Mùa thu năm 2006, trên Báo Thanh niên online (post ngày 31-07-2006, có bài viết Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung của Giao Hưởng giới thiệu một giả thiết lăng mộ vua Quang Trung ở Bình Thuận của cô giáo Minh Liêm. Trước khi viết bài giới thiệu nầy tác giả Giao Hưởng có gặp tôi tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (750 Nguyễn Kiệm, Thành phố Hồ Chí Minh) nhân tôi đi dự hội thảo khoa học được tổ chức ở đây. Anh hỏi ý kiến của tôi về việc nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung, tôi đã trả lời đại ý như những lần tôi đã trả lời báo chí trước đó. Tức là địa điểm lăng mộ vua Quang Trung phải thỏa mãn được các thông tin lịch sử như tôi đã trình bày ở đoạn đầu Chương mở đầu nầy. Nhưng không hiểu sao, trong bài báo của Giao Hưởng có một cột bên trái viết về tôi của Hồng Hạc như sau:
“Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi sự thật chưa sáng rõ người ta có quyền đưa ra các giả thuyết và riêng ông đã từ lâu khẳng định dấu tích lăng mộ Hoàng đế Quang Trung nằm trên gò Dương Xuân, ấp Bình An, TP Huế. Tuy có một số phản biện đối với giả thuyết trên của ông, song gần đây tiếp xúc với phóng viên Báo Thanh Niên ông vẫn giữ ý kiến của mình. Theo ông, lăng vua Quang Trung tức Lăng Đan Dương nằm một nơi nào đó gần chùa Thiền Lâm (cũ). Ông bảo khi nhà Nguyễn làm lễ hiến phù đã quật phá lăng này, chuyển chùa đi nơi khác và tuyên bố "Phủ Dương Xuân mất tích" cùng với xương cốt của Hoàng đế Quang Trung bị bắn tan thành khói, nhưng công bố đó sai với thực tế, vì ngôi mộ bị quật là mộ giả, còn mộ thật của vua Quang Trung đến nay vẫn được bảo vệ an toàn dưới lòng đất sâu của Huế(?) (NĐX nhấn mạnh)".
Tôi chưa hề gặp một người nào tên là Hồng Hạc cả. Câu cuối của đoạn trích trên: “nhưng công bố đó sai với thực tế, vì ngôi mộ bị quật là mộ giả, còn mộ thật của vua Quang Trung đến nay vẫn được bảo vệ an toàn dưới lòng đất sâu của Huế (?)” rất khó hiểu. Theo mạch văn thì câu cuối đó là của Hồng Hạc và cũng có thể của tôi. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng ngôi “mộ thật của vua Quang Trung đến nay vẫn được bảo vệ an toàn dưới lòng đất sâu của Huế”cả. Nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại hoặc gởi e-mail hỏi có phải tôi đã nói câu đó không (?) Nếu đó không phải là ý tưởng của tôi thì đề nghị tôi nên yêu cầu Báo Thanh niên đính chính. Tôi đã trả lời bạn đọc rằng: “Tuy đoạn báo không phản ảnh được ý kiến của tôi, thậm chí có chỗ trái ngược với công trình tôi đã công bố, nhưng không sao. Khi người ta được xem voi rồi thì không còn có chuyện con voi “giống như cái quạt hoặc con voi giống như cái cột nhà...” nữa.
Mặc dù có những chuyện khó hiểu như tôi đã trình bày trên, nhưng tôi không bao giờ có ý nghĩ có ai đó muốn phá tôi. Ngược lại tôi thấy tôi có lỗi với những người ấy, có lỗi với độc giả. Cái lỗi ấy là tôi chưa làm cho họ hiểu công trình của tôi một cách thấu đáo (đặc biệt là giới trẻ mới quan tâm đến vấn đề lăng mộ vua Quang Trung sau nầy). Do đó tôi không yêu cầu Báo Thanh niên đính chính mà nhân đó tôi sẽ gởi cho Báo Thanh niên toàn bộ công trình của tôi. Tôi tin là các bạn ở Báo Thanh niên sẽ đọc kỹ và sẽ giới thiệu công trình nghiên cứu của tôi. Khi ấy mọi ngộ nhận sẽ được sáng tỏ hoàn toàn.
Năm nay (2007) tôi đã vào tuổi 71 - cái tuổi mà người xưa xem là “cổ lai hy”. Bởi vì cái tuổi ấy việc con người có thể trở về với cát bụi là chuyện bình thường. Cho nên trong năm nay tôi phải hoàn tất công trình nghiên cứu và bộ hồ sơ tư liệu có liên quan đến việc nghiên cứu địa điểm và dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An (phường Trường An, Thành phố Huế) để gởi đến những người quan tâm đến lịch sử dân tộc ở trong và ngoài nước. Được như thế thì nếu không may tôi có mệnh hệ gì thì những người muốn kế tục công việc của tôi trong đời nầy và đời sau khỏi tiếc là đã bỏ lỡ mất cơ