đây là chân một kiến trúc cổ hoặc móng một bức tường thành. [Xem A.049(a) và 049(b)]. Bên phía trái lên phía trên một chút là hai ngôi nhà của chị em bà Nguyễn Thị Liên [số 62/13/12 (cũ), nay là 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ], và ông Nguyễn Hữu Oánh [số 62/13/12A (cũ), nay là 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ]. (Xem A.050 và A.051). Hai chị em bà này xuất thân trong một họ tộc gốc làng Phú Xuân (trong Thành nội) và đã được vua Gia Long cho lên khai canh vùng đất này từ năm 1806. Vì thế, mà dòng họ Nguyễn Hữu này cha truyền con nối làm trưởng ấp Bình An.
Khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, từ đầu thế kỷ XX, cụ nội và thân sinh ông Oánh đã bắt gặp ở dưới lòng đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30 x 30 cm, dày trên dưới 3 cm. Những gạch đá này, cụ thân sinh ông Oánh đã dùng để xây tường và lát sàn một ngôi nhà to (1938). Đó là ngôi nhà ông Oánh đã ra đời. Nhưng trong gia đình nhận thấy ở trong ngôi nhà đó không được may mắn, đã có nhiều người "chết bất đắc kỳ tử", nên sau ngày thống nhất đất nước, vào khoảng năm 1982, ông Oánh đã phá bỏ ngôi nhà cũ, gánh toàn bộ đá lát và gạch vồ tặng cho chùa Vạn Phước ở trên đỉnh gò (xế về phía tây bắc một chút so với nhà ông Oánh). Chùa Vạn Phước sử dụng số đá lát đó lát con đường vào nhà trai phía bên phải chùa (xem A.052), không hiểu sao vừa rồi nhà chùa bóc hết số đá lát đó đem ra lát ở sân sau chùa (xem A.053).
Hiện nay nhà ông Oánh còn giữ một viên đá đào được trong lòng đất vườn nhà, trước kia dùng làm lối đi trước sân nhà, nay di chuyển ra lát ảng nước sau nhà (xem A.054).
Ngoài ra trong khu vực chung quanh nhà bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Hữu Oánh có những hiện vật cổ xưa nay còn chờ lời giải (sẽ viết rõ trong phần Phụ khảo).
4. Móng thành cũ
Sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oanh và sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oanh (anh chú bác của anh Oánh) ở phía sát với hàng rào chùa Thiền Lâm cũng còn nhiều tảng bê-tông vôi, khi làm vườn, gia đình ông Oánh đã nhặt chất lại chung quanh hàng rào (hiện nay chỉ còn giữ được ảnh chụp từ năm 1988). (Xem A.055).
5. Đá táng cột lót đường
Trên con đường nằm giữa nhà anh Oánh (bên phải) và Cồn Bông Sứ (bên trái) chạy từ cuối hồ bán nguyệt lên đỉnh gò Bình An có nhiều viên đá lót đường thu nhặt từ những công trình kiến trúc cũ đã bị chôn vùi trong lòng đất từ xưa. Đặc biệt ở gần ngã ba rẽ vô chùa Vạn Phước có hai phiến đá táng cột cỡ 45x45cm, một viên đá Quảng màu trắng (xem A.056), viên kia đá gra-nít màu xanh (xem A.057), vòng tròn khắc lõm vào giữa mặt đá để kê chân cột có đường kính 27cm (viên đá trắng), 22cm (viên đá xám). Hai viên đá này được chôn sâu xuống cất lát mặt đường. (Ngày nay những viên đá nầy đã bị lấy đi hoặc bị phủ lên một lớp xi măng trong chương trình kiên cố hoá đường sá của Thành phố Huế, tôi chưa tìm được). Tại ngã ba nầy có đường rẽ phải vào nhà một người dân cũng có một viên đá táng cột lớn chôn giữa đường đi (xem A.058), nay bị một lớp bê-tông kiên cố hoá đường xóm che khuất.