CHƯƠNG KẾT
Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân bên bờ nam sông Hương ra đời năm 1680 thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), trải qua đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) rồi đến 1695 thời Nguyễn Phước Chu (1691-1725) ta thấy – qua Hải Ngoại Kỷ Sự - xuất hiện tên một ngôi chùa mang tên Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân. Trong 15 năm ấy (1680-1695), không thể xác định được chùa Thiền Lâm đã được xây dựng từ ngày tháng năm nào. Chỉ có thể nói Thiền Lâm ra đời từ sau năm 1680 (năm xây dựng Phủ dương Xuân) và trước 1695 (năm đón Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán đến Thuận Hóa Phú Xuân).
Tuy nhiên, ta cũng được biết chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (Thái) (1687-1691) khi đang còn tại thế đã từng lệnh cho Hòa thượng Tạ Nguyên Thiều (謝元韶) qua Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán sang Đại Việt hoằng pháp. Nhưng lúc ấy Hòa thượng chưa nhận lời. Bia của chúa Nguyễn Phúc Chu dựng tại chùa Quốc Ân (Huế), đời Lê Dụ Tông thứ 10 (1714) có viết:
“Hoán Bích Thiền Sư Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung (Thừa Thiên) vâng lệnh chúa Nghĩa sang Quảng Đông mời Đại Sán Hòa Thượng”.
Khi cử người đi mời thượng khách sang Đại Việt chắc chắn Nguyễn Phúc Trăn (Thái) cũng đã chuẩn bị nơi đón khách. Nơi đón khách ấy có thể là chùa Thiền Lâm chăng? Vì thế ta cũng có thể nghĩ chùa Thiền Lâm đã có thể ra đời thời Nguyễn Phúc Thái tức là trong thời gian từ năm 1687 đến năm 1691.
Năm 1694, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang Quảng Đông mời một lần nữa, Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán mới nhận lời. Cùng đi với Hòa thượng có độ một trăm người, hơn phân nửa là tăng chúng. Ðoàn đi trên hai chiếc thuyền buôn mang theo rất nhiều pháp khí kinh tượng để tổ chức giới đàn. Thuyền của Hòa thượng tới đảo Cù Lao Chàm (Hội An). Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền vào đón, và rước về trú tại chùa Thiền Lâm. Chùa nhỏ chỉ đủ chỗ cho khoảng mười người. Chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho một ngàn người thợ làm việc trong ba ngày đêm, hoàn thành một tòa phương trượng ba gian 32 cột, có rầm thượng, rầm hạ, bốn phía là hành lang, vách tường bằng ván; và một hậu liêu năm gian 20 cột. Phía trái có Vân Trù (Nhà bếp),Thiền Đường,Vân Thủy Đường; phía phải gồm Thị liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am Chủ Liêu.