của dân làng (tên làng còn giấu kín). Chưa có thông tin gì liên quan trực tiếp đến lăng mộ vua Quang Trung ở Quảng Nam cả.
Trong khi các nhóm nghiên cứu ở Nghệ An và Quảng Nam chưa đưa ra được những khám phá bất ngờ, tôi tiếp tục bổ sung thông tin khoa học cho đề tài “Cung điện Đan Dương là sơn lăng” của Hoàng đế Quang Trung ở ấp Bình An Thành phố Huế.
Những thông tin bổ sung cho công trình “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” để tái bản lần nầy gồm có:
1. Tư liệu - Nguyên chú bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm
2. Dư luận – Báo chí từ sau ngày sách xuất bản lần thứ nhất ra đời
3. Thư – E-mail
4.Ý kiến đồng tình của các nhà khoa học trong và ngoài nước
Rất mong được các nhà khoa học, độc giả gần xa tiếp tục đọc và chỉ giáo cho những bất cập trước kho công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương viên mãn.
Huế, Mùa Đông năm 2014
PHẦN MỘT
(Nghiên cứu)
Chương mở đầu
Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung - từ nửa đầu của thế kỷ XX, là một thao thức của các nhà sử học Việt Nam, đặc biệt là những nhà nghiên cứu Huế. Là một người nghiên cứu Huế, tôi không thể đứng ngoài sự thao thức ấy.
Lúc đầu tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác theo gót các bậc tiền bối như Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Hữu Đính .v.v., tập trung tìm tư liệu và lý lẽ để chứng minh lăng Ba Vành ở Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng may sao, qua nghiên cứu Huế - nghiên cứu tất cả những gì có liên quan đến Huế trong sử học, địa lý lịch sử, văn học cổ (và cả văn học hiện đại), khảo cổ học v.v., tôi sớm phát hiện được nhiều thông tin