàn tế cáo trời đất ở cánh đồng làng An Ninh về việc đặt niên hiệu Gia Long; hôm sau, ban chiếu cho thiên hạ biết.
- Ngày 15-7 (16-VI-NT), vua Gia Long chiếm được Thăng Long, nhưng quyết định lấy Phú Xuân làm kinh đô cả nước. Nguyễn Quang Toản bị bắt cùng nhiều tướng lĩnh (Nguyễn Quang Thùy tử tiết), giải về Huế làm lễ hiến phù. Triều đại Tây Sơn chấm dứt sau 14 năm ngắn ngủi!
Người biên soạn: Lê Nguyễn Lưu
(Nguồn Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế, Tư liệu Điền dã vùng Huế về thời kì Tây Sơn, NXB Thuận Hóa, Huế-1998, tr.137-144).