Quang Trung Nguyễn Huệ, một ánh sao băng trên bầu trời lịch sử Việt Nam
Sự nghiệp oanh liệt mà chớp nhoáng của Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) như kỳ công xóa bỏ nạn phân tranh Trịnh-Nguyễn, rồi võ công bình Xiêm (1786) diệt Thanh (1789) thì người Việt nào cũng biết, nhưng tính giản dị khiêm tốn, lòng nhân đạo, đức hiếu sinh và ý chí tôn trọng người hiến tài của người anh hùng áo vải này thì không phải ai cũng am tường. Vậy Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói những gì và làm những gì ?
Hình 1
Tháng 12-1788, trước nạn xâm lược của quân Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên đọc chiếu lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân:
" [...] Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn mong được vua hiền cứu đời yên dân nên trẫm đã tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ, cốt quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa [...].
Hỡi muôn dân trăm họ, nhân nghĩa trung chính là đạo lớn của người ... Trẫm năm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân và đạo lớn, đưa dân lên đài xuân".
Sau đại thắng Đống Đa (30-1-1789), Quang Trung không hề tự đắc tự mãn mà lại muốn bày tỏ lòng nhân đạo và tinh thần hiếu hòa của mình nên đã ra lệnh đối xử tử tế với tất cả tù binh, hàng binh trước khi tha họ về Trung Quốc, lại cho thu nhặt hài cốt giặc trên chiến trường, chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Nhân dịp này, Quang Trung mượn lời bài văn tế nói lên tấm lòng khoan dung độ lượng của người chiến thắng :
" [...] Nay ta cho thu nhặt xương cốt chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế.
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ ".
Chỉ trong vòng nửa năm sau Đống Đa, nước Đại Việt của Quang Trung đã lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh để dân ta được sống trong độc lập và hòa bình.
Cũng sau Đống Đa, Quang Trung ban chiếu hiểu dụ các quan văn võ triều cũ, cũng là dịp vua bày tỏ ý chí trân trọng người tài, lòng nhân đạo và đức hiếu sinh :
" Trẫm một lòng yêu mến nhân tài nên ban đặc ân xá hết tội lỗi cho các ngươi, tất cả những ai bị giam cầm trẫm đều tha hết, những kẻ trốn tránh trẫm không truy nã để tỏ lượng khoan hồng ".
Mượn lời bài chiếu cầu hiền tài, Quang Trung còn muốn nhấn mạnh hơn nữa :
" Trẫm nghĩ rằng sức một cây gỗ không chống nổi tòa nhà lớn, mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình. Vậy ban chiếu xuống quan liêu lớn nhỏ và chúng dân trăm họ ai có tài năng, mưu kế hay giúp ích cho đời, cho phép các quan văn võ được tiến cử, lại cho dẫn tới yết kiến tùy tài bổ dụng. [...] Nay trời đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức đều nên gắng lên để được rỡ ràng chốn vương đình ".
Rõ ràng là những văn kiện quan trọng như chiếu Lên ngôi, chiếu Cầu người hiền tái, chiếu Cầu lời nói thẳng, chiếu Mở rộng ân đức, chiếu Lập học, chiếu Khuyến nông... đều đánh dấu một thời thái bình thịnh trị và văn hiến.
Hình 2 15 năm ưu việt của văn hóa Phú Xuân thời Tây Sơn |
Vào cuối thế kỷ 18, văn học Tây Sơn ra đời để khẳng định sự nghiệp lớn lao của vua Quang Trung và nhà Tây Sơn trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong hòa bình xây dựng. Những nhà văn, nhà thơ đã thể hiện tinh thần của thời Tây Sơn trong tác phẩm của mình là :
- Lê Ngọc Hân với Vãn ai tư và Văn tế vua Quang Trung ;
- Cao Huy Diệu với tập thơ Hồng quế hiên ;
- Ngô Ngọc Du với bài thơ Long thành quang phục kỷ thực ;
- Ninh Tốn với tập thơ Tuyết Sơn ;
- Đoàn nguyên Tuấn với tập thơ Hải Ông ;
- Phan Huy Ích với Dụ am ngâm lục và Dụ am văn tập ;
- Hồ Xuân Hương với Thơ Nôm và tập Lưu hương ký (chữ Hán);
- Ngô Thời Nhiệm với nhiều tác phẩm đã đưa ông lên hàng nhà thơ kiêm nhà văn hóa lớn nhất thời Tây Sơn.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Tây Sơn là Hoàng Lê nhất thống chí viết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và sự nghiệp Quang Trung phong phú, sinh động hơn tất cả các tác phẩm khác, đặc biệt hồi thứ 14 và 15 đã tập trung mô tả chiến thắng Đống Đa oanh liệt qua những trang sách chứa chan hào khí và niềm tự hào dân tộc, tràn trề khí phách anh hùng ca. Hình tượng Quang Trung, lãnh tụ phong trào nông dân và anh hùng ca dân tộc, đã được thể hiện đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Hoàng Lê nhất thống chí đáng được xem là cuốn ký sự lịch sử tuyệt tác phản ánh sâu sắc nhiều mặt của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 18.
Một khía cạnh đáng chú ý của văn học Tây Sơn là sự phát triển rực rỡ của văn học chính luận với hàng chục tác phẩm được tập hợp lại trong hai cuốn Bang giao hảo thoại và Đại Việt quốc thư nói lên chính nghĩa của triều đại Tây Sơn và tiếp nối truyền thống ưu tú của văn học chính luận thời Lê Lợi-Nguyễn Trãi.
Trong vài năm ngắn ngủi (1789-1792), Quang Trung đã ra sức phát triển văn hóa dân tộc : việc học được mở rộng, chế độ thi cử được chấn chỉnh, đặc biệt vua rất coi trọng tiếng nói của dân tộc và đã đưa chữ Nôm lên địa vị chữ viết chính thức của triều đại.
Hai cơ quan học thuật lớn của Tây Sơn là Viện Sùng Chính ở Nghệ An và Quán Quốc Sử ở Phú Xuân. Dưới sự điều khiển của viện trưởng Nguyễn Thiếp, Viện Sùng Chính đã dịch nhiều sách chữ Hán ra chữ Nôm để dùng dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm đã dịch xong các sách Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi và hiện nay còn giữ được hai công trình lớn của viện là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa.
Ngô Thì Nhậm là tổng tài Quốc Sử Quán và trong hơn 10 năm hoạt động đã cho xuất bản ba công trình lớn: Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên và Đại Việt sử ký tiệp lục tổng tự. Đây là những bộ sử có giá trị với nhiều lời bình luận xác đáng, thấm nhuần tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Từ năm 1788, Quang Trung đã chủ trương biên soạn một bộ luật cho triều đại mới nhưng vì công việc quá bề bộn và thời gian trị vì quá ngắn ngủi nên chưa có dịp thực hiện. Đến đời Cảnh Thịnh, thượng thư bộ Hình Lê Công Miễn mới biên soạn xong Bộ hình thư trên cơ sở tham khảo kỹ lưỡng bộ luật Hồng Đức thời Lê Sơ. Có thể xe
Bộ hình thư mới này là một thành tựu lập pháp của thời Tây Sơn.
Hình 3
Y học thời này đã kế thừa thành tựu của nền y học dân tộc các thời trước. Lãnh đạo ngành y tế của triều đình dưới thời Quang Trung là Nguyễn Hoành, tác giả bộ Nam dược trình bày 500 vị thuốc ; lãnh đạo Viện Thái Y là Nguyễn Quang Tuân, soạn bộ La Khê phương dược và danh y quan trọng nhất thời ấy là Nguyễn Gia Phan, thượng thư bộ Lại thời Cảnh Thịnh mà cũng là tác giả của các sách về nhi khoa, phụ khoa và khoa truyền nhiễm.
Bình Định vốn là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát bội nhờ công lao đầu tiên của Đào Duy Từ. Đến thời Tây Sơn, hát bội lại rất thịnh hành. Bên cạnh vè Chàng Lía đã có thêm vở tuồng hát bội Văn Lía và có những thầy tuồng nổi tiếng như Ông Nhưng Huy. Vào năm 1790 niên hiệu Quang Trung thứ ba, nhà du lịch người Anh John Barrow (1764-1849) đã đến thăm nước ta và sau đó xuất bản cuốn Những cuộc du hành ở Nam Phi và Đàng Trong (Voyages dans le Sud de l’Afrique et à la Cochinchine) kèm theo một bức tranh màu vẽ một cảnh hát bội.
Phú Xuân vốn là cái nôi của ca nhạc Huế từ thời các chúa Nguyễn. Đến cuối thế kỷ 18, nhân dịp lễ thượng thọ 80 tuổi của hoàng đế Càn Long, vua Quang Trung đã gởi sang Bắc Kinh một đoàn ca múa nhạc gồm 6 ca công và 6 nhạc công dưới sự dìu dắt của Phan Huy Ích. Theo Đại Việt quốc thư, đoàn văn nghệ này đã biểu diễn thành công 10 bài bản ca nhạc Huế ("Nhạc phủ từ khúc thập điệu").
Khi nói tới mỹ thuật thời Tây Sơn, người ta thường nghĩ tới bộ tượng 16 vị tổ được thờ tại chùa Tây Phương (Hà Tây) sáng tác từ cuối thế kỷ 18 mà giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cũng như những nhà mỹ học nước ngoài đánh giá là một đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo Việt Nam.
Võ thuật thời Tây Sơn là loại võ đạo phổ biến trong quân đội của Quang Trung. Đây là một bước tiến mới của võ Bình Định truyền thống. Bên cạnh võ thuật Tây Sơn lại có nhạc võ Tây Sơn để nâng thêm khí thế trong chiến đấu. Khi đánh trống võ Tây Sơn không ngồi mà phải đứng, hai tay vừa múa võ vừa đánh trống, có lúc nhanh đến mức tưởng chừng như cả 12 trống được gõ cùng một lúc bởi một nghệ nhân duy nhất. Ngoài ra còn có thêm trống cái và bộ chiêng để tạo nên một bầu khí hào hùng.
Sáu danh nhân thời Tây Sơn |
- Lê Ngọc Hân kết hôn với Nguyễn Huệ năm 16 tuổi (1786), trở thành Bắc cung hoàng hậu, rồi góa bụa năm 22 tuổi và mất khi chưa đầy 30 tuổi (1799), để lại cho văn học Việt Nam hai áng văn nổi tiếng là Vãn ai tư và Văn tế vua Quang Trung.
Vãn ai tư có lẽ là tác phẩm nói lên đầy đủ nhất con người và sự nghiệp của Quang Trung cũng như mối tình tuyệt đẹp giữa một công chúa và một tướng quân:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Kiếp này chưa trọn chữ duyên
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương
Hình 4
- Bùi Thị Xuân (?-1802) đã cùng chồng là Trần Quang Diệu tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ buổi đầu để trở thành một vị nữ tướng tài ba dũng liệt, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu tới cùng của nghĩa quân. Một giáo sĩ phương Tây, sau khi chứng kiến cuộc hành hình toàn thể gia đình bà, đã nói lên trong tập hồi ký của mình lòng khâm phục sâu sắc khi gợi lại hình tượng người nữ tướng hiên ngang tiến thẳng tới con voi sắp dày xéo mình. Sau khi bà mất, dân gian đã sáng tác nhiều thơ ca, giai thoại và câu đối đề cao tài năng và khí tiết của bà, cụ thể là áng vè Bà thiếu phó (chức tước của bà Bùi Thị Xuân) và truyện thơ Nôm Cân quắc anh hùng truyện được sáng tác 3/4 thế kỷ sau khi bà mất, đó là áng anh hùng ca của nhà Nho Nguyễn Bá Huân tuyên dương vị nữ anh hùng lỗi lạc.
- Nguyễn Thiếp (1723-1704) thường được tôn xưng là La Sơn Phu Tử. Ra làm quan cho vua Lê chúa Trịnh ít lâu thì xin cáo về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn để đóc sách và nghiên cứu y lý, để rồi nổi tiếng là người đạo hạnh thanh cao. Khi vua Quang Trung trọng vọng mời Nguyễn Thiấp, ông đã nhận lời hợp tác. Là viện trưởng Viện Sùnh Chính, ông đã đề suất với Quang Trung nhiều vấn đề cải cách giáo dục và thi cử. Trong tập Hạnh am thi cảo ( chữ Hán ), ông đã sáng tác những bài thơ bày tỏ niềm thông cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của nhân dân thời loạn.
- Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) đã được Nguyễn Huệ trọng dụng từ năm 1788, với các chức tước đại học sĩ, thị lang bộ Lại, rồi thượng thư bộ Binh. Hai lần làm chánh sứ sang Trung Quốc, ông đã tỏ ra là một nhà tư tưởng chiến lược kiêm nhà ngoại giao tài giỏi nên đã đóng góp rất nhiều trong việc chuyển quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ đối kháng sang hòa hảo. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm văn, sử, triết học, tôn giáo và chính trị. Sau khi sáng tác bộ sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, ông đã được tôn vinh là tổ thứ tư của thiền phái Trúc Lâm.
- Phan Huy Ích (1751-1822) đã hết lòng đi theo chính nghĩa Tây Sơn với chức thị lang bộ Hộ, rồi thượng thư bộ Lễ. Sau khi Quang Trung mất, ông trở về quê hương Sài Sơn sống ẩn dật, dạy học và gom góp lại các sáng tác của mình thành hai công trình qui mô lớn: Dụ am ngâm lục (600 bài thơ), Dụ am văn tập (khoảng 400 bài văn), trong đó đáng chú ý nhất là 5 bài văn tế chữ Nôm sáng tác khi hoàng hậu Lê Ngọc Hân mất (1799) để bày tỏ lòng biết ơn và sự khâm phục của mình đối với vua Quang Trung mà ông gọi là "con người tài năng hơn ngàn đời trước".
- Nguyễn Gia Phan (1748-1817) là vị danh y cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho nối đời làm thuốc. Từ năm 24 tuổi ông đã đi sâu vào nghề y và bắt đầu soạn một số sách về nhi khoa và phụ khoa. Ông thường được mời về Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Sâm và nhiều người trong phủ chúa. Ông đã có công chế thuốc chống ôn dịch để cứu dân vùng Sơn Tây. Được Quang Trung triệu về làm việc ở Thái Y Viện, ông đã xin về hưu để chữa bệnh cứu dân và hoàn thành các công trình y học lớn của mình để lại cho đời sau : Liệu dịch phương pháp toàn tập (chuyên về chữa trị các bệnh truyền nhiễm), Lý âm phương pháp thông lục (chuyên về phụ khoa và sản khoa), Hộ nhi phương pháp tổng lục (chuyên về nhi khoa), Y gia phương pháp tổng lục (chuyên về y lý trị liệu). Ông còn là một nhà thơ và nhà văn. Trước khi mất, ông đã hoàn thành cuốn Thiệp lý sự trạng ghi lại những công việc cứu nhân độ thế trong đời mình.
Lê Văn Hảo+
(Paris)