X nằm ở vị trí “phía nam sông Hương”, cũng có thể xem gần với hướng “phía nam Kinh thành" - Vì thế tôi đặt giả thiết (xin nhấn mạnh là giả thiết) X cũng nằm gần trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao.
Dọc hai bên đường thẳng từ Phu Văn Lâu lên đàn Nam Giao có nhiều di tích cổ, đặc biệt nhất là chùa Thiền Lâm. Theo Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Khi trước Thái sư Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên chiếm (chùa Thiền Lâm) ở...” [12]. Lúc bấy giờ dưới trướng của Bùi Đắc Tuyên có Phan Huy Ích. Phan Huy Ích đã cho biết cụ thể hơn về sự kiện này trong lời Nguyên dẫn và bài thơ Mùa Xuân ở công quán ghi việc sau đây:
Dịch nghĩa: Mùa Xuân Ở Công Quán Ghi Việc [13]
(Nguyên dẫn: Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam sông Hương nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi [tức Phan Huy Ích] tới nhà trọ Kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn tược rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú, duy nỗi lòng thương nhớ người nhà vẫn không nguôi):
"Trời mở ra dinh tòa ở chốn đồng quê
Xe ngựa tụ họp đến sân ngôi chùa cũ.
Trên tòa đêm khuya, cuộc họp bàn chưa giải tán,
Chỗ trọ nơi nhà chùa, giấc ngủ quá trưa mới tỉnh". (A)
NGUYÊN CHÚ:
(A) "Quan Thái sư vì việc quan, đêm thường ra ngoài tòa làm việc, canh tư mới tan, đã thành lệ, những người giúp việc ứng trực cũng đã quen". (Xem A.012).
Sử đã cho biết, Bùi Đắc Tuyên được làm Thái sư cho vua Quang Toản từ năm 1792 (sau ngày vua Quang Trung mất), Phan Huy Ích làm việc với Bùi Đắc Tuyên ở Phú Xuân trong ba năm (1792 - 1794). Phan Huy Ích đã ghi chép được nhiều chuyện “thời sự” lúc bấy giờ.
Qua bài thơ tâm sự của Phan Huy Ích, chúng ta có thể tách ra được những thông tin sau:
1. (So với Đô thành Phú Xuân), chùa Thiền Lâm “nằm ở phía nam sông Hương";
2. Thời Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, “nha thuộc" của triều Quang Toản “cũng đến ở chung quanh chùa", “xe ngựa (của các đại thần) tụ họp đến sân ngôi chùa (Thiền Lâm) cũ". Điều ấy có nghĩa chùa Thiền Lâm là cơ quan đầu não (xem như Kinh đô) buổi đầu triều Quang Toản; bởi thế mà một ngôi chùa gần đó được sử dụng làm “nhà trọ Kinh đô” và Phan Huy Ích đã ở lại trong nhà trọ ấy nhiều ngày;
3. Ông Bùi Đắc Tuyên có thói quen làm việc ban đêm, ban ngày ngủ, những người giúp việc cho ông cũng phải thích nghi với tập quán ấy;
4. Dinh của Bùi Thái sư là chùa Thiền Lâm, nơi làm việc của Phan Huy Ích cũng là một ngôi chùa gần Thiền Lâm, chứng tỏ những kiến trúc chủ yếu của các nha thuộc bên cạnh Bùi Đắc Tuyên là các chùa. (Chùa Bảo Quốc ở gần đó qua Đại Nam nhất thống chí cho biết Tây Sơn dùng làm kho chứa thuốc súng, phù hợp với tình hình chung quanh chùa Thiền Lâm lúc ấy).
Phan Huy Ích cho biết chùa Thiền Lâm “nằm ở phía nam sông Hương” (xem A. 012) và trên thực địa chùa Thiền Lâm đang tồn tại hiện nay (số 150 Điện Biên Phủ) nằm