Quan sát địa hình và các di tích trên gò Dương Xuân và nghiên cứu trên bản đồ, tôi nghĩ rằng khu cung diện của Quang Trung nằm trên gò Dương Xuân, rất gần chùa Thiền Lâm. Trong quan niệm về vương thành của Đông Á và theo thuyết phong thủy, có thể đưa ra một giả định, cung/lăng Đan Dương  nhìn về phía nam, phía trên dựa vào đỉnh gò và phía dưới có một hồ nước, dòng suối nào đó. Trên cơ sở đó, có thể tiến hành điều tra khảo sát và vạch kế hoạch khai quật thăm dò khảo cổ học. Việc tìm ra và xác định vị trí, di tích đích thực của cung/lăng Đan Dương cuối cùng do kết quả khai quật khảo cổ học quyết định. Phát hiện, nghiên cứu, xác định chùa Thiền Lâm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một công trình khoa học thú vị và có giá trị về một Thiền viện lớn của Đàng Trong, nhưng ý nghĩa lớn hơn thế là từ đó, vạch ra một căn cứ, một chỉ giới và định hướng cho việc nghiên cứu phát hiện cung/lăng Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung. Con đường tới đích còn phải qua những công đoạn nghiên cứu nhung hướng đi theo tôi đã được vạch ra. Đó là cống hiến rất quan trọng của nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân, xứng đáng với tất cả công sức, tâm huyết anh đã dành cho nó trong gần 40 năm qua.

Với những suy nghĩ như trên, tôi rất vui mừng giới thiệu cuốn sách Thiền Lâm, ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với bạn đọc, nhất là với những ai đang mong muốn sớm tìm ra lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung.

 

                                               Hà Nội ngày 5 tháng 6 năm 2017

                                                      GS Sử học Phan Huy Lê

                                    Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia