"Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta" Nguyên chú bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm

Nguyên chú bài thơ Hoài Cảm của Đại thần Ngô Thì Nhậm thời Quang Trung là một tư liệu lịch sử vô giá. Nguyên chú nầy cho biết chính xác lăng mộ vua Quang Trung được táng ngay trong Cung điện Đan Dương ở Huế. Nhờ thông tin trong lời chú nầy tôi đã thực hiện công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Ngày 30-10-2015 vừa qua, nhiều tham luận Hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế, hiểu không đúng về lời chú của bài thơ Cảm Hoài nên có những nhận định thiếu chính xác.

Ngày 29-7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài 感懷 (Xúc động trong lòng). Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (丹陽宮殿日三秋) Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một chú thích (référence) gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy có thông tin “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” .

Bản gốc chữ Hán bài thơ Cảm Hoài trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr.12 a và 12 b), ký hiệu A.2871, Viện Hán Nôm 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.   

Đây là một nguyên chú ở dưới bài thơ chứ không phải là một câu thơ trong một bài thơ. Câu nguyên chú nầy là một thông tin lịch sử cực kỳ quan trọng trong hoàn cảnh nhà Nguyễn nghiêm cấm đề cập đến những thông tin có liên quan đến Phong trào Tây Sơn, đặc biệt đối với lăng mộ Nguyễn Huệ-Quang Trung. Bài thơ Cảm Hoài và lời chú thích nầy đã được Ngô Linh Ngọc và Mai Quốc Liên (Giám đốc TT Nghiên cứu quốc học) dịch và in trong Tuyển tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm (Q.1, Nxb KHXH, HN.1978 và trong Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm II (Nxb Văn học va TTNCQH, 10/2001, tr. 370).

Bản dịch lời chú thích của Ngô Linh Ngọc và Mai Quốc Liên :

«Đi đến huyện Thiên Giang, triều đình (nhà Thanh) gửi chỉ dụ đến «Tuần phủ Quảng Tây giục cống sứ, hạng đến ngày rằm tháng năm, kịp vào chầu trước khi loan giá đi nghỉ ở hành cung Nhiệt Hà ». Lại phụng chỉ : « Cống thần ngậm đau thương mà đến, các tỉnh hội mà sứ bộ đi qua đều đình chỉ yến tiệc vui chơi ». Ngữa thấy Đại Hoàng đế thương xót chí tình. Vì Tiên hoàng ta, các vị thân vương nhà Thanh tăng thêm điển lễ thương xót. Tuy bồi thần đã vào nội địa, để cho được yên lặng, để tỏ long trọng. Đó là lấy văn hiến lễ nghĩa mà đối đãi với nước ta, không phải như với các nước tầm thường khác. Cầm đọc chỉ thị cảm kích gấp bội …Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta, quan san xa cách lâu ngày không được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng một ngày bằng ba thu »

*

*       *

Phiên âm và dịch nghĩa của Vĩnh Cao :

Phiên âm :

Hành chí Thiên Giang huyện, phụng triều ký dụ chỉ Quảng Tây Trần Tuần phủ thôi triệu cống sứ hạn ngũ nguyệt vọng tiền, cập vị khải loan hạnh Nhiệt Hà hành cung chi tiên nhập cận phụng lĩnh sắc thư hồi quốc. Phụng chỉ quý thần hàm tuất nhi lai, kinh quá tỉnh hội câu đình chỉ diên yến khán hỉ. Ngưỡng kiến Đại Hoàng Đế thế tuất chí tình dĩ  Ngã  Tiên hoàng, liệt vị Thân vương ưu gia tuất điển. Tuy bồi thần ký nhập nội địa dung kỳ ác mật dĩ thị long sùng. Thử dĩ văn hiến bị nghĩa đãi ngã quốc, phi như tầmn thường chư quốc chi tỉ. Phùng độc tỉ thư bồi tăng cảm kích ? sứ thần dĩ bị kỳ tư chi vị dư. Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên Hoàng tàng bửu y chi sơn quan thành chiêu đệ chiêm phụng cửu khuể, kỳ vọng viên lăng bất cấm nguyệt tam thu chi tưởng dã.

Dịch nghĩa :

Đi đến huyện Thiên Giang, kính được triều đình gởi chỉ dụ cho Trần Tuần phủ ở Quảng Tây thôi thúc sứ đến cống hạn trước rằm tháng năm, trước khi (Hoàng thượng) đến hành cung Nhiệt Hà, vào chầu để nhận sắc thư mà về nước. Theo Chỉ, quí quan đến chia buồn, những tỉnh đi qua đều ngưng yến tiệc, diễn tuồng. Ngưỡng thấy Đại Hoàng Đế hết lòng đau xót đối với Tiên Hoàng ta. Các vị Thân vương thực hiện nghi thức chia buồn càng long trọng. Nhưng khi kẻ bồi thần [1] đến, nội địa cho ngưng tiếng bác âm [2] để tỏ ra hết sức tôn kính. Đây là đem trọn nghĩa của (nước có) văn hiến để đối đãi với nước ta, không phải như những nước tầm thường. Kính đọc tỉ thư [3] cảm kích bội phần, có thể là đối xử với sứ thần quá trọn vẹn phải không. Nên lăng tẩm chôn cất thân xác, vâng theo lệnh Tiên Hoàng nhà ta - tại Điện Đan Dương, tuy thật xa xôi cách trở núi sông nhưng được mãi mãi ngóng nhìn, để không mất lòng tưởng nhớ.

Chú thích của Vĩnh Cao

[1] Bồi thần là bề tôi hai lần, đây là nói làm tôi nước Việt cũng làm tôi cả nước tàu

[2] Nguyên văn là át mật. Trong Kinh Thu thiên Ngghiêu Điển có câu: Át mật bát âm, với Át nghĩa là “cắt đứt” , mật là im tiếng. Đây có ý nghĩa nói vì đau buồn mà ngưng ca hát.

[3] Tức sắc, chiếu (dùng ấn của vua để đóng)

*

*       *

Phiên âm và dịch nghĩa của Lê Nguyễn Lưu

Phiên âm:

Hành chí Thiên Giang huyện, phụng đình kí dụ chỉ Quảng Tây Trần tuần phủ thôi triệu cống sứ hạn ngũ nguyệt vọng tiền cập vị khải loan hạnh Nhiệt Hà hành cung chi tiên nhập cận, phụng lãnh sắc thư hồi quốc. Hựu phụng chỉ cống thần hàm tuất nhi lai, kinh quá tỉnh hội câu đình chỉ diên yến, khan hí. Ngưỡng kiến đại hoàng đê thể tuất chí tình dĩ ngã tiên hoàng, liệt vị thân vương ưu gia tuất điển. Tuy bồi thần kí nhập nội địa, dung kì quá, sát dĩ thị long sùng. Thử dĩ văn hiến lễ nghĩa đãi ngã quốc, phi như tầm thường chư quốc chi tỉ. Phủng độc tỉ thư, bội tăng cảm kích. Nhược sử thần dĩ lễ kì tư chi vị dư! Đan Dương cung điện phụng ngã tiên hoàng tàng bảo y chi sơn. Quan...thiều đệ, chiêm phụng cửu khuê; kì vọng viên lăng, bất...nguyệt tam thu chi tưởng dã!

Dịch nghĩa:

Đi đến huyện Thiên Giang, triều đình nhà Thanh gởi lời dụ bảo tuần phủ Quảng Tây họ Trần mời đoàn cống sứ đi gấp kịp vào chầu trước ngày rằm tháng Năm khi loan giá chưa dời đến hành cung Nhiệt Hà để nhận sắc thư mà trở về nước. Lại vâng chỉ rằng cống thần ngậm đau xót mà đến, đi qua tỉnh nào thì tỉnh ấy ngừng hẳn các thứ tiệc tùng, vui chơi. Ngữa trông cái tình đại hoàng đế mến yêu như thế đối với tiên hoàng ta, các vị thân vương càng tăng thêm nghi lễ viếng tang; tuy bồi thần đã vào bờ cõi, để cho thong thả đi qua, theo dõi để bày tỏ sự tôn trọng hết sức vậy. Đó là lấy lễ nghĩa văn hiến đối với nước ta, không như các nước tầm thường khác. Cầm độc tỉ thư [1] càng thêm cảm kích gấp bội. Thế mới gọi là vua lấy lễ mà sai khiến bề tôi vậy [2].  Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y của tiên hoàng ta. Núi sông xa cách, lâu chẳng trông nom; mong ngóng viên lăng, những tưởng chẳng khác gì một tháng dài như ba thu vậy [3].

Chú thích của Lê Nguyễn Lưu

[1]   Tỉ thư: bức thư của vua có đóng dấu ấn ngọc (ngọc tỉ).

[2]  Do câu: "Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung" (Vua lấy lễ mà khiến bề tôi; bề tôi lấy trung mà thờ vua).

[3]  Nguyên văn “nguyệt tam thu” (trên bài thơ cũng vậy). Nếu thông thường thì phải là “nhật tam thu”, một ngày dài bằng ba năm (Kiều: Sầu đong càng khắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê). Phải chăng người sao lục nhầm? Hay tác giả có ý gì khác?

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia