CHƯƠNG BỐN

Chùa Thiền Lâm chồng chất những bí ẩn

          

1. Thiền Lâm, ngôi chùa lịch sử

            Chùa Thiền Lâm thuộc hệ phái Tào Động, khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Theo các bài vị còn thờ ở chùa Thiền Lâm và bia tháp còn tìm thấy thì chùa do Hòa thượng Khắc Huyền hiệu là Như Tư (viên tịch vào năm 1706) khai sơn. Vị tổ thứ hai là Hòa thượng Hưng Liên hiệu là Quả Hoằng, là quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu [1]. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am dành riêng cho người thân trong gia đình các chúa tụng niệm mỗi lần họ lên trú đông ở Phủ Dương Xuân. 

            Chùa Thiền Lâm lúc đầu thuộc Phủ chúa, vì thế khoảng năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Thích Đại Sán (xem A.016). từ Quảng Đông sang, chúa mời Hòa thượng về trú ở chùa Thiền Lâm. Về sau, trong bút ký Hải ngoại kỷ sự, Hòa thượng Thích Đại Sán cho biết chùa chỉ có: “ba gian lợp bạch mao" [2], với vị trí: “dựng ở đầu cao chất ngất, xuyên ngang gò núi một đường thông" và: "đôi dòng nước biếc tưới ven biền" [3]. Vì thế Hòa thượng Thích Đại Sán than phiền với chúa Nguyễn Phúc Chu là chùa: “chật hẹp không được khoan khoái” [4], chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho vừa lính vừa thợ chừng một ngàn người làm việc trong ba ngày thì hoàn thành: “một tòa phương trượng 5 gian, 32 cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu 5 gian, 20 cột” [5] . Từ đó Thiền Lâm trở thành một ngôi đại tự. Chùa có thể chứa hàng ngàn tăng chúng đến thọ giới. (Xem A. 017).

Gần năm mươi năm sau, thời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát) chùa Thiền Lâm lại được đại trùng tu. Lần đại trùng tu nầy không được sử sách nhà Nguyễn viết, chúng ta chỉ có thể biết được qua thơ văn của Phan Huy Ích. Mở đầu bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: “Tự tại Dương Xuân xã sơn, thử ư cựu Võ Hiếu Vương thời, viện vũ cao xưởng...” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân, bắt đầu dựng từ đời Võ Hiếu Vương, nhà cửa cao to) [6]. (Xem lại A.013).

Sau năm 1786, Phong trào Tây Sơn chiếm được Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên - cậu ruột của vua Quang Toản lại chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh Thái sư. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị Võ Văn Dũng "đảo chính" bắt giết, chùa Thiền Lâm rơi vào hoang phế tạm dùng làm kho than.

Thời Gia Long, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu quyên tiền trùng tu. Đến cuối thế kỷ XIX (khoảng năm 1878-1898), Kỹ sư Kiều lộ Sali thực hiện chủ trương của Thực dân Pháp mở Nam Giao Tân Lộ (nay là đường Điện Biên Phủ) [7], con đường mới xuyên qua khu vực xây dựng chùa, nên chùa bị dời qua phía tây [8] (số 150 Điện Biên Phủ hiện nay)(xem A.018 và A.019), và một số lăng mộ, bia tháp các vị tổ cũng bị dời. Thuở khai sáng chùa Thiền Lâm được các chúa chăm sóc, gìn giữ, nhưng gần 200 năm qua chùa Thiền Lâm xuống cấp đến nỗi không mấy ai ở Huế biết đến. Cho mãi đến tháng 7 năm Canh ngọ (1990), công sức của Thượng tọa Thích Chơn Trí và đệ tử của ông gây dựng mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.

Trang tiếp theo Trang trước 
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia