Ông Thượng Khánh theo lời ông nói là cháu nội bốn đời của Hoàng tử Lê Duy Mật. Ông nội của ông là “con trai của Lê Duy Mật và là cháu gọi NGỌC HÂN bằng cô ruột”, đã kể lại cho ông nghe rằng:
Vua Quang Trung đã bị NGỌC HÂN cho uống thuốc độc.
Ông Thượng Khánh thuật lại lời ông nội ông đã kể cho ông nghe lúc ông còn nhỏ, cách đây gần 40 năm. Ông thuật rất tỉ mỉ, thuật từ khi Lê Lợi dựng nhà Hậu Lê cho đến khi NGỌC HÂN công chúa về với nhà Tây Sơn và ám sát vua Quang Trung bằng độc dược.
Vì sao NGỌC HÂN lại ám sát chồng như thế?
Theo ông Thượng Khánh là vì bà ghen với công chúa Tàu!
Ông Thượng Khánh kể:
“..Vua Quang Trung đã được vua Càn Long phong làm An Nam quốc vương..Vua Quang Trung muốn mở mang bờ cõi nước Việt Nam sang đến Quảng Đông, Quảng Tây, nên sai Ngô Thời Nhiệm thảo sớ sang Bắc Kinh cầu hôn với công chúa con vua Càn Long. Trong sớ không quên nhắc nhở đến lưỡng Quảng là đất của nước Việt Nam xưa. Vậy nếu Thiên triều có gả công chúa thì xin cho hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây làm của hồi môn.
“…..Cái thảm hại của 29 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị rước lấy cách đây không lâu, vua Càn Long đâu có quên, nên không muốn gây hấn cùng vua Quang Trung, và lúc ấy Trung Hoa đang bị đảng Hưng Hán diệt Mãn đe dọa đến ngôi cửu ngũ của vua Càn Long, nên thấy sớ cầu hôn thì chấp thuận liền…….
“….Muốn cho tình giao hảo hai nước được lâu dài, vua Càn Long còn tính một mặt cứ cho đem công chúa lên đường sang Việt Nam và một mặt vua Quang Trung phải thân ra biên ải để đón vợ. Và lễ động phòng hoa chúc sẽ lập ra ở chổ mà hai bên gặp nhau.
“Sứ bộ Việt Nam lên đường về nước, liền cho người cầm hỏa tốc bài phi ngựa về Phú Xuân báo cáo mọi tình hình….
“Tin mừng đó đến với Nguyễn Huệ. Tất cả triều đình đều hoan hỉ. Vua Quang Trung rất vui vẻ hớn hở với cái mộng thu hồi lưỡng Quảng và được làm rể vua Tàu.
“ NGỌC HÂN công chúa biết được tin ấy, không vui mừng. Nàng thẩn thờ như kẻ mất trí, vì quá ghen với công chúa Trung quốc sắp được làm hoàng hậu.
“Con gái vua Càn Long sẽ cướp mất ngôi hoàng hậu của NGỌC HÂN.
“Nguyễn Huệ lấy NGỌC HÂN làm vợ chỉ vì muốn lấy lòng vua Lê và toan tính cướp ngôi nhà Lê, bây giờ nhà Lê không còn nữa, Nguyễn Huệ lại muốn kết duyên cùng con gái vua Càn Long để lợi cho quốc sách của chàng. Cho nên chàng có thể bỏ bê hờ hửng NGỌC HÂN để chìu ý của hoàng hậu mới của Trung quốc. NGỌC HÂN không ghìm được lòng ghen hờn. Trong một lúc uất hận và cuồng trí, NGỌC HÂN đã nhất định giết chết Nguyễn Huệ để trả thù cho mối tình của NGỌC HÂN sắp tan vở và trả thù cho nhà Lê.
“ Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên nét mặt của NGỌC HÂN. Vương hân hoan bưng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè NGỌC HÂN đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dỡ bữa cơm, tiến lại ngã lưng trên long sàng và giãy giụa một lúc rồi tắc thở luôn.
“ Tin vương bị băng hà đột ngột, quần thần đều cho là vua chết vì chứng “thượng mã phong” chớ không ai ngờ là chết vì thuốc độc cả.”
Mà thuốc độc ở đâu mà NGỌC HÂN có sẳn để bỏ? Ông Thượng Khánh kể rằng:
“…..Vua Lê Chiêu Thống phải bỏ hết cả cơ nghiệp nhà Lê, theo gót Tôn Sĩ Nghị sang Tàu luôn….
“Lúc bây giờ hai đám nghĩa quân của nhà Lê tìm cách liên lạc được với công chúa. Một thiếu nữ cùng dòng dõi công thần nhà Lê, mà thuở bé đã được vào cung học và chơi với công chúa, vâng lệnh vào Phú Xuân tìm công chúa để trước là dò la tin tức và tình hình nội bộ của Tây Sơn, sau tìm cách giết Nguyễn Huệ bằng một thứ thuốc rất mạnh do đám nghĩa quân miền Bắc chế ra theo môn gia truyền của dân thượng du. Thứ thuốc độc này nếu nhỏ vào rượu chừng vài ba giọt, màu sắc và hương vị của rượu không có chút gì thay đổi. Nhưng uống trôi qua cổ họng là người bị đầu độc cảm thấy bần thần khó chịu rồi tắc thở luôn.
“Gặp công chúa thiếu nữ trình mọi lẽ….
“NGỌC HÂN nghe kể tự sự, bằng lòng nhận lãnh món độc dược và hẹn sẽ thi hành sứ mệnh và cho thiếu nữ của đám nghĩa quân về Bắc.
“Nhưng công chúa đã không làm gì cả. Nàng đã tôn kính Nguyễn Huệ như một vị anh hùng, không nỡ giết.
“Không dè tình thế lịch sử xui khiến NGỌC HÂN sẳn món độc dược kia mà ám hại chồng”.
Tôi phải trích dẫn những lời của ông Thượng Khánh để cho các bạn không đọc Phổ Thông số 62 khỏi mất công tìm đọc.
Đọc những lời của ông Thượng Khánh, chắc các bạn cũng như tôi đều có cảm giác rằng thuật giả đã ở một bên vua Quang Trung và NGỌC HÂN công chúa nên mới biết rành rõi từng cử chỉ, từng hành động của hai người để thuật lại một cách tỉ mỉ như thế.
Nhưng chúng ta thử hỏi: Vua Quang Trung băng hà một cách đột ngột, quần thần đều cho là nhà vua chết vì chứng “Thượng mã phong”. Như vậy thuật giả lúc bây giờ ở đâu mà biết rõ được rằng nhà vua chết vì thuốc độc và thuốc độc ấy do công chúa NGỌC HÂN bỏ? Không lẽ công chúa thuốc chồng rồi lại đi nói cho người ngoài biết, dù người đó là thân nhân của bà? Nếu như lúc ấy đã có người biết rằng công chúa thuốc chồng thì cả triều đình Tây Sơn lại không biết sao?
Ông Thượng Khánh nói rằng việc công chúa NGỌC HÂN ám sát vua Quang Trung có chép trong gia phả của họ ông mà quyển gia phả ấy hiện nay không còn vì bị V.M đốt năm 1947?
Nghĩa là ông Thượng Khánh không có một cái gì để chứng minh rằng những lời ông thuật lại là “không phải bịa đặt”.
Nhưng dù quyển gia phả của họ ông vẫn còn cũng không thể tin chuyện công chúa thuốc chồng là chuyện có thật, vì ai kể lại cho người chép gia phả chép?.Ai đã biết được hành vi bí mật của công chúa NGỌC HÂN nếu hành vi quả có thật? “Người thiếu nữ của đám nghĩa quân nhà Lê” lúc ấy đã về Bắc rồi, còn ông nội ông Thượng Khánh lúc ấy lẽ tất nhiên là không ở trong cung vua Quang Trung thì ai đã thấy được “sự thay đổi trên nét mặt của NGỌC HÂN” ai đã thấy được NGỌC HÂN bỏ thuốc độc vào rượu? Ai đã thấy được “vua Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dỡ buổi cơm, tiến lại ngã lưng trên long sàng và giãy giụa một lúc rồi tắc thở luôn”? Và ai nói cho biết rằng vị thuốc độc mà NGỌC HÂN dùng để suốt chồng là vị thuốc độc do người thiếu nữ của đám nghĩa quân nhà Lê đã trao cho công chúa?
Thật khó tin quá!!!
Đó là việc kín ở trong cung, việc riêng của công chúa NGỌC HÂN. Bây giờ chúng ta thử kiểm lại việc vua Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh và cái chết của vua Quang Trung mà các sách sử có chép.
Để khỏi mất công các bạn lục sách tìm tài liệu để so sánh, tôi xin giới thiệu quyển Quang Trung của Hoa Bằng, một quyển sách viết rất công phu và dựa trên nhiều tài liệu xác thực.
Theo những tài liệu mà tác giả quyển Quang Trung thâu thập được thì việc vua Quang Trung cầu hôn công chúa Mãn Thanh có thật, nhưng mỗi sách chép mỗi khác. Nhiều sách chép rằng:
“Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung sai sứ bộ sang Thanh định yêu sách nhà Thanh hai việc: cầu hôn và đòi đất lưỡng Quảng. Nhưng khi sứ bộ sang đến nơi thì được tin vua Quang Trung mất, họ bèn dìm tờ biểu “khiêu khích” ấy đi mà đổi làm tờ biểu “cáo ai” báo tin buồn cho triều Thanh biết”.
Còn theo gia phả họ Vũ do Vũ Vinh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng, soạn năm 1870 thì Vũ Văn Dũng được sắc phong làm chức Chánh sứ đi sang Tàu, toàn quyền trong việc xin lại hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây, để dò ý, và cầu hôn một vị công chúa để chọc giận. Vũ Văn Dũng sang Tàu dâng tấu chương xin vua Càn Long hai việc ấy. Hai việc đều được chuẩn y, nhưng vua Thanh chỉ ưng cho một tỉnh Quảng Tây để làm đất đóng đô mà thôi. Vua Thanh lại sai bộ Lễ sửa soạn nghi lễ việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang Nam đẹp duyên với Quang iua Càn Long bằng lòng gả công chúa chưa về đến Việt Nam thì vua Quang Trung đã băng rồi. Nghĩa là vua Quang Trung mất trước khi công chúa NGỌC HÂN có cớ để ghen.
Chắc có bạn sẽ cãi: “Không cần đợi có tin vua Càn Long bằng lòng gả con, công chúa NGỌC HÂN mới nổi ghen. Công chúa nổi ghen ngay khi biết rằng vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hôn vậy”. Xin thưa: Công chúa NGỌC HÂN vốn người học thức. Việc vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hôn, mục đích là để chọc tức vua Càn Long và để dò tình hình bên địch, chớ phải đâu để mong vui thú chăn gối. Việc cầu hôn ấy chắc chi vua Càn Long chấp thuận. Công chúa NGỌC HÂN không lẽ không biết những điều ấy mà đến mức nổi ghen giết chồng?
Cái lý vì ghen mà giết vua Quang Trung không thể đứng vững được.
Thêm nữa: Quang Trung là một ông vua, bên mình thiếu chi ngự y. Nếu quả nhà vua ngộ độc thì lẽ nào đâu các ngự y lại không nhận biết được? Mà đã nhận biết được thì lẽ đâu triều đình lại bỏ qua mà không mở cuộc điều tra để tìm bắt thủ phạm? Không lẽ NGỌC HÂN công chúa có đủ quyền thế để trấn áp không cho việc bí mật phát giác? Mà nếu việc bí mật đã giữ được trong vòng bí mật thì làm sao gia đình ông Thượng Khánh biết được để ghi vào gia phả?
Thật là phi lý!
Vậy vua Quang Trung mất vì bệnh gì?
Ông Hoa Bằng trong sách Quang Trung cho biết rằng nhà vua mất về bệnh “huyễn vận”. Ông Hoa Bằng, để chứng thực việc vua Quang Trung bị bệnh rồi mất như thế nào, có trích dịch một đoạn sử chữ Nho rằng:
“ Một hôm, buổi chiều, Huệ đang ngồi chợt huyễn vận…rồi sẩm tối gục xuống, hồi lâu mới tỉnh…Từ ấy bệnh trở nặng, bèn vời Nghệ An Trấn phủ Trần Quang Diệu về bàn thiên đô ra Nghệ An..” Nhưng việc thiên đô chưa quyết định xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Qua ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) nhà vua băng.
Ông Thượng Khánh bảo rằng những điều các sử gia chép đó đều sai cả, chỉ những điều ông nói ra mới đúng sự thật.
Nhưng “sự thật” của ông đưa ra không có bằng chứng, thêm có nhiều chi tiết không hợp lý chút nào. Sự thật tôi nhất định là do trí tưởng tượng của người chép gia phả họ ông tạo thành.
Tôi dám quả quyết như thế vì ngoài những điểm phi lý đã nêu trên, trong bài ông Thượng Khánh còn có nhiều điểm sai hẳn sự thật. Như “ Vua Lê Hiển Tôn vì nhu nhược bị quyền thần họ Trịnh xưng chúa, thành ra kinh đô Bắc Hà bị cái nạn vua Lê chúa Trịnh…” như việc vua Lê Hiển Tôn vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra Thăng Long coi việc nước v.v..
Hoặc ông Nguyễn Thượng Khánh không xem lịch sử Việt Nam hoặc gia phả ông chép sai. Họ Trịnh chuyên quyền và xưng Chúa ngay sau khi giết được họ Mạc, đưa vua Lê về Thăng long (1592) chớ có phải đợi đến đời vua Lê Hiển Tôn (1740-1786) mới xưng Chúa đâu. Còn khi Nguyễn Hữu Chỉnh nắm binh quyền ở Nghệ An thì vua Lê Hiển Tôn đã băng hà rồi còn đâu mà vời Chỉnh. Vời Chỉnh về Thăng Long là vua Chiêu Thống. Những cái sai ở những điểm ấy cũng không lấy gì làm tai hại. Rất tai hại là điểm Lê Duy Mật.
Lê Duy Mật theo Hậu Lê thế phổ là con vua Dụ Tôn Duy Đường (1706-1729) và là em ruột Lê Đế Duy Phương (1729-1732) Thuần Tôn Duy Tường (1733-17350), Y Tôn Duy Trì (1735-1740). Và đối với vua Lê Hiển Tôn (1740-1786) thì hoàng thân Lê Duy Mật ở về hàng chú vì Lê Hiển Tôn là con vua Thuần Tôn.
Như vậy nếu nội tổ của ông Thượng Khánh là trưởng nam hoàng thân Lê Duy Mật thì NGỌC HÂN chúa phải kêu ông cụ bằng chú, chớ sao ông cụ lại kêu NGỌC HÂN bằng cô? Vì NGỌC HÂN là con gái vua Lê Hiển Tôn kia mà (1)
Thêm nữa sử chép rằng: Năm Mậu Ngọ (1738) đời vua Y Tôn, hoàng thân Lê Duy Mật cùng hoàng thân Lê Duy Quý, Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng việc không thành, bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Quý và Duy Chúc bị bệnh mất. Duy Mật chiêu tập binh sĩ chống cùng họ Trịnh. Năm Kỷ Sửu (1769) Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt đem quân vào đánh. Duy Mật định giữ thế hiểm, không ra đánh. Không ngờ người con rể là Lại Thế Chiêu làm phản, mở cửa lũy cho quân Trịnh vào. Duy Mật biết có nội biến, bèn cùng vợ con tự đốt mà chết. (Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim).
Như vậy hoàng thân Lê Duy Mật đã mất năm 1769, còn vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu năm Kỷ Dậu (1789), tức là 21 năm sau, thì làm gì có thể có “đám nghĩa quân theo hoàng tử Lê Duy Mật chạy vào mạn Hà Đông, Hòa Bình để chiêu quân mãi mã gây dựng lại cơ nghiệp nhà Lê”, sau khi Nguyễn Huệ đuổi quân cướp nước chiếm lại được thành Thăng Long, như lời ông Thượng Khánh đã kể?
Sao lại có sự sai lầm đến thế??
Những điểm sai lầm này cho chúng ta thấy rõ rằng: Đến những việc đã có sử sách chép sờ sờ ra đó mà Thượng Khánh còn nói sai, huống hồ những việc ở trong thâm cung mà từ xưa đến nay không có sách nào chép, không nghe ai nói.
Tôi tin rằng Thượng Khánh đã kể lại một cách trung thành những gì ông cụ tổ của ông đã kể. Song ông quá tin lời ông cụ, không xét kỹ lại lịch sử nên ông đã vô tình đưa ra một nguồn sử liệu thất thiệt.
Cổ nhân thường dạy rằng: Nghe một điều gì mà chúng ta chưa xét lại kỹ lưỡng hoặc không có bằng cớ để chứng minh thì chúng ta không nên kể lại, nhất là điều ấy có thể làm thương tổn danh dự kẻ khác.
Ông Thượng Khánh đã làm tổn thương danh dự NGỌC HÂN công chúa không nhiều thời ít mặc dù đọc ông các bạn đọc đã thấy rõ là ông đã nói sai sự thật quá nhiều.
Tục ngữ có câu: “Một lời nói té vàng, té bạc; một lời nói làm toạc xương mông” Cho nên cổ nhân dạy: “nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”[1]
CỔ BÀN NHÂN (Quách Tấn)
(Quách Giao sưu tập từ Báo Lành Mạnh, số 60 /1- 9-1961, tr. 4-6)
[1] Nội tổ ông Thượng Khánh đã nói rằng;
- Các con có biết hoàng tử Lê Duy Mật là ai không? Ta chính là con trai trưởng của người đó.
Ông cụ lại nói:
- Người giết vua Quang Trung là CÔ RUỘT của ta, là NGỌC HÂN công chúa.
Nếu ông cụ là con Lê Duy Mật thì là anh em thúc bá cùng vua Lê Hiển Tôn. NGỌC HÂN công chúa con gái vua Lê Hiển Tôn, phải kêu ông cụ bằng chú. Chớ nếu ông cụ kêu NGỌC HÂN công chúa bằng cô ruột thì hóa ra hoàng tử Lê Duy Mật là con vua Hiển Tôn còn gì? Theo Hậu Lê thế phổ thì vua Hiển Tôn là cháu hoàng thân Lê Duy Mật, gọi hoàng thân bằng chú.
Theo Hậu Lê thế phổ thì vua Hiển Tôn có hai hoàng tử là Duy Vĩ và Duy Cẩn. Duy Vĩ mất sớm nên sau khi vua Hiển Tôn băng con Duy Vĩ là Duy Kỳ lên ngôi cửu ngũ, niên hiệu Chiêu Thống. Duy Cẩn và NGỌC HÂN là anh em ruột. Hay là ông cụ là trưởng nam hoàng tử Duy Cẩn nên kêu NGỌC HÂN bằng cô mà ông Thượng Khánh nói lộn là Duy Mật chăng?
Nhưng nếu ông cụ là trưởng nam hoàng tử Lê Duy Cẩn thì việc lập nghĩa quân ở miền Trung để chống nhà Tây Sơn không thể có được vì sau khi vua Chiêu Thống bỏ chạy thì Nguyễn Huệ tôn Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn lên làm giám quốc coi việc hương hỏa cho nhà Lê…
Ông Thượng Khánh muốn “nhân dân viết sử cho đúng” sao lại đưa ra những sự kiện không đúng với sự thật như thế?