2. Khu vực nằm trên gò Bình An (một phần cắt của gò Dương Xuân cũ), đúng vào vị trí phía bắc đàn Nam Giao;
3. Địa thế chỗ cao (đỉnh gò còn móng tường thành đọan), chỗ thấp (hồ bán nguyệt, suối Tiên);
4. Khu vực có biểu hiện nhiều kiến trúc khác nhau, chỗ nhà ông Oánh với giếng nước gần hồ bán nguyệt; trên đỉnh gò còn sót lại móng chân tường thành; giếng Trường Bia dành cho lính gác và lính bắn súng thần công, đá táng cột cung thất giải hạ rải rác nhiều nơi;
5. Trong khu vực Phủ có một cái ao, đó là hồ bán nguyệt, bờ ao bên ngoài dân chúng có thể bái lạy kêu oan, có thể nghĩ đó là khu vực bên kia suối Tiên sau lưng chùa Kiều Đàm và trước mặt chùa Sư nữ hiện nay như Pierre Poivre chỉ dẫn;
Ngoài năm nét chính trên, cuộc khảo sát còn bổ túc thêm yếu tố cát địa, khẳng định cơ sở chính của Phủ có hướng tây bắc - đông nam, phù hợp với tập quán xây dựng cung thất của vua chúa phương Đông.
Đến đây chúng ta có thể yên tâm về địa điểm của Phủ Dương Xuân:
Địa điểm Phủ Dương Xuân như vậy cũng không có gì gọi là khó tìm, thế tại sao những người viết Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức cũng như đời Thành Thái - Duy Tân đều không biết ở vào chỗ nào ? ("Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ"). Phải chăng Phủ Dương Xuân bị đập phá chôn sâu, làm cho mất tích vì có liên quan đến Cung điện Đan Dương - Đan Dương Lăng của vua Quang Trung ? Hai kiến trúc ấy có liên quan gì với nhau không ? Xem tiếp phần sau sẽ rõ.
Chú thích Chương Sáu
[1]. Tương đương: dài 12m, rộng 1,5m.
[2]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa bộ QGGD, SG. 1961, tr.118-119.
[3]. Lúc sinh thời Sư bà Diệu Không cho tôi biết hồi đầu thế kỷ XX, vùng Cồn Bông Sứ và Cồn Bàng ở hai bên suối Tiên là vùng đất đồi hạn chế canh tác. Sư bà Diệu Hương - người sáng lập chùa Diệu Đức vốn là Phi tần của Cựu hoàng Thánh Thái nên mới mua lại được của ông Thượng thư Nguyễn Đình Hiến để lập chùa Diệu Đức sau nầy. (Xem A.037).
[4]. Lê Nguyễn Lưu (dịch), Văn bia Cổ kính trùng viên thuyết, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ (TTH), số 2 (24), Huế 1999, tr. 125-133 ; xem thêm Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, H.1993, số thứ tự 1024, tr. 553-554
[5]. Theo ông Nguyễn Minh Vân (còn có tên Nguyễn Dân Trung, tức Nguyễn Đình Quãng, con trai Phó bảng Nguyễn Đình Hiến), hiện ở tại số 5, ngõ 359, đường Âu Cơ, P. Nhật Tân, Q. Tây Hồ, Hà Nội.
[6]. Khảo sát hai đầu trụ đá hình chóp nón nầy khiến tôi nhớ đến một trụ đá có hình chóp tương tự ở phía sau chùa Thiên Mụ. (Xem. A.066). Trong một lần thuyết minh cho tôi và nhà báo Minh Thu (Thành phố Hồ Chí Minh) các nhà sư chùa Thiên Mụ cho biết trụ đá ấy họ đã tìm thấy dưới sông Hương. Có lẽ trụ đá đó của ngôi chùa cũ đã từng bị Phong trào Tây Sơn cải tạo để làm đàn Tế Đất hồi cuối thế kỷ XVIII và vứt các phế liệu xuống sông. Họ còn cho biết dưới lòng sông Hương trước chùa Thiên Mụ nếu được khai quật sẽ còn tìm thấy nhiều vật liệu cổ nữa.
[7]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, bản dịch của Viện Sử học, tập I, tr.180.