(tr.110) cho rằng các sử thần triều Nguyễn cho biết vua Quang Trung đã mất vì bệnh “Huyễn vựng” 炫彙. Giáo sư Huỳnh Minh Đức đã giải thích với tác giả:
“Huyễn vựng là xây xẩm mặt mày, ngã té như thể bị trúng gió nặng có thể bất tỉnh, bán thân bất toại”.
Có người cho rằng vua Quang Trung bị tai biến mạch máu não. Phạm Văn Sơn cũng nghi ngờ vua Quang Trung “có lẽ vì chứng đứt mạch máu” [10]. Nếu đúng vì chứng “Huyễn vựng” 炫彙 thì Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh giải thích rằng:
“Bệnh chứng thường hay chóng mặt và mê mẩn từng chặp, do bệnh bấn huyết và bệnh thần kinh suy nhược sinh ra (syncope)”
Vua Quang Trung đang ở tuổi 40, tuổi sung mãn nhất của một con người. Ông lại đang có những kế hoạch quân sự táo bạo, các thế lực bên trong và bên ngoài đang trông chờ vào Ông, thế mà Ông ngã bệnh rồi không cứu được nữa. Đối với mọi người, cái chết đó thật đột ngột, bất ngờ. Cái chết đó làm cho gia đình và triều Tây Sơn vô cùng bối rối. Đúng như lời Phan Huy Ích phản ánh tình hình lúc ấy:
“Quốc kế gia đình đa củ kết”
(Việc nước tình nhà nhiều điều bối rối) [11]
1.3. Giữ bí mật tuyệt đối
về cái chết của vua Quang Trung
Nội dung trên đã khái quát những thế lực của vua Quang Trung phải đương đầu từ nhiều phía: phía Bắc là nhà Thanh, phía Nam là quân Gia Định, nội bộ là âm mưu tranh giành của Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nếu giữ bí mật thì phải giữ với tất cả những thế lực ấy. Nhưng sử nhà Nguyễn thì chỉ viết về lực lượng của chính họ, họ cho rằng Quang Trung sợ lực lượng của Nguyễn Ánh nhất. Bởi thế tác giả sách Tây Sơn thuật lược dựng việc vua Quang Trung đã nói với triều thần Tây Sơn rằng:
“Hắn (tức Nguyễn Ánh) sẽ lập quốc được”.
Khi có một người thưa:
- “Nếu hắn (Nguyễn Ánh) ra thì bọn hạ thần xin đánh”,
Vua Quang Trung liền bảo trong lúc đang bệnh nặng:
- “Ngươi chớ cho lời ta là nói láo. Nếu hôm nay ta chết thì ngày mai hắn ắt ra, nếu mai ta chết thì ngày sau hắn ắt ra. Ngươi còn sống ngươi xem !”[12]
Lời tường thuật trên đầy chủ quan, nhưng dù sao sự chủ quan đó cũng đã được bắt nguồn từ một chút thực tế nào đó. Cảnh giác với lực lượng của Gia Định là điều có thực. Chúng ta không được đọc những sử liệu nói về kế hoạch giữ bí mật của triều Quang Toản về cái chết của vua Quang Trung, nhưng những biểu hiện của kế hoạch đó thì thu thập được khá nhiều.
1.3.1.Giữ bí mật với lực lượng của Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nghe tin vua Quang Trung mất, anh cả Nguyễn Nhạc dẫn đầu một đoàn đi dự lễ tang hơn 300 người từ Quy Nhơn ra, đoàn mới ra đến Quảng Ngãi thì bị chặn lại, chỉ để cho một bà chị ra mà thôi [13].