Lúc ấy bên Trung Quốc, người Hán không phục nhà Thanh, nhiều Thiền sư người Hán chạy qua Thuận Hóa Phú Xuân trác tích. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời một trong những Thiền sư người Hán đến Thuận Hóa ấy là Thiền sư Quả Hoằng làm quốc sư. Sau đó, chúa cử Quốc sư Quả Hoằng đi Quảng Đông mời hòa thượng Thích Đại Sán sang Thuận Hoá hoằng pháp. Hòa thượng Thích Đại Sán nhận lời và đến Thuận Hóa vào ngày 28-1-Ất hợi (03-3-1695)[1]. Vừa đến Thuận Hóa, Hòa thượng được mời vào phủ Dương Xuân yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu ngay. Đến nửa đêm chia tay, Quốc sư Quả Hoằng đưa Hòa thượng về trú tại chùa Thiền Lâm.
Trú tại chùa Thiền Lâm, Hòa thượng Thích Đại Sán cảm thấy không được thoải mái, bởi vì “Nhà ở tối tăm chật hẹp chẳng đủ chỗ chứa 10 người, ban trưa còn thắp đuốc”.
Hòa thượng phóng bút viết một chùm thơ 5 bài “Thiền Lâm tức sự”, trong đó có những chi tiết mô tả chùa Thiền Lâm lúc bấy giờ:
“Non xanh một dải chiều u ám
Xương trắng nghìn mô khói tỏa phong”
Hoặc là:
“Chùa dựng cầu cao chất ngất
Xuyên ngang gò núi một đường thông”...
H.5. Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự. Sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII. Nxb Viện Đại học Huế. Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 1963.
[1] Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sư, Sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII. Nxb Viện Đại học Huế. Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 1963, tr.35.