ngoài học giả Hoàng Xuân Hãn còn có Giáo sư Lê Thành Khôi [3] đánh giá cao và ông nhiệt tình ủng hộ công trình nghiên cứu của tôi bằng cách gởi bán sách đến tận tay các nhà nghiên cứu Việt Nam  tại Pháp. Giáo sư bảo tôi: “Tôi có thể tặng anh số tiền sách ấy, nhưng tôi không tặng, tôi phải gởi sách của anh đến tận tay những người cần đọc và sau nầy họ có thể giúp anh những việc anh cần.” Tiến sĩ Nguyễn Hữu An ở Hoa Kỳ (Anaheim Hills, CA 92807) rất xúc động khi đọc công trình của tôi và ông cho biết sẽ thành lập một tổ chức để vận động tài chính giúp cho công trình lăng mộ vua Quang Trung nếu được tôi đồng ý. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng - từ Đà Nẵng ra chúc mừng công trình mới của tôi và mua một bản đặc biệt với giá một chỉ vàng. Tại Huế, nhà nghiên cứu Phong trào Tây Sơn ở Thuận Hoá - Phú Xuân - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Bang (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế hiện nay), trong nhiều trang sách, báo đã đánh giá công trình nghiên cứu của tôi “có khả năng là khu cung điện và mộ táng thời Tây Sơn đã bị triều Nguyễn triệt hạ” (Báo Văn hóa đời sống, đầu năm 1989, tr.2). Sau các hội thảo, các buổi báo cáo khoa học về đề tài Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của tôi đều được báo chí hoan nghinh: Báo Bình Trị Thiên (3-1-1989), Báo Thanh niên (2-1 đến 9-1-1989), Báo Tin tức buổi chiều số 398, 26-9-1992), Báo Lao động, Báo Nhân dân Chủ nhật (số 37 (188), ngày 13-9-1992).v.v. 

Nhiều nhà hoạt động văn hoá, bảo tồn bảo tàng, nhiều nhà nghiên cứu đọc sách của tôi đã đến Huế nhờ tôi hướng dẫn đi thăm “thực địa ở ấp Bình An”. Tiến sĩ Sử học Thu Trang (Pháp) [4] , ông Minh Hằng - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, bà Trương Thị Bích Khuê - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Giáo sư Trần Quốc Vượng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam - CICUS của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội, Kỹ sư Nguyễn Việt Tiến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Huế .v.v. Sau khi đọc sách và xem “hiện trường” họ rất phấn khởi, tin tưởng là những bí ẩn về lăng mộ vua Quang Trung có khả năng được khám phá. Ông Minh Hằng - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế yêu cầu bà Trương Thị Bích Khuê - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế lập kế hoạch “sang năm khai quật khu vực nầy để khẳng định địa điểm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế”. Sau hôm tôi báo cáo ở Viện Khảo cổ học, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, cũng hứa sẽ đưa đề tài Lăng mộ vua Quang Trung ở Huế vào kế hoạch khai quật trong năm sau. Đặc biệt, sau khi đi thăm những dấu tích nghi là có liên hệ đến lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An về, trong bài viết Những thành tựu nghiên cứu văn hoá rực rỡ ở miền Trung, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Trung tâm văn hoá Huế và Trung tâm văn hoá Việt Nam đã ký hợp đồng cùng khảo sát khu vực Bình An-Dương Xuân nơi toạ lạc Thiền Lâm Tự với tấm bia Chính Hoà nơi tháp cổ hoà thượng khai sơn (1680-1705) - nơi có nhiều khả năng là Đan Dương điện và Đan Lăng của vua Quang Trung”. (Báo Thể thao Văn hoá số ra ngày 17-10-1992, tr.14).

...Với sự nhiệt tình ủng hộ từ trong nước và ngoài nước như thế nên tôi nghĩ là công trình của tôi sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm, tôi chờ đợi để tiếp tục cùng với các cơ quan chức năng giải quyết khâu cuối cùng là tổ chức khai quật để đi đến kết luận chính thức. Nhưng chờ mãi không thấy ai thực hiện lời hứa của mình cả. Vào những năm ấy (1993-1998) tôi lại được đổi công tác từ Tạp chí Sông Hương qua làm phóng viên, rồi làm Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao động tại miền Trung, công việc làm báo quá bận rộn nên tôi không còn thì giờ để kiến nghị với những người có trách nhiệm thực hiện những lời hứa họ đã nói với tôi. Công trình nghiên cứu sắp có kết quả của tôi dần dần rơi vào quên lãng cho đến những tháng năm gần đây (2006-2007).

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia