Nhận được tin, nhà Thanh cử ngay một sứ bộ sang Việt Nam làm lễ điếu tang và phong vương cho Quang Toản. Sứ bộ do Án sát Quảng Tây là Lâm Thành Đới cầm đầu, mang điếu văn và một chiếc “Đai cáp đạt” (một tấm lụa trên viết chữ Phạn để trùm lên mộ), ba nghìn thoi bạc và có thư gởi đến trước xin được đến tận mộ vua ở Kinh đô Phú Xuân làm lễ điếu tang, đồng thời cử hành sách phong. Đây không hẳn là một thiện chí, mà có thể nhân cơ hội này nhà Thanh do thám tình hình nội bộ nhà Tây Sơn để tiến hành âm mưu xâm lược.
Nhà Tây Sơn giao cho Phan Huy Ích nhân danh Quang Toản viết thư trả lời như sau:
"Phụ thân chúng tôi lúc sống đi tuần xem các xứ Sơn Tây, Thanh Hoá, nhân mến phong thủy Tây Hồ, lập sẵn một phần mộ cách thành Thăng Long chừng hai ngày đường. Năm ngoái, Quang Toản tôi theo lời di chúc, đã an táng cố thân phụ tại nơi đó, rồi rước thần chủ về đô thành Nghệ An. Ngay khi nhận được thánh chỉ, Quang Toản tôi đã thân hành đến chỗ mộ cố thân phụ tạm trú và quét dọn đốt hương, đợi sứ giả Thiên triều đến làm lễ điếu, sau đó chúng tôi sẽ cùng đi theo ra Thăng Long và từ đó đến phần mộ Tây Hồ, hành trình mấy ngày và có mấy trạm, sẽ có tờ trình sau để quý vị được biết.”[18]
Hồ Tây ở đây đi mất hai ngày đường, không phải là Tây Hồ ở ngay Hà Nội, mà là một địa điểm bịa đặt nào đó. Nhà sử học Chương Thâu [19] cho biết, theo lời tiểu dẫn trước một bài thơ của chính Phan Huy Ích chỉ ngôi mộ giả này ở làng Linh Đường, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phan Huy Ích nói “hai ngày đường” là nói phóng đại để cho sứ Thanh khỏi phải đến đó. Nhưng sứ Thanh cũng cứ đòi đi, triều Tây Sơn phải buộc lòng đưa đi, nhưng không đến nơi gọi là Linh Đường, mà đưa lên Sơn Tây để đánh lạc hướng. Khi đi được nửa ngày đường, sứ Thanh biết mình bị lừa đang được dẫn lên phía Tây bèn bảo đưa trở lại. Cuối cùng, sứ bộ nhà Thanh phải tổ chức các lễ sách phong và điếu tang ngay tại Thăng Long:
- Lễ sách phong tổ chức ngày 8 tháng 4 Quý Sửu (1793);
- Lễ điếu tang cử hành ngày 13 tháng 4 năm Qúy Sửu;
- Ngày rằm tháng tư, sứ bộ nhà Thanh rời Thăng Long về nước [20]. Đối phó với nhà Thanh như thế cũng rất khó khăn, và đã thành công. Muốn cho khỏi bị nhà Thanh khiển trách, càng về sau triều Quang Toản càng phải giữ bí mật nơi an táng thi hài của vua Quang Trung hơn nữa.
Địa điểm nào ở Phú Xuân lúc ấy có thể giữ được bí mật quốc gia ấy ? Phải chăng chỉ có những nơi cung điện xưa nay dành cho vua, ít người được đặt chân đến và trong tương lai cũng không được biết đến mới đạt được yêu cầu bí mật ấy thôi. Đó là Cung điện Đan Dương, chúng tôi sẽ trình bày rõ trong các chương sau. Trong hoàn cảnh đột xuất và khó khăn như thế không có sự chọn lựa “dương cơ” và “âm phần” được.
Triều Quang Toản đã giữ được bí mật ngày vua Quang Trung băng và nơi an táng ông. Nhà Thanh và cả những giáo sĩ phương Tây có mặt ở Phú Xuân lúc ấy cũng không biết vua Quang Trung mất lúc nào và chôn cất ở đâu. Nhưng sự bí mật đó chỉ giữ được một thời gian vì hai lý do:
1) Sau khi vua Quang Trung băng, nội bộ phong trào Tây Sơn khủng hoảng liên tiếp. Một số trọng thần của vua Quang Trung đã đầu thú Nguyễn Ánh (như Lê Chất, Ngô Văn Sở). Những người này muốn lập công với nhà Nguyễn chắc chắn họ đã cung cấp đầy