đúng trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao. Điều ấy chứng tỏ giả thuyết X nằm trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao cùng với chùa Thiền Lâm là có cơ sở thực tế (chùa Thiền Lâm và X (Đan Dương Lăng) đều ở về phía nam sông Hương) chứ không còn là giả thiết nữa.
Trong bài thơ Kinh Thiền Lâm Phế Tự Cảm Tác Phan còn cho biết chùa Thiền Lâm ở núi thuộc xã Dương Xuân (Xem A.013).
Nhờ thông tin điền dã và thơ văn Phan Huy Ích mà tôi có thể định hướng được X nằm ở bờ nam sông Hương trên núi thuộc xã Dương Xuân trên đường trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao. (Xem A.014). Thế thì Phan Huy Ích còn có thông tin nào để lại liên quan đến vấn đề nầy nữa không ?
3. Cung điện - Lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm
Tôi lại nghiền ngẫm đọc từng câu, từng chữ tập Dật thi lược toản [14]. Và, trời ơi, tôi có cảm giác như Phan Huy Ích đã gởi lại cho tôi một thông tin vô giá khác, ông hạ bút ghi thêm một “nguyên chú” dưới bài thơ không đề có số thứ tự 266 sau đây:
Bản dịch:
"Bỏ trốn, trốn danh, tự coi mình kẻ bất tài,
Đồi nương nơi làm quan xa như gọi cảnh nhàn đến.
Lầu sớm nắng hoe, mây khói lượn quanh,
Gió thu mát mẻ, cửa ngõ rộng mở.
Rảnh việc, đầy tớ lười ngủ dưới bóng cây,
Đa tình người khách thân cùng ta nâng chén, (*)
Ra vào nơi cơ mật, thẹn mình không có công trạng,
May nhờ ông biết cho, chỉ rõ ràng ta muốn về. (**)"
NGUYÊN CHÚ:
(*) "Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu".
Câu 5 và 6 của bài thơ nói đến tập quán ngủ ngày của những người phục vụ Bùi Đắc Tuyên. Riêng Phan Huy Ích thì ngủ không được, ông thường ngồi uống rượu giải buồn với “những khách thân". Sợ người đọc không hiểu “người khách thân" của ông đó là ai, ông đã cẩn thận ghi thêm một ghi chú “lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu". (Xem A.015).
Phan Huy Ích viết bài thơ này trong thời gian ông làm quan dưới trướng Bùi Đắc Tuyên (1792 - 1794). Lúc ấy, lăng của ai mà có đủ tiêu chuẩn để cử tiểu giám đến giữ, nếu đó không phải là lăng vua Quang Trung ? Lăng mà bọn tiểu giám giữ ấy ở đâu ? Nếu ở xa thì chúng có thể “thường đến hầu rượu" Phan Huy Ích ở trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm được không ? Chắc chắn là không.
Vậy ta lại có thêm một yếu tố nữa:
Cung điện Đan Dương - Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung tọa lạc gần chùa Thiền Lâm.