H.25. Khi người Pháp đắp con đường mới Nam Giao, chùa Thiền Lâm bị dời qua phía tây, thì ngôi tháp này cũng bị dời vào chỗ hiện tại (phía ngoài cổng chùa Vạn Phước và gần lăng mộ cụ Phạm Quỳnh). Tấm bia mang theo ghi: “Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoằng Quốc Sư…” (vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm) nhưng người ta đã đắp lên mặt bia một lớp vôi vữa. Ngày nay muốn đọc
nội dung bia phải cạy lớp vôi vữa khó hiểu đó.
- Bia tháp lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền, theo tôi là bia tháp của một vị Hòa thượng nào đó viên tịch vào năm 1706, bia bị mài nhẵn và khắc lại tên “Hòa thượng Khắc Huyền”. Cho đến nay, ngoài mỹ danh Khắc Huyền khắc trên tấm bia bị mài nhẵn đó và bài vị thờ ở chùa Thiền Lâm, không có bất cứ một tài liệu nào khác viết về ngài Khắc Huyền. Như trên tôi đã đề cập đến, từ tháng 3-1695 không thấy bất cứ một tài liệu nào khác nhắc đến tên Hòa thượng Khắc Huyền, không có một chữ nào về Khắc Huyền được ghi trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Năm chùa Thiền Lâm phát triển thành Thiền Lâm Viện (1695), Hòa thượng Khắc Huyền đi đâu? Sau khi Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán về Trung Quốc thì Hòa thượng Quả Hoằng tiếp nối trú trì Thiền Lâm Viện, Hòa thượng Khắc Huyền có trở lại Thiền Lâm không? Nếu không trở lại Thiền Lâm, thì vì sao khi Hòa thượng Khắc Huyền viên tịch (năm 1706)[8] Thiền Lâm lại xây mộ tháp cho Ngài ngay trong khuôn viên vườn Thiền Lâm viện? Phi lý. Vì thế tôi không tin tháp mộ lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền là của Ngài Hòa thượng thật nào đó. Nếu quả thực Hòa thượng Khắc Huyền là người khai sơn chùa Thiền Lâm thì tại sao các sử thần Triều Nguyễn (thời Tự Đức cũng như thời Thành Thái Duy Tân) không viết mà lại nêu tên ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán? Còn vì sao lại có chuyện mài bia cũ rồi khắc lên một tên hư cấu Khắc Huyền vào đó để làm gì? Phần nghiên cứu dưới đây sẽ giải đáp.
[8] Thời gian ghi trên bia 1706 Hòa thượng Khắc Huyền viên tịch gần với thời gian Hòa thượng Thích Đại San qua đời vào năm 1704.