một cái hồ bán nguyệt trồng sen (sau năm 1992 đã bị lấp một đoạn phía đông để làm nhà). (Xem A.042).

Ở phần cuối hồ, hồi đầu thế kỷ (1930) Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (nguyên Phủ doãn Thừa Thiên) bắc một nhịp cầu nối liền hai bên bờ suối Tiên (xem A.043) để làm một vườn cảnh mang tên Thủy Thạch Uynh.

            Ở bên bờ nam suối Tiên là một gò đất cao - nơi tọa lạc chùa Diệu Đức (xem A.044) do bà thứ phi của vua Thành Thái (sau xuất gia là Ni sư Diệu Hương) và bà Hồ Thị Hạnh (sau nầy là sư bà Diệu Không) xây dựng [3]. 

Nghiên cứu tài liệu và khảo sát điền dã tôi khám phá ra khu vực chùa Diệu Đức có nhiều điều thú vị. Trước tiên là cái giếng cổ - nguồn nước sinh hoạt chính của chùa Diệu Đức. Cái giếng cổ nầy vốn bỏ hoang do ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (hiệu Ấn Nam, biệt hiệu Mạnh Khả), nguyên Phủ doãn (Tỉnh trưởng) Thừa Thiên (1921) phát hiện vào năm 1930 khi ông đến chơi vùng nầy.

Gặp được cái giếng cổ bỏ hoang [xem A.045(a) và A.045(b)], ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (xem A.046) cho là một chuyện lạ. Ông đã bỏ công tìm hiểu cặn kẽ và viết  bài văn Cổ kính trùng viên thuyết, viết xong ông đưa cho Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu đọc. Ông Thượng thư cũng cho cái giếng hoang nầy là một chuyện lạ thú vị nên phóng bút viết một lời bình ngắn gọn súc tích. Ông Hiến cho khắc bài văn của ông cùng lời bình của ông bạn Thượng thư đồng hương Quảng Nam lên một tấm bia khổ 80 x 160cm, gồm 81 dòng, đếm được 2.200 chữ, rồi dựng bia bên cái giếng cổ (xem A.047). Văn bia được Lê Nguyễn Lưu dịch [4] như sau (trích): 

“CÂU CHUYỆN GIẾNG CŨ LẠI TRÒN

Ở trước chùa Kim Tiên, phía tây đường Nam Giao (tức Điện Biên Phủ) ấp Bình An thuộc phủ Thừa Thiên có một cái giếng bỏ hoang. Cỏ tranh rậm rạp, chim rắn náu nương, người hái củi, trẻ chăn trâu cũng không bén mảng đến. Mùa xuân tháng Hai năm nay (1930), vào tiết Kinh Trập, đào mới nở hoa, tôi lại đến kinh đô ở. Thuỷ thổ [...]. Một hôm, dẫn hai ba cụ già trong ấp đi dạo chơi [...]. Trời biển mênh mông, tâm thần thoải mái. Mỗi mô đất, mỗi gốc cây đập vào mắt, càng ngắm càng vui...Vừa đi vừa nghỉ, tôi chợt nghe những người cùng đi với mình lớn tiếng kêu lên: “Ông ơi! Có giếng! Dừng lại đừng tới nữa, nguy đấy!” Lòng hồi hộp, tôi đứng lại ngay, quay nhìn các cụ hỏi: “Có giếng ư?”. Tôi cám ơn người làng ngăn lại, may mà thoát khỏi cái nạn kẻ mù rơi tóm xuống ao sâu.

 Rồi tôi thong thả bước đến, rẽ gai góc cúi trông, thì thấy giếng có cái thế hiểm trở, bên trong xếp đá chồng chất lên nhau san sát, rêu bám lỗ chỗ, rong nổi bồng bềnh, ném vật cứng xuống thì nghe tiếng kêu như ngọc, múc nước lên nếm thì thấy ngọt mát. Lòng tôi chuyển nguy thành yên, hướng về các cụ hỏi: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?” Các cụ đáp: “Những điều ấy, xưa nay trong ấp chúng tôi không nghe ai nói tới [...]”. Tôi bảo: “Lạ thay! Cái giếng này chẳng phải là cửa động chơi cõi tiên ở Đào Nguyên, có chi lạ lẫm khôn lường mà bị thất truyền nhỉ? Than ôi! Đấy là phong thái đào giếng, nghỉ ngơi. Người khuất giếng còn, đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào ngồi nhìn nó bị bỏ hoang sao!” Tôi bèn sai người dẫy cỏ đuổi rắn, sắp xếp đá chồng trên bề mặt, vét bỏ nước dơ dưới đáy sâu, bàn với dân ấp lập bia ghi sự việc, gọi là Cổ kính trùng viên thuyết, để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy.” […]

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia