đủ những thông tin về cái chết của vua Quang Trung cũng như lăng mộ của ông cho Nguyễn Ánh.
2) Phú Xuân là đất của nhà Nguyễn, trong bất cứ hoàn cảnh nào ở Phú Xuân cũng còn có người hướng theo nhà Nguyễn. Người đứng đầu cho lực lượng do thám của nhà Nguyễn ở Phú Xuân lúc ấy là bà Ngọc Huyên - cô ruột của Nguyễn Ánh. Bà Ngọc Huyên bám trụ ở Phú Xuân với màu áo cà-sa Bà vãi Vân Dương. [21]
Khi Nguyễn Ánh khôi phục được Phú Xuân, ông đã nắm chắc được những thông tin về nơi tọa lạc của lăng mộ vua Quang Trung. Nguyễn Ánh xử lý những thông tin ấy và quyết định quật mộ của vua Quang Trung. Chính sử của nhà Nguyễn Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30 viết:
“Thị đông xa giá hoàn kinh, cáo miếu Hiến phù, tận pháp trừng trị, quật phá Nhạc, Huệ mộ, đào khí hài cốt, u kỳ đầu vu ngục thất”
(Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802), xa giá (Nguyễn Ánh) về Phú Xuân, cáo ở Tôn miếu và dâng các tù binh Tây Sơn, đều bị giết và trừng trị, mộ của (Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào ngục thất” [22]. Hoặc: “Tháng 11, Tân Dậu (1801), phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ.....” [23].(Xem A.006).
Hành động như vậy chưa đủ, Nguyễn Ánh còn đề ra những biện pháp triệt để hơn như:
- Nấu chảy toàn bộ đồ tự khí bằng đồng của Tây Sơn đúc thành chín khẩu thần công (nay vẫn còn trưng bày bên trong cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Đức trước mặt Hoàng thành);
- Hủy bỏ sách vở, tài liệu có mang niên hiệu Quang Trung, Cảnh Thịnh, v.v...
- Đổi tên những địa danh anh em nhà Tây Sơn đã sống qua như ấp Tây Sơn thành ấp An Tây, phủ Quy Nhơn thành trấn Bình Định, v.v...
- Hủy bỏ những nơi Tây Sơn đã sử dụng, dời đổi những trị sở Tây Sơn đã từng đi qua...Ví dụ trị sở tỉnh Nghệ An thời Nguyễn sơ đóng ở Dũng Quyết. Năm 1803, vua Gia Long đi qua đó biết Dũng Quyết là nơi đặt hành cung và có dự định xây dựng Kinh đô của vua Quang Trung, nên vua Gia Long ra lệnh phải dời ngay và sau đó trị sở của tỉnh Nghệ An được dời qua làng Yên Trường. (Xem A.007).
Vua Quang Trung mất đột ngột, triều thần của ông phải đối phó với tình hình chính trị trong thế bị động. Xây lăng, đắp mộ cho ông là một việc to lớn, nhưng phải giải quyết trong điều kiện hoàn toàn bí mật, nếu không giữ được bí mật thì khó tránh được những đột biến không lường hết được. Nhận định đó đúng với thực tế lịch sử đã diễn ra: vua Quang Trung mất, triều đại Quang Trung cũng xuống dốc và đi đến chỗ cáo chung. Phong trào Tây Sơn đã bị trả thù một cách nghiệt ngã.
Nhà Nguyễn đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, nó không chịu viết ra theo ý kiến của bất cứ ai. Do đó, những sử liệu của nhà Nguyễn có liên quan đến vấn đề này vẫn còn có những “kẽ hở” để chúng ta có thể tách ra được những thông tin cần thiết, phục vụ cho việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế.