CHƯƠNG MỘT
Những sự kiện của một khúc quanh lịch sử
Nhiều sử sách cho biết vua Quang Trung đã mất đột ngột trong hoàn cảnh rất khó khăn của đất nước.
1.1.Việc nước việc nhà nhiều điều bối rối
Cuối năm 1790, vua Quang Trung đòi nhà Thanh phải trả lại đất 6 châu thuộc Hưng Hóa đã bị nhà Thanh chiếm. Nhà Thanh lấy cớ là cương giới đã xác định nên không trả. Vua Quang Trung quyết tâm củng cố quân đội và thực lực trong nước để đòi cho kỳ được phần đất đã mất [1]. Tháng 6 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đã cử Võ Văn Dũng dẫn đầu một sứ đoàn sang Trung Quốc để cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng [2]. Giữa hai thời điểm ấy, lại còn xảy ra nhiều sự kiện đau đớn: năm 1791, bà chính hậu họ Phạm - người được vua Quang Trung sủng ái nhất (mẹ đẻ của Thái tử Quang Toản) - mất. Sự kiện này làm cho vua Quang Trung, theo các nhà truyền giáo phương Tây lúc ấy, “đau đớn đến phát điên” [3]. Không rõ tình hình diễn ra như thế nào mà tin tức truyền vào Quy Nhơn đến nỗi khiến cho anh Ông là Nguyễn Nhạc có thể nhầm là “Quang Trung đau đớn đến chết”. Nguyễn Nhạc không những không thương tiếc mà ngược lại, ông còn vui mừng dẫn một đoàn quân trực chỉ ra Thuận Hoá để “tiếp thu Phú Xuân”. Không ngờ, khi ra gần đến An Cựu, Nguyễn Nhạc mới biết mình nhầm và quay đầu trở lại [4]. Sự kiện đó chứng tỏ mâu thuẫn nội bộ trong phong trào Tây Sơn đã lên đến đỉnh điểm. Chắc chắn điều đó cũng đã làm cho nỗi đau đớn của vua Quang Trung tăng lên gấp bội. Nguyễn Ánh ở Gia Định lúc bấy giờ đã nắm được thời cơ ấy, đích thân chỉ huy Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe và khí giới của Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi.
Sau cuộc tấn công chớp nhoáng, binh đội và nhân dân Quy Nhơn - Quảng Ngãi rất nao núng và cho rằng họ đã “đụng phải thần binh”[5]. Để khơi dậy tinh thần cho quân dân hai tỉnh quê hương của Phong trào Tây Sơn, vua Quang Trung phải trực tiếp gửi một tờ Hịch phê phán quân dân hai tỉnh đã mất cảnh giác để cho quân “Gia Định” chiến thắng bất ngờ. Tờ Hịch có đoạn viết:
“Trẫm thấy sở dĩ chúng đánh chiếm được đất và giữ được đất của các ngươi cho tới ngày nay, không phải vì chúng giỏi mà chính vì quan quân và dân chúng hai phủ đã không dám đánh nhau với chúng (tức quân Gia Định). Bộ binh của các ngươi đã hèn nhát bỏ trốn.”
Để cho quan quân hai phủ Quảng Ngãi - Quy Nhơn yên tâm, vua Quang Trung hứa:
“Trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân...vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ