Đặc biệt, phía trước sân chùa Thiền Lâm có một tấm bia sa thạch nằm úp mặt xuống đất hàng trăm năm qua. Vào khoảng năm 1990 nhà chùa cho dựng dậy mới thấy mặt bia bị đục nát. Những chữ còn có thể đọc được là “Lâm Tế chánh tông [...] bổn sư ...Hoằng lão Hòa thượng chi tháp " (Bia cao 8 tấc, rộng 6 tấc). Phải chăng đó là bia tháp của Hòa thượng Quả Hoằng - vị tổ thứ hai của chùa Thiền Lâm...? (Đến nay, bia đã bị thất lạc, nhà chùa nghi đang bị vùi lấp sau cái am sau chùa).

            Chùa Thiền Lâm và các vị tổ phạm tội gì mà bị trừng phạt đến như thế?

            Nghiên cứu sách Đại Nam thực lục chính biên, chúng tôi thấy triều Minh Mạng đã lệnh cho bộ Công triệt bỏ bia chùa Trấn Vũ (Hà Nội) do chúa Trịnh dựng lên, bắt phải: “mài đục chữ đi, cái biển đề thơ cũng đốt". Và, không những ở Hà Nội, mà ở khắp miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra): “phàm các đền, từ, nếu có bia, biển của họ Trịnh làm ra" cũng làm như thế [14]. Đối với những di tích có liên quan đến chúa Trịnh, nhà Nguyễn cho “mài đục" hết các bia biển. Những bia biển ở chùa Thiền Lâm - Huế thuộc các chúa Nguyễn không liên quan gì đến chúa Trịnh, vì lý do gì cũng bị “mài đục" như thế ?

5. Những bí ẩn chôn vùi dưới sân

nền chùa Thiền Lâm hiện nay

Chùa Thiền Lâm có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ công sức của thầy trò Thượng tọa Thích Chơn Trí. Thượng tọa có công phát hiện những bí ẩn dưới lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm. Vì thế chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử chùa Thiền Lâm. Xin trích một đoạn:

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): - Kính nhờ thầy nói rõ cho hoàn cảnh của thầy và các đệ tử lúc đó (lúc Tỳ kheo Thích Chơn Trí và đệ tử từ Tổ đình Tường Vân ra tiếp nhận chùa Thiền Lâm năm Canh ngọ (1990)!  

Thượng tọa Thích Chơn Trí.- Khi thầy trò tôi ra đây thì chùa chỉ có một chánh điện và một điện thờ mẫu mục nát. Không có nơi ăn ở, không đủ lương thực để ăn mà tu, thậm chí rau cũng không có. Thầy trò phải xới đất vườn chùa trồng rau mà ăn. Không ngờ đào ở đâu cũng trúng các hố gạch vồ, đá cổ. Nhân đó thầy trò tận dụng lấy gạch đá dưới lòng đất lên rửa sạch. Gạch lành thì xây tường, gạch bể thì đập ra đúc táp-lô, lấy đá xây hồ nước hay làm đôn để kê các chậu hoa.

NĐX. - Lúc đó các thầy có đặt câu hỏi là những gạch đá đủ loại đó của một kiến trúc cổ nào không? Và vì sao những gạch đá đó tốt như vậy mà người xưa không dùng lại chôn sâu xuống đất? 

Thượng tọa Thích Chơn Trí: - Trước hiện tượng đó tôi cũng hơi khó hiểu, nhưng rồi cũng không tìm hiểu làm gì. Chùa nghèo, đào được đá và gạch dưới đất lên thì mừng có vật liệu xây dựng cho có chỗ ăn, chỗ ở để mà tu thôi.  Đâu có tìm hiểu làm gì.

NĐX: - Kính bạch thầy, thầy có nhận xét gì về những gạch đá khai thác dưới lòng đất chùa Thiền Lâm?

Thượng tọa Thích Chơn Trí: - Những viên đá táng cột lớn, một số gạch vồ có khuôn dấu, chất gạch, chất đá rất tốt. [...] Gạch, đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa. Còn dân thường ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu tốt rất quý hiếm đó!

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia