trên cồn có nhiều gốc bông sứ cổ thụ. Trước năm 1992 tôi còn thấy một gốc bông sứ cổ. Đến năm 2006, theo ông Nguyễn Hữu Oánh: gốc bông sứ cổ được người Trung Quốc mua với giá cao nên toàn bộ bông sứ trên cồn đã bị trục đem “xuất khẩu” hết. Theo truyền thống ở Huế, bông sứ chỉ được trồng ở các cung điện, lăng mộ hoặc nơi thờ tự lớn. Cái cồn nầy có nhiều gốc bông sứ cổ, chứng tỏ ở khu vực nầy từng có các cung điện, nơi thờ cúng hay lăng mộ của vua chúa nào đó ?
Trước năm 1990, đến Cồn Bông Sứ ta thấy một ngôi lăng với một tấm bia lớn dựng trên lưng một con rùa bằng đá trắng. Tấm bia đá gra-nít đã bị “mài” nhẵn mất hết chữ. (Sau năm 1990, tấm bia được Nhà Bảo tàng Thành phố Huế chở về Nhà Bảo tàng Thành phố cất giữ một thời gian rồi chở lên trả lại cho chùa Thiền Lâm. Hiện tấm bia lớn + rùa đá còn dựng ở sân sau chùa Thiền Lâm như đã giới thiệu ở Chương bốn). (Xem lại A.025).
Ở phía tây nam tấm bia + rùa đá chừng vài chục mét, có một ngôi lăng hướng về phương nam, rộng 3m, dài 4m, tấm bia lăng (1,1m x 1,1m), mỗi bề trái, phải và sau ghép bằng ba phiến đá mỏng. Qua tường thuật của người địa phương (ông Nguyễn Hữu Oánh) và Thượng tọa Tâm Hướng chùa Vạn Phước cho biết hồi đầu thế kỷ XX, Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu (người đã viết lời bình cho văn bia Cổ kính trùng viên thuyết của Phó bảng Nguyễn Đình Hiến nêu trên) đã dời hài cốt bà thân mẫu của ông đến “vùng cấm địa” Cồn Bông Sứ ấp Bình An nầy và xây cho bà một cái lăng bằng các “phế liệu” đá thu nhặt được ở địa phương. (Xem A. 063). Trước lăng còn có hai đầu trụ đá hình chóp nón (xem A.064) [6] và một ghế đá (A.065). Phía sau lăng có hai khối đá khác, một khối 55 x 35cm, chiều cao có hai cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34cm (xem A.067); một khối đá táng cột 45 x 45cm, dày 25cm. Viên đá táng cột này rất đặc biệt, phần khoét giữa mặt đá để kê cột có một hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy chứng tỏ mặt cắt ngang cây cột kê vào viên đá ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên. (Xem A.068). Cỡ viên đá táng 45 x 45cm, lỗ kê chân cột lớn và có hình khối đặc biệt, chứng tỏ nó có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Vì tận dụng nên có nhiều viên đá không đúng kích cỡ cho nên phải trát thêm vôi vữa, ngược lại một số viên đá quy tập về nhưng không sử dụng được cho việc xây lăng nên còn để lăn lóc phía sau lăng. Hiện nay (2006) ngôi lăng trên đã được hậu duệ của người quá cố xây tường thành vây bọc chung quanh, viên đá có hình khối đặc biệt được ghép với nhau làm thành một cái bàn thờ thổ thần đặt ngay phía sau lăng.
Dân địa phương và các nhà sư trong chùa Vạn Phước cho biết những viên đá còn lại nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn dân đã đưa đi bán trong nhiều năm. Như vậy những viên đá đó của cung điện nào ? Vì sao nó lại tập trung vào khu vực nầy ?
Trước lăng, Tiến sĩ Phạm Liệu có khắc hai câu đối chữ Nôm:
Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật;
Lên chốn Bình An mến cảnh Tiên.
Hai câu đối nói lên sự thanh tịnh, khoáng đãng, đẹp đẽ của Cồn Bông Sứ ấp Bình An. Khảo sát khắp khu vực gò Dương Xuân không có một nơi nào có thể sánh với khu vực Cồn Bông Sứ.