CHƯƠNG BA

 

Lăng Đan Dương cùng ở phía nam

Kinh thành Huế và gần chùa Thiền Lâm 

 

1. Lăng Đan Dương ở bờ nam sông Hương

            Lăng mộ vua Quang Trung - Đan Lăng - Đan Dương Lăng - Cung điện Đan Dương đã bị quan quân nhà Nguyễn quật phá ngay khi họ vừa về đến Phú Xuân vào tháng 11 năm Tân Dậu (1801). Vụ trả thù  nầy đã được ghi rõ trong Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, Q.XV, tr.26a: «Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho “phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ”. (Xem A.006).

Chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung sau khi bị vua Gia Long «tận pháp trừng trị» may ra chỉ còn dấu tích nơi bị quật phá chứ không còn hòm, không còn đầu lâu - xương cốt.  

Nhưng sách Thực lục không cho biết địa điểm bị quật phá ấy ở đâu. Đối với chúng ta thì đó là một bí ẩn nên tôi tạm mã hóa là X. Phải đợi đến hơn 50 năm sau (1801- 1852), Nguyễn Trọng Hợp và các sử thần ngồi ở Quốc Sử quán trong Kinh thành viết bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập), trong Quyển XXX “Ngụy Tây” mới hé cho biết lăng mộ vua Quang Trung (mã hóa là X) đã được “táng vu Hương Giang chi nam” (于香江之南  táng ở bờ nam sông Hương). (Xem A.011).

Cái thông tin mộ Nguyễn Huệ-vua Quang Trung “táng vu Hương Giang chi nam” có thể xem là thông tin độc nhất mà sử sách triều Nguyễn dành cho X. Cái thông tin đó ấn định một vùng “Hương Giang chi nam” khá rộng và cũng hơi mông lung. Bởi thế, dù nhà Nguyễn đã thoái vị hơn nửa thế kỷ qua, dấu tích X vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, xét cho kỹ thì cụm từ “táng vu Hương Giang chi nam” cũng cho chúng ta được ba điều quan trọng:

            - 1/ Khẳng định X táng ở Huế (chứ không phải như dư luận là táng ở Linh Đường (Hà Nội), Nghệ An, Bình Thuận hay bất cứ một nơi nào khác;

            - 2/ Lấy sông Hương làm chuẩn nên có thể nghĩ X tọa lạc gần bờ sông (chứ không phải trên một vùng núi nào khác – Ví dụ như lăng Ba Vành của Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại trong rừng thông sau Tu viện Thiên An).

            - 3/ Phía nam sông Hương là một vùng rộng lớn, nhưng dù sao khu vực ở nam sông Hương có độ cao tương đối để có thể táng được lăng mộ của vua chúa không đến nỗi rộng lớn lắm.

            Ngoài 4 yếu tố một vùng có dấu tích cung điện bị đập phá nhưng còn lại nhiều giếng nước, cát địa và có dấu hiệu liên quan đến Phong trào Tây Sơn nói trên, đến đây Cung điện Đan Dương - Sơn Lăng của vua Quang Trung còn có thêm yếu tố “gần bờ nam sông Hương”.

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia