Nói đến vấn đề này, nhà sử học Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược, viết: “Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu hành thì ngu dốt không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, Ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ, mỗi huyện một cái chùa thật to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm mà những người đi tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được”.[1]
Chủ trương của vua Quang Trung được nêu trên đã được thi hành từ Quảng Bình vô đến Quảng Ngãi, nhưng quyết liệt và triệt để nhất là ở ngay Kinh thành Phú Xuân. So với tình hình chung, Phật giáo ở Huế thời các chúa Nguyễn được phát triển tốt. Các chúa rất lưu ý đến việc chấn hưng và mở mang hoạt động của Phật giáo, do đó Phật giáo đã không tránh được tình cảnh lấy chùa chiền làm nơi ẩn mình tốt nhất cho những người không muốn thi hành nhiệm vụ “công dân”. Có lúc đạo Phật trở thành một gánh nặng của chính quyền các chúa. Để hiểu rõ hơn, xin trích một đoạn hồi ký của Hòa thượng Thích Đại Sán đã đến Huế vào cuối thế kỷ XVII:
“Nhơn hỏi chuyện, biết rằng, trong nước trăm thứ nợ đều do quân nhơn làm. Mỗi năm vào khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhơn đi ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên, những người thân thể cường tráng đóng gông lại bằng một cái gông tre hình như cái thang, nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân, vào quân đội rồi mỗi người bắt chuyên học một nghề, kế phân phái đi các chiến thuyền, để luyện tập, có chiến tranh đem ra đánh giặc, lúc vô sự ở theo Vương phủ làm xâu, tuổi chưa đến 60, chẳng được về làng cùng cha mẹ vợ con đoàn tụ, hàng năm, thân thích đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì cớ ấy, những dân còn lại ở nhà, toàn gầy yếu tàn tật, chẳng có mấy người mạnh mẽ. Cha mẹ sợ con phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan, do đó bọn khoác áo nhà chùa rất đông, Phật pháp trở nên hỗn loạn, chẳng những tôn phái không ai hỏi đến mà các việc “Luật”, “Luận” cũng đều xếp xó bỏ qua, đến nỗi những kẻ mũ ni, áo tràng. mà nết xấu tật hư còn quá hơn bọn dân quê ngoài làng mạc. Cho đến bọn trí thức tự xưng là làm thầy người, cũng không cứu vãn được tệ phong, luống phụ lòng kính tin của quốc dân và chúa thượng”.[2]
Cuối thế kỷ XVII, trên có chúa Nguyễn Phúc Chu sáng suốt, dưới có tả hữu hiền tài, thế mà còn có tệ trạng “trốn đời” như vậy, huống chi cuối thế kỷ XVIII, đất nước loạn lạc, hết nạn Trương Phúc Loan đến nạn quân chúa Trịnh, hết Nam chinh thì đến Bắc chiến (đầu đời Tây Sơn)..., thanh niên, những người khỏe mạnh nương nhờ cửa Phật gây ra tình trạng hỗn loạn phức tạp biết đến chừng nào!
Trước tình hình như thế, nhà Tây Sơn nếu không có những biện pháp thích hợp thì lấy trai tráng ở đâu mà bổ sung cho các binh chủng? Lấy nhà cửa đâu mà làm doanh trại, dinh thự cho quan quân Tây Sơn? (!)
Còn việc sửa sang xây dựng chùa chiền, cung điện của triều Tây Sơn trên đất Huế như thế nào thì chúng ta không biết được. Bởi lẽ tất cả những công trình ấy đã bị xóa sạch khi Nguyễn Ánh đem quân từ miền Nam ra giành lại Phú Xuân. Ta hãy nghe một chứng nhân của thời đại - ông Barrisy phản ánh cho biết: khi lấy lại được Phú Xuân, “Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những tòa nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa, nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình chóe Nhật Bản”. [3]
Căn cứ trên tư liệu, được biết thời Tây Sơn có các cung điện sau (đã bị triệt phá): điện Thanh Di, cung Thượng Dương, Cung điện Đan Dương[4]. Trong những gì đã mất chắc chắn có những ngôi chùa Phật đồ sộ đã được xây dựng thời Tây Sơn. Căn cứ tài liệu của triều Nguyễn, được biết nhà Tây Sơn có nhiều công trình ở đỉnh gò Dương Xuân (sau đổi lại là gò ấp Bình An). Những chùa trên và chung quanh gò Dương Xuân được ghi “binh hỏa” là chùa Bảo Quốc[5] , chùa Kim Tiên[6] , chùa Thiền Lâm[7] . Những chùa khác trên gò Dương Xuân tuy không được ghi “binh hỏa” nhưng thực chất cũng đã bị ảnh hưởng của “binh hỏa” hư hại nặng là: chùa Viên Giác [8], chùa Tuệ Lâm [9], chùa Ấn Tôn (tức chùa Từ Đàm)[10] .
Sở dĩ các chùa ấy bị phá vì các lực lượng chính trị và quân sự của Tây Sơn đã sử dụng những nơi ấy làm dinh thự doanh trại riêng cho mình. Như các chương trước đã trích:
“Chùa Thiền Lâm... khi trước Thái sư Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên chiếm ở...”. [11]
“Chùa Báo Quốc... sau khi bị Tây Sơn tàn phá đem chùa làm kho chứa diêm tiêu (tức thuốc súng)”[12]. Chùa Kim Tiên dành cho bà Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở. (Xem bài Công chúa Ngọc Hân sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên trong sách nầy).
Các chùa khác bị “nạn binh hỏa” nhưng chưa biết Tây Sơn đã sử dụng vào việc gì. Qua thơ văn Phan Huy Ích (lời nguyên dẫn trước mỗi bài thơ), chúng ta biết thêm được một số thông tin liên quan đến các vấn đề này:
Chùa Thiền Lâm dùng làm dinh thất của Bùi Đắc Tuyên, chùa làm nhà trọ Kinh đô, chùa làm nhà ở cho quan đại thần Phan Huy Ích.
Có một sự kiện trước đây chưa có dịp nói đến là nhà Tây Sơn đã “cải tạo” ngôi chùa lịch sử Thiên Mụ thành Đàn Tế đất. Sự kiện đó làm cho Phan Huy Ích - một bậc trung thần của Tây Sơn - phải rơi lụy. Thật vậy, năm 1797, Phan Huy Ích có dịp trở lại thăm chùa và ghi lại trong Dụ Am ngâm lục một bài thơ não nề sau đây:
THĂM NỀN CŨ CHÙA THIÊN MỤ
(Nguyên dẫn: Chùa Thiên Mụ xưa do Hiếu Ninh Vương (Nguyễn Phúc Chu) xây dựng, cơ ngơi rộng rãi, tráng lệ, dựng bia đá trắng, khắc văn ghi việc, có chiếc khánh bằng đá quý từ phương Tây đưa về treo ở gác chùa.
Đó là cảnh đẹp bậc nhất của rừng Thiền ở miền Nam hà. Mùa đông năm Bính Thân (1776) tôi vâng mệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước đây, quan quân (Tây Sơn) triệt bỏ các đền chùa cũ. Mùa xuân đem chiếc khánh quí để vào trong điện, nền chùa còn lại thì san đi để đắp đàn. Ngày hạ chí, vua tế thần đất. Thấy còn lại một toà Phật đường làm nơi vua ngự. Ngoài ra, nào viện, nào am đều đổ nát không còn gì, chỉ còn tấm bia đá rêu phong đứng sững bên đường cái, với những người kiếm củi qua lại nơi đây. Tôi ngẫu nhiên lại thăm chốn cũ bùi ngùi, xúc cảm).
“Đồi cao trấn làn sóng cỏ mọc xanh rì,
Cảnh khói mây cõi Phật nay tìm đâu thấy !
Am hòa thượng bỏ không, trở thành nền đàn cúng tế,
Chùa Như lai thuở ấy, nay là dinh để xe loan.
Tấm bia rêu, chữ triện lờ mờ, che kín lối đi,
Chiếc khánh quí, tiếng vang còn vọng vào trong cung cấm.
Hai mươi năm trước đã từng thăm cảnh nơi đây
Nay dưới bóng chiều tà, chẳng buồn nghe tiếng hát tiều phu”.[13]
Khánh Bình Trung quan khánh chiều rộng 1,6m, cao 0,8m. Hoa văn trên khánh ngoài hình mặt trời, đao mác, sóng nước.v.v. Ảnh NĐX
Phan Huy Ích cũng như những nhà viết sử ngày nay không ai đồng tình với hành động “vi phạm” di tích lịch sử của nhà Tây Sơn như thế. Nhưng những người hiểu biết đều không lên án. Trần Trọng Kim thông cảm với triều Tây Sơn. Ngay cả Thượng tọa Thích Mật Thể, tác giả Việt Nam Phật giáo sử lược cũng không hề tỏ sự bất bình với Tây Sơn. Từ những ngày trước năm 1945, Thượng tọa Thích Mật Thể đã đánh giá rất đúng vai trò của Phong trào Tây Sơn trong lịch sử cận đại:
“Sau năm 1770, Nam triều có vua Tây Sơn nổi lên, chúa Nguyễn bị mất quyền. Trong mấy năm trời việc chính trị trong nước bị rối ren, ngoài Bắc chúa Trịnh không giữ ngôi cho nhà Lê được nữa, vua Chiêu Thống phải chạy sang Tàu, vua Tây Sơn thống nhất thiên hạ”.[14]
Thấy được cái công “thống nhất thiên hạ” của nhà Tây Sơn nên Thượng tọa không trách cứ nhà Tây Sơn đã phá chùa Phật. Tóm lại, nghiên cứu nhà Tây Sơn ở Huế (kể cả việc đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung) không thể không nghiên cứu tình hình chùa chiền ở Huế thời Tây Sơn.
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm Dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, Huế-2007, tr. 162-167)
[1] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Q. II, Trung tâm Học liệu Bộ QGGD, SG. 1971, tr.142.
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, UB phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, Huế, 1963, tr.43.
[3] Thư của ông Barrisy viết cho ông Marquini Letondal ngày 16-7-1801 trên chiến hạm của Thiếu phó Thoại tại Cửa Hàn (tr.951 đến 970), trích lại trong bài: Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ phương Tây, bài dịch của Nguyễn Ngọc Cư, Tập san Sử Địa, SG. 1971, tr.180.
[4] Ngô Thì Nhậm, Sđd.,q.I, tr.213, 214, 218.
[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Bộ QGGD, SG. 1961, tr.86.
[6] Xem [5], tr.86.
[7] Xem [5], tr.88.
[8] Xem [5], tr.88.
[9] Xem [5], tr.87.
[10] Xem [5], tr.88.
[11] Xem [5], tr.88
[12] Xem [7]
[13] Phan Huy Ích, Sđd., tập II, tr.118.
[14] Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản và phát hành, Phật lịch 2514, tr.21