LỜI GIỚI THIỆU

 

Lịch sử Tây Sơn chỉ có 31 năm (1771-1802). Trong thời kỳ phát triển, phong trào Tây Sơn đã lần lượt đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài, đập tan cuộc xâm lược của 5 vạn quân Xiêm trên dòng sông Mỹ Tho, đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long, xóa bỏ tình trạng chia cắt kéo dài trên hai thế kỷ, đặt cơ sở để khôi phục quốc gia thống nhất. Trong các thủ lĩnh Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người khởi xướng và có công lớn trong giai đoạn phát triển đầu của cuộc khởi nghĩa cho đến năm 1786. Nguyễn Huệ là người đảm đương những trận đánh lớn như trận Phú Yên năm 1773, những trận đánh đuổi quân Nguyễn ở Gia Định, đặc biệt trận Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785, trận Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 và đưa phong trào Tây Sơn phát triển đến đỉnh cao nhất. Trong ba chính quyền Tây Sơn, chính quyền của Hoàng đế Quang Trung (1788-1792) cũng có nhiều cống hiến nhất trong công cuộc canh tân dựng nước. Quang Trung Nguyễn Huệ là thủ lĩnh kiệt xuất nhất của Tây Sơn, là một anh hùng dân tộc, là một thiên tài quân sự, chỉ có thắng chưa hề bại. Từ 18 tuổi theo anh khởi nghĩa năm 1771 cho đến lúc từ trần năm 1792 lúc 39 tuổi, trong 21 năm liền, cuộc đời của Quang Trung Nguyễn Huệ là một bản anh hùng ca tuyệt vời.

Vì vậy mọi người Việt Nam, ai cũng muốn biết không những võ công lẫm liệt, những trang sử oai hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ mà còn muốn biết rõ cái chết và lăng mộ của vị anh hùng đó. Theo chính sử triều Nguyễn thì sau khi đánh bại chính quyền Nguyễn Quang Toản, năm 1802 Nguyễn Ánh đã sai quật lăng mộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, giã nát hài cốt vất đi, đem hai đầu lâu giam vào ngục thất. Nhưng lăng mộ ở đâu, còn dấu tích gì không, làm sao phát hiện và xác minh? Nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra những câu hỏi đó và giành gần 40 năm thu thập tư liệu, điều tra khảo sát thực địa, đưa các hướng nghiên cứu rồi trao đổi, hội thảo, tranh luận với niềm tin thế nào cũng tìm ra đáp số. 

Trong những kết quả tìm tòi, khảo sát mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đạt được cho đến hôm nay, tôi đánh giá cao nhất là việc phát hiện ra chùa Thiền Lâm trên gò Dương Xuân, nay ở số 150 Điện Biên Phủ, thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Các tư liệu địa chí chép không rõ và nhất quán về vị trí của ngôi chùa, khi thì thuộc xã An Cựu, khi thì ấp Bình An, tên chùa hiện nay lại ghi là chùa Thuyền Lâm. Vì vậy phải qua nhiều lần đối chiếu, giám định tư liệu và nhất là qua khảo sát ngôi chùa trên thực địa mới xác định được chắn chắn vị trí của chùa Thiền Lâm. Tôi cũng đã có dịp thăm ngôi chùa này dưới sự hướng dẫn của anh Nguyễn Đắc Xuân. Cuối thế kỷ XIX, khi chính quyền Pháp mở con đường nối thẳng từ sông Lợi Nông (An Cựu) đến đàn Nam Giao gọi là Nam Giao tân lộ, khoảng những năm 1889-1898, đã cắt ngôi chùa thành ba phần: phần giữa bị san bằng làm đường và hai phần chùa còn lại ở hai phía đông, tây. Một hiện tượng đập vào mắt người khảo sát, nhất là dưới góc nhìn khảo cổ học, ngôi chùa đã trải qua một lần bị phá hủy nặng nề. Rất nhiều gạch, ngói các loại, nhiều chân cột bằng đá, nhiều tấm đá, nhiều di tích kiến trúc bị đập phá.  

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia