9. Chùa Vạn Phước lưu giữ nhiều “phế liệu” đá cổ

Hồi đầu thế kỷ XX, khu vực Cồn Bông Sứ vẫn còn là một vùng cấm, chỉ có một cái am nhỏ mang tên Phổ Phúc thuộc chùa Tây Thiên (sau bình phong Nam Giao ngày nay). Dân chúng chưa ai dám đến đây. Các quan có thế lực ở Triều đình và chính quyền Bảo hộ mới dám lui tới. Vị quan đầu tiên quan tâm đến vùng nầy là cụ Thượng Hoè (Nguyễn Đình Hòe, làm quan cho cả Pháp và Nam triều, dạy môn Pháp văn ở trường Quốc Học). Cụ đến tìm đất táng người thân. Sau cụ Thượng Hòe là cụ Thượng bộ Binh Phạm Liệu, sau đó nữa là cụ Thượng Chi (Phạm Quỳnh). Năm 1910, nhờ thế lực của cụ thượng, đặc biệt là cụ Thượng Hòe, thầy Thích Giác Hạnh (1880-1981) được Hòa thượng Tâm Tịnh chùa Tây Thiên cử ra  chăm sóc am Phổ Phúc. Lúc đầu Phổ Phúc chỉ là cái am ở trong vùng cấm lo chăm sóc mồ mả người thân của các quan đại thần. Sau đó với sự đóng góp của gia đình các quan đại thần, thầy Giác Hạnh tận dụng gạch đá phế liệu trong vùng xây dựng am Phổ Phúc thành một ngôi chùa ba gian hai chái khang trang và đổi tên là Vạn Phước Di Đà Tự. Đến năm 1927 (Bảo Đại thứ hai), chùa Vạn Phước lại được đại trùng tu, xây dựng theo kích thước mới, vật liệu mới. Phần lớn các loại đá táng, đá tảng  thu nhặt trong vùng đều không được dùng lại. Chúng bị chôn lấp dưới đất hoặc sử dụng làm chân ghế, làm đôn để chậu hoa. Ngay trước hiên hậu liêu ngày nay ta còn có thể tìm thấy vài chục viên đá táng chôn sâu dưới đất và đặt các chậu hoa lên trên, có viên đá cổ dùng làm kẻng đá (xem A.069), một viên đá táng cột kê dùng làm chân ghế dài (xem A.070), một tấm đá hình chữ nhật màu xanh nằm sau chùa (xem A.071). Một viên đá khác hình dáng đẹp như một cuốn sách lớn (xem A.072) được dân chúng tìm thấy trong khu vực ấp Bình An chuyển vào để ở hiên chùa Vạn Phước (1988), nay đã mất.

10. Nền cũ và giếng cũ chùa Tuệ Lâm

            Từ ngôi mộ tháp đi ngược ra phía bắc ở chỗ gần đỉnh Cồn Bông Sứ sẽ thấy nền cũ của chùa Tuệ Lâm (đã đề cập đến ở Chương bốn). L.Cadière trong bài dẫn trên đã tỏ ra thú vị về địa điểm chùa Tuệ Lâm. Ông viết:

"Đi thăm chùa Tuệ Lâm rất thú vị” (Ce temple Tuệ Lâm est intéressant à visiter).

Đặc biệt ở bên cạnh chùa Tuệ Lâm còn dấu tích một cái giếng cổ, lúc L.Cadière đến thăm, ông thấy còn hai cái cột xây dựng để đỡ cái tời kéo nước ngày xưa. Ngày nay không còn những thứ ấy nữa, nhưng giếng còn một độ sâu khá sâu. Ném một viên đá xuống nước, tiếng động vọng lên ấm và thanh. Người địa phương cho biết giếng được đục xuyên qua núi đá và được gọi là "giếng loạn". (Xem A.073).

Nhà Nguyễn xem thời kỳ chiến tranh với Phong trào Tây Sơn là «loạn» như trường hợp nhà Nguyễn viết về chuyện Phủ Dương Xuân mất tích: « Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ » đã đề cập trong các chương trước. Trong khu vực khảo sát ta đã gặp hai giếng lọan trong khuôn viên chùa Diệu Đức, một «giếng loạn» bên hồ bán nguyệt trước nhà bà Nguyễn Thị Liên và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh. Ở đây lại gặp thêm một «giếng loạn» thứ tư. Phải chăng những giếng nước cổ nầy liên hệ đến nơi trú phòng của quan quân nhà Tây Sơn đã bị quân của Nguyễn Ánh đánh bại ?

            Trong kho tàng văn học dân gian trong vùng nầy có câu ca dao :

Chiều chiều mây kéo về Kinh

 Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia