Hạnh phúc và Ngưỡng vọng

 

Từ ngày huynh đệ chúng tôi được tiếp nhận trùng kiến ngôi cổ tự Thiền Lâm đến nay, thời gian gần 30 năm, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo giới thiệu lịch sử chùa Thiền Lâm. Các bài viết đăng trong các sách viết về chùa ở Thuận Hóa Phú Xuân, Chùa Huế, Danh Lam Xứ Huế.v.v. Nhờ các bài viết ấy mà ngôi cổ tự lịch sử hầu như đã bị lãng quên được đánh thức.

Qua đó tôi có duyên gặp nhà nghiên cứu Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân. Vốn đã biết nhau từ thời an trú ở Tổ đình Tường Vân nên gặp gỡ, trao đổi với nhau trong tình huynh đệ rất tâm đắc. Với vốn hiểu biết rộng, trong tay có tư liệu về nhiều mặt, Tâm Hằng đã nhiệt tình giúp thầy trò chúng tôi hiểu được những gạch, đá các loại của các kiến trúc cổ bị chôn vùi dưới lòng đất trong sân vườn chùa Thiền Lâm. Những gạch, đá ấy là những gì không thể xóa được của quãng lịch sử bi tráng nhất của ngôi chùa nầy. Sau bao năm nghiên cứu, Tâm Hằng mới thấy được: Thiền Lâm là một ngôi chùa nhỏ do các chúa Nguyễn lập nên trong khuôn viên phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân (sau nầy gọi là gò ấp Bình An). Năm 1694, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán qua Đại Việt hoằng pháp. Hòa thượng sang và được trú tại chùa Thiền Lâm. Để có đủ chỗ mở các giới đàn lớn cho hàng ngàn tăng chúng ở Thuận Hóa Quảng Nam đến thọ giới, Chúa cho nâng cấp chùa Thiền Lâm lên thành một Thiền viện lớn. Thời Tây Sơn chiếm Thuận Hóa Phú Xuân, Nguyễn Huệ/Quang Trung chiếm phủ Dương Xuân làm Dinh/ Cung điện Đan Dương, cở sở chùa/viện Thiền Lâm phải trực thuộc Tây Sơn. Sau khi vua Quang Trung qua đời, để giữ bí mật, triều Quang Toản táng vua cha ngay trong Cung điện Đan Dương. Sau đó triều Quang Toản trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên đã sử dụng chùa Thiền Lâm làm dinh riêng của mình, biến chùa thành Cung đình đầu triều Quang Toản. Đến đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Vương (sau nầy là vua Gia Long), về lại Phú Xuân, rồi “vì chín đời mà trả thù”, đã triệt hạ toàn bộ những gì liên quan đến triều Tây Sơn trên gò Dương Xuân chôn sâu xuống đất. Các kiến trúc của chùa Thiền Lâm có liên quan nên cùng chung số phận.

Đối với lịch sử, chùa Thiền Lâm là Thiền viện lớn nhất đầu tiên ở Nam Hà và cũng là cung đình triều Quang Trung-Quang Toản ở Huế.

Cuộc đối đầu khốc liệt nhất giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn diễn ra trên gò Dương Xuân. Chùa Thiền Lâm trên gò Dương Xuân còn lưu dấu sự có mặt của cả hai triều đại.

Kết luận nầy đã được GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định trong kết luận Hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế, được tổ chức tại Huế vào ngày 30-10-2015.

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia