ván gỗ kiền kiền, dưới mái nhà có máng hứng nước từ trên chảy xuống; có cây cối trồng xen cạnh, những gốc sung, xoài, cây mít lớn vừa người ôm. Trong vườn sau có núi non bộ xây với những hòn đá lạ mắt, lại có ao vuông, hồ bán nguyệt với những cây cầu vồng và nhà hóng mát (thủy tạ) cất ở giữa hồ. Những bức tường trong tường ngoài thảy được xây dày đến vài tất, lại có những hình tượng, rồng, hổ, lân, phượng và hoa cỏ đắp tô bằng mảnh sứ và vôi". [9]
Ba kiến trúc Phủ Dương Xuân (ở gò Dương Xuân), Điện Trường Lạc và Hiên Duyệt Võ (ở cánh đồng Bầu Vá phía trước lăng Tuy Lý Vương, Phường Đúc ngày nay) có những nét chung đặc biệt như thế. Cùng thời với Phan Huy Chú, các sử thần triều Nguyễn, tác giả Đại Nam thực lục tiền biên (khởi thảo 1821, viết xong 1844) cũng viết : “Ở thượng lưu sông Hương lại có Phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Hiên Duyệt Võ. Đều chạm vẽ hết sức tinh xảo. Ở vườn hậu uyển thì có non bộ, đá lạ, hồ vuông, hào cong, cầu vồng, thủy tạ...”. [10]
Bản thảo sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức và cả bản biên sọan lại và in thời Duy Tân (1913) ở tập Thừa Thiên phủ (tập Thượng) đều viết về Gò Dương Xuân là :
«GÒ DƯƠNG XUÂN. Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng phẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam Giao (NĐX nhấn mạnh), phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng.
Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khái-quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân nầy. Đời vua Hiển Tôn năm Canh Thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả Thủy, đào đất 1 cái ấn đồng có khắc chữ:“Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ). [11] (Xem A.039 và A.040).
Chiến tranh với Tây Sơn (hoặc hoạt động trả thù Tây Sơn) đã làm cho nhiều di tích ở vùng Bình An ngày nay bị hư hại nặng, đặc biệt là các chùa. Nhưng chỉ hư hại về kiến trúc chứ địa điểm xây dựng, nền móng của các kiến trúc ấy làm sao có thể hư hại đến mức mất tích được? Lúc ấy chiến tranh hai bên chưa có vũ khí hủy diệt như bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki trong Thế chiến hai. Mà bom nguyên tử có hủy diệt người ta cũng định vị được địa điểm những kiến trúc đã có trước đó ở chỗ nào. Sau khi nhất thống được đất nước, triều Nguyễn cho trùng tu, sửa chữa hết các chùa. Vì sao nhà Nguyễn không cho tìm và phục hồi Phủ Dương Xuân? Hơn một thế kỷ qua chưa một nhà sử học Việt Nam và ngoại quốc nào quan tâm và đặt ra câu hỏi đó cả.
*
* *
Qua những tư liệu trên ta có thể biết được những đặc điểm của Phủ Dương Xuân như sau:
- Nằm trên gò Dương Xuân, phía bắc đàn Nam Giao, cùng hướng với Cung điện Đan Dương và chùa Thiền Lâm;
- Được xây dựng trên cái gò hơi xa sông một chút; và có một cánh nhìn ra phía sông;
- Địa thế chỗ cao chỗ thấp;
- Nhỏ hơn cung điện chính ở Phú Xuân nhưng có nhiều kiến trúc cung, thất;
- Trong khu vực phủ có một cái ao (bờ ao bên ngoài phủ dân chúng thời bấy giờ có thể đến bái lạy kêu oan);
- Chúa thường ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng.