1.3.2.Giữ bí mật ngay cả với quần thần, với những người đã có công xây dựng triều đại. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người “cố vấn” quan trọng của vua Quang Trung thế mà lúc nhà vua mất ông cũng không biết, khi biết thì ông cũng không được vào để chiêm bái vì đường sá bị “canh nghiêm”. Cuối cùng, Phu Tử phải thể hiện tình cảm của mình trong một tờ Biểu. Trong tờ Biểu ấy có những câu: "Nay xe loan lên tiên (ý nói vua Quang Trung mất). Trông về phương Nam càng thêm thảm thiết. Chỉ vì lúc cung tía (quan tài) còn ở thấn (quàn), đường xá canh nghiêm” (Biểu viết tháng 11 năm Nhâm Tý, 1792) [14], 4 tháng sau ngày vua Quang Trung băng.(Xem A.005).
1.3.3. Bí mật với các giáo sĩ Thiên chúa giáo. Thời các chúa Nguyễn, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo thân phương Tây - theo Pierre Poivre - có toà Giám mục ở Phường Đúc (gần Thành Lồi ngày nay). Mọi động tĩnh ở Huế họ đều theo dõi chặt chẽ, thế mà triều Quang Toản đã giữ được bí mật về cái chết của vua Quang Trung hầu như tuyệt đối.
Về cái chết của vua Quang Trung được các vị thừa sai Thiên chúa giáo ghi nhận sớm nhất vào cuối tháng 12-1792. Cái ngày này được ghi trong lá thư của ông Longer - Giám mục cai quản địa phận miền Tây Bắc Hà (Tonkin Occidental) gởi cho ông Blandin - đại biểu của Hội truyền giáo Bắc Hà. Lá thư có đoạn viết:
"Người ta cũng nói rằng em Tiếm Vương (tức vua Quang Trung, em của Nguyễn Nhạc) ấy, người cai trị Bắc Hà và Nam Hà thượng đã chết vì bệnh và một trong những người con trai của ông lên nối ngôi... Tuy nhiên, những tin tức đó cần được xác nhận lại...”[15]
Ngày 16-9-1792, vua Quang Trung qua đời, mãi đến ngày 21-12-1792, các vị thừa sai mới hay tin và viết thư cho nhau, tức là chậm mất 3 tháng 5 ngày, và đến lúc đó vẫn chưa dam chắc vua Quang Trung đã qua đời.
Ngày 10-2-1793, ông Longer gửi thư cho Blandin tiếp tục nói về cái chết của vua Quang Trung sau khi người phụ tá của ông ở Kẻ Vinh (Nam Định) báo cáo cho ông một số thông tin cụ thể hơn. Thư có đoạn viết:
"Ông La Mothe cũng báo cáo cho tôi rằng: Cái chết của Tiếm Vương Quang Trung được giữ bí mật gần hai tháng trời mới được công bố bởi sắc lệnh bắt buộc toàn quốc chịu tang một vị thượng hoàng đế anh minh như ông...” [16]
Biện pháp giữ được bí mật lúc ấy là cấm đường như ta đã đề cập qua trong đoạn 1.3.2. Trong thư viết của Bố Chính đề ngày 6-6-1793, giáo sĩ Sérard truyền đạo ở Kẻ Vinh (Nam Định) gửi cho ông Boiret và Descourvrière xác định các biện pháp cấm đường và nói kỹ hơn:
"Ở đây sẽ khó khăn hơn vì xa xôi, và vì canh gác nghiêm mật ở thành lũy phân chia Bắc Hà và Nam Hà... Đường biển cũng như đường núi được canh chừng cẩn mật” [17].
1.3.4. Bí mật đối với nhà Thanh. Đối với nhà Thanh, triều Quang Trung và sau đó là Quang Toản, mặc dù phải cảnh giác cao độ nhưng phải tế nhị. Triều Quang Toản đã đối phó với nhà Thanh như thế nào ?
Trước tiên, triều đình cử Ngô Thời Nhậm dẫn đầu một đoàn ngoại giao qua Trung Quốc báo tang và xin cầu phong cho vua mới. Để che giấu hành vi đối phó của mình, sứ đoàn báo cáo vua Quang Trung đã mất vào tháng 9 (âm lịch), chậm hơn hai tháng.