1. Những ngôi chùa do vua chúa dựng lên trong cung phủ để phục vụ cho Hoàng gia ở Thuận Hóa Phú Xuân không bao giờ có người khai sơn. Các chùa trong cung cấm khi cần thì mời các nhà sư có uy tín nhất vào tụng kinh, chứ không có bất cứ nhà sư nào được vào ở trong các chùa trong cung cấm. Đầu triều Nguyễn, vua Minh Mạng dựng lên chùa Giác Hoàng (1839) trên mảnh đất tiềm để của nhà vua (Hiện nay là nơi tọa lạc của khu Tam Tòa đang được sử dùng làm cơ quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) không có một vị sư nào được khắc tên khai sơn cả. Chùa Diệu Đế ở ấp Xuân Lộc ngoài kinh-thành, trên vườn cũ của Phước-quốc-công, nơi đã sinh vua Thiệu Trị[7] không có người khai sơn. Do đó tôi nghĩ chùa Thiền Lâm chỉ là một cái am nhỏ dành riêng cho Hoàng gia ở phủ Dương Xuân cũng không có người khai sơn. Đến năm 1695, Hòa thượng Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua Thuận Hóa hoằng pháp, chùa Thiền Lâm được phát triển thành một Thiền Lâm Viện lớn nhất ở xứ Đàng Trong và dành cho đại chúng. Khi ấy chúa Nguyễn Phúc Chu phải dựng ngay trong Phủ một ngôi chùa khác để Hoàng gia tu tập. Trước ngày Phật đản năm đó (1695), Hòa thượng Thích Đại Sán được Chúa mời vào dự lễ khánh thành và đặt tên là Giác Viên Nội viện chứ không được ở trong Phủ. Đến khi Thiền Lâm tự được phát triển thành Thiền Lâm Viện, khai sơn Thiền Lâm Viện chính là Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán thuộc hệ phái Tào Động. Thích Đại Sán là Hòa thượng khai sơn Thiền Lâm viện, có như thế sau khi Hòa thượng Thích Đại Sán về Trung Quốc một người đệ tử của Hòa thượng là Hòa thượng Hương Liên hiệu là Quả Hoằng – quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu mới được kế vị, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền Lâm Viện. (Bia tháp của Ngài, lúc làm Nam Giao Tân Lộ đã được chuyển vào và xây lại bên cạnh con đường vào chùa Vạn Phước ngày nay).
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, (đời Duy Tân), Tập Kinh Sư, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Tạo do Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn xuất bản năm 1961ĐNNTC, tập Kinh sư, tr.87