Kỳ 2:Bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung : Cuộc kiếm tìm 30 năm

TT – Có một thầy giáo vật lý đã gác hết mọi việc để lao vào giải bài toán Ba Vành mà anh gọi là “phương trình nửa thế kỷ”. Đó là thầy Trần Viết Điền, giảng viên khoa vật lý Trường đại học Sư phạm Huế. Năm đó (1986), sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu lăng Ba Vành và gửi đi các nơi, cụ Nguyễn Hữu Đính nhắn Trần Viết Điền đến gặp và trao tập nghiên cứu cho anh đọc. Không ngờ công việc nghiên cứu lăng vua Quang Trung đã khiến anh giảng viên vật lý theo đuổi cho đến tận hôm nay. Nếu công trình của cụ Đính rơi vào im lặng, thì lời giải Ba Vành của Trần Viết Điền lại tạo ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thuyết minh về

tấm bia đã bị đục sửa ở lăng Ba Vành – Ảnh: Ngọc Dương

Lăng Ba Vành không phải của Lê Quang Đại

Sau khi đọc xong công trình của cụ Đính, Trần Viết Điền đã tiến hành các cuộc nghiên cứu thực địa lăng Ba Vành, thuê người phát quang cây cối, vạch tìm từng viên đá, từng dấu vết hiện trạng.

Trần Viết Điền đồng ý với lập luận của cụ Đính: lăng Ba Vành không thể của ngài Lê Quang Đại, vì một vị quan của chúa Nguyễn không thể làm lăng to lớn hơn cả lăng chúa; về phong thủy, hướng huyệt mộ, quy mô, kiến trúc, trang trí, bia mộ… đều mang đặc điểm của lăng mộ đế vương

Tuy nhiên, Trần Viết Điền không đồng ý với cụ Đính ở lập luận: triều Tây Sơn đã ngụy trang lăng vua Quang Trung thành lăng Lê Quang Đại. Một triều đại lừng lẫy như Tây Sơn không thể làm cái việc trái khoáy đó.

Trần Viết Điền đặt vấn đề: nếu không ngụy trang thì dứt khoát ngài Lê Quang Đại phải có một cái lăng ở chỗ khác. Hay nói cách khác, muốn xác định lăng vua Quang Trung thì phải đi tìm lăng Ý đức hầu Lê Quang Đại.

Năm 1988, Trần Viết Điền đã tìm thấy trong khuôn viên của đình làng Xuân Hòa (xã Hương Long, TP Huế) có một ngôi mộ có kiến trúc đồng đại với hàng chục ngôi mộ của các vị quan thời chúa Nguyễn.

Cụ thể có hai vòng thành, một bia đá có dòng văn tự khắc rõ nét: “Bổn thổ Hộ Bộ kiêm Binh Bộ hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ Lê Quý Công chi mộ”.

Rà soát thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, có bốn vị quan Hộ Bộ kiêm Binh Bộ, trong đó có ngài Lê Quang Đại. Trần Viết Điền cho rằng lăng của ngài Lê Quang Đại chính là đây.

Chuyên gia về Tây Sơn Đỗ Bang (lúc đó giảng dạy ở khoa lịch sử Trường đại học Tổng hợp Huế) và chuyên gia Hán – Nôm Trần Đại Vinh (giảng viên khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế) đều bác bỏ lập luận này.

Một cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra giữa Trần Viết Điền và hai nhà nghiên cứu này. Hội thảo “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” do UBND TP Huế chủ trì vào ngày 22-9-1988 đã kết luận: lăng Ba Vành chưa rõ chủ nhân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu.

Sơ đồ lăng Ba Vành do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền vẽ

 

Lăng Ba Vành đã bị trừ yểm?

Một ngày cuối năm 2015, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu Trần Viết Điền trở lại khu lăng mộ đã cuốn hút ông suốt 30 năm qua. Ngôi lăng Ba Vành được nhắc đến suốt hơn nửa thế kỷ, giờ lau sậy bụi bờ đã bao phủ. Nhưng đứng từ xa đã nhìn thấy quy mô khá lớn của lăng.

Hiện trạng cho thấy ngôi lăng có ba vòng thành hình móng ngựa. Cổng tam quan dẫn vào lăng đã bị sụp đổ, chỉ còn lại hai trụ lớn. Cấu trúc khu lăng có đầy đủ các yếu tố phong thủy: tả long – hữu hổ (rồng chầu bên trái, hổ phục bên phải), tiền trì – hậu chẩm (trước có hồ, sau có gò đất để gối lên).

Ông Điền chỉ vào hồ nước trước mặt lăng đã bị bồi lắng qua thời gian nhưng vẫn còn nhìn thấy hình dạng như nửa hình tròn.

“Chỉ lăng vua hoặc mẹ vua mới được phép có tân nguyệt trì tức hồ trăng non và cổng vào lăng là tam quan, còn lại thì chỉ một cửa. Hướng chính của huyệt mộ này là hướng đế vương.

Quy mô của lăng lớn hơn hẳn tất cả các lăng chúa Nguyễn. Hãy quan sát toàn cảnh, sẽ thấy phong thủy này không thể của một người bình thường được” – ông Điền say sưa thuyết minh.

Đi vào trong lăng, thấy có một ngôi mộ đắp hình mai rùa đã bị vạt một mảng lộ ra một hố như dấu hiệu của sự đào bới.

“Không phải người ta đào lấy hài cốt đâu, vì hố đào rất nhỏ và cạn. Đây là một trong những dấu hiệu của việc trấn yểm. Một cách phá hủy khôn ngoan hơn mà người xưa thường hay làm” – ông Điền nói và chỉ cho chúng tôi xem những dấu trấn yểm khác trên tấm bia đá trước mộ.

Góc trái phía trên tấm bia đã bị chém đứt. Trên mặt bia, phía trái dòng lạc khoản (dòng chữ nhỏ viết tên họ, ngày tháng trên các bia, bức họa hay đối trướng) có khắc một chữ La (thiên la địa võng), trên đầu bia lại đục hình một lưỡi mác nhỏ.

Ông Điền nói đó là dấu hiệu yểm trừ, có nghĩa là “đã bắt được”.

Không bỏ cuộc

Những lập luận và phân tích của ông Điền vẫn chưa thể thuyết phục giới chuyên môn, khiến ông quyết tâm cao độ hơn.

Ông tiếp tục trở lại làng Đồng Di, nơi được cho là quê hương của ngài Lê Quang Đại, để tiếp tục chứng minh vị quan này có lăng mộ ở làng Xuân Hòa.

Ông chỉ ra những điểm mâu thuẫn, sai lệch, mơ hồ trong việc đưa vào lăng Ba Vành một ngôi mộ mới, đắp lên tấm bia đá nguyên gốc một lớp vữa và ghi lại nội dung khác.

Ông cho rằng bộ hồ sơ về Ý đức hầu Lê Quang Đại (mà các nhà nghiên cứu trước đó dẫn ra) là hồ sơ giả, khớp với tấm bia đá giả, và những dấu hiệu bất thường trên mộ, bia và cửa tam quan bị phá…

Các ý kiến của ông Điền trên các diễn đàn đều bị phản bác quyết liệt, thậm chí phủ nhận toàn bộ. Ông quyết định chứng minh bằng phương pháp khảo cổ học.

“May mắn cho tôi, mới đây các đồng nghiệp vật lý báo tin Viện Khoa học vật liệu đã nhập được máy đo niên đại bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang quang phổ, với sai số 5%. Tôi sẽ dành số tiền dành dụm cuối đời cho việc này”.

Tuy nhiên, ông Điền nói trước khi làm việc đó thì cần phải thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ học khu lăng mộ Ba Vành, mà việc này cá nhân ông không thể làm được.

Trong các cuộc hội thảo về lịch sử tại Huế, ông Điền luôn tha thiết đề nghị GS Phan Huy Lê cho thực hiện một cuộc khai quật lăng Ba Vành, nhưng GS Lê vẫn im lặng một cách rất thận trọng.

“Chỉ cần một cuộc khai quật là mọi chuyện sẽ rõ ngay, vì mọi bí ẩn đều đang nằm dưới đó. Nếu không phải là lăng vua Quang Trung thì sẽ giúp nhiều người an lòng mà chuyển sang hướng tìm kiếm khác!” – ông Điền nói như thể là lời cuối cùng.

Ông Điền đã mất nhiều công sức để rà soát tấm bia và phát hiện người ta dùng búa để sửa “Cảnh Thịnh nguyên niên tứ nguyệt” (tháng tư năm Cảnh Thịnh thứ nhất, tức năm đầu tiên vua Quang Toản lấy niên hiệu Cảnh Thịnh 1793, tạo lập lăng vua cha) bị sửa thành “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt”, tức năm 1746 là năm mất của Lê Quang Đại.

“Phải chăng vua Gia Long đã cho làm việc đó thay vì cho đập phá bình địa thì vẫn để lại một đống đổ nát. Chỉ cần vài nhát búa sửa lên văn bia là sẽ tạo ra một sự sai lệch, xem như đã bị xóa bỏ tận gốc” – ông Điền giải thích.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia