Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên (13): Trao đổi vài thông tin lịch sử trong bài viết về Công chúa Lê Ngọc Hân của PGS Chu Quang Trứ, nhân kỷ niệm 200 năm (1799-1999) ngày Công chúa qua đời

Bài viết “Danh nhân Công chúa Lê Ngọc Hân” của cố PGS Chu Quang Trứ phổ biến trên nhiều trang Web phát đi từ trong nước và cả ở nước ngoài.

Ví dụ như các trang Web sau:

http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/nhungbaivietvengochan.htm

http://phiem-dam.com/1lichsu62.htm

http://www.maiyeuem.net/topic/80550/Le-Ngoc-Han---Chu-Quang-Tru

Tôi chọn trang cuối Web để trao đổi vì xét thấy có ít lỗi chính tả nhất.

Đối với tôi, bài viết của cố PGS Chu Quang Trứ rất quý. Ông hoạt động khoa học trên đất Bắc, có nhiều thông tin điền dã ở làng Nành Gia Lâm (Hà Nội), ông tham chiếu tộc phả họ Nguyễn Đình ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) - họ ngoại của Công chúa Lê Ngọc Hân … những nguồn tư liệu ấy tôi không thể nào có được. PGS Chu là một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa có uy tín nên bài viết của ông có sức lan tỏa rộng và mạnh.Tuy nhiên PGS Chu thiếu nguồn tư liệu của những người đương thời (trong đó có nhiều phương Tây), thiếu tư liệu điền dã khu vực Cung điện Đan Dương, chùa Kim Tiên thuộc ấp Bình An Phường Trường An Thành phố Huế. Do đó một số thông tin liên quan đến đoạn đời Công chúa Ngọc Hân ở Huế sau khi vua Quang Trung băng (1792-1799) có nhiều bất cập cần phải xem lại. Tôi xin phép được đăng lại nguyên văn bài viết theo trang Web thứ ba dẫn trên và cũng xin phép được tô đậm những câu, những đoạn cần trao đổi bình luận ở cuối bài. Kính mong được hương hồn tác giả và độc giả hoan hỉ. NĐX.

Công chúa Lê Ngọc Hân

PGS Chu Quang Trứ

Năm 1999 kỷ niệm 210 năm ngày chiến thắng Đống Đa (1789-1999), đồng thời kỷ niệm 200 năm ngày mất của Công chúa - Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (1799-1999). Nhân dịp này, chúng ta thành kính dâng lên Bà nén tâm hương và cùng nhau ôn lại cuộc đời Bà với những hiểu biết chân xác dưới lớp bụi thời gian.

CC Lê Ngọc Hân. Tranh minh họa của CQT

Đọc lại những tư liệu ít ỏi trong sử cũ và tham chiếu tộc phả họ Nguyễn Đình ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), chúng ta biết Lê Ngọc Hân là vợ yêu của vua Quang Trung, cũng là một danh nhân văn hóa của dân tộc. Ngọc Hân thuộc hàng công chúa cuối cùng của nhà Lê, đi vào lịch sử bằng cuộc tình duyên tuyệt đẹp với anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đóng góp cho văn học Việt Nam bài văn khóc chồng Tế vua Quang Trung chân tình thống thiết; và đặc biệt là bài Ai Tư Vãn tha thiết làm rung động lòng người ở mọi thời đại. Nhắc đến sự nghiệp lừng lẫy của vua Quang Trung, không thể không nhắc đến bà. Và cũng chính bà, với hai tác phẩm văn học trên, đã sớm nhất đánh giá vua Quang Trung súc tích mà ngắn gọn, dễ nhớ nhất:

             Mà nay áo vải cờ đào,
             Giúp dân dựng nước biết bao công trình
             Mà nay lượng cả ơn sâu,
             Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần.

Nhưng con người đầy tài hoa và nồng thắm tình cảm ấy phải chịu mệnh bạc, mà cả khi chết rồi vẫn phải chịu nhiều tai ương và oan trái. Cho đến nay, mặc dù đã được một số nhà nghiên cứu văn học và sử học minh oan, chứng minh bà mất từ năm 1799 tức trước khi triều Tây Sơn sụp đổ 3 năm, nhưng đây đó vẫn lan truyền thông tin rằng, bà chịu bị Gia Long ép lấy làm vợ; hoặc khi triều Tây Sơn đổ, bà phải lẩn trốn nhưng vẫn bị vua Gia Long truy nã và bắt về hành hình rùng rợn. Thực ra đó là những cách nghĩ bị suy diễn từ sự việc dễ gợi mối liên tưởng: Gia Long có ép Ngọc Bình - em nuôi của bà và là vợ của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn - lấy y. Gia Long có hành hình man rợ vua tôi Cảnh Thịnh và đối xử hèn hạ với di hài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Nhưng đối với bà Ngọc Hân, Gia Long và cả Minh Mạng vẫn "lờ đi", chỉ đến Thiệu Trị vì có người tố giác mới theo "phép nước" mới có những hành động độc địa.

Vậy sự thật về Lê Ngọc Hân như thế nào? Từ những tư liệu văn học và sử học của thời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn, từ tộc phả họ Nguyễn Đình và những truyền thuyết ở Ninh Hiệp - quê ngoại của bà, bức màn bí mật được vén lên dần:

Vùng Cố Pháp - Đông Ngàn - Từ Sơn (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chỉ với những tên gọi nối nhau trong lịch sử đã gợi lên một vùng sông nước, rừng cây, gò đồi. Trên những gò đồi ấy, tổ tiên xa xưa đã tụ cư lập xóm dựng làng mà tên làng khi Hán Việt hóa để đi vào địa bạ của chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc và của các nhà nước dân tộc thời độc lập đều có chữ Phù ở đằng trước để chỉ rõ gò nổi ở giữa đồng nước. Chỉ riêng phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) đến thời Nguyễn vẫn còn các xã Phù Đổng, Phù Minh, Phù Lập (thượng và hạ), Phù Chẩn, Phù Ninh, Phù Lộc, Phù Lưu, Phù Khê, Phù Cảo, Phù Yên, Phù Lương, Phù Lãng... Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phục nguyên âm Phù là Bù - Pù - Gò thông đạt rõ ý tưởng người xưa. Đây là vùng đất thiêng, đã sản sinh ra Thành Gióng - anh hùng cứu nước đầu tiên đầy chất huyền thoại, và Lý Công Uẩn dựng nghiệp Đế mở ra kỷ nguyên Đại Việt, những người dân "dốt Đông Ngàn hơn ngoan thiên hạ"... Trong những người dân Đông Ngàn ấy, ở đầu thế kỷ thứ XVIII có cụ Nguyễn Đình Giai ở Phù Ninh - tên nôm là làng Nành được triều đình nhà Lê phong là Vũ huân tướng công thự Thần vũ tứ vệ quân vụ Tham đốc đặc tứ phong tặng chiêu vũ tướng quân, Đô đốc phủ Đô đốc Đồng Tri, Tuấn trung hầu. Cụ có 18 người con, gái trưởng là bà Nguyễn Thị Huyền. Bà được ông bác ruột - đồng thời cũng là cha nuôi đang làm tả thiếu giám (quan hoạn) ở ty Lễ giám tiến cử làm cung tần cho vua Lê Cảnh Hưng. Bài vị bà ở đền thờ tại Phù Ninh (nay là làng Ninh - Gia Lâm - Hà Nội) ghi rõ: "Cố Lê Chiêu Nghi Nguyễn Thị Húy Huyền, hiệu Thiện Trung sinh giờ Dậu ngày mồng 3 tháng 10 năm Quý Dậu (28-10-1753), mất giờ Hợi ngày mồng 1 tháng 8 năm Quý Mùi (1823), thọ 71 tuổi. Bà Huyền sinh công chúa Lê Ngọc Hân vào giờ Sửu ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (22-5-1770).

Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, phù vua Lê, song trên thực tế đã thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài, được vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân đang ở độ tuổi 16. Ít ngày sau vua Lê Hiển Tông băng hà. Bà Nguyễn Thị Huyền góa bụa ở tuổi 33, sau một thời gian chịu tang chồng đã lui về quê lập dinh Thiết Lâm 100 gian ở xế cửa chùa Pháp Vân để tiện sang chùa lễ Phật.

Ngọc Hân vào Phú Xuân sống hạnh phúc bên chồng. Cuối năm 1788 được tin quân Thanh xâm lược đã chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế để chính danh tiến quân ra Bắc, phong Ngọc Hân làm Hoàng hậu, số tộc phả họ Nguyễn Đình ghi là Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu. Sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, vào đầu xuân Kỷ Dậu lại trở về Phú Xuân, và Ngọc Hân đã sinh với vua được con gái đầu lòng là công chúa Ngọc Bảo vào giờ Hợi ngày 20 tháng 4 năm Canh Tuất (4-6-1790), rồi hoàng tử Văn Đức vào giờ Mão ngày 14 tháng Giêng năm Tân Hợi (27-2- 1791). Hạnh phúc đang nồng thì năm 1792 vua Quang Trung băng đột ngột, Ngọc Hân ở tuổi 22 đã chịu cảnh góa bụa. Hai bài văn khóc chồng Tế vua Quang Trung và Ai tư vãn đã nói lên nỗi đau đứt ruột xé lòng của bà. Bà muốn chết theo chồng, nhưng trong đám tang vua Quang Trung thấy cảnh các con mới 1 - 2 tuổi ở trước linh sàng cha:

                        Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
                        Đầu mũ mao, mình tấm áo gai
                        U ơ ra trước hường đài
                        Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này

mà bà tạm sống để nuôi con, chờ con qua tuổi ấu thơ, chỉ sống thể xác thôi:

                       Vậy nên nấn ná đôi khi
                       Hình tuy còn ở phách thì đã theo

Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi. (NĐX nhấn mạnh). Khi đó Phan Huy Ích đang là một trọng thần của Tây Sơn, đã soạn giúp năm bài văn cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh tế Ngọc Hân. Cả năm bài văn trên còn chép trong sách Dụ Am văn tập.

Tiếp theo, triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị tập đoàn Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con bà phải đổi sang họ Trần, nhưng rồi với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đình, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801) hoàng tử Văn Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi. Không rõ có phải như truyền thuyết là bị nhà Nguyễn giết hại trong khi trốn tránh? Nhưng cũng có thể chết bệnh vì mất vào những thời điểm khác nhau, và không có tên trong danh sách vua tôi nhà Tây Sơn bị Gia Long hành hình. (NĐX nhân mạnh) Hơn nữa bộ sách chính sử của nhà Nguyễn Đại Nam Thực lục nhân năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh có ghi: "Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn) Huệ), sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai, con gái cũng chết non cả".

Phần "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đình còn ghi thêm: Bà Nguyễn Thị Huyền thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, năm 1804 thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân, ngày 24 tháng 3 năm Giáp Tý (3-5-1804) xuồng thuyền vượt biển, ngày 20 tháng 5 (28-6) về đến bến ái Mộ (Gia Lâm, Hà Nội), ngày mồng 4 tháng sau (11-7-1804) đưa về bản dinh (tức dinh Thiết lâm của bà Nguyễn Thị Huyền), ngày mồng 9 (16-7-1804) đưa về làng, giờ Ngọ an táng hài cốt bà Ngọc Hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành. (ảnh: Tượng chân dung của Bà Nguyễn Thị Huyền vợ Vua Lê, mẹ Công chúa Lê Ngọc Hân).

Sự việc này, bộ Đại Nam thực lục ghi tiếp ở năm 1842: "Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".

Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai, đã ký hậu 50 mẫu ruộng tốt với làng và chuyển dinh Thiết Lâm làm đền thờ. Nam 1823 bà Huyền mất, thọ 70 tuổi, dinh Thiết Lâm thờ bà và mẹ con Ngọc Hân. vẫn theo tộc phả họ Nguyễn Đình và kết hợp truyền thuyết địa phương, thì vào khoảng thời gian đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị, có người trong làng tố giác việc thờ cúng này, vua Thiệu Trị đã cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông - nơi này sau dân lập đền ghềnh thờ bà; chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức. Bộ sử Đại nam thực lục năm 1842 cũng xác nhận: "Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy".

Từ năm 1842 dinh Thiết Lâm bị phá, nền dinh bỏ hoang thành đất công của làng, nhưng dân vẫn gọi là "Vườn Dinh" và dựng lên đây Một "Miếu cô hồn" kín đáo thờ Ngọc Hân. Mãi gần trăm năm sau, đến năm 1937 họ Nguyễn Đình đổi đất với làng lấy lại một phần nền dinh Thiết Lâm và lập lại đền thờ bà Nguyễn Thị Huyền cùng với Ngọc Hân. Đồng thời, tại bãi cây Đại, cùng với việc sửa lại mộ bà Nguyễn Thị Huyền, dân làng cũng đắp nấm mộ tượng trưng của mẹ con Ngọc Hân, tương truyền là chính chỗ mà năm 1842 bị Thiệu Trị quật phá.

Như vậy, tại Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp - Gia Lâm Hà Nội) ngày trong khi Gia Long vừa lật đổ triều Tây Sơn, hành quyết man rợ vua tôi Cảnh Thịnh, ra sức truy lùng hành tích Tây Sơn, thì nhân dân đã đón nhận hài cốt mẹ con Ngọc Hân về, xây lăng mộ, dựng đền thờ. (ảnh:Mộ Bà Huyền)

Từ năm 1842 không được thờ chính thức thì nhân dân bí mật thờ mẹ con Ngọc Hân dưới dạng "cô hồn". Và từ 1937 Ngọc Hân cùng với mẹ và hai con lại được thờ trong một nhà thờ nhánh của họ Nguyễn Đình. Trước sau vẫn ở trên một khu đất cũ là nền dinh Thiết Lâm sư của nhà Nguyễn Thị Huyền. Cùng với việc thờ cúng này, nhân dân địa phương còn giữ trong chùa làng chiếc trống đồng lớn (cao 35 cm, rộng 55 cm) khắc rõ niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 8 (1801) với nhiều hoa văn đẹp để rồi giao cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam quản lý và trưng bày cho mọi người đều biết.

Mười năm trước, trong khuôn khổ chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, cuối năm 1988, chính quyền xã Ninh Hiệp đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học về danh nhân Lê Ngọc Hân nhân ngày giỗ bà và làm lễ dâng hương trang trọng. Nhưng cho đến nay (cuối năm 1999) di tích về bà vẫn còn bị thả nổi!

Cuộc đời Lê Ngọc Hân cả khi sống lẫn khi chết đã chịu nhiều cay đắng, nhưng bà thực sự là một nhân vật lịch sử số một nữ danh nhân văn hóa đầy tài hoa, từ khi gắn cuộc đời với vua Quang Trung đã trở thành một tài năng sáng tạo lớn của đất nước. Sau kỷ niệm 210 năm chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung, hy vọng vào dịp giỗ Ngọc Hân lần thứ 200 này (cuối năm 1999) đền thờ và nấm mộ (dù là tượng trưng) của Bà sẽ chính thức là di sản văn hóa quốc gia.

C.Q.Tr.

 

Bình luận

Trong cố gắng dựng lại trang sử Công chúa Lê Ngọc Hân thời ở chùa Kim Tiên, tôi xin trao đổi với PGS Chu Quang Trứ một số thông tin trong bài viết trên như sau:

1. Chu Quang Trú viết: “Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên (Dương Xuân ố Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con”.

Bình luận: Phải chăng mẹ con Công chúa Ngọc Hân ở cung điện Phú Xuân , đến khi vua Quang Trung băng bà mới đưa hai con lên ở chùa Kim Tiên?

Đã nhiều lần tôi chứng minh sau ngày đánh chiếm được Đô thành Phú Xuân trong tay quân Trịnh (1786) Nguyễn Huệ không ở trong đô thành Phú Xuân vì hai lý do: 1. Khi đánh chiếm Đô thành Phú Xuân, Phong trào Tây Sơn đã giết chết hàng ngàn quân Trịnh, xác chết chưa kịp chôn môi trường ô nhiễm hôi thối không thể nào ở được; 2. Đô thành Phú Xuân xây dựng trên Vương Đảo phía trước là sông Hương, phía sau là sông Kim Long rất dễ bị thủy quân của đối phương tấn công từ hai mặt. Chính Nguyễn Huệ đã khai thác cái nhược điểm nầy để tiến đánh chiếm Đô Thành Phú Xuân trong tay quân Trịnh nên Nguyễn Huệ không ở trong Đô thành Phú Xuân mà ở tại Phủ Dương Xuân trên đồi cao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ “Phù Lê diệt Trịnh”, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đưa Công chúa Ngọc Hân về Phú Xuân. Ông cho xây dựng một vòng thành chung quanh Phủ Dương Xuân để ở và bảo vệ tài sản ông chiếm được ở Thăng Long. Ông trưng dụng các chùa Phật ở gần Phủ Dương Xuân như chùa Viên Giác, chùa Báo Quốc, chùa Kim Tiên làm doanh trại và nơi ở của gia đình ông. Bà chính hậu ở với Nguyễn Huệ ở Phủ Dương Xuân (sau ngày Nguyễn Huệ lên ngôi, Phủ được xây dựng lại thành Cung điện Đan Dương) Chùa Kim Tiên đã được chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát xây dựng vàng son rực rỡ, lại có lầu Vọng Tiên, Nguyễn Huệ dành cho Công chúa Lê Ngọc Hân. Như vậy từ buổi đầu vào Phú Xuân, Công chúa Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên rồi. Những ngày gặp gỡ hạnh phúc nhất của Công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ/Quang Trung đều diễn ra ở chùa Kim Tiên. Cho nên về sau nầy, ngồi viết Ai Tư Vãn,  Ngọc Hân thương xót, mơ tưởng nhớ đến Quang Trung, bà viết:

            “Trông mong luống những mơ màng,

            Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say

            Khi trận gió lung lay thấp thoáng,

            Ngỡ hương trời bãng lãng còn đâu.

            Vội vàng sửa áo lên chầu,

            Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

            Khi bóng trăng lá in lấp lánh,

            Ngỡ tàng vàng nhớ cảnh dạo chơi.

            Vội vàng dạo bước tới nơi,

            Than ôi vắng vẻ, giữa trời sương sa”.

Đoạn trích trên cho những thông tin:

 - Bà và vua Quang Trung ở xa nhau, thỉnh thoảng nhà vua mới đến thăm bà (khớp với Đan Dương cung điện và chùa Kim Tiên)

- Chỗ bà ở có lầu (đó là lầu Vọng Tiên chùa Kim Tiên)

- Chỗ bà ở có sân vườn rộng rãi để cho hai người đi dạo (chùa Kim Tiên sân vườn rất rộng, trong thời gian bị bỏ hoang, dân chúng lấn chiếm nên ngày nay không còn rộng rãi như xưa nữa).

- Trong bài Văn tế vua Quang Trung, bà Ngọc Hân cũng từng nhắc đến điện Đan Dương (Cung Đỏ).

“Sương pha Cung Đỏ phấn mờ gương”.

Tóm lại ba mẹ con Công chúa Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên từ trước chứ không phải đợi đến khi vua Quang Trung băng bà mới đưa hai con lên ở chùa Kim Tiên.

2. Chu Quang Trứ viết: “Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi”.

Bình luận:  Sau ngày vua Quang Trung qua đời, Quang Toản - con bà chính hậu, nối ngôi. Nhưng việc triều chính bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột của Quang Toản) và những người cùng quê ở Qui Nhơn nắm giữ. Lê Ngọc Hân là người miền Bắc lại có con trai con gái nên bị phe cánh Bùi Đắc Tuyên canh chừng. Trong hoàn cảnh đó Công chúa Ngọc Hân phải sống gượng để nuôi con là phải. Nhưng tình hình đó chỉ diễn ra trong vài ba năm mà thôi. Đến năm 1795, với sự tham mưu của Trần Văn Kỷ, Đại tư đồ Võ Văn Dũng đã tổ chức một “chính biến” bắt Bùi Đắc Tuyên dìm nước chết, lập lại kỷ cương triều chính cho vua Quang Toản. Trần Văn Kỷ và các đại thần người miền Bắc được trọng dụng. Công chúa Ngọc Hân và hai người con được chăm sóc bảo vệ chu đáo. Trong hoàn cảnh mới đó, Công chúa Ngọc Hân đã đưa được người em cùng cha khác mẹ với bà là Lê Ngọc Bình vào làm vợ vua Quang Toản. Chính nhờ trong hoàn cảnh thuận lợi đó nên khi Công chúa Ngọc Hân qua đời (1799), Phan Huy Ích đang là một trọng thần của Quang Toản đã soạn giúp năm bài văn cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh tế Ngọc Hân như Chu Quang Trứ dẫn trên. Công chúa Ngọc Hân/ Bắc cung Hoàng hậu, được vua Quang Toản thực hiện ước nguyện của Bà là sau khi qua đời mong được táng gần lăng Đan Dương của vua Quang Trung. Trong bài văn tế mẹ Ngọc Hân, Quang Toản mừng cho Bà:

           “ Nguyện cũ hẳn nay trọn-vẹn,

        bên Đan lăng quanh-quất mạch liên châu”

Phải có một cuộc sống có ý nghĩa, không gượng ép thì đến lúc qua đời mới được đạt được nguyện ước như vậy

3. Chu Quang Trú viết: “ Tiếp theo, triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị tập đoàn Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con bà phải đổi sang họ Trần, nhưng rồi với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đình, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801) hoàng tử Văn Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi. Không rõ có phải như truyền thuyết là bị nhà Nguyễn giết hại trong khi trốn tránh? Nhưng cũng có thể chết bệnh vì mất vào những thời điểm khác nhau, và không có tên trong danh sách vua tôi nhà Tây Sơn bị Gia Long hành hình”.

Bình luận: Đoạn trích trên của PGS Chu Quang Trứ đề cập đến ba vấn đề, tôi xin trao đổi theo thứ tự sau đây:

3.1. Phải chăng Hai người con của Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung có đổi sang họ Trần? Đây là một thông tin rất mới. Rất tiếc tác giả không cho biết tham khảo từ nguồn tài liệu nào nên không kiểm chứng được. Phải chăng từ Tộc phả họ Nguyễn Đình ở xã Ninh Hiệp? Tôi chưa được tham khảo nguồn tư liệu nầy, nhưng một số thông tin trích từ Tộc phả nầy đã công bố xét thấy thiếu cơ sở khoa học, không chính xác cho nên thông tin “Hai người con của Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung đã đổi sang họ Trần” cần phải tiếp tục nghiên cứu chứ chưa nên khẳng định như trong bài viết chính thức dẫn trên.

3.2. Công chúa Ngọc Bảo và Hoàng tử Văn Đức bị nhà Nguyễn giết hại hay chết vì bệnh? Lịch sử cho biết năm Tân dậu “ Ngày 3 tháng 5 (âm lịch) tức 15-6-1801 Nguyễn Ánh chính thức chiếm được Phú Xuân” [1] vua Quang Toản chạy ra miền Bắc gấp rút không kịp mang theo gia đình. Barizy - một sĩ quan người Pháp theo chân Nguyễn Ánh vào Phú Xuân ngay từ ngày đầu của cuộc thắng thế ở Huế, trong thư viết ngày 16-7-1801, Barizy cho biết:

“Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (tức Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một căn phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: 1 cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc Kỳ (tức Ngọc Hân) em này cũng coi được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có 1 em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà Công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương.” (1)

Như thế từ trung tuần tháng 7 năm 1801, những người thân của các vua Nguyễn Tây Sơn đều đã bị bắt. Ta không rõ những người nầy bị giết ngày nào, nhưng chắc chắn tất cả những người bị bắt đều bị giết. Chính cuốn biên niên sử chính thức của nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục chính biên đã ghi rõ sự kiện bi thảm đó:                       

Năm Tân Dậu (1801), tháng 11: “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây” (2).

Nếu không chứng minh được Barizy viết sai và chưa tìm được một tài liệu nào chứng tỏ hai người con của “Công chúa Bắc Kỳ” (tức Công chúa Ngọc Hân) đã vượt ngục hay được Nguyễn Ánh ân xá thì ta phải tin là hai người con của Công chúa Ngọc Hân đã chịu chung số phận trong danh sách “31 người đều bị lăng trì cắt nát thây” như Thực lục đã viết.

Theo Chu Quang Trứ viết Hoàng tử Văn Đức mất vào ngày 18-11- Tân Dậu (23-12-1801), Công chúa Ngọc Bảo mất ngày 17- 4 - Nhâm Tuất (18-5-1802) có thể đó là hai ngày hai người con của công chúa Ngọc Hân bị hành chứ không phải chết vì bệnh.

3.3. Phải chăng Công chúa Ngọc Bảo và Hoàng tử Văn Đức “không có tên trong danh sách vua tôi nhà Tây Sơn bị Gia Long hành hình” ? Không thể suy luận từ “không nêu tên” nên không bị giết. Như Đại Nam Thực Lục đã viết cả “31 người đều bị lăng trì cắt nát thây” có nêu tên ai đâu! 

Trong bài viết của PGS Chu Quang Trứ còn có một số thông tin cần phải trao đổi nữa, nhưng thiết nghĩ những thông tin đó hơi xa với chủ đề cuốn sách Công chúa Lê Ngọc Hân thời ở chùa Kim Tiên của tôi nên tôi tạm dừng ở đây. Về phần bình luận của tôi không tránh được ý kiến cá nhân nên tôi cũng mong các nhà nghiên cứu chỉ giáo cho những bất cập để những lần tái bản sau được tốt hơn.

Nguyễn Đắc Xuân


[1] Viện Sử học, Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (Từ khởi thủy đến 1858), nxb Giáo Dục, HN 2001,Tr.382,

(1) Trích lại của Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Sở VHTT Bình Trị Thiên, Huế 1988, tr.51.

(2) Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, tập MỘT, Nxb Giáo Dục, Hà Nội  2002, tr. 473.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia