CHƯƠNG SÁU
Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân
Đến đây chúng ta có thể biết được Phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân, phía bắc đàn Nam Giao, cùng hướng với Cung điện Đan Dương và chùa Thiền Lâm, được xây dựng trên một cái gò hơi xa sông một chút, có nhiều kiến trúc, có một cánh nhìn ra phía sông, xây dựng trên một địa thế chỗ cao chỗ thấp, trong khu vực phủ có một cái ao mà bờ ao bên ngoài phủ dân chúng có thể đến kêu kiện với chúa Nguyễn được.
Những thông tin đó trải qua trên dưới hai thế kỷ. Đã có biết bao vật đổi sao dời. Biết thế nhưng tôi vẫn cố đi tìm trong thực tế. Với tấm bản đồ tỷ lệ 1/2.000 do Bộ Xây dựng lập (xem A.041), tôi đi từ đàn Nam Giao đi về hướng bắc bằng đường Điện Biên Phủ (Nam Giao Tân Lộ trong sơ đồ ấp Bình An năm 1907) để tìm địa điểm Phủ Dương Xuân.
Con đường bằng phẳng được một đoạn rồi tụt dần xuống một cái dốc lài lài. Xuống hết dốc, con đường lại trở nên bằng phẳng, hai bên là suối sâu hay ruộng lúa (sau năm 1992, dân địa phương đã xây nhà nối tiếp nhau kín cả hai bên đường). Đoạn đường phẳng này dài khoảng 200 mét do người Pháp (Kỹ sư Sali) đắp qua ruộng, qua khe để làm đường “Nam Giao Tân Lộ" (1878-1898) tức Điện Biên Phủ ngày nay. Đoạn đường đắp này như một con đê chắn ngang cái thung lũng hẹp nằm theo chiều đông tây. Ở đầu phía bắc đoạn đường đắp có một cái cống tháo nước ruộng khe chảy từ đông sang tây.
1. Suối Tiên
Khi con nước băng qua khỏi cống liền nhập với dòng suối chảy men theo đường ở phía tây rồi chảy thẳng góc với đường Điện Biên Phủ ra cánh đồng Bầu Vá của làng Dương Xuân Hạ. Con suối này mùa mưa lũ nước chảy rất mạnh. Những người lớn tuổi cho biết lúc nhân dân chưa được đến “khai phá” vùng nầy, hai bên bờ suối cây cối rậm rạp, dòng suối chảy mạnh ngay cả những tháng nắng hạn. Con suối được gọi bằng một cái tên rất đẹp “Suối Tiên”. Không phải vì nó đẹp mà được đặt tên Tiên, sự thực vì ở khúc cuối, dòng suối chảy dưới bóng chùa Kim Tiên. Con suối này cắt ngang “Dương Xuân Hạ đại lộ” (một đoạn đường Thiên lý từ bến đò Trường Súng lên đàn Nam Giao - song song với Nam Giao Tân Lộ - Điện Biên Phủ, L.Cadière gọi là Paralèlle Ouest). Chiếc cầu nối hai bờ suối trên “Dương Xuân Hạ đại lộ" mang tên con suối “Cầu Tiên”. Tên chữ trong Đại Nam nhất thống chí gọi là “Cầu ván Dương Xuân Hạ", cầu dài 51 thước 5 tấc, ngang 6 thước 4 tấc [1], do một đầu (phía bắc) thuộc địa phận xã Phú Xuân, một đầu (phía nam) thuộc Dương Xuân Hạ. [2]
2. Hồ bán nguyệt
Mãi đi theo dòng suối tôi bỏ qua những cảnh vật bắt đầu từ chỗ hai con nước gặp nhau ở phía tây đường Điện Biên Phủ. Cảnh vật làm cho tôi chú ý nhất là khoảnh ruộng dáng dấp hình bán nguyệt đầy rau răm. Đường kính của hình bán nguyệt nằm dọc theo suối có tên là Suối Tiên. Dân địa phương cho biết khoảnh ruộng rau răm nầy ngày xưa là